Ba Lan và Bulgaria đã bị Nga cắt nguồn cung sau khi không tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng Ruble. Trong ảnh: Đường ống tại trạm phân phối khí đốt ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
WB hỗ trợ ứng phó khủng hoảng lương thực thế giới
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18/5 thông báo bổ sung 12 tỷ USD cho quỹ hỗ trợ các dự án nhằm ứng phó khủng hoảng lương thực thế giới, nâng tổng số vốn dành cho các dự án này lên 30 tỷ USD.
WB cho biết, do tình trạng thiếu lương thực trở nên nghiêm trọng hơn bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn trên thế giới, nguồn vốn bổ sung sẽ dành cho các dự án tiến hành trong 15 tháng tới nhằm thúc đẩy sản xuất thực phẩm và phân bón, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại, hỗ trợ các hộ gia đình và nhà sản xuất thuộc nhóm dễ chịu tác động.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, giá lương thực tăng đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhóm người nghèo nhất và dễ chịu tổn thương nhất. Việc các nước đề ra những kế hoạch rõ ràng nhằm nâng sản lượng trong tương lai là điều đặc biệt quan trọng.
Trước đó, WB công bố 18,7 tỷ USD hỗ trợ cho các dự án được triển khai trong 15 tháng tới tại châu Phi và Trung Đông, Đông Âu, Trung Á và Nam Á.
Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao quyết định mới của WB và cho rằng đây là một phần của kế hoạch hành động chung giữa các nhà lãnh đạo đa phương và các ngân hàng phát triển khu vực để khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. (AP)
Kinh tế Mỹ
* Trong cuộc họp báo trước thềm phiên họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Đức, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, kinh tế Mỹ khó có khả năng rơi vào suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát.
Tuy nhiên, bà cảnh báo về những rủi ro kinh tế đối với châu Âu do xung đột Nga-Ukraine. (Reuters)
* Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 17/5 cho biết, ngân hàng này muốn tăng trưởng kinh tế chậm lại và có dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát hạ nhiệt trước khi dừng các nỗ lực hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí thảo luận khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Dù vậy, theo Chủ tịch Fed, triển vọng của nền kinh tế vẫn rất không chắc chắn, khi vẫn có nhiều thách thức chưa từng có cùng lúc như tác động từ đại dịch, các vấn đề của chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục, tác động từ xung đột tại Ukraine đến giá hàng hóa và tình trạng thiếu lao động ngoài dự kiến. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Các cơ quan tài chính Trung Quốc ngày 15/5 đã cho phép cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số người mua nhà.
Trong một tuyên bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho biết, đối với các giao dịch mua căn nhà đầu tiên, các ngân hàng thương mại có thể giảm giới hạn lãi suất cho các khoản vay mua nhà khoảng 20 điểm dựa trên kỳ hạn tương ứng của lãi suất cho vay cơ bản nhằm thúc đẩy nhu cầu và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường bất động sản. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra giải pháp cho các nhà nhập khẩu khí đốt để tránh vi phạm lệnh trừng phạt khi mua nhiên liệu từ Nga và vẫn đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thanh toán bằng đồng Ruble.
Theo những nguồn tin thân cận, trong hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt, Ủy ban châu Âu (EC) gợi ý, các doanh nghiệp nên tuyên bố rõ ràng rằng họ coi các nghĩa vụ của mình đã hoàn thành sau khi thanh toán bằng Euro hoặc USD theo các hợp đồng hiện có. Hướng dẫn này không ngăn cản các doanh nghiệp mở tài khoản tại Gazprombank.
Nhiều doanh nghiệp có thời hạn thanh toán vào cuối tháng này và nếu họ không thanh toán, nguồn cung khí đốt có thể bị cắt. Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt nguồn cung sau khi không tuân thủ yêu cầu của Nga. (Bloomberg)
* Công ty năng lượng khổng lồ Eni của Italy ngày 17/5 cho biết đã mở tài khoản bằng Euro và Ruble để thực hiện các khoản thanh toán khí đốt của Nga sắp đến hạn, nhằm tuân thủ các yêu cầu của Moscow.
Hiện vẫn chưa rõ liệu động thái trên của Eni có vi phạm các lệnh trừng phạt của EU hay không, mặc dù Eni nói rằng nó "không xung khắc".
Eni cho biết việc mở hai tài khoản với ngân hàng Gazprombank là "trên cơ sở đề phòng" vì "thời hạn thanh toán nguồn cung cấp khí đốt được lên lịch trong vài ngày tới". (AFP)
* Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 18/5 cho biết EU dự định huy động khoản đầu tư trị giá lên tới 300 tỷ Euro (315,3 tỷ USD) vào năm 2030 để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Các khoản đầu tư trên sẽ bao gồm 10 tỷ Euro cho hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt, 2 tỷ Euro cho dầu mỏ và phần còn lại dành cho năng lượng sạch. EU cũng đang đề xuất các mục tiêu ràng buộc pháp lý cao hơn đối với năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng vào năm 2030.
Hiện EU đang đàm phán với Hungary về gói hỗ trợ tài chính để Budapest từ bỏ việc phủ quyết lệnh cấm vận của khối này đối với dầu mỏ của Nga. (Reuters)
* Phát biểu với báo giới ngày 17/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng EU có thể kết hợp giữa việc áp thuế nhập khẩu với việc thực hiện lệnh cấm từng bước đối với dầu mỏ của Nga khi muốn làm giảm nguồn thu từ năng lượng của nước này.
Đề xuất về thuế sẽ được đưa ra tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 trong tuần này như một cách ít gây thiệt hại về kinh tế hơn để làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, trong khi mang lại kết quả nhanh chóng. (Reuters)
* EC hôm 18/5 xem xét lựa chọn một khoản vay chung mới trong EU được lấy ý tưởng từ kế hoạch phục hồi sau Covid-19 để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, chủ đề này lại gây ra sự miễn cưỡng trong 27 quốc gia thành viên.
Mặc dù nhu cầu tái thiết của Ukraine vẫn chưa được đánh giá về quy mô, do xung đột vẫn đang tiếp diễn, nhưng EC nhấn mạnh thiệt hại ước tính lên tới "hàng trăm tỷ Euro, trong đó hơn 100 tỷ Euro cho cơ sở hạ tầng vật chất".
EC đề xuất thành lập một công cụ tài chính, "RebuildUkraine" (tái thiết Ukraine), được hỗ trợ bởi ngân sách châu Âu, có thể cấp cho Kiev các khoản vay và trợ cấp, kèm theo điều kiện cải cách về nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng và đầu tư phù hợp với các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu của châu Âu. (TTXVN)
* Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 17/5 đã trình bày kế hoạch mới nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào mùa Đông tới.
Theo Công ty tư vấn năng lượng Aurora Energy Research có trụ sở tại Berlin, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, ngành công nghiệp và các hộ gia đình của nước này sẽ thiếu hụt từ 2-12 tỷ m3 khí đốt vào mùa Đông tới, tùy thuộc vào tình hình thời tiết. (TTXVN)
* Lạm phát tại Anh đã chạm mức 9% trong tháng 4, cao nhất trong hơn 40 năm qua khi giá điện và khí đốt tăng cao làm trầm trọng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại nước này. Tỷ lệ này gần với mức dự báo của các nhà kinh tế và cao gần gấp đôi so với mức Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến chỉ 6 tháng trước.
Với hoạt động kinh tế giảm mạnh trong quý 1, nền kinh tế Anh đang hứng chịu đợt lạm phát đình trệ tồi tệ nhất kể từ cú sốc dầu mỏ thứ hai vào những năm 1970 tại nước này. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngày 18/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, trong quý I/2022, nền kinh tế nước này tăng trưởng âm, chủ yếu do tác động tiêu cực của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm 0,2% so với quý trước đó và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục dao động theo đồ thị hình sin khi có tới 3 trong 5 quý gần nhất tăng trưởng âm, xen giữa ba quý đó là hai quý tăng trưởng dương. Điều này cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản vẫn hết sức mong manh và GDP của Nhật Bản chưa thể tăng trở lại mức trước đại dịch. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục dao động theo đồ thị hình sin khi có tới 3 trong 5 quý gần nhất tăng trưởng âm, xen giữa ba quý đó là hai quý tăng trưởng dương. (Nguồn: Kyodo) |
* Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản Mitsubishi UFJ (MUFG) ngày 16/5 dự báo lợi nhuận ròng sẽ giảm 12% do sự biến động của thị trường và triển vọng kinh tế không ổn định, sau khi đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong năm trước.
MUFG cùng với hai ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và Mizuho Financial Group Inc. đã lần lượt đưa ra dự báo triển vọng thận trọng hơn.
MUFG, sở hữu khoảng 20% cổ phần trong ngân hàng Morgan Stanley ở Phố Wall, dự kiến thu nhập ròng cho năm tài chính hiện tại đạt 1.000 tỷ Yen, thấp hơn dự báo trung bình của các nhà phân tích là 1.060 tỷ Yen. (Japan Times)
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 18/5 cho biết, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay nhờ chi tiêu tiêu dùng phục hồi.
KDI cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi vững chắc trong năm nay khi nước này dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội trong bối cảnh tác động tích cực của các dự luật ngân sách bổ sung của chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế.
Tiêu dùng tư nhân dự báo sẽ tăng 3,7% trong năm 2022 sau khi tăng 3,6% trong năm trước đó. Xuất khẩu dự báo sẽ tăng 5,1% trong năm 2022 sau khi tăng 9,9% trong năm 2021, trong khi nhập khẩu được dự báo sẽ tăng 4,9% trong năm nay sau khi tăng 8,5% vào năm ngoái. (THX)
* Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và nông thôn Hàn Quốc ngày 18/5 cho biết, nước này sẽ tăng cường giám sát thị trường dầu ăn và xem xét các biện pháp đảm bảo chuỗi cung ứng do lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung và tích trữ bất hợp pháp.
Các nhà cung cấp dầu ăn lớn Hàn Quốc khẳng định, hiện tại không thiếu hụt dầu ăn và đảm bảo dự trữ dầu ăn từ 2-4 tháng. Các công ty cũng thông báo hiện không có kế hoạch tăng giá, không gặp khó khăn trong việc mở rộng tìm kiếm nguồn cung dầu cọ và các loại dầu ăn khác từ nước ngoài. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 15/5, Hiệp hội công nghiệp cà phê hòa tan của Brazil (Abics) thông báo doanh số xuất khẩu của ngành này đã giảm 4,7% trong quý đầu tiên của năm 2022 do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Abics cho biết, Nga và Ukraine là các thị trường nhập khẩu chủ chốt cà phê hòa tan của Brazil và các tác động của cuộc khủng hoảng giữa hai quốc gia này đã khiến lượng mua vào giảm 66.572 bao xuống còn 1,22 triệu bao loại 60 kg trong 4 tháng đầu năm.
Abics ước tính mức thiệt hại khoảng 100 triệu USD, tương đương 500.000 bao cà phê, trong năm nay, nếu xung đột kéo dài. (TTXVN)
* Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về triển vọng xuất hàng trong quý II/2022, do giá nội địa tăng mạnh có thể khiến các nhà nhập khẩu ngừng mua gạo của nước này.
Giá gạo trắng 5% tấm trên thị trường nội địa đã tăng 25%, từ 12 Baht/kg lên 15 Baht/kg vào đầu năm nay do nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt là từ Iraq. Giá gạo trong nước đã tăng cao hơn giá gạo xuất khẩu, do giá gạo trắng giao tại cửa khẩu của bên xuất hàng (giá FOB) đã tăng 15%, từ 400 USD/tấn lên 460 USD/tấn. (TTXVN)
* Ngày 17/5, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho biết nước này đã đạt thặng dư tháng thứ 24 liên tiếp trong tháng Tư, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 7,56 tỷ USD và tăng 66% so với tháng Ba trước đó.
Theo đó, thặng dư thương mại của nước này từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022 đạt 16,89 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2017, trong bối cảnh giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao đã giúp đẩy mạnh xuất khẩu. (TTXVN)
* Ngày 18/5, nhật báo Khmer Times dẫn nguồn tin từ Bộ Du lịch Campuchia đưa tin, do tình hình dịch Covid-19 đã giảm, lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này đã tăng mạnh trong giai đoạn tháng 1-4/2022, đạt 230.000 lượt khách, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021.
Đa số du khách đến Campuchia thuộc các nước ASEAN gồm Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, các nước châu Âu, Mỹ và các khu vực khác của châu Á. Bộ trên dự kiến, Campuchia sẽ đón khoảng 800.000 lượt khách du lịch nước ngoài vào cuối năm 2022. (TTXVN)