Tập đoàn Gazprom của Nga buộc phải giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc so với kế hoạch. (Nguồn: Pars Today) |
Kinh tế thế giới
Giá cả toàn cầu trước sức ép khi Trung Quốc nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực
Do giá nhiên liệu và phân bón cao, cùng với cuộc khủng hoảng lao động liên quan đến những hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19, Trung Quốc có thể đạt sản lượng vụ Thu thấp hơn, điều có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu của nước này, từ đó tác động đến giá cả toàn cầu.
Giá lương thực trên toàn cầu tăng mạnh sau khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, nước sản xuất lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn trên thế giới, khiến giá cả tăng lên các mức cao kỷ lục.
Trung Quốc tương đối tự chủ khi đáp ứng được trên 95% nhu cầu gạo, lúa mì và ngô.
Tuy nhiên, những gián đoạn liên tiếp do các hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa và việc di chuyển của người lao động nhằm kiểm soát dịch, cùng với giá phân bón và nhiên liệu tăng cũng như các vấn đề trong việc tiếp cận thiết bị, đã khiến việc thu hoạch vụ mùa Thu các cây trồng chính như đậu tương và ngô bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi nhu cầu tại quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ tăng nhẹ cũng có thể khiến giá hàng hóa tăng mạnh.
Nhà phân tích về lĩnh vực nông nghiệp Even Pay thuộc công ty tư vấn Trivium China cho rằng, điều cuối cùng mà thị trường toàn cầu cần ngay lúc này là Trung Quốc trở thành người mua tích cực hơn.
Giá ngô chạm mức cao kỷ lục 9 năm trong tháng Tư, trong khi giá đậu tương ở mức cao 10 năm trong tháng Sáu.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng vẫn thực hiện chính sách "không Covid". Ông Pay cho rằng, điều này tác động ra sao đến sản lượng vụ tới là chưa rõ ràng, nhưng việc vận chuyển hàng hóa đến điểm đến cuối cùng trở nên khó khăn hơn do các hạn chế nhằm kiểm soát dịch ở các khu vực nông thôn, nơi người dân e dè trước sự xuất hiện của người lạ do sợ dịch lây lan.
Darin Friedrichs, người đồng sáng lập công ty nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp Sitonia Consulting, cho rằng, nếu Trung Quốc phải nhập khẩu để bù vào phần thiếu hụt, điều này sẽ có tác động lớn đến giá cả.
Hiện Trung Quốc đang tiếp tục theo dõi vụ thu hoạch lúa mì. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Lạm phát Mỹ cán mốc 8,6% trong tháng 5 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa thấy có dấu hiệu gì "hạ nhiệt".
Các chuyên gia kinh tế nhận định, áp lực lạm phát tháng 5 có thể thấy rõ trên diện rộng, nhất là do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa và nhiều khả năng lạm phát sẽ lên tới 9% vào tháng 6 này. (Reuters)
* Bộ Tài chính Mỹ ngày 14/6 cho biết Washington sẽ tiếp tục cho phép thanh toán tiền mua các sản phẩm năng lượng của Nga cho đến hết ngày 5/12 tới, qua đó các nước châu Âu có thời gian chuẩn bị cho một lệnh cấm vận dầu mỏ gần như hoàn toàn đối với Moscow liên quan vấn đề Ukraine.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh quyết định miễn trừ các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm ngặt của Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 24/6 tới.
Việc gia hạn miễn trừ "sẽ mang đến một quá trình chuyển đổi có trật tự để giúp các đối tác của Mỹ giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga khi tìm cách hạn chế các nguồn thu nhập của Điện Kremlin". (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Số liệu chính thức công bố ngày 15/6 cho thấy, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn yếu trong tháng 5/2022, do nhu cầu thấp và các hạn chế liên quan đến Covid-19 kéo dài gây cản trở tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đang kiên trì theo đuổi chính sách Zero-Covid, nhưng điều này đã đặt các công ty và người tiêu dùng vào tình thế bị “phong tỏa”, gây thiệt hại về mặt kinh tế.
Doanh số bán lẻ trong tháng 5/2022 đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng có cải thiện so với mức giảm 11,1% trong tháng 4/2022. Đây là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán lẻ sụt giảm, cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa Covid-19 kéo dài. (AFP)
* Theo tổ chức nghiên cứu Dealogic, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở châu Á, không bao gồm Nhật Bản, ghi nhận mức kỷ lục 167,4 tỷ USD kể từ ngày 1/1 đến nay.
Tuy nhiên, các hoạt động M&A tại Trung Quốc, thị trường M&A lớn nhất châu Á, đã chậm lại đáng kể trong năm 2022, giữa bối cảnh lệnh phong tỏa hai tháng phòng chống Covid-19 tại Thượng Hải và các hạn chế khác liên quan đến dịch ở nhiều địa phương khác tại nước này.
Các thương vụ mua lại tài sản của Trung Quốc có sự hậu thuẫn của các công ty đầu tư tư nhân kể từ đầu năm 2022 đến nay chỉ đạt 1,5 tỷ USD, chưa bằng 1/10 giá trị của cùng kỳ năm ngoái. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 15/6 cho biết, trong tháng 4, thâm hụt thương mại của Khu vực đồng euro (Eurozone) gần như tăng gấp đôi so với tháng trước đó sau khi tăng kỷ lục vào tháng 3, và sản xuất công nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo Eurostat, trong tháng 4, 19 quốc gia sử dụng đồng Euro ghi nhận mức thâm hụt thương mại 32,4 tỷ Euro so với mức thâm hụt 16,4 tỷ Euro trong tháng 3. Tháng 4/2021 khu vực này đạt thặng dư thương mại 14,9 tỷ Euro.
Giá trị nhập khẩu chưa điều chỉnh trong tháng 4 đã tăng vọt 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị xuất khẩu chỉ tăng 15,7%. (Reuters)
* Thông báo của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 14/6 cho hay, tập đoàn này buộc phải giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc so với kế hoạch do Siemens không trả lại kịp thời các máy nén khí (GCU) sau khi sửa chữa và các trục trặc kỹ thuật của động cơ. Hiện chỉ có 3 tổ máy có thể hoạt động được để bơm tại trạm máy nén Portovaya.
Theo đó, Gazprom chỉ có thể đảm bảo việc bơm khí qua đường ống Dòng chảy phương Bắc với khối lượng tối đa 100 triệu m3/ngày so với kế hoạch là 167 triệu m3/ngày. (TTXVN)
* Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 13/6 đã đến Israel để đàm phán vấn đề năng lượng, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu của Nga.
Bà Ursula von der Leyen có cuộc gặp với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid trong ngày 13/6 và Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong ngày 14/6 để thảo luận về hợp tác năng lượng.
Trong khi đó, ông Mario Draghi thảo luận vấn đề năng lượng và an ninh lương thực trong chuyến công du hai ngày đến Israel. (Reuters)
* Báo Độc lập (Nga) số ra mới đây có bài viết cho biết, theo giải thích của Ngân hàng trung ương Nga (BoR), việc thiếu các mặt hàng nhập khẩu quan trọng sẽ tác động đến việc tăng giá trong nước.
Trung tâm phát triển của Trường Kinh tế cao cấp (HSE) cảnh báo, lúc này, Nga không nên để lạm phát tăng cao nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra một “cuộc khủng hoảng tài chính như năm 1998”.
Một tình thế khó khăn đang nảy sinh trong nền kinh tế Nga. Nước này vừa phải đảm bảo các mặt hàng nhập khẩu quan trọng, nhưng không được để lạm phát “nhập khẩu” tăng cao kỷ lục. (TTXVN)
* Tờ The Economic Times trích nguồn thạo tin cho biết, Nga vươn lên trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ trong tháng 5/2022, đẩy Saudi Arabia lên vị trí thứ ba nhưng vẫn đứng sau Iraq, nước giữ vị trí số 1.
Vào tháng 5/2022, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ nhận được khoảng 819.000 thùng dầu/ngày của Nga, mức cao nhất hằng tháng từ trước đến nay. Con số tương ứng của tháng 4/2022 là khoảng 277.000 thùng/ngày.
Các loại dầu của Nga chiếm 16,5% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 5 trong khi con số từ Trung Đông giảm xuống còn khoảng 59,5%. (TTXVN)
* Sản lượng dầu thực vật của Nga trong tháng 4/2022 đã đạt mức kỷ lục 738.000 tấn. Sản lượng cao nhất đạt được trước đó là vào tháng 12/2020 với 700.000 tấn.
Như vậy, kể từ đầu niên vụ (tháng 9/2021), Nga đã sản xuất được 5,1 triệu tấn dầu thực vật so với 5 triệu tấn của niên vụ trước đó. (TTXVN)
* Để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ, chính phủ Đức cam kết một khoản tín dụng hàng tỷ Euro cho Gazprom Germania, công ty hiện nằm dưới quyền quản lý ủy thác của một cơ quan liên bang nước này.
Chính phủ Đức ngày 14/6 thông báo rằng Ngân hàng Tái thiết (KfW) thuộc sở hữu nhà nước sẽ cấp khoản vay có thể không phải hoàn lại cho Gazprom Germania - công ty con của tập đoàn Gazprom (Nga).
Thông báo không đề cập cụ thể tới khoản tín dụng, song theo các nguồn thạo tin, số tiền vào khoảng từ 9-10 tỷ Euro. Chính phủ Đức cũng đang xem xét khả năng chuyển khoản vay thành vốn chủ sở hữu nhằm "đảm bảo an ninh nguồn cung về dài hạn", đồng nghĩa với việc nhà nước có thể tham gia trực tiếp vào công ty này. (TTXVN)
Trong phiên giao dịch sáng 15/6, đồng Yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD trên thị trường thế giới. (Nguồn: CNBC) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Trong phiên giao dịch sáng 15/6, đồng Yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD trên thị trường thế giới trước khi tăng trở lại vào thời điểm mở cửa phiên giao dịch ở Tokyo.
Vào lúc 9h tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 135,25-28 Yen/USD, tăng mạnh so với mức 135,43-53 yen/USD ở New York và 134,42-44 Yen/USD ở thị trường này vào lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm qua.
Trước đó, trên thị trường New York, đồng nội tệ của Nhật Bản có lúc đã giảm xuống mức 135,60 Yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1998. (TTXVN)
* Báo cáo từ Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy, các đơn đặt hàng máy móc trong khu vực tư nhân trong tháng 4/2022 đã tăng 10,8% so với tháng trước đó và là tháng tăng thứ hai liên tiếp.
Theo đó, các đơn đặt hàng, không bao gồm tàu biển và đồ điện tử, đạt tổng giá trị 963,0 tỷ Yen (7,1 tỷ USD) trong tháng 4/2022, sau khi tăng 7,1% vào tháng 3. (Kyodo)
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 15/6 cho biết, nguồn cung tiền của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng trong tháng 4/2022 khi lãi suất tăng dẫn đến nguồn tiền gửi tăng cao.
Theo BoK, cung tiền M2 của Hàn Quốc ở mức hơn 3.667,1 tỷ Won (khoảng 2.840 tỷ USD) trong tháng 4, tăng 0,2% so với tháng trước đó. Trước đó trong tháng Ba, cung tiền M2 của Hàn Quốc ghi nhận lần đầu tiên sụt giảm kể từ tháng 9/2018 khi giảm 0,1% so với tháng trước đó. (Yonhap)
* Ngày 16/6, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (SK) cho biết, nước này ghi nhận tăng trưởng việc làm trong tháng thứ 15 liên tiếp (từ tháng 3/2021) trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, Hàn Quốc ghi nhận số người có việc làm lên đến 28,49 triệu người vào tháng 5 vừa qua, tăng 935.000 người so với cùng thời điểm của năm 2021. Chỉ số việc làm tháng 5/2022 cũng cao hơn mức tăng so với cùng kỳ là 865.000 vào tháng 4/2022 và đánh dấu mức bổ sung việc làm lớn nhất trong 22 năm cho bất kỳ tháng 5 nào. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Theo cuộc khảo sát hằng quý được Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) công bố mới đây, trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh hơn dự kiến và hoạt động kinh tế chậm lại ở Trung Quốc cùng với những rủi ro suy giảm trên toàn cầu, các nhà phân tích khu vực tư nhân đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của nước này.
Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore được dự báo sẽ ở mức 3,8% trong cả năm, thấp hơn mức 4% được đưa ra trong cuộc khảo sát được công bố vào tháng 3/2022. Tăng trưởng quý II/2022 được dự báo đạt 4,8%, thấp hơn so với mức tăng 3,7% của quý I. Tuy nhiên, dự báo GDP của nước này cho năm 2023 không đổi ở mức 3%. (TTXVN)
* Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Philip Lowe ngày 14/6 đưa ra dự báo lạm phát ở nước này sẽ lên tới 7% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mức 6% được dự báo chỉ vài tuần trước.
Trong điều kiện kinh tế phục hồi mạnh mẽ như hiện nay, RBA sẽ thực hiện thêm nhiều đợt tăng lãi suất lên mức khoảng 2,5% để giảm lạm phát. Trong hai cuộc họp vừa qua, Hội đồng quản trị RBA đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 0,1% trong thời gian đại dịch lên 0,85%. (TTXVN)
* Người đứng đầu Cơ quan chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia Febrio Kacaribu cho biết, nước này đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu, chất tẩy rửa và lốp cao su nhằm kiểm soát tiêu thụ các mặt hàng này.
Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa và đồ uống có đường.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là một phần trong kế hoạch của Bộ Tài chính Indonesia trong 5 năm tới và xuất phát từ tác động của các sản phẩm này đối với môi trường. (TTXVN)