Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế cảng biển Quảng Ninh đang 'chuyển động'

Từ năm 2019 đến nay, Quảng Ninh có những chuyển biến tích cực nhằm đưa kinh tế cảng biển phát triển bứt phá hơn, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong dài hạn.
Kinh tế cảng biển Quảng Ninh đang chuyển động
Phối cảnh dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, TP. Móng Cái, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN)

Quảng Ninh có lợi thế riêng biệt, nổi trội khi sở hữu 250km đường biển, gần 800 km đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu và là cửa ngõ đường biển của khu vực, nằm trên các tuyến vận tải biển quốc tế.

Cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, chủ yếu là than, xăng dầu, hàng rời phục vụ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, máy móc công nghiệp phụ trợ…

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển

Giai đoạn năm 2019-2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 104 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua khối cảng biển đạt 22,4 tỷ USD; lưu lượng hành khách vận tải biển đạt gần 112.000 lượt khách; tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt gần 7.500 tỷ đồng (tăng 16,6%/năm); tổng thu ngân sách nhà nước qua khu vực cảng biển bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.

Với việc duy trì đà tăng của cảng biển, tỉnh đã tháo gỡ được những điểm nghẽn rất lớn từ công tác quy hoạch cho đến đầu tư hạ tầng giao thông kết nối.

Hiện tại, 13 bến cảng trên địa bàn tỉnh được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở rất quan trọng để ưu tiên quỹ đất phát triển dịch vụ logistics và dịch vụ hậu cần sau cảng, từ đó thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển cảng biển Quảng Ninh.

Vì vậy, tỉnh tập trung huy động, thu hút mọi nguồn lực, chủ yếu là nguồn lực ngoài ngân sách, để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng giao thông kết nối cảng biển.

Ngày 24/10/2021, Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP. Móng Cái) chính thức khởi công. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích trên 82ha, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư.

Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024. Theo thiết kế, Bến cảng có bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT (đơn vị đo tổng năng lực vận tải an toàn của một tàu thủy tính bằng tấn) hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT; bến sà lan, cầu dẫn, kho bãi đồng bộ, hạ tầng hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang khẳng định, cảng Vạn Ninh có vai trò đặc biệt không chỉ đối với các tỉnh, thành trong nước, mà còn cả khu vực ASEAN, hướng đến thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á.

Việc hình thành một cảng biển tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái sẽ hình thành tuyến vận tải ven biển lớn nhất, tạo ra sự chuyển dịch lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu từ đường bộ xuống đường biển, tạo đầu mối dịch vụ logistics tổng hợp phục vụ cho thương mại biên giới.

Trong 3 năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát tổng thể bến cảng, luồng lạch, bến phao neo để đánh giá, điều chính quy mô, chức năng phù hợp với định hướng phát triển cảng biển của tỉnh.

Tin liên quan

Quảng Ninh khẳng định sức hút, lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI

Quảng Ninh khẳng định sức hút, lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu toàn quốc về điểm số PCI

UBND tỉnh cũng ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư với Bến cảng tổng hợp Con Ong (TP. Cẩm Phả) để đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 200.000 DWT, hỗ trợ kết nối với hệ thống bến khác trong khu vực.

Việc khởi công Bến cảng Vạn Ninh và triển khai kêu gọi đầu tư đối với các cảng còn lại được đánh giá là những dự án tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho tỉnh, hiện thực hóa chiến lược phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển.

Nâng sức cạnh tranh cho ngành logistics

Dù sở hữu nhiều lợi thế, song việc phát triển cảng biển Quảng Ninh vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ công nghiệp, dịch vụ sang dịch vụ, công nghiệp, tức là dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất, chú trọng phát triển logistics. Đây là một xu thế phù hợp, bởi hiện nay, bên cạnh hoạt động sản xuất, dịch vụ là một lĩnh vực phát triển rất nhanh.

Khi xác định được logistics là dịch vụ quan trọng, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả, mở rộng các hoạt động để phát huy hiệu quả tối đa tiềm năng logistics.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra, Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng.

Theo đó, tỉnh dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 gần 58.700 tỷ đồng, riêng năm 2021 là gần 11.700 tỷ đồng.

Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm tạo bàn đạp thu hút đầu tư ngoài nhà nước để hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển tại một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng như: Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong...

Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics của tỉnh tiến tới hiện đại hóa, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Quảng Ninh cũng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển thêm 3-5 dịch vụ cảng biển mới; 2-3 doanh nghiệp cung ứng tàu biển; 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh dịch vụ đại lý hàng hải; 2-3 hãng tàu biển quốc tế tham gia khai thác tuyến vận tải đi và đến tỉnh; phát triển tối thiểu 3-5 doanh nghiệp vận tải, logistics, 1-2 doanh nghiệp lớn đầu tư dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang xem xét thí điểm, cho phép các tàu biển có trọng tải lớn chở than nhập khẩu về chuyển tải tại khu neo đậu Hòn Miều (TP. Hạ Long) để các hãng tàu biển phát triển tuyến, chuyển hàng trực tiếp đến cảng biển Quảng Ninh. Từ đó có thể thu toàn bộ thuế nhập khẩu mặt hàng than và một số mặt hàng khác vào ngân sách tỉnh.

Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu công nghiệp Deep C tại thị xã Quảng Yên nhận định, với những lợi thế sẵn có về giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Quảng Ninh có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cảng biển một cách đột phá.

Theo ông Soenens, nếu tỉnh sớm có hạ tầng cảng biển và dịch vụ hậu cần đồng bộ sau cảng, chắc chắn sẽ tác động tích cực lên tốc độ, quy mô vận chuyển hàng hóa, nhất là trong bối cảnh Quảng Ninh đang thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Quảng Ninh thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Quảng Ninh thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Ngày 29/4, tại Cung Quy hoạch Hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công ...

Du lịch Hè 2022: Quảng Ninh đẩy mạnh kinh tế về đêm, hoàn thiện điểm đến trọn vẹn

Du lịch Hè 2022: Quảng Ninh đẩy mạnh kinh tế về đêm, hoàn thiện điểm đến trọn vẹn

Quảng Ninh sớm đón đầu xu hướng và làm mới các sản phẩm du lịch, từ phố đêm du thuyền đến hàng loạt dịch vụ ...