📞

Kinh tế châu Á chịu tác động do khó khăn của phương Tây

09:11 | 09/12/2011
Kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là ở lĩnh vực xuất nhập khẩu đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Tờ New York Times (Hoa Kỳ) ngày 7/12 cho biết, quyết định cắt giảm lãi suất của Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã cho thấy hiện nay các khó khăn kinh tế ở châu Âu và Hoa Kỳ đang ảnh hưởng đến khu vực được xem như phát triển năng động nhất thế giới này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy yếu.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải gánh chịu các khoản nợ của các hộ gia đình và chính phủ cao như ở châu Âu và Hoa Kỳ. Các ngân hàng châu Á cũng ít bị ảnh hưởng trước khoản nợ của châu Âu, nghĩa là bất cứ sự vỡ nợ nào sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng phần lớn khu vực châu Á-Thái Bình Dương lệ thuộc và coi phương Tây như một thị trường tiềm tàng để tiêu thụ các loại sản phẩm của khu vực. Vì thế khi nhu cầu chững lại ở Hoa Kỳ và châu Âu đã khiến mức tăng trưởng xuất khẩu từ châu Á suy giảm trong những tháng gần đây.

Ngân hàng Trung ương Australia nhấn mạnh những nỗi lo ngại đó và ngày 7/12 quyết định hạ giảm lãi suất lần thứ 2 trong 2 tháng, từ 4,5% xuống 4,25%.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Glenn Stevens, cho rằng hiện nay, xuất nhập khẩu ở châu Á đang bị tác động lớn bởi tình hình kinh tế rối loạn ở châu Âu. Khó khăn của các ngân hàng và nợ chủ quyền ở châu Âu, mà hiện các chính phủ châu Âu vẫn đang tìm kiếm biện pháp để đối phó, có khả năng tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khu vực đồng Euro trong thời gian tới. Gần đây, các nhà phân tích cũng ngày càng lo ngại các ngân hàng châu Âu có thể cắt giảm rất lớn các khoản cho vay của họ ở châu Á.

Rob Subbaraman, Kinh tế trưởng phụ trách châu Á của Tập đoàn Nomura, hôm 6/12 khẳng định mặc dù giai đoạn này chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy các ngân hàng cho vay của châu Âu sẽ ngừng các khoản cho vay, nhưng nhiều khả năng điều đó sẽ xảy ra nếu tình hình châu Âu ngày càng xấu hơn. Các thị trường cổ phiếu và chứng khoán châu Á cũng đang chứng kiến giới đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu rút các khoản tiền đầu tư về nước.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á có khả năng linh hoạt hơn các đồng nghiệp châu Âu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cắt giảm tỷ lệ lãi suất hoặc các sáng kiến về thuế. Hơn nữa, các ngân hàng ở châu Á có khả năng thanh toán tiền mặt rất lớn và có thể giúp cung cấp tài chính để bổ sung các khoản thiếu hụt nếu các ngân hàng châu Âu trong khu vực ngừng hoặc rút các khoản cho vay.

Mặc dù có lo ngại về tác động nói trên nhưng các chuyên gia khẳng định, bất chấp tình trạng rối loạn ở phương Tây, kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn sáng sủa.