Đà phục hồi tại khu vực ASEAN được duy trì tốt, môi trường tăng trưởng mạnh mẽ. (Nguồn: The Malaysian Reserve) |
Đà phục hồi ấn tượng
Tại Việt Nam, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, ở mức 6,42%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,37% so với cùng kỳ, nằm trong mức kiểm soát. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Đặc biệt, điểm nhấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam nữa đó là những thành tựu trong thương mại quốc tế.
Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt tới 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Ở Indonesia, 6 tháng đầu năm 2022, quốc gia này ghi nhận mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư và xuất khẩu.
Chi tiêu hộ gia đình được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch và tăng cường tiêm chủng. Xuất khẩu tăng nhờ nhu cầu ổn định và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, chẳng hạn như than đá, dầu cọ và niken.
Cùng đà tăng trưởng 5% như Indonesia, quý I/2022, Malaysia phát huy lợi thế là nhà xuất khẩu ròng dầu khí lớn, quốc gia xuất khẩu dầu cọ thứ hai thế giới.
Đến quý II/2022, quốc gia này ghi nhận mức tăng trưởng 8,9%, vượt kỳ vọng. Khu vực dịch vụ và sản xuất của Malaysia là những lĩnh vực chính hoạt động tốt trong quý II. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi sự phục hồi liên tục của thị trường lao động, nhu cầu trong nước mở rộng và khả năng xuất khẩu bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực điện và điện tử.
Với việc mở cửa từ sớm, kinh tế Singapore cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương đối ấn tượng. Trong quý II/2022, GDP đạt 4,8%. Lĩnh vực sản xuất của Singapore trong quý 2/2022 đạt mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn chút ít so với mức tăng 7,9% của quý trước.
Lĩnh vực xây dựng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 1,8% của quý 1/2022.
Còn tại Thái Lan, trong quý II năm nay đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,3% trong quý trước đó, góp phần giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng 2,4% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Việc mở rộng chi tiêu tiêu dùng khu vực tư nhân và xuất khẩu dịch vụ, cũng như sự phục hồi của ngành du lịch sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 đã cho phép các hoạt động kinh tế tại quốc gia này trở lại mức bình thường.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Frederic Neumann tại Ngân hàng HSBC nhận định: "Những gì bạn đang thấy ở Đông Nam Á vào lúc này là kinh tế tăng trưởng rất mạnh mẽ và điều đó có thể sẽ kéo dài sang nửa cuối năm nay".
Các chuyên gia cũng cho rằng, đà phục hồi tại khu vực ASEAN được duy trì tốt, môi trường tăng trưởng mạnh mẽ, các tín hiệu tích cực này có khả năng kéo dài trong nửa cuối năm. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của cả khối ASEAN ở mức 4,8 % trong năm nay và sẽ tăng lên 5,2% vào năm sau.
ADB dự báo, tăng trưởng kinh tế của cả khối ASEAN ở mức 4,8 % trong năm nay. (Nguồn: camday.new) |
Tạo động lực tăng trưởng bền vững
Những tháng còn lại của năm 2022, có nhiều yếu tố khiến các kinh tế lớn trong khu vực ASEAN phải “e ngại”. Đơn cử như sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu, giá năng lượng tăng cao do căng thẳng địa chính trị, cuộc chiến Covid-19 vẫn chưa kết thúc, lạm phát tăng cao và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của ASEAN.
Bên cạnh đó, những hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu cũng vang lên mạnh mẽ trong ASEAN. Báo cáo gần đây của trường Đại học Công nghệ Nam Dương và Đại học Glasgow ước tính, ASEAN có thể mất hơn 35% GDP vào năm 2050, vì biến đổi khí hậu đe dọa các lĩnh vực then chốt như du lịch.
Báo cáo có tiêu đề “Phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 ở Ðông Nam Á” của Ngân hàng ADB cũng nhận định, chặng đường phục hồi kinh tế của các nước ASEAN vẫn còn không ít chông gai.
Việc tháo gỡ các nút thắt và xác định những ưu tiên để bảo đảm kinh tế khu vực phục hồi mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới đã trở thành chủ đề được khu vực quan tâm hàng đầu.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN 26 do Campuchia chủ trì, các đại biểu tham dự đã vạch ra ba ưu tiên hành động của ASEAN, bao gồm phục hồi nền kinh tế, thích ứng linh hoạt và gắn kết.
Với tư cách nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, Campuchia khẳng định sẽ quan tâm chặt chẽ việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy thương mại và xúc tiến đầu tư, hỗ trợ hội nhập tài chính ASEAN một cách sâu rộng với các đối tác, thúc đẩy triển khai các hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực và tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững để huy động thêm nguồn lực cho hồi phục kinh tế.
Giám đốc ADB khu vực Ðông Nam Á Ramesh Subramaniam cho hay, để tạo động lực tăng trưởng bền vững, các chính phủ tại Ðông Nam Á cần can thiệp theo ngành nghề và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện cơ sở hạ tầng và liên kết nội vùng mạnh mẽ hơn nữa.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức mới đối với ngành du lịch. Bởi vậy, để vực dậy “ngành công nghiệp không khói”, các chuyên gia thuộc Ngân hàng ADB cho rằng, ASEAN cần kích cầu du lịch thông qua các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, tiêu chuẩn du lịch an toàn hơn, dịch vụ du lịch đa dạng hơn, tuyển chọn nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn…
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cần chú trọng phát triển thương mại điện tử - ngành đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở khu vực. Ðồng thời, cần nâng cao tính năng động của ngành công nghiệp điện tử, xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành như phối hợp nhịp nhàng hơn giữa doanh nghiệp địa phương, các công ty quốc tế và chính phủ.