GDP của Nga trong quý II/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. (Nguồn: CNN) |
Kinh tế thế giới
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 lên mức cao kỷ lục.
Theo IEA, trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó, Trung Quốc chiếm 70% mức tăng trưởng này.
Cũng theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng cao kỷ lục do nhu cầu du lịch hàng không tăng mạnh trong mùa Hè, tăng cường sử dụng dầu trong sản xuất điện và hoạt động hóa dầu của Trung Quốc gia tăng.
Cơ quan trên dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ ghi dấu mức hằng năm cao nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 2/2023, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ lên mức kỷ lục trong năm 2023 là 101,9 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu ngày càng tăng trong bối cảnh căng thẳng trên thị trường thế giới do nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sụt giảm trong tháng 7/2023. Việc Saudi Arabia cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá đã khiến sản lượng của các thành viên thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) giảm 1,2 triệu thùng/ngày xuống 50,7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại trong năm 2024 khi thế giới nỗ lực chung tay để chống biến đổi khí hậu và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 14/8 tuyên bố, các chính sách của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và xây dựng lại khả năng cạnh tranh.
Bà Yellen nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) tập trung vào khí hậu. Theo bà, tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc, xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu vẫn có thể gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái, nhưng bà vẫn cảm thấy lạc quan.
Quan chức này cũng lưu ý lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm xuống dưới 4% và nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh đã gặp ông Lars Fruergaard Jorgensen, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Novo Nordisk, một công ty chăm sóc sức khỏe quốc tế có trụ sở tại Đan Mạch.
Trong cuộc gặp, ông Trương Quốc Thanh cho biết, Bắc Kinh quyết tâm thúc đẩy mở cửa ở cấp độ cao và sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của các công ty nước ngoài, bao gồm cả Novo Nordisk, tại Trung Quốc. (THX)
* Ngày 13/8, Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA) cho biết, xuất khẩu ô tô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp kim ngạch xuất khẩu của cả nước đi xuống.
Trong tháng 7/2023, Trung Quốc đã xuất khẩu 310.000 xe ô tô ra các thị trường quốc tế, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Một điểm đáng lưu ý là số xe mang thương hiệu Trung Quốc đang ngày càng tăng, đạt 248.000 chiếc, cao hơn 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Về tổng thể, trong bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu xe ô tô của Trung Quốc đã tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,99 triệu chiếc.
Tổng kim ngạch xuất khẩu, trong tháng 7/2023, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Ngân hàng UBS và Credit Suisse ngày 15/8 công bố báo cáo cho thấy, Thụy Sỹ đứng đầu trong bảng xếp hạng giàu có toàn cầu.
Báo cáo cho biết, nhờ có nhiều cá nhân giàu có, tài sản trung bình ở quốc gia châu Âu này là 685.000 USD (600.000 Franc). Đứng sau Thụy Sỹ trên bảng xếp hạng là Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc).
Theo báo cáo, tài sản hộ gia đình toàn cầu đã giảm vào năm ngoái, lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tổng tài sản cá nhân của người trưởng thành trên khắp thế giới đã giảm 2,4% xuống còn 454.400 tỷ USD vào năm 2022. (TTXVN)
* Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê nhà nước Liên bang Nga (Rosstat), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong quý II/2023 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Polina Kryuchkova cho hay, nền kinh tế Nga trong quý II/2023 đã cố gắng không chỉ bù đắp cho sự suy giảm trong quý II năm ngoái, mà còn thể hiện sự tăng trưởng so với mức của 2 năm trước. (TTXVN)
* Các nhà phân tích của hệ thống ghi nhãn quốc gia Chestny Znak ngày 10/8 cho biết, sản lượng kem của Nga trong quý II/2023 đã tăng lên 188 triệu kg, nhiều gấp hai lần so với mức 99,53 triệu kg trong quý I/2023. Theo ước tính, sản lượng kem đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, khi trong quý II/2022, toàn LB Nga sản xuất được 148 triệu kg kem.
Đại diện Chestny Znak giải thích, mùa Hè 2023 nóng hơn đáng kể, điều đó dẫn đến nhu cầu kem cao hơn, trái ngược với mùa Hè “lạnh” bất thường năm 2022. Nhu cầu tăng kéo theo sản xuất gia tăng.
Một yếu tố khác là việc ổn định giá bao bì và vận chuyển. Ngoài ra, giá sữa nguyên liệu trong năm nay giảm khiến các nhà sản xuất muốn dự trữ các sản phẩm có thời hạn sử dụng cao. (TTXVN)
* Ngày 10/8, truyền thông CH Czech đưa tin, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này Marek Vyborny đã yêu cầu Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski xem xét tình hình liên quan việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine, bao gồm ngũ cốc và thịt gia cầm, vào Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Vyborny cho rằng, EU nên giải quyết các vấn đề về hậu cần, khả năng thông quan của các tuyến vận tải đến các nước thứ ba, đồng thời đảm bảo an toàn cho hàng hóa nhập khẩu và đẩy mạnh phân phối hàng hóa. (TTXVN)
* Ngày 15/8, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngành đường sắt Latvia, ông Rinalds Plavnieks, cho biết, quốc gia thành viên EU này có thể bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng Latvia từ mùa Thu, với khối lượng khả năng lên đến một triệu tấn mỗi năm.
Phát biểu trên đài phát thanh Latvia, ông Plavnieks tuyên bố: "Ngay lúc này, một cơ hội đã xuất hiện với việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine". Theo ông, ngũ cốc cần được vận chuyển qua Ba Lan, quốc gia láng giềng sử dụng khổ đường sắt khác với Latvia và Ukraine và điều đó sẽ đòi hỏi hai lần thay đổi khiến chi phí vận chuyển tăng lên.
Người đứng đầu ngành đường sắt Latvia cũng nhấn mạnh rằng khoảng 500.000 -1 triệu tấn ngũ cốc Ukraine có thể được vận chuyển qua hành lang này mỗi năm. (TTXVN)
* Chính phủ liên bang Đức ngày 16/8 bất ngờ hoãn thông qua dự luật Cơ hội tăng trưởng, vốn được xây dựng nhằm kích thích và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, do vấp phải sự phủ quyết của Bộ trưởng Gia đình liên bang Lisa Paus (thuộc đảng Xanh).
Kế hoạch phê chuẩn dự luật Cơ hội tăng trưởng do Bộ trưởng Tài chính liên bang Christian Lindner (thuộc đảng Dân chủ Tự do - FDP) đề xuất, được dự kiến tiến hành trong ngày 16/8, đã không thể thực hiện sau khi bị Bộ trưởng Paus phủ quyết.
Bộ trưởng Paus cho biết kế hoạch cứu trợ khoảng 6 tỷ euro cho nền kinh tế là không phù hợp, nếu ông Lindner không đồng ý tăng ngân sách để đảm bảo phúc lợi cơ bản cho trẻ em. (Reuters)
* Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) ngày 16/8 công bố số liệu cho thấy, lạm phát tại Anh hạ nhiệt trong tháng 7/2023, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, dù có thêm dấu hiệu về sức ép lạm phát lõi và giá dịch vụ.
Theo ONS, lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 7/2023 giảm xuống 6,8%, so với mức 7,9% trong tháng 6/2023, khi tiếp tục giảm từ mức cao kỷ lục 41 năm là 11,1% vào tháng 10/2022, dù vẫn cao hơn nhiều mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đặt ra.
Tuy nhiên, Anh vẫn là một trong những nước có lạm phát cao nhất ở Tây Âu, sau Iceland và Áo. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo báo Nikkei Asia ngày 16/8, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đổ tiền vào trái phiếu Mỹ do suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, hoạt động mua ròng các công cụ nợ trung và dài hạn của Mỹ đạt 13.600 tỷ Yen (93 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, một kỷ lục trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ năm 2014.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Nhật Bản nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lên tới khoảng 1.100 tỷ USD tính đến tháng 5/2023, là một trong những nước nắm giữ trái phiếu Mỹ ở mức cao hàng đầu thế giới. (TTXVN)
GDP thực tế của Nhật Bản trong quý II/2023 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán. Trong ảnh: Sân bay quốc tế Narita ở quận Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: Mayumi Tsumita) |
* Chính phủ Nhật Bản ngày 15/8 đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy, GDP thực tế của nước này trong quý II/2023 đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán.
Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ quý IV/2020 nhờ hoạt động xuất khẩu ô tô tăng trưởng và sự phục hồi của ngành du lịch. Mặc dù vậy, tiêu dùng cá nhân bất ngờ giảm tác động bất lợi phần nào tới triển vọng kinh tế Nhật Bản. (Kyodo)
* Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết, các cơ quan tài chính nước này sẽ cung cấp 23.000 tỷ Won (17,2 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính bổ sung cho các công ty xuất khẩu, nhằm thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu đang giảm sút.
Theo đó, các cơ quan tài chính sẽ bơm thêm 3.300 tỷ Won hỗ trợ tài chính cho các công ty đang nỗ lực thâm nhập vào những thị trường mới và hỗ trợ ít nhất 300 tỷ Won cho các công ty giành được những dự án kinh doanh quy mô lớn ở nước ngoài vào cuối năm nay, đồng thời lập quỹ 500 tỷ Won để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng vào quý III/2024.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành xuất khẩu chiến lược, quỹ 11.000 tỷ Won cũng sẽ được triển khai.
Năm ngân hàng thương mại hàng đầu trong nước cũng sẽ cung cấp khoản vay trị giá 5.400 tỷ Won cho các công ty xuất khẩu với chi phí vay thấp. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) đang thúc đẩy các quan hệ đối tác với nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) và AFPI - Hiệp hội công nghệ tài chính Indonesia nhằm hỗ trợ chuyển đổi thanh toán kỹ thuật số.
Trong một tuyên bố ngày 15/8, Chủ tịch ASEAN-BAC Arsjad Rasjid cho biết, cơ quan này có 5 ưu tiên để giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế và thương mại, bao gồm thúc đẩy các phương thức thanh toán kỹ thuật số.
Ông Rasjid cũng đánh giá cao AFPI và nền tảng cho vay P2P AdaKami vì các nỗ lực trong việc cung cấp khả năng tiếp cận tài chính dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở tất cả các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (TTXVN)
* Sau khi bị trì hoãn, tuyến đường sắt cao tốc của Indonesia nối Jakarta và Bandung dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động thương mại sớm nhất là tháng 10 tới và là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á.
Liên doanh Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) giữa Indonesia và Trung Quốc ấn định lại thời điểm đưa tuyến đường sắt trên đi vào hoạt động vào tháng 10, sau khi lùi thời hạn trước đó vào tháng 8. KCIC sẽ dùng thời gian kéo dài này để tiếp tục chạy thử nhằm đảm bảo an toàn.
Tuyến đường sắt này dài gần 140 km, nối Jakarta với thủ phủ tỉnh Tây Java là Bandung. Tốc độ tàu chạy tối đa là gần 350 km/giờ và thời gian toàn tuyến là 36 phút. (TTXVN)
* BMI, một đơn vị của công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu cọ trung bình năm 2023 đối với các hợp đồng kỳ hạn dầu cọ được niêm yết tại Sở giao dịch Hàng hóa Bursa Malaysia của Malaysia ở mức 3.800 Ringgit (819 USD)/tấn.
BMI cũng giữ nguyên dự báo giá dầu cọ trung bình cho năm 2024 là 3.400 Ringgit/tấn.
Các hợp đồng đã được giao dịch ở mức giá trung bình là 3.804 Ringgit/tấn tính từ đầu năm đến nay và ở mức trung bình 3.753 Ringgit/tấn cho đến quý III/2023. (THX)
* Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, hạn hán đã đẩy giá bán buôn gạo năm nay tăng cao. Cụ thể, tính đến ngày 14/8, giá gạo thơm dài dao động từ 14.500 Baht (412,17 USD)/tấn đến 16.000 Baht (454,80 USD)/tấn. Gạo nếp dao động từ 13.500 Baht/tấn đến 14.700 Baht/tấn và gạo thơm Pathum Thani dao động từ 12.000 Baht/tấn đến 13.000 Baht/tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, giá bán lẻ gạo hiện vẫn ổn định. Năm nay, giá trung bình của gạo thơm và gạo trắng lần lượt là 210 Baht/bao và 118 Baht/bao (5 kg), thay đổi không đáng kể so với mức 209 Baht/bao và 119 Baht/bao năm ngoái.
Cục Lúa gạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan dự kiến sản lượng lúa năm nay đạt 32,35 triệu tấn, giảm 5,6% so với 34,3 triệu tấn của năm ngoái, do hạn hán. (TTXVN)