📞

Kinh tế Đức kỳ vọng vào Đông Nam Á

20:08 | 21/11/2014
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức - Sigmar Gabriel đang có chuyến thăm bốn ngày đến Việt Nam nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế Đức tại thị trường Đông Nam Á.
Hội nghị APK lần thứ 14 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh.

Nhật báo FAZ (Đức) ngày 18/11 có bài viết về chuyến công du đến Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức - Sigmar Gabriel. Bài báo có viết, chuyến thăm bốn ngày đến Việt Nam của Phó Thủ tướng Gabriel nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế Đức tại thị trường Đông Nam Á. “Toàn bộ Châu Á-TBD đã trở thành một khu vực tăng trưởng có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Đức” – ông Gabriel đã phát biểu như vậy trước ngày lên đường tại Berlin.

Việt Nam hiện là một trong các đối tác chủ chốt của Đức ở khu vực. Từ 2003 đến 2013, xuất khẩu của Đức vào thị trường này đã tăng năm lần, đạt 1,9 tỉ Euro. Tuy nhiên, đặt trong tương quan với Trung Quốc thì quan hệ thương mại với Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ông Gabriel sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp lớn cùng với một số Nghị sĩ đến Hà Nội và dự Hội nghị Doanh nghiệp Đức – châu Á – Thái Bình Dương (APK) 14 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cùng ngày, tờ Tin tức Tài chính của Đức cũng có bài về APK với chủ đề chính của hội nghị năm nay là các xu thế và triển vọng của Châu Á và kinh tế thế giới. Theo tờ báo này, lợi ích kinh tế của Đức ở khu vực ngày càng tăng, đến tháng 8/2014, châu Á – Thái Bình Dương chiếm 14,3% xuất khẩu của Đức, trị giá 106 tỉ Euro, nhưng tiềm năng của thị trường này vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Hội nghị APK năm nay kéo dài từ ngày 20 – 22/11, tại TP. Hồ Chí Minh, mở ra nhiều cơ hội lớn trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, đầu tư thương mại không chỉ với Việt Nam là nước chủ nhà, mà còn rộng hơn nữa là khu vực châu Á - Thái bình Dương ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp Đức. Bên cạnh những nước lớn ở Đông Á, 10 nước ASEAN cũng có vai trò kinh tế và chính trị quan trọng, trong đó có Việt Nam là một trong những đối tác chính của Đức trong khu vực này.

Việt Nam- Đức có mối quan hệ lịch sử lâu dài, tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua đã gây được sự chú ý của giới kinh tế Đức, Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức khi các doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại châu Á. Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính chung đến hết tháng 10/2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,34 tỷ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đức cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều hàng năm đạt xấp xỉ 10 tỷ USD. Qua hội nghị này, các doanh nghiệp Đức có cơ hội tìm hiểu về đầu tư tại Việt Nam cũng như trao đổi kinh nghiệm và đàm phán với các doanh nghiệp Việt Nam về khả năng hợp tác thương mại và đầu tư, đồng thời chuẩn bị cho Năm kỷ niệm 40 năm hợp tác ngoại giao Việt Nam - Đức (1975- 2015).

Hội nghị APK được tổ chức bởi các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại nước ngoài (AHKs), Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương của giới kinh tế Đức (APA) cùng với Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức (BMWi). Hội nghị được hỗ trợ bởi Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI), Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK), Hiệp hội doanh nghiệp Đức ở Châu Á - Thái Bình Dương (OAV), Hiệp hội các Ngân hàng Đức (BdB) và Hiệp hội Liên bang Ngoại thương, Bán buôn và Dịch Vụ Đức (BGA).

Minh Châu