Các bộ trưởng tài chính G7 nhóm họp tại Italy từ 24-25/5 nhằm tìm kiếm “tiếng nói chung” về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. (Nguồn: RT) |
Kinh tế thế giới
Số doanh nghiệp toàn cầu vỡ nợ tăng gấp đôi
Theo báo cáo từ S&P Global Ratings, số doanh nghiệp toàn cầu vỡ nợ trong tháng 4/2024 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 3/2024 lên mức cao nhất trên cơ sở hàng tháng kể từ tháng 10/2020.
Cụ thể, tháng 4/2024 chứng kiến 18 vụ vỡ nợ trên toàn cầu, dẫn đầu là 10 vụ vỡ nợ ở Mỹ trị giá 7,1 tỷ USD, bao gồm sự phá sản của nhà cung cấp công nghệ thông tin ConvergeOne Holdings và nhà bán lẻ thời trang Express Inc.
Báo cáo cho biết: “Kỳ hạn trả lãi sắp đến, hoạt động căng thẳng và chi phí tái cấp vốn tăng cao là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ doanh nghiệp phá sản gia tăng”.
Tại Mỹ, 56% trong tổng số các vụ vỡ nợ công khai trong tháng 4/2023 là do phá sản, trong khi phần còn lại đến từ các sàn giao dịch gặp khó khăn.
Tuy nhiên, S&P lưu ý rằng, các giao dịch gặp khó khăn là nguyên nhân chính gây ra những vụ vỡ nợ trên toàn cầu trong năm nay, chiếm 44% số vụ vỡ nợ trong tháng 4/2024 và 51% số vụ vỡ nợ tính đến thời điểm hiện tại, dẫn đến 28 công ty vỡ nợ.
Theo S&P, trong khi số vụ vỡ nợ toàn cầu tăng hơn gấp đôi thì giá trị nợ lại giảm gần một nửa từ 16,3 tỷ USD xuống 8,6 tỷ USD.
Các công ty trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng, truyền thông và giải trí dẫn đầu số vụ vỡ nợ trong tháng 4/2024. Cả hai lĩnh vực này đều có nhiều vụ vỡ nợ nhất từ đầu năm đến nay.
S&P lưu ý rằng mặc dù Mỹ dẫn đầu thế giới về số vụ vỡ nợ từ đầu năm đến nay, nhưng con số 15 vụ vỡ nợ kể từ đầu năm 2024 đến nay của châu Âu là mức cao nhất của khu vực này kể từ năm 2008.
Mỹ
* Văn phòng đại diện thương mại Mỹ ngày 22/5 cho biết, việc tăng thuế mạnh đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ duy trì các mức thuế do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, đồng thời tăng một số loại thuế khác, điển hình như tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện lên hơn 100% và tăng gấp đôi thuế đối với chất bán dẫn lên 50%.
Nhà Trắng cho hay các mức thuế mới này sẽ tác động đến lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá tới 18 tỷ USD từ Trung Quốc, trong đó có thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, khoáng sản quan trọng, pin Mặt Trời và cần cẩu.
Trung Quốc
* Global Times ngày 21/5 dẫn số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cùng ngày cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc (không bao gồm người từ 16 đến 24 tuổi) trong tháng 4/2024 là 14,7% - giảm từ mức 15,3% trong tháng 3.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 25-29 đã giảm xuống 7,1% từ mức 7,2% trong tháng 3, đảo ngược xu hướng tăng và cho thấy sự cải thiện đáng kể trong thị trường việc làm của nước này.
Các nhà phân tích cho rằng, sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc đã hỗ trợ sự phục hồi của thị trường việc làm, trong khi một loạt các động thái được chính quyền trung ương và địa phương đưa ra trong quý đầu tiên đã mang lại cơ hội mới cho người tìm việc.
* Lễ hội mua sắm 618 (ngày 18/6) tại Trung Quốc đã chính thức được khởi động với các chương trình giảm giá và khuyến mãi lớn được cung cấp bởi các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như Tmall, Pinduoduo và Jingdong. Doanh thu của 59 thương hiệu đã vượt 100 triệu Nhân dân tệ (13,81 triệu USD), trong đó 376 sản phẩm đã đạt doanh thu hơn 10 triệu nhân dân tệ trên Tmall chỉ trong 4 giờ kể từ khi bắt đầu sự kiện vào tối 20/5.
Ngoài ra, 28 thương hiệu khác trong đó có Xiaomi và Vivo đã nhanh chóng vượt ngưỡng doanh thu 100 triệu nhân dân tệ trong giờ đầu tiên của lễ hội trên Tmall. Doanh thu của Apple vượt 1,5 tỷ nhân dân tệ chỉ trong một giờ.
Châu Âu
* Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 21/5 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp thuế có mục tiêu vào xe điện của Trung Quốc nếu điều tra cho thấy các khoản hỗ trợ của chính phủ quốc gia châu Á cho lĩnh vực này là trái quy định.
EU năm ngoái đã khiến Trung Quốc phản ứng mạnh sau khi tiến hành cuộc điều tra chống trợ giá nhằm vào xe điện của nước này, với khả năng gia tăng EU sẽ áp thuế đáp trả.
EC được cho là sẽ quyết định liệu có áp thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc vào ngày 5/6 và thực thi từ ngày 4/7.
* Theo cơ quan xếp hạng tín dụng châu Âu Scope Ratings, Italy sẽ trở thành quốc gia nợ nhiều nhất châu Âu sau 3 năm nữa, và kêu gọi Rome lập kế hoạch ổn định tài chính công.
Scope Ratings cho biết, các khoản vay của Italy tính theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ vượt các khoản vay của Hy Lạp, nhanh hơn dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng Italy sẽ có nợ công cao nhất châu Âu vào năm 2028.
* Nhật báo RBC đưa tin, chính phủ Nga đã có quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời, khi thị trường đã đảm bảo nguồn cung.
Tờ báo đưa tin thêm, Bộ Năng lượng Nga đã xác nhận thông tin trên.
Nga đã cấm xuất khẩu xăng 6 tháng kể từ ngày 1/3, dù miễn trừ với một liên minh kinh tế do Nga đứng đầu và một số quốc gia có thỏa thuận liên chính phủ trực tiếp về cung cấp nhiên liệu đang có hiệu lực như Mông Cổ.
Bộ Năng lượng Nga xác nhận lệnh cấm xuất khẩu xăng tạm thời sẽ được dỡ bỏ do tình trạng bão hòa của thị trường trong nước và việc hoàn tất công tác bảo dưỡng ngoài dự kiến tại các nhà máy lọc dầu. RBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết quyết định trên sẽ được công bố vào đầu tuần.
* Các quan chức cho biết, các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại Italy trong tuần này nhằm tìm kiếm “tiếng nói chung” về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine và giải quyết vấn đề xuất khẩu của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm.
Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada, sẽ tập trung tại thị trấn Stresa, Italy trong hai ngày 24-25/5.
* Lãi suất cao và bất ổn kinh tế đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang dần rời xa thị trường bất động sản Đức.
Theo báo cáo từ công ty tư vấn bất động sản BNP Paribas Real Estate, người mua nước ngoài chiếm 35% giao dịch mua bất động sản thương mại tại Đức trong quý đầu năm nay. Đây là mức nhỏ nhất kể từ năm 2013 và diễn ra sau khi các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 37% khối lượng giao dịch bất động sản thương mại ở Đức vào năm 2023.
BNP Paribas Real Estate đánh giá sự suy giảm trên bởi một số yếu tố như lạm phát cao và lo ngại về suy thoái kinh tế ở Đức.
* Ngày 18/5, thông báo của Bộ Năng lượng Ukraine cho hay, kể từ đầu ngày 18/5, nước này đã nhận được sự hỗ trợ năng lượng khẩn cấp từ 3 quốc gia gồm Romania, Slovakia và Ba Lan.
Ngoài ra, Bộ này dự báo nhập khẩu điện ở mức 20.411 MWh, trong khi sẽ không có xuất khẩu. Gần đây, tại Ukraine đã diễn ra tình trạng thiếu điện. Ngày 10/5, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal gọi tình hình ngành năng lượng của Ukraine là một trong những khó khăn nhất và kêu gọi người dân tiết kiệm điện.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 462,51 tỷ Yen (khoảng 3 tỷ USD) trong tháng 4/2024, do giá dầu thô tăng cao và đồng Yen giảm mạnh khiến giá trị nhập khẩu tăng dù cho xuất khẩu cũng tăng mạnh.
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 22/5, nhu cầu mạnh mẽ đối với ô tô đã giúp kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng tháng thứ năm liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, tăng 8,3% lên 8.980 tỷ Yen, mức cao kỷ lục cho tháng 4 hằng năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 8,3%, lên 9.440 tỷ Yen, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay trong các tháng 4 hằng năm.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng 8,8% trong tháng 4/2024, lên 1.800 tỷ yen, đánh dấu chuỗi tăng trưởng 31 tháng liên tiếp.
* Theo một cuộc thăm dò ý kiến các chiến lược gia thị trường chứng khoán của Reuters, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng 4,6% vào cuối năm nhờ triển vọng vững chắc của các công ty và nền kinh tế toàn cầu ổn định.
Chỉ số Nikkei 225 sẽ giao dịch ở mức 40.750 điểm vào cuối năm nay, theo ước tính trung bình của 16 nhà phân tích được thăm dò từ ngày 13-21/5, tăng so với mức đóng cửa của phiên giao dịch ngày 21/5 là 38.946,93 điểm.
* Kết quả cuộc khảo sát xã hội của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm 21/5 cho biết, niềm tin tiêu dùng của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thị trường tăng cao.
Theo đó, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp ở Hàn Quốc đứng ở mức 98,4 trong tháng này, giảm so với mức 100,7 của tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chỉ số dưới 100 có nghĩa là số người bi quan đông hơn số người lạc quan.
* Theo hãng tin Yonhap, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu USD trong tháng 4 vừa qua. Số liệu do Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS) công bố ngày 19/5 cho thấy, xuất khẩu mì ăn liền của nước này - hay còn gọi là "Ramyeon" trong tiếng Hàn - đạt 108,6 triệu USD trong tháng 4 vừa qua, tăng 46,8% so với một năm trước đó. Đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất của xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc kể từ tháng 5/2022.
Xuất khẩu Ramyeon đã tăng liên tục kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ đạt mức cao mới trong năm nay, nhờ sự phổ biến của điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc, cũng như nhu cầu cao đối với các loại thực phẩm ăn liền giá cả phải chăng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tuần qua tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng do nguồn cung thấp và nhu cầu mạnh. Trong khi đó, giá gạo của nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ổn định do nhu cầu yếu.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tiếp tục tăng, đạt mức 632-640 USD/tấn, so với mức 600 USD/tấn của tuần trước đó.
Theo một nhà giao dịch tại Bangkok, giá tăng do nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của Indonesia và Brazil lớn.
* Tổ chức xếp hạng tín dụng Mỹ Fitch Ratings mới đây dự báo, việc nới rộng phạm vi nợ công để tài trợ cho các kế hoạch lớn sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Indonesia gần đến mức giới hạn pháp lý, nhưng cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua hoạt động kinh tế gia tăng.
Ông Thomas Rookmaaker, người đứng đầu Fitch Ratings khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự báo thâm hụt ngân sách của Indonesia sẽ ở mức tương đương 2,9% GDP vào năm 2025, đánh dấu “một bước nhảy vọt” từ mức 1,65% GDP năm 2023.
Ông cho rằng chính phủ sắp tới sẽ “cố gắng chi tiêu nhiều nhất có thể” để thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, từ đó thâm hụt ngân sách có nguy cơ sẽ vượt mức 3% GDP - mức giới hạn pháp lý.
* Tất cả người nước ngoài đến Singapore, bất kể quốc tịch, hiện có thể sử dụng làn tự động tại Sân bay Changi để làm thủ tục nhập cảnh.
Tính năng này đã được triển khai vào đầu tháng 5, cho phép ngay cả những du khách lần đầu đến Singapore có thể sử dụng các làn tự động mà không cần đăng ký trước vào hệ thống. Đây là một phần trong khái niệm thông quan mới của Cơ quan Kiểm soát nhập cư (ICA) đã được công bố vào năm 2019, nhằm cung cấp thông tin nhập cư nhanh hơn và an toàn hơn. Trước đây, làn tự động chỉ dành cho người dân Singapore và người mang hộ chiếu từ 60 khu vực pháp lý.
Hơn 160 làn đường tự động đã được lắp đặt vào năm 2023 và 230 làn đường khác sẽ được thiết lập vào năm 2024. ICA dự định lắp đặt khoảng 800 làn đường như vậy trên tất cả các trạm kiểm soát của Singapore vào năm 2026.