📞

Kinh tế Nhật Bản: Những dấu hiệu

10:59 | 22/08/2014
Tình trạng co lại của nền kinh tế Nhật Bản trong quý II sau khi đạt tăng trưởng mạnh trong quý I, trước khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng, được cho là trong phạm vi dự đoán. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không nên kỳ vọng vào sự bật tăng trở lại trong quý III, do chi tiêu tiêu dùng yếu trong bối cảnh thu nhập ròng của người dân Nhật Bản giảm đi, hệ quả từ việc tăng thuế gây ra và vật giá tăng do đồng Yên yếu.

GDP thực chất quý II của Nhật Bản tính theo năm đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ trận động đất sóng thần tháng 3/2011 đến nay. Lý do là vì GDP quý I đã tăng quá nhanh do người tiêu dùng đổ xô mua sắm trước khi thuế tiêu dùng tăng thêm 3% kể từ 1/4. Người ta cũng đã dự báo trước được khả năng kinh tế sẽ sụt giảm vào quý tiếp theo. Tuy nhiên, liệu có phải con số tiêu cực của quý II chỉ là sự sụt giảm tạm thời để chuẩn bị cho sự phục hồi vào các tháng tiếp theo hay không?

Một dấu hiệu đáng lo ngại là mức sụt giảm chi tiêu dùng tới 5%, trong khi tiêu dùng chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản. Đây là lần sụt giảm tiêu dùng cá nhân tồi tệ nhất trong các dữ liệu so sánh từ năm 1994, giảm mạnh hơn mức giảm 3,5% trong quý tiếp theo sau khi Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4/1997. Các sản phẩm tiêu dùng lâu bền như ô tô, sản phẩm điện tử chịu sự sụt giảm mạnh nhất. Trên thực tế, ngoài việc tăng thuế và đồng Yên yếu, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao cũng khiến giá cả tăng cao, tất cả các yếu tố này khiến thu nhập ròng của người dân giảm, mặc dù nhiều công ty lớn đã tăng thu nhập cho người lao động. Thu nhập ròng của người hưởng lương đã giảm kỷ lục 3% tính theo năm kể từ tháng 4/2014 đến nay.

Thị trường lao động đã được cải thiện hơn do nền kinh tế đang phục hồi liên tiếp trong thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, tỉ lệ tuyển dụng đã lần đầu tiên đạt con số 1,1% vào tháng 6 vừa qua sau 22 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang thử bù đắp sự thiếu hụt lực lượng lao động bằng cách thuê lao động không thường xuyên, trả công theo giờ, trong khi tỉ lệ tuyển dụng mới lao động toàn thời gian vẫn thấp.

Chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe đặt ưu tiên rõ ràng cho việc cải thiện hoạt động của các tập đoàn lớn, với niềm tin rằng doanh thu tốt hơn của họ sẽ giúp tăng lương cho người lao động, từ đó tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế. Các hoạt động cung ứng tiền tệ khổng lồ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã làm cho giá trị đồng Yên giảm mạnh so với USD và làm hồi phục nhanh chóng giá cổ phiếu. Song song với việc tăng thuế tiêu dùng sau 17 năm qua, chính quyền của Thủ tướng Abe còn có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bắt đầu từ năm tài chính 2015.

Năm 2013, đồng Yên giảm giá đã mang lại doanh thu đáng kể cho nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu của Nhật Bản, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng điều đó cũng đã đặt thêm gánh nặng cho cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ do chi phí nhập khẩu tăng lên.

Chính phủ Nhật Bản cần phải xác định thật cẩn trọng xem liệu việc giảm chi tiêu tiêu dùng có phải chỉ là tạm thời, để có liệu pháp phù hợp cần thiết.

An Sinh (Theo Japan Times)