📞

Kinh tế thế giới nổi bật (22-28/7): Kinh tế Nga gây ngạc nhiên, EU đau đầu vì khí đốt, Mỹ mạnh tay ghìm lạm phát, Trung Quốc khó ‘ngó lơ’ Evergrande

Hải An 13:50 | 28/07/2022
Tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại, EU quyết định giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt, kinh tế Nga tốt hơn dự báo, Mỹ lại tăng mạnh lãi suất, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các công ty bất động sản… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Những rủi ro suy giảm do lạm phát cao và căng thẳng Nga-Ukraine gây ra có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới

IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 26/7 một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro suy giảm do lạm phát cao và căng thẳng Nga-Ukraine gây ra có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.

Trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới, IMF cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 so với mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4/2022. Mức sụt giảm tăng trưởng GDP thế giới trong quý II/2022 là do đà giảm sút tại Trung Quốc và Nga.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% đưa ra trong tháng 4/2022, liên quan tới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Tăng trưởng thế giới đã phục hồi trong năm 2021 lên 6,1% sau khi đại dịch Covid-19 khiến GDP toàn cầu năm 2020 “bốc hơi” 3,1%.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết: “Triển vọng đã trở nên u ám hơn kể từ tháng 4/2022. Thế giới có thể sẽ sớm tiến đến bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần nhất”.

IMF cho hay, các dự báo mới nhất này là “cực kỳ bất ổn” và chịu nhiều rủi ro từ căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát và kéo theo những đồn đoán lạm phát kéo dài, qua đó sẽ thúc đẩy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa.

Trong một kịch bản khác, khi mà Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào cuối năm 2022 và xuất khẩu dầu của Nga giảm thêm 30%, quỹ này cho biết, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại xuống 2,6% trong năm 2022 và 2% vào năm 2023, trong đó mức tăng trưởng tại châu Âu và Mỹ gần như bằng không trong năm 2023.

IMF lưu ý tăng trưởng toàn cầu đã giảm dưới 2% chỉ 5 lần kể từ năm 1970, trong đó bao gồm cả cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra năm 2020. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố một đợt tăng lãi suất mạnh nữa, đẩy mạnh nỗ lực kéo lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên phạm vi từ 2,25% đến 2,5%.

Fed hiện đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hai lần trong hai tháng qua, một mức tăng đáng kể có khả năng làm chậm nền kinh tế Mỹ. (Reuters)

* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 24/7 nói rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, đồng thời thừa nhận nguy cơ về một cuộc suy thoái, song bà cho biết suy thoái không phải là không thể tránh khỏi.

Theo bà Yellen, hoạt động tuyển dụng vẫn mạnh và chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy nền kinh tế Mỹ hiện không suy thoái.

Hoạt động tuyển dụng trong tháng 6/2022 của Mỹ vẫn mạnh, với 372.000 việc làm được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức 3,6%. Đây là tháng thứ tư liên tiếp số việc làm tăng vượt 350.000.

Tuy nhiên, lạm phát "đang ở mức quá cao" và các đợt tăng lãi suất gần đây của Fed đã giúp đưa giá cả đang tăng vọt trở lại tầm kiểm soát. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo nhà cung cấp thông tin tài chính REDD, các nhà chức trách Trung Quốc khó có thể phớt lờ “mớ hỗn độn tài chính” mang tên Evergrande trong bối cảnh niềm tin vào thị trường bất động sản “bốc hơi” nhanh chóng, các rủi ro tài chính và chính trị đang gia tăng đối với Bắc Kinh.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang có kế hoạch thành lập một quỹ bất động sản trị giá lên tới 300 tỷ NDT (44,3 tỷ USD) để hỗ trợ hàng chục nhà phát triển bất động sản bao gồm cả Evergrande. (Reuters)

* Ủy ban châu Âu đã công bố quy định thực thi nhằm gia hạn thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu dây Molybden từ Trung Quốc vào ngày 26/7.

Sản phẩm này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ… Liên minh châu Âu (EU) ban đầu áp thuế hải quan vào năm 2010 đối với các sản phẩm này từ Trung Quốc, sau đó gia hạn và mở rộng đối với các sản phẩm này từ Malaysia.

Đại diện của ngành công nghiệp dây Molybden châu Âu Plansee SE đã đệ trình yêu cầu xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá lên Ủy ban châu Âu vào năm 2021 khi thuế chống bán phá giá sắp hết hạn.

Sau khi điều tra, Ủy ban châu Âu đã quyết định gia hạn biện pháp này, giữ lại mức thuế chống bán phá giá là 64,3%. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* EU đã nhất trí với kế hoạch giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt, coi đây như một hành động đoàn kết với Đức nhằm phản ứng việc Nga sử dụng nguồn cung như một "vũ khí" kinh tế.

Hội đồng EU cũng dự báo khả năng kích hoạt ‘cảnh báo của EU’ về an ninh nguồn cung, trong trường hợp việc giảm nhu cầu khí đốt sẽ trở thành quy định bắt buộc.

Theo kế hoạch vừa thông qua, các quốc gia thành viên tự nguyện giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ, dựa trên mức trung bình 5 năm trong các tháng mùa Đông, thường bắt đầu từ tháng Chín cho tới tháng Ba năm sau. (Reuters)

Gazprom cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1. (Nguồn: Reuters)

* Thông báo ngày 26/7 của Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho hay, nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), tuyến đường chính xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, giảm xuống còn 20% công suất đường ống tối đa kể từ 7h (giờ Moscow) ngày 27/7 (11h ngày 27/7 theo giờ Việt Nam) do một tuabin khác ngừng hoạt động.

Đồng thời, hiện vẫn chưa rõ thời điểm Siemens chuyển tuabin đã được sửa chữa từ Canada cho Gazprom. (TTXVN)

* Trong bối cảnh Gazprom thông báo cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt đến châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn khoảng 20% công suất, giới chức Đức ngày 27/7 đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục cắt nhu cầu tiêu thụ khí đốt trước mùa Đông sắp tới.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận nền kinh tế lớn nhất EU, vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga trong nhiều năm qua, hiện đang phải tìm các nguồn thay thế. (TTXVN)

* Các công ty nhà nước Rosneft và Gazprom của Nga sẽ có thể vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh của các lệnh trừng phạt của EU nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu.

Các công ty kinh doanh lớn như Vitol, Glencore và Trafigura cũng như các công ty dầu khí lớn như Shell và Total đã ngừng giao dầu của Nga cho các bên thứ ba, với lý do các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm các hạn chế về bảo hiểm.

Việc mua dầu thô của Nga do các công ty EU vận chuyển và xuất khẩu sang các nước thứ ba được cho phép, nhưng theo những thay đổi trong các biện pháp trừng phạt đối với Nga có hiệu lực hôm 22/7, các khoản thanh toán liên quan đến các lô hàng đó sẽ không bị cấm. (Reuters)

* Bất chấp ảnh hưởng của hàng loạt biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan cuộc xung đột tại Ukraine, ngày 26/7, IMF đánh giá kinh tế Nga đang ở tình trạng tốt hơn dự báo.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới được cập nhật ngày 26/7, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay theo hướng tích cực, từ mức giảm 8,5% xuống giảm 6%. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Trong phiên giao dịch sáng 28/7, đồng Yen đã tăng giá nhẹ so với đồng bạc xanh của Mỹ sau khi Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Vào lúc 9h ngày 28/7 (giờ địa phương) trên thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đứng ở mức 136,11-12 Yen/USD, giảm nhẹ so với mức giá đóng cửa 136,97-99 Yen/USD tại thị trường này vào chiều hôm qua.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng Yen tăng giá nhẹ là mức tăng lãi suất của Fed thấp hơn đáng kể so với con số 1% mà nhiều nhà đầu tư lo ngại. (TTXVN)

* Chính phủ Nhật Bản ngày 26/7 đã nâng cấp đánh giá kinh tế chủ chốt lần đầu tiên sau ba tháng, phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng cá nhân khi các hoạt động kinh tế tiếp tục trở lại bình thường sau các hạn chế do đại dịch Covid-19.

Trong báo cáo tháng 7/2022, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết: “Nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng ở mức độ vừa phải, nâng cấp so với tuyên bố có dấu hiệu khởi sắc trong báo cáo trước, do cải thiện tiêu dùng cá nhân, nhập khẩu và việc làm.

Về triển vọng ngắn hạn, báo cáo tháng này cảnh báo rủi ro bắt nguồn từ những biến động trên các thị trường tài chính và vốn trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ toàn cầu. (Kyodo)

* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho ngày 28/7 cho biết, quyết định tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ chỉ có tác động hạn chế đến thị trường tài chính của quốc gia Đông Bắc Á do kết quả đã được dự báo và phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Với quyết định mới của Fed, lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, lãi suất cơ bản của Mỹ đang cao hơn lãi suất cơ bản của Hàn Quốc (hiện ở mức 2,25%).

Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế. Lạm phát trong nước đang ở mức cao 6% trong tháng 6, đồng Won mất giá tới 9% so với đồng USD tình từ đầu năm đến nay. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Báo cáo do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 27/7 cho biết, tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đã tăng lên 6,1%, mức cao nhất trong hơn hai thập niên gần đây, do giá nhiên liệu và chi phí xây dựng tăng vọt.

Mặc dù vậy, con số trên vẫn thấp hơn 0,2% so với kỳ vọng của thị trường và các dự báo kinh tế đã đưa ra trước đó. Báo cáo của ABS chỉ ra rằng, lạm phát bị đẩy cao là do Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý II/2022 tăng 1,8%, mức cao nhất kể từ tháng 6/2001. (TTXVN)

FPO điều chỉnh tăng dự báo số lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay lên 8 triệu lượt, tăng so với dự báo 6,5 triệu lượt được đưa ra vào tháng Tư. (Nguồn: Getty)

* Văn phòng Chính sách tài khóa (FPO) thuộc Bộ Tài chính Thái Lan đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức trung bình 3,5%, nhờ đà phục hồi của lĩnh vực du lịch và tiêu dùng nội địa.

FPO cũng đã điều chỉnh tăng dự báo số lượng khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay lên 8 triệu lượt, tăng so với dự báo 6,5 triệu lượt được đưa ra vào tháng Tư. (TTXVN)

* Bộ Tài chính Indonesia vừa quyết định gia hạn một số chính sách ưu đãi thuế đến cuối năm nay trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Động thái trên bao gồm các biện pháp ưu đãi nhằm giảm bớt tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp. Cụ thể, miễn thuế thu nhập đối với hàng nhập khẩu cho 72 lĩnh vực, và giảm thuế thu nhập cho 157 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Quyết định cũng bao gồm các ưu đãi thuế dành cho lĩnh vực y tế, cụ thể là miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa được sử dụng trong phòng chống Covid-19, miễn thuế thu nhập đối với hàng nhập khẩu và miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhân viên y tế. (TTXVN)

* Malaysia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Du lịch thế giới lần thứ 6, dự kiến diễn ra tại bang Sabah thuộc đảo Borneo của nước này từ ngày 28-30/11/2022.

Dự kiến sẽ có khoảng 700 đại biểu quốc tế và địa phương cũng như các bộ trưởng du lịch, quan chức cấp cao, viện sĩ và các nhân vật hàng đầu trong ngành dự kiến sẽ tham dự sự kiện này. (TTXVN)