Chuyên gia nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt dẫn đến một cuộc suy thoái vào năm 2025 tại Mỹ. (Nguồn: Medium) |
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo ngày 2/8 cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng 7/2024 đã tăng lên gần mức cao nhất trong ba năm do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất gần 3 năm là 4,3% trong tháng 7. Mức này - tăng từ mức 4,1% trong tháng 6 và tăng từ mức thấp nhất trong 5 thập kỷ là 3,4% vào tháng 4 năm ngoái - tạo tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9.
Một cuộc suy thoái sắp đến?
Ông Gary Clyde Hufbauer, thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt “dẫn đến một cuộc suy thoái vào năm 2025”.
Tin liên quan |
Đồng Nhân dân tệ tăng - nỗi lo mới của doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc |
Ông nhấn mạnh: "Tôi dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 9 và tiếp tục cắt giảm trong các cuộc họp tiếp theo. Phản ứng đó có thể sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái".
Thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng vì lo sợ suy thoái kinh tế.
Chỉ số Dow Jones trung bình giảm hơn 700 điểm - gần 2% - trong phiên giao dịch chiều 2/8.
Chỉ số S&P 500 giảm 2% - khi các ngân hàng Phố Wall kêu gọi cắt giảm lãi suất nhiều hơn và nhiều hơn dự kiến cho đến nay.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs và Citigroup cũng đã điều chỉnh kỳ vọng về vấn đề Fed cắt giảm lãi suất. Theo đó, Fed sẽ cắt giảm nửa điểm vào tháng 9 và tháng 11, cắt giảm lãi suất một phần tư điểm vào tháng 12.
Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế tại Citigroup cho hay, người ta chỉ bắt đầu lo lắng về sự suy thoái khi họ đã ở trong giai đoạn suy thoái. "Nói đơn giản, khi bạn thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng, đó là lúc tình trạng sa thải tạm thời trở thành thất nghiệp vĩnh viễn", ông bày tỏ.
Trong khi đó, ông Ryan Sweet, trưởng nhóm kinh tế của Oxford Economics nhận thấy, khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiền, kinh tế Mỹ sẽ đi lên.
Ông nói: "Nhìn chung, người dân Mỹ có thu nhập ổn định nhưng số hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp tăng đáng kể".
"Suy thoái sẽ không xảy ra, ít nhất là ngay lúc này"
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với kịch bản nền kinh tế lớn nhất thế giới cận kề suy thoái.
Ông Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, hiện là giáo sư Đại học Harvard nhận thấy, ngoài tỷ lệ thất nghiệp, hầu hết các chỉ số khác của nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, một số thậm chí còn tăng mạnh
Ông Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics cũng khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi không thấy một cuộc suy thoái, mặc dù thị trường chứng khoán đang đỏ rực.
Báo cáo việc làm yếu hơn so với hầu hết các nhà kinh tế mong đợi và chúng tôi không loại bỏ các dấu hiệu về một thị trường lao động yếu hơn. Nhưng vẫn có những tín hiệu vui".
Có rất nhiều người đang tìm việc làm - khoảng 420.000 người đã tham gia lực lượng lao động vào tháng trước. Đây là những người mới tham gia lực lượng lao động và đó là một điều tốt - Nhà kinh tế Vanden Houten chỉ rõ.
Nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics giải thích: "Hơn nữa, cuộc suy thoái trước đại dịch Covid-19 đã có những chất xúc tác khác dẫn đến suy thoái, bao gồm nợ hộ gia đình rất cao và các khoản thế chấp mà chủ sở hữu nhà không thể theo kịp - một tình huống không hề xuất hiện trong hiện tại".
Các chuyên gia cũng nhận định, kịch bản suy thoái sẽ không xảy ra, ít nhất là ngay lúc này. Theo đó, 6 tháng tới mới là thời điểm quan trọng để đoán định sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Eric Diton, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Quỹ Wealth Alliance - một trong những quỹ được tạp chí Forbes đánh giá là tốt nhất nước Mỹ trong năm 2023 - đánh giá, nhìn vào thị trường chứng khoán những tháng cuối năm, các từ khoá nóng nhất chính là năng lượng, và dầu mỏ.
Ông Eric Diton nhận định: "Cổ phiếu ngành dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, hạ tầng đường ống dẫn dầu, năng lượng sẽ là những ngành tăng trưởng tốt. Vì bây giờ nhu cầu dùng năng lượng sẽ tăng rất cao do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI)".
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 8 để có bức tranh rõ ràng hơn về thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ. (Nguồn: Bloomberg) |
Các quan chức Fed cũng lạc quan về tiềm lực của cường quốc kinh tế số một thế giới.
Mới đây, Mary Daly, Chủ tịch Fed San Francisco cho rằng ,nhiều chi tiết trong dữ liệu việc làm củng cố niềm tin nước Mỹ chỉ chững lại, không đến mức rơi xuống vực thẳm.
Về tình trạng đáng báo động tỷ lệ nợ quá hạn với khoản vay mua ô tô, nợ tín dụng, Fed cho rằng, số liệu chưa đến mức liên quan đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mọi sự chú ý hiện đang đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 8 để có bức tranh rõ ràng hơn về thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ.
Ông Mary Daly nói rằng, cho đến lúc đó, các nhà kinh tế sẽ theo dõi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần để hiểu được tình hình thực tế.
Tín hiệu xấu với đảng Dân chủ
Tuy nhiên, dữ liệu việc làm mới nhất sẽ tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Hãng tin AP đưa tin, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, báo cáo việc làm tháng 7 là “thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đang khiến người Mỹ thất bại”.
Ông Vanden Houten cho rằng, bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế sẽ là tín hiệu xấu với đảng Dân chủ.
"Dù Tổng thống Joe Biden không còn tranh cử nhưng Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn là một phần của đảng Dân chủ và điều này có thể tác động tiêu cực đến bà", ông Vanden Houten lo lắng.
Tờ Wall Street Journal ngày 6/8 cũng đăng tải bài viết khẳng định, tình hình kinh tế bất ổn gần đây có nguy cơ củng cố quan điểm của cử tri rằng, "đầu tàu" kinh tế thế giới đang không ổn định, tạo cơ hội cho chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump chuyển sang chiếm ưu thế.
| Xuất khẩu hàng hóa 'nở rộ' nhờ CPTPP Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thực sự đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất ... |
| Người Mỹ đang chồng chất nợ Theo báo cáo về nợ hộ gia đình và tín dụng quý II/2024 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, ... |
| Quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Ninh: Từ địa phương đến thế giới Để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP, Quảng Ninh đã tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm ... |
| Đồng Nhân dân tệ tăng - nỗi lo mới của doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc Doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức mới: đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá. |
| Kinh tế Mỹ không hề rơi vào suy thoái Khi được hỏi liệu kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon khẳng ... |