Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế ASEAN không thể phát triển “trong bóng tối”

Cứ năm người dân ở khu vực ASEAN thì có một người không thể tiếp cận được với điện. 
kinh te asean khong the phat trien trong bong toi
Ảnh minh họa (Nguồn: Điện tử VTV)

Chỉ riêng ở Myanmar, có khoảng 36 triệu người (tương đương với 68% dân số) sống mà không có điện. Trong khi đó ở Indonesia, 25% dân số không được tiếp cận với nguồn điện để đảm bảo một cuộc sống có chất lượng tốt hơn.

Ngay cả những cơ sở sản xuất điện hiện tại trong khu vực cũng đã khá cũ kỹ, hoạt động không hiệu quả và đặt xa các vùng thiếu nguồn điện. Ước tính, có khoảng 70% các nhà máy điện lâu đời nhất thế giới nằm ở châu Á. Đến năm 2040, ASEAN cần thêm 354 gigawatts công suất điện nữa. Do đó, Hiệp hội cần đầu tư khoảng 618 tỷ USD trong sản xuất và khoảng 690 tỷ USD cho phân phối điện.

Do có một số khu vực nằm xa hệ thống lưới điện, nên sản lượng sản xuất của Myanmar đã bị giảm 25%, con số này của Campuchia là 18%. Ở một số quốc đảo như Indonesia, Philippines, nơi dân số được phân bổ rải rác trên các đảo, thì việc đảm bảo mạng lưới điện đồng đều là thách thức lớn. Chính điều này đã, đang và sẽ tác động lớn tới sự phát triển của khu vực.

Thống kê của Công ty năng lượng APR (có trụ sở tại Mỹ) cho thấy rằng khả năng tiếp cận điện có thể thay đổi cuộc sống của con người. Nếu các nước đảm bảo tốt được nguồn nguyên liệu, thì GDP có thể cao hơn 6 lần; tuổi thọ trung bình có thể tăng lên 20 năm; thất nghiệp có thể giảm 33% và thu nhập bình quân hàng tháng có thể tăng 10 lần.

Chỉ có 4 nước Đông Nam Á bao gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan xếp hạng trên mức trung bình về chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc, dựa trên các tiêu chuẩn như tuổi thọ, giáo dục, mức sống… Các nước khác như Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Philippines đều có chỉ số HDI dưới mức trung bình.

Ở nhóm nước có chỉ số HDI cao hơn mức trung bình, năng lượng điện khá phổ biến, người dân đa phần tiếp cận được nguồn điện. Nhưng ở các nước có chỉ số HDI thấp thì thực tế hoàn toàn ngược lại. Với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), để lợi ích của AEC có thể được cảm nhận bởi tất cả các nước thành viên, ASEAN phải cấp thiết đảm bảo sự hội nhập của khu vực thông qua các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển. Việc tạo điều kiện để người dân ở các nước ASEAN có thể tiếp cận điện dễ dàng hơn cũng là một cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực và thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hằng Phạm (theo Jakarta Post)