Giá xăng ở California (Mỹ) tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Los Angeles Times) |
Khi xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn phức tạp với sự can dự của Mỹ và các nước châu Âu, một số người đã suy đoán, cuộc chiến này có thể đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử toàn cầu hóa. Xung đột và thiếu lòng tin, cắt giảm đầu tư, thương mại, dẫn đến quyết định đoạn tuyệt khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau trên trường quốc tế.
Những người khác coi nỗ lực của Nga hiện nay trong việc mở các kênh thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc là dấu hiệu của một trật tự đa cực mới. Nhưng còn quá sớm để đưa ra những tiên lượng như vậy.
Tồi tệ hơn cả đại dịch Covid-19
Thực tại, nhiều nơi trên khắp thế giới, bên cạnh những phục hồi không đồng đều hậu đại dịch Covid-19 là giá hàng hóa tăng đột biến, từ lúa mì tới năng lượng; thị trường tài chính đảo lộn, chính sách tiền tệ thắt chặt… Đại dịch đã để lại cho nền kinh tế toàn cầu hai điểm dễ bị tổn thương chính là lạm phát cao và thị trường tài chính hỗn loạn. Dư chấn từ xung đột Nga - Ukraine dễ dàng làm trầm trọng cả hai vấn đề trên.
Đối với tương lai bất định của nền kinh tế thế giới, không chỉ Nga đang phải nỗ lực hết mình để lách các lệnh trừng phạt, mà nhiều nền kinh tế khác cũng vô tình bị kéo vào thế bế tắc với các khoản nợ là hệ lụy từ cuộc chiến này.
Chủ thể tham chiến là Nga đang quay cuồng trước các lệnh trừng phạt kinh tế kịch tính. Mặc dù vẫn còn những giao dịch thương mại về năng lượng nhưng Moscow đã bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Tỷ giá hối đoái của đồng Ruble về danh nghĩa có thể đã phục hồi về mức trước chiến tranh, nhưng giá trị thị trường thực tế của đồng tiền này là điều mà bất kỳ ai cũng đoán được. Không còn thị trường tự do bằng đồng Ruble hoặc tài sản tài chính mang tên nước Nga.
Điện Kremlin sẽ gặp may nếu số lượng hợp đồng chỉ giảm 10% trong năm nay. Nhưng việc các công ty phương Tây rút khỏi Nga thực tế đã gây ra cú sốc lớn. Ngay cả khi đạt được một lệnh ngừng bắn thì triển vọng phát triển lâu dài của Nga vẫn bị đánh giá là “thực sự đen tối”.
Ở phía bên kia, nền kinh tế Ukraine đã giảm tới 16% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo có thể giảm 40% vào cuối năm nay.
Ngoài hai bên tham chiến, châu Âu sẽ phải tiếp nhận dòng người tị nạn khổng lồ. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ phải đối phó với sự không chắc chắn đáng kể liên quan đến cả nguồn cung năng lượng và giá cả. Giá xăng dầu vào cuối năm qua đã dao động tới 70% trong một ngày. Các nhà kinh tế ước tính, nếu lượng khí đốt nhập khẩu của Đức bị cắt hoàn toàn, thì nền kinh tế nước này có thể giảm từ 2 đến 4%. Đó sẽ là cuộc suy thoái lớn hơn cả quy mô của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Nước Đức giàu có, nên ngay cả trong trường hợp suy thoái nghiêm trọng, vẫn còn có các nguồn lực khác để đối phó. Các nước láng giềng Đông Âu thì ở vị trí khó khăn hơn. Họ có thu nhập thấp hơn, lại đang phải hấp thụ phần lớn người tị nạn và quan trọng là họ đã phụ thuộc quá nhiều vào Nga, cả về thương mại và năng lượng.
Châu Âu đã cam kết phá vỡ sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, trong trung hạn, cuộc khủng hoảng hy vọng sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và loại bỏ thương mại toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch. Nhưng trong ngắn hạn, thách thức không phải là việc phi hạt nhân hóa mà là tìm kiếm các nguồn cung cấp mới.
Cần một chuỗi cung ứng để đánh bại một chuỗi cung ứng, nên ngay cả khi EU thành công trong việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thì điều đó lại kéo theo nhu cầu nhập khẩu các loại nguyên liệu thiết yếu khác để phục vụ mục tiêu cắt giảm lượng khí thải tham vọng, như lithium, đất hiếm và các nguyên liệu khác…
Trong khi đó, để ổn định kinh tế, mục tiêu mà cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tập trung là ngăn chặn tình trạng lạm phát tăng vọt ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Bên cạnh sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 gây ra, trong cả trung và dài hạn, lạm phát vẫn đang nhích dần lên, bởi vậy, xu hướng tăng lãi suất là không thể tránh khỏi.
Vấn đề là, trong nhiều năm lãi suất thấp hoặc bằng không và với nợ ở mức cao lịch sử, bất kỳ sự gia tăng lãi suất nào của các ngân hàng trung ương lớn đều là quyết định vô cùng nhạy cảm với toàn thế giới.
Kịch bản lạc quan nhất
Đối với tất cả căng thẳng mà thế giới đang phải đối mặt, dù khó khăn nhưng ít nhất châu Âu và Mỹ còn tiềm lực để chống đỡ, như họ đã từng làm để vượt qua đại dịch Covid-19. Nhưng ở phần còn lại của thế giới, ở các thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là những nước có các khoản nợ lớn tính bằng USD hoặc Euro, thì sự đánh đổi sẽ khó khăn hơn nhiều.
Ba kịch bản được giới phân tích đưa ra đều có thể tác động mạnh đến tăng trưởng, lạm phát và chính sách tiền tệ.
Ở kịch bản lạc quan, nếu xung đột kết thúc nhanh, sẽ giúp ngăn chặn một vòng xoáy tăng giá nữa trên các thị trường hàng hóa, giữ cho đà phục hồi của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU đi đúng hướng.
Theo kịch bản này, nguồn cung dầu và khí đốt không bị gián đoạn, giá cả ổn định ở mức hiện tại. Các điều kiện tài chính thắt chặt nhưng không có sự sụt giảm liên tục trên thị trường toàn cầu. Các ngân hàng trung ương sẽ chỉ phải điều chỉnh một phần kế hoạch chứ không phải thay thế hoàn toàn.
Kịch bản thứ hai, nếu xung đột kéo dài, phương Tây có phản ứng cứng rắn hơn và đã bắt đầu “mạnh tay” với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga, điều này có thể làm trầm trọng thêm cú sốc năng lượng và là một đòn giáng mạnh vào thị trường toàn cầu. Từ đó có thể khiến ECB và Fed phải cân nhắc sớm việc tăng lãi suất, bởi nếu giá dầu lên 120 USD/thùng, lạm phát ở EU rất có thể tiến gần 4% vào cuối năm; đối với Mỹ sẽ là 9% trong ngắn hạn và ở mức gần 6% vào cuối năm. Suy thoái ở châu Âu sẽ khiến bất ổn tài chính tiếp diễn và kinh tế thế giới trở nên mong manh hơn.
Còn nếu kịch bản xấu nhất xảy ra - dòng khí đốt đến châu Âu bị cắt, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều so với những kịch bản trên - cú sốc tăng trưởng sẽ rất lớn. Và để tránh rơi vào vòng xoáy suy thoái, ngay cả các nền kinh tế mạnh như Mỹ và EU đều sẽ phải thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính kể cả trong một nền kinh tế yếu kém.