Kinh tế Mỹ, lạm phát tham gia 'trò chơi đổ lỗi' chính trị, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden tụt dốc, vận mệnh nằm trong tay giá dầu. (Nguồn: Getty Images) |
Nhưng trên thực tế thì sao?... lạm phát trong nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu giảm, mà tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tại Mỹ, lạm phát đứng ở mức cao nhất trong 40 năm với 8,6% vào tháng 5/2022, đè nặng lên chi phí cá nhân và khiến người dân nghèo hơn. Dữ liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua (30/6) cho thấy, Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 6,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PCE lõi (không bao gồm năng lượng và thực phẩm vốn dễ dao động về giá), cũng tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra.
Theo ước tính của Vụ phân tích kinh tế Mỹ, so với tháng 4, giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 0,6%, nhanh hơn nhiều so với tháng trước đó, nhưng thấp hơn mức ước tính của các nhà kinh tế. Tuy nhiên tiêu dùng cá nhân tháng 5 tăng khoảng 0,2%, giảm quá nửa so với mức tăng của tháng 4, cũng phản ánh xu hướng tiêu dùng chững lại trong bối cảnh giá cả gia tăng.
Giá cả tăng cũng là trọng tâm trong cuộc họp tuần này của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Đức. Lạm phát có thể là trọng tâm của "trò chơi đổ lỗi" chính trị trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang bắt đầu diễn ra, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, các giải pháp hiệu quả nhất đối với vấn đề này nằm ở phạm vi trên toàn cầu. Vào ngày 28/6, Nhà Trắng cho biết đang đầu tư 760 triệu USD để chống lại tác động của giá lương thực, nhiên liệu và phân bón cao.
Tổng thống Biden đầu tháng này đã chỉ trích các công ty dầu mỏ vì trục lợi trong khi giá khí đốt tăng vọt. Thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont Bernie Sanders đã đưa ra một dự luật vào tháng 3/2022 nhằm đánh thuế lợi nhuận thu được của các tập đoàn, một biện pháp tương tự như những biện pháp được ban hành trong thế kỷ 20 trong thời kỳ chiến tranh.
Ông Sanders cho biết, người dân Mỹ ngày càng mệt mỏi vì bị các tập đoàn thu lợi nhuận kỷ lục, trong khi các gia đình lao động buộc phải trả giá xăng, tiền thuê nhà, thực phẩm và thuốc kê đơn cao ngất ngưởng.
Bất kể lạm phát có phải là một vấn đề toàn cầu hay không, người Mỹ đang mong đợi chính phủ hành động trên mặt trận lạm phát và nhiều khả năng sẽ bày tỏ kỳ vọng đó tại các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Một cuộc thăm dò của NewsNation-DDHQ được công bố vào tuần trước cho thấy 97% cử tri Mỹ "rất" hoặc "phần nào" lo ngại về lạm phát, trong khi lạm phát được xếp là vấn đề hàng đầu từ 72% số người được hỏi.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm xuống còn 36%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức. Điều này khiến đảng Dân chủ và Nhà Trắng lo ngại sẽ mất đa số ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Do đó, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tìm cách kết nối với người dân.
Trong báo cáo về tình hình việc làm trong tháng 5/2022, ông Joe Biden nhấn mạnh chính quyền đảng Dân chủ đã đạt tiến triển trong việc giúp người dân Mỹ có việc làm trở lại, được thể hiện qua việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp 3,6%, với hơn 8 triệu việc làm mới được tạo ra.
Trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp lại tương đối thấp. Nói cách khác, hiện nay kinh tế Mỹ đang bước trên "cây cầu" mà một bên là thất nghiệp và phía bên kia là lạm phát. Thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay là phải cân bằng thế nào với vấn đề tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh giữa bối cảnh tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao?
Mức lạm phát lịch sự hiện là cơ sở để Fed tích cực theo đuổi biện pháp tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách đã ngụ ý khả năng cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7, thậm chí sẽ thực hiện thêm những bước đi táo bạo trong những tháng tiếp theo.
Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, một cái giá mà Chủ tịch Fed Jerome Powell từng phát tín hiệu rằng, sẵn sàng đánh đổi để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tại cuộc họp chính sách tháng 6, Chủ tịch Powell chỉ ra rằng, Fed đã không còn bận tâm đến việc phân biệt lạm phát toàn phần và lạm phát lõi. Và đối với người tiêu dùng hiện nay, lạm phát lõi hạ nhiệt không có ích là bao nếu xăng vẫn đắt.
Tuy nhiên, việc Fed tập trung vào lạm phát toàn phần lại khiến giá dầu có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu giá dầu liên tục tăng lên thì gần như Fed sẽ tự động thắt chặt chính sách tài chính quyết liệt hơn nữa. Còn nếu dầu quay đầu giảm thì Fed sẽ dễ thở hơn và có thể không cần tăng lãi suất mạnh như dự kiến.
Như vậy, giá dầu có ảnh hưởng lớn đến lạm phát, qua đó đã tác động đến các quyết định chính sách của Fed và cả chi phí của doanh nghiệp. Theo tờ Bloomberg, một trong những điều đáng chú ý khác là dầu mỏ và khí đốt không chỉ quan trọng với thị trường tài chính và Fed.
Tuần này, chi nhánh Dallas của Fed đã công bố báo cáo sản xuất mới nhất, đính kèm bình luận đáng chú ý từ những người tham gia khảo sát. Nhiều người trong số họ là chủ doanh nghiệp sản xuất, nhà quản lý doanh nghiệp lớn... chỉ ra rằng, giá xăng dầu tăng cao gần như có tác động đến mọi loại hàng hóa khác. Thậm chí có người còn cho rằng, lạm phát trong nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến khi nền kinh tế này tự chủ được về dầu mot và khí đốt.
Do đó, nhìn từ góc độ thị trường đơn thuần, giá dầu có quyền năng chi phối lớn vì Fed đang rất tập trung vào lạm phát toàn phần. Còn nhìn từ góc độ nền kinh tế thực, giá dầu cũng đóng vai trò cực lớn vì dầu ảnh hưởng đến mọi loại hàng hóa, cũng như mọi ngóc ngách trong nền kinh tế. Nói cách khác, vận mệnh của cả nền kinh tế Mỹ đều đang phải phó mặc cho giá dầu.