📞

Kinh tế EU nỗ lực duy trì đà tăng trưởng, ECB chuẩn bị thay Chủ tịch

15:15 | 24/10/2019
TGVN. Ông Mario Draghi đang chuẩn bị rời chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vị trí sẽ được bà Christine Lagarde tiếp quản vào ngày 31/10 tới, trong bối cảnh nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải nỗ lực duy trì đà tăng trưởng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. (Nguồn: Reuters)

Theo các nhà phân tích, tại cuộc họp báo cuối cùng diễn ra vào ngày 24/10 với cương vị Chủ tịch ECB, ông Draghi sẽ “giảm nhẹ” những khác biệt quan điểm giữa các nhà hoạch định chính sách về gói kích thích tăng tưởng kinh tế đưa ra hồi tháng 9/2019 với hy vọng sẽ hạn chế tác động của họ tới hiệu quả hoạt động của ECB.

Trước đó, hồi tháng 9/2019, ECB đã quyết định khởi động lại chương trình "nới lỏng định lượng" mua trái phiếu 20 tỷ Euro (22,4 tỷ USD)/tháng kể từ tháng 11/2019, bên cạnh việc tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi xuống vùng âm, ở mức âm 0,5%.

Kể từ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch ECB vào năm 2011, ông Draghi đã phải đối mặt với tình cảnh nền kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái. Các nước với các nguồn tài chính đã chạm đến mức giới hạn do khủng hoảng tài chính như Italy và Hy Lạp, đang phải cố gắng tìm kiếm các khách hàng muốn mua trái phiếu của họ.

Các thách thức như vậy gây ra một rủi ro hiện hữu đối với đồng Euro. Phát biểu tại một hội nghị ở London hồi tháng 7/2012, ông Draghi cho hay “ECB sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để bảo vệ đồng euro và như vậy là đủ”.

ECB đã ủng hộ cam kết của ông Draghi khi thực hiện một cơ chế sẽ cho phép cơ quan này mua không giới hạn số lượng trái phiếu chính phủ của các nước thành viên để đổi lấy việc các nước thực hiện những chương trình cải cách nghiêm ngặt.

Tuy vậy, điều này cũng khiến nước Đức không hài lòng, song cũng không thành công trong việc phản đối cơ chế trên bằng cách hành động pháp lý.

Đến năm 2014, ECB phải đối mặt với một rủi ro mới là giảm phát. Trong một thời gian dài sau các ngân hàng khác, ông Draghi đã chỉ đạo ECB thực hiện chương trình “nới lỏng định lượng” từ đầu năm 2015.

Tính đến khi chương trình này đã kết thúc vào tháng 12/2019, ECB đã mua tổng cộng 2.600 tỷ Euro (2.900 tỷ USD) trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Eurozone, qua đó giúp cải thiện hiệu quả vấn đề tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, bất chấp giai đoạn kích thích tăng trưởng kinh tế kéo dài nói trên, tỷ lệ lạm phát của Eurozone vẫn thấp hơn mức mục tiêu “dưới 2%” của ECB.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ECB của ông Draghi, ECB có sự liên quan chặt chẽ với việc giữ Hy Lạp ở lại Eurozone và giúp nước này tránh được khủng hoảng tài chính. Chương trình Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) của ECB đã giúp các ngân hàng của Hy Lạp tồn tại những thời khắc khó khăn nhất.

ECB cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về những khoản vay dành cho Hy Lạp để giúp nước này bình ổn nền kinh tế trong nước để đổi lấy việc thực hiện những cải cách mạnh mẽ.

(theo AFP)