Trong phiên điều trần ngày 22/6, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thừa nhận kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái. (Nguồn: The Hill) |
Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề đô thị của Thượng viện Mỹ ngày 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhận định, nền kinh tế xứ cờ hoa có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Đây là lần đầu tiên ông thừa nhận kịch bản suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong thời gian tới và cũng là tuyên bố cứng rắn nhất của Chủ tịch FED về vấn đề này.
Đồng thời, trước những chỉ trích cho rằng các quyết định gần đây của FED có thể sẽ khiến nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn hơn, ông Powell thẳng thắn thừa nhận những quyết định này chắc chắn sẽ tác động không thuận tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Dù vậy, Chủ tịch FED cũng nhấn mạnh, tăng lãi suất là cần thiết để kìm hãm tình trạng “lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm qua”.
Ngày 19/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng trấn an rằng tình trạng suy thoái kinh tế nhiều người Mỹ lo sợ không phải là “không thể tránh khỏi”.
Bóng ma suy thoái
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để thuyết phục giới chuyên gia và các định chế tài chính hàng đầu.
Trong một cuộc thăm dò dư luận được Wall Street Journal tiến hành vào giữa tháng 6, các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ dự báo xác suất nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 44%. Tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với xác suất được đưa ra ở các cuộc thăm dò tương tự của Wall Street Journal hồi tháng 4/2022 (xác suất là 28%) và tháng 1/2022 (chỉ có 18%).
Đáng chú ý, xác suất dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ ở mức 44% là tương đối cao và thường gặp ở giai đoạn đầu hoặc ngay trong suy thoái. Trước đó, trong cuộc thăm dò tương tự của Wall Street Journal tháng 12/2007, thời điểm bắt đầu giai đoạn suy thoái kinh tế 2007-2009, con số này cũng đạt mức 38%.
Không chỉ các nhà kinh tế hàng đầu tham gia cuộc khảo sát của Wall Street Journal tỏ bi quan, nhiều định chế tài chính lớn cũng đã bắt đầu đưa ra dự báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ. Ngân hàng Goldman Sachs nhận định xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là khoảng 30%, trong khi dự báo của Bank of America và Citigroup lần lượt là 40% và 50%.
Những con số biết nói này rõ ràng đã cho thấy sự bi quan của các chuyên gia kinh tế về kinh tế Mỹ.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là khoảng 30%. (Nguồn: Fortune) |
Hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng?
Mặc dù giới chuyên gia thường đưa ra các cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế như trên, hiện vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng khi nào nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái. Từ trước tới nay, theo cách hiểu thông thường, một nền kinh tế rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Nền kinh tế Mỹ chỉ được xác định là rơi vào suy thoái khi Cục nghiên cứu Kinh tế quốc gia (NBER) đưa ra tuyên bố chính thức. Do đó, cho dù kinh tế Mỹ trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nền kinh tế cũng chưa được xác định là rơi vào suy thoái nếu NBER không đưa ra tuyên bố xác nhận.
Vì vậy, dù có nhiều ý kiến thống nhất đánh giá kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại song thay vì dự báo thời điểm nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, giới nghiên cứu bắt đầu đưa ra những mô hình tính toán khác nhau để dự báo kịch bản hạ cánh của nền kinh tế.
Theo sát diễn biến của nền kinh tế nhằm tham vấn cho các cuộc họp của FED, Ngân hàng Dự trữ New York mới đây đã công bố mô hình nghiên cứu, dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng giảm tăng trưởng về mức được xem là suy thoái và đưa ra xác suất về hai kịch bản hạ cánh của nền kinh tế.
Theo đó, trong 2,5 năm tới, cơ hội hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ là 10%. Như vậy, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại và có xác suất 10% sẽ giữ mức tăng trưởng dương. Ngược lại, nguy cơ hạ cánh cứng hiện lên tới 80%, khi kinh tế Mỹ thu hẹp quy mô và có ít nhất 1 quý tăng trưởng âm hơn 1%.
Nền kinh tế Mỹ chỉ được xác định là rơi vào suy thoái khi NBER đưa ra tuyên bố chính thức. Do đó, dù kinh tế Mỹ trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nền kinh tế cũng chưa được xác định là rơi vào suy thoái nếu NBER không đưa ra tuyên bố xác nhận. |
Dường như chính nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ New York đã có ảnh hưởng nhất định và phần nào khiến Chủ tịch FED Jerome Powell buộc phải điều chỉnh quan điểm và thừa nhận kịch bản kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy FED sẽ thay đổi lộ trình tăng lãi suất thời gian tới. Cũng trong phiên điều trần, ông Powell vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ còn mạnh và hoàn toàn có thể thích nghi với các chính sách tiền tệ siết chặt hơn.
Chủ tịch FED kỳ vọng rằng cơ quan này có thể giúp thúc đẩy kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế thông qua điều tiết chính sách tiền tệ. Đồng thời, nâng lãi suất vẫn được cho là cần thiết để giúp giảm nhiệt sức nóng của nền kinh tế.
Song liệu những nỗ lực của FED có thành công? Kịch bản nào chờ đợi nền kinh tế Mỹ? Chỉ thời gian mới có câu trả lời.