📞

Kinh tế thế giới nổi bật (16-22/9): GDP Nga sụt giảm ít hơn dự báo, Fed-ECB quyết ‘cắt rễ’ lạm phát, Đức ‘sống khỏe’, không cần khí đốt Moscow

Hải An 13:50 | 22/09/2022
Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kéo dài sang năm 2023, cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó khủng hoảng lương thực, kinh tế Nga vẫn khả quan, Fed mạnh tay tăng lãi suất, ECB quyết tâm “cắt rễ” lạm phát… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời. (Nguồn: earth.org)

Kinh tế thế giới

Cộng đồng quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp để ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu

Ngày 21/9, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) David Malpass, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã ra tuyên bố chung thứ hai kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

Những người đứng đầu các tổ chức đa phương cho rằng, đã có những tiến bộ đáng kể kể từ tuyên bố chung đầu tiên hồi tháng Tư.

Các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện trên tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/2022. Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau.

Lãnh đạo các tổ chức quốc tế hoan nghênh nỗ lực của Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu và Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thông qua Trung tâm điều phối chung, hơn 3 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm đã được xuất khẩu từ Ukraine.

Xu hướng giảm các biện pháp hạn chế thương mại do các nước thực hiện với hy vọng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục. Hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau.

Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. IMF đang đề xuất biện pháp giảm cú sốc lương thực mới trong các công cụ cho vay khẩn cấp. FAO đã đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách và đưa ra bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Tuy nhiên, để duy trì động lực và xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai đòi hỏi nỗ lực phối hợp toàn diện liên tục nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại hiệu quả; cải thiện tính minh bạch; đẩy nhanh đổi mới và lập kế hoạch chung; đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực.

Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường có thể làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai. (TTXVN)

Chủ tịch WB cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kéo dài sang năm 2023

Ngày 19/9, Chủ tịch WB David Malpass cảnh báo, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài sang năm 2023 và lâu hơn nữa.

Trả lời kênh Fox Business, ông Malpass cho biết, kinh tế Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác, trong đó có Mỹ, có nhiều cơ hội để phục hồi. Tuy nhiên, Chủ tịch WB quan ngại rằng, các nước khác trên thế giới có thể tiếp tục suy giảm kinh tế vào năm 2023 và lâu hơn nữa.

Nguy cơ suy thoái toàn cầu đã được WB cảnh báo trong báo cáo mới công bố ngày 15/9 vừa qua, đặt trong bối cảnh các biện pháp kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Cụ thể, các biện pháp được áp dụng hiện nay có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương cần tăng thêm lãi suất, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Trong kịch bản này, WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 - tức là giảm 0,4% tăng trưởng tính theo đầu người, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.

Hồi đầu tháng Sáu, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9%, so với dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng Một. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp trong hai ngày 20-21/9 và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.

Với quyết định này, lãi suất tại Mỹ hiện trong khoảng 3-3,25%.

Các quan chức Fed nhận định lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022-2023, và sẽ không hạ cho đến năm 2024. (Reuters)

* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/9 công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 200 triệu USD dành cho Mexico và Trung Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư.

Gói viện trợ nhằm hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn, người xin tị nạn, người di cư trong nước, người không quốc tịch và người di cư thuộc các nhóm dễ tổn thương. Viện trợ sẽ được phân bổ thông qua các tổ chức phi chính phủ và quốc tế.

Như vậy, viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho Mexico và Trung Mỹ đã vượt 594 triệu USD kể từ năm 2018. (Reuters)

Các quan chức Fed nhận định lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022-2023, và sẽ không hạ cho đến năm 2024. (Nguồn: Getty)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, lượng dầu thô mà nước này nhập từ Nga trong tháng Tám tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Saudi Arabia giành lại vị trí là nước cung cấp lớn nhất lần đầu tiên trong 4 tháng.

Lượng dầu Bắc Kinh nhập khẩu từ Moscow trong tháng trước đạt tổng cộng 8,342 triệu tấn, tương đương 1,96 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với mức kỷ lục gần 2 triệu thùng/ngày hồi tháng Năm. Trung Quốc là thị trường dầu mỏ lớn nhất của Nga.

Tuy nhiên, lượng dầu nền kinh tế số 2 thế giới mua của Saudi Arabia tăng trong tháng trước, lên 8,475 triệu tấn, hay 1,99 triệu thùng/ngày, vượt 5% so với cùng kỳ năm ngoái. (Reuters)

* Thời báo Hoàn cầu ngày 20/9 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Lý Siêu thuộc Viện Nghiên cứu Nga và Mông Cổ, cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mông Cổ và Nga mới đây đã tiến hành cuộc họp ba bên lần thứ 6 tại Samarkand, Uzbekistan.

Tại cuộc họp, ba bên chỉ xác nhận việc gia hạn 5 năm "Đề cương quy hoạch xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga", chính thức khởi động nghiên cứu khả thi về nâng cấp và phát triển đường sắt tuyến trung tâm hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga.

Ngoài ra, ba nước còn nhất trí tích cực thúc đẩy dự án lắp đặt đường ống dẫn khí đốt Trung-Nga qua Mông Cổ.

Điều này phản ánh rằng 3 nước sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI). (Global Times)

Kinh tế châu Âu

* Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 20/9 cho hay, ngân hàng này quyết tâm ngăn chặn lạm phát tăng cao trở thành “điều bình thường”, khi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine gây áp lực lên giá cả trong thời gian dài.

Bà Lagarde cho hay, hai "cú sốc" trên đã dẫn đến việc giá tiêu dùng tăng cao hơn và trong thời gian dài hơn nhiều so với dự kiến. Đồng thời, bà cho biết thêm rằng ngân hàng trung ương phải đảm bảo lạm phát cao kỷ lục hiện thời không “bắt rễ” trong nền kinh tế. (AFP)

* Theo số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 16/9, tỷ lệ lạm phát tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8/2022, tăng đáng kể so với mức 9,8% của tháng 7/2022.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng Bảy. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%. (TTXVN)

* Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng và Công nghiệp Tuymen ngày 21/9, Giám đốc điều hành Công ty hóa dầu Nga Sibur Mikhail Karisalov cho hay, châu Âu đã ngừng hợp tác với Nga về dây chuyền cung cấp cao su và polymer, song khẳng định phía châu Âu sẽ mất nhiều năm để thay thế các chất hóa dầu của Nga.

Ông Karisalov cũng cho biết Sibur đã tìm thấy thị trường mới ở châu Á, những vẫn tồn tại một số khó khăn về hậu cần. (TTXVN)

* Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov ngày 21/9 cho hay, nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm ít hơn dự báo trước đó trong năm nay và trở lại tăng trưởng vào năm 2024 nhờ nhu cầu và hoạt động đầu tư trong nước.

GDP của Nga trong năm 2022 sẽ giảm khoảng 2,9%, tăng so với dự báo giảm 4% đưa ra trước đó. Trong khi IMF dự báo mức giảm 6% trong năm nay.

Bộ trưởng Reshetnikov cho biết, GDP sẽ giảm 0,8% vào năm 2023 do xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024 nhờ nhu cầu trong nước, tiêu dùng cùng đầu tư tăng lên. (AFP)

* Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 20/9 tuyên bố, mặc dù Nga cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Berlin có thể vượt qua mùa Đông mà không gặp mấy khó khăn khi dự trữ khí đốt của nước này đang trên đà đạt mục tiêu 95% công suất vào tháng 11 tới.

Số liệu của Cơ quan Kiểm kê kho trữ khí đốt châu Âu (AGSI) công bố ngày 20/9 cho biết, các kho dự trữ khí đốt ở Đức đã được lấp đầy hơn 90%. Hiện Berlin lên kế hoạch tiếp tục bổ sung tới 95% công suất các kho chứa vào tháng 11, đủ để vượt qua mùa Đông mà không cần nhập khẩu khí đốt của Nga.

Theo ông Robert Habeck, nếu mọi thứ suôn sẻ, chính sách tiết kiệm năng lượng cùng với yếu tố thời tiết may mắn, nước Đức có thể vượt qua mùa Đông một cách dễ dàng. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 21/9, Hội đồng chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) bắt đầu nhóm họp.

Trong phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày này, nhiều khả năng BoJ sẽ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng bất chấp việc đồng Yen mất giá và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đã nâng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Giới phân tích dự báo, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, BoJ có thể vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. (TTXVN)

* Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 20/9 công bố báo cáo cho biết, lạm phát lõi của nước này trong tháng 8/2022 là 2,8% - mức cao nhất kể từ năm 2014 tới nay.

Theo báo cáo, đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng cơ bản trên toàn quốc vẫn cao hơn mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% do BoJ đề ra. (Kyodo)

* Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 19/9 đã nâng triển vọng lạm phát 2022 của Hàn Quốc lên 5,2% giữa bối cảnh giá năng lượng tăng cao liên quan đến căng thẳng tại Ukraine.

OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay lên 2,8% nhờ xuất khẩu tăng mạnh và kiểm soát được đại dịch Covid-19. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 19/9, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers và Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati ký biên bản ghi nhớ về một thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thỏa thuận hiện chưa công bố nội dung cụ thể, nhưng được tiết lộ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các quan chức cấp bộ của hai nước, tăng cường đối thoại và hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực như chính sách thuế và quy định tài chính.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng sẽ đưa các vấn đề liên quan tới năng lượng sạch và tài trợ khí hậu, hệ thống lương hưu vào chương trình nghị sự giữa hai bên. (TTXVN)

* Trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2022, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng Indonesia từ mức 5% lên 5,4%, trong khi hạ dự báo tăng trưởng vào năm tới từ 5,2% xuống còn 5%.

ADB cho rằng tỷ lệ lạm phát của Indonesia - ở mức thấp nhất trong số các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - sẽ tăng đột biến vào tháng 9 và tiếp tục tăng cho đến tháng 12. Lạm phát dự báo đạt 4,6% trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 3,6%. (TTXVN)

* Đường sắt Quốc gia Thái Lan (SRT) thông báo dịch vụ đường sắt nối giữa tỉnh Nong Khai (Đông Bắc Thái Lan) với tỉnh Thanaleng ở Lào trở lại hoạt động bình thường kể từ ngày 16/9 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã lắng dịu ở cả hai nước láng giềng.

Cùng ngày, dịch vụ đường sắt nhanh giữa thủ đô Bangkok và tỉnh Yala ở cực Nam Thái Lan cũng đã được nối lại hoạt động. (TTXVN