📞

Kinh tế Đức 'vén mây mù', bước qua suy thoái, khó khăn đang 'càn quét' ngành chiếm tới 20% GDP

Việt An 15:24 | 31/10/2024
Mới đây, Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) cho biết, kinh tế Đức đã tăng trưởng nhẹ 0,2% trong quý III/2024. Thông tin trên khiến các chuyên gia ngạc nhiên do kết quả đảo chiều so với dự báo nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Nền kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ. (Nguồn: Shutterstock/esfera)

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Destatis, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu được thúc đẩy nhờ chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình tăng lên. Tuy nhiên, Destatis cũng điều chỉnh số liệu trong quý II/2024, theo đó nền kinh tế giảm 0,3% thay vì ước tính trước đó là giảm 0,1%.

Trước khi số liệu trên được công bố, Bộ Kinh tế Đức dự báo sẽ có “một đợt giảm nhẹ mới” trong quý III năm nay. Bộ trên cho biết: “Nền kinh tế khó có thể thoát ra khỏi giai đoạn yếu kém trong quý III/2024”.

Nếu đúng như dự báo, sau 2 quý liên tiếp GDP sụt giảm, kinh tế Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Mặc dù tăng trưởng nhẹ, song những “cơn gió ngược” đã gây thiệt hại cho ngành công nghiệp quan trọng, chiếm tới 20% GDP của Đức.

Trong báo cáo mới nhất, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) cho biết: “Lĩnh vực sản xuất đang thiếu trầm trọng đơn đặt hàng”.

BDI nhận thấy, sản lượng công nghiệp trong quý III/2024 giảm 3% so với cùng kỳ năm 2024, lưu ý rằng đây sẽ là “lần giảm thứ ba liên tiếp”, trong đó sự giảm sút đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực chế tạo ô tô hàng đầu của Đức.

Trong khi đó, lãnh đạo hãng chế tạo ô tô Volkswagen của Đức cũng thông báo đang cân nhắc đóng cửa ít nhất 3 nhà máy ở Đức và cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện.

Do phải vật lộn với chi phí cao và doanh số bán hàng chậm lại ở Trung Quốc, lợi nhuận ròng quý III/2024 của Volkswagen giảm 64% xuống còn 1,58 tỷ euro (1,7 tỷ USD).

Ngoài Volkswagen, các hãng BMW và Mercedes-Benz đều hạ triển vọng tăng trưởng hàng năm trong tháng 9/2024, do nhu cầu từ nền kinh tế lớn nhất châu Á giảm.

Những thách thức cơ cấu lâu dài đang làm gia tăng thêm những khó khăn của Đức, trong đó bao gồm cả các yếu tố như bộ máy quan liêu phức tạp, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động già và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tốn kém.

Thời gian tới, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer khẳng định, đầu tàu châu Âu cần cải cách cơ cấu cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng. Để đạt được điều này ông cho rằng Đức “có thể phải nới lỏng phanh nợ”.

Đức là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP sụt giảm trong năm 2023 và chính phủ dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ chứng kiến sự phục hồi từ năm 2025, khi lạm phát giảm và mức lương cao hơn dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng.

(theo Reuters)