Năm 2023, Nga vận chuyển 14,5 triệu tấn dầu sang Belarus. (Nguồn: themoscowtimes.com) |
Kinh tế thế giới
Ngày 27/5, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết đã nhận được 4,8 tỷ USD từ các cam kết mới nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số toàn cầu, nâng tổng giá trị cam kết lên hơn 50 tỷ USD.
Theo dữ liệu từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), cơ quan viễn thông của LHQ, khoảng 2,6 tỷ người, tương đương 1/3 dân số toàn cầu, vẫn chưa được tiếp cận cuộc cách mạng số hóa trong năm 2023.
Trong một tuyên bố, Giám đốc ITU Doreen Bogdan-Martin cho hay, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đòi hỏi nỗ lực tập thể và LHQ đã giành được bước tiến đáng kể về kết nối toàn cầu.
ITU đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng 33% dân số thế giới chưa kết nối với Internet và đang không được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số hóa.
Mỹ
* Ngày 26/5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, nước này chưa ký thỏa thuận thuế toàn cầu. Theo bà Yellen, Mỹ sẽ không ký thỏa thuận về thuế toàn cầu cho đến khi Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý về các vấn đề quan trọng chưa được giải quyết.
Quan chức này nhấn mạnh, Ấn Độ hiện vẫn đứng ngoài và Trung Quốc chưa thật sự tham gia nhiều vào các cuộc đàm phán trong khi các nước cần hai quốc gia châu Á cùng tham gia để có thể kết thúc thương lượng.
Khoảng 140 nước đã ký kết khung một thỏa thuận mang tính đột phá vào năm 2021 nhằm cải cách phương thức đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn. Một phần của thỏa thuận này quy định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% để loại bỏ các thiên đường thuế thấp.
* Ngày 29/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tài tài liệu chuyên sâu có tên là Sách Begie, trong đó đánh giá nền kinh tế số một thế giới tính tới tháng 5/2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, song rủi ro suy thoái vẫn còn.
Theo tài liệu này, về tổng thể, nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng từ đầu tháng 4 tới trung tuần tháng 5/2024, song tăng trưởng không đồng đều tại các khu vực, rủi ro suy thoái vẫn còn, chi tiêu bán lẻ không đổi cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt sâu.
Trung Quốc
* Nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc có thể đạt mức kỷ lục trong năm 2024, do nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế phục hồi và quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp.
Chuyên gia cao cấp Zhang Yaoyu, người phụ trách về LNG và năng lượng mới của PetroChina International thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, đang có kế hoạch mua khoảng 80 triệu tấn LNG trong năm nay, do nhu cầu từ các ngành công nghiệp và thương mại ngày càng gia tăng.
Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước đó lên 71,32 triệu tấn, vượt Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Đây là mức tăng đáng kể so với mức nhập khẩu 63,44 triệu tấn LNG vào năm 2022.
* Trung Quốc có thể tăng mạnh nhập khẩu bạc trong những tuần tới, do nhu cầu về pin Mặt trời cũng như các nhà sản xuất tận dụng nhu cầu tăng vọt khiến giá bạc tại nền kinh tế này cao hơn nhiều so với thị trường quốc tế.
Nhập khẩu bạc của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, đạt mức cao nhất trong 3 năm vào tháng 12/2023 với khoảng 390 tấn trước khi giảm trở lại. Hoạt động này lại tăng vọt vào tháng 4 với mức nhập khẩu hơn 340 tấn. Tính chung trong 5 năm qua, mức nhập khẩu bạc trung bình hàng tháng của Trung Quốc là khoảng 310 tấn.
Châu Âu
* Trước thềm cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, thể chế này đã sẵn sàng bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tuần tới.
Theo ông Lane, “nếu không có bất ngờ lớn nào xảy ra, tại thời điểm này, tôi cho rằng các hạn chế (đối với việc giảm lãi suất) đã được xóa bỏ”.
Theo chuyên gia của ECB, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng cần giữ lãi suất trong phạm vi hạn chế trong năm nay để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm và không bị “kẹt” ở trên mức mục tiêu. Tốc độ điều chỉnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá và phân tích dữ liệu.
* Trong báo cáo về an ninh năng lượng châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, các nước châu Âu sẽ có thể từ bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng từ Nga vào năm 2030.
Theo kịch bản cơ bản, định chế này dự báo rằng, tính đến thời điểm đó, “châu Âu sẽ dần từ bỏ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch còn lại của Nga”. Trong đánh giá của mình, IMF dựa vào các báo cáo hàng tháng từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU).
Theo cơ quan này, từ năm 2021, Đức đã chuyển đổi nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang Na Uy. Nếu trước đây 65% khí đốt của Đức đến từ Nga, thì nay tỷ trọng nhiên liệu này từ Na Uy đã tăng từ 19% lên 60%.
* Số liệu của Cơ quan thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 29/5 cho thấy, lạm phát tại nước này tăng trong tháng 5/2024, do các yếu tố mang tính tạm thời và được cho sẽ không cản trở ECB hạ lãi suất.
Theo đó, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 5/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,2% trong tháng 4/2024 và là lần tăng đầu tiên trong 6 tháng. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, không đổi, vẫn ở mức 3%, dù được dự báo sẽ tăng nhẹ.
* Hãng tin RIA Novosti ngày 27/5 dẫn số liệu thống kê của châu Âu cho biết, trong tháng 3/2024, EU đã tăng cường mua sắt, thép và nhôm của Nga, chủ yếu là do nhu cầu tăng gấp bội ở Bỉ và Đức.
Tính trong tháng 3, Nga đã trở thành nhà cung cấp sắt thép lớn thứ hai cho EU, tăng xuất khẩu gấp 1,7 lần trong tháng, lên 328 triệu Euro (355 triệu USD). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2023, khi các nước thành viên khối mua các kim loại này với tổng trị giá 369 triệu Euro.
Danh sách 5 nước EU mua nhiều nhất gồm: Bỉ, Italy, Đan Mạch, CH Czech và Hà Lan.
* Ngày 24/5, truyền thông Nga dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay, nước này đã vận chuyển 14,5 triệu tấn dầu sang Belarus vào năm 2023 và khối lượng có thể vẫn được duy trì trong năm nay.
Ông Novak nói Nga cung cấp đủ số lượng mà các nhà máy lọc dầu của Belarus cần và không có hạn chế, đồng thời đang thảo luận với phía Minsk về khả năng hỗ trợ các nhà máy lọc dầu của Belarus trong trường hợp giá dầu toàn cầu tăng quá cao.
* Cơ quan hàng không dân dụng Pháp (DGAC) đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 70% chuyến bay tại sân bay Paris Orly trong 2 ngày 25-26/5 do cuộc đình công của các nhân viên kiểm soát không lưu.
Cuộc đình công diễn ra khi Pháp đang chuẩn bị cho lượng khách du lịch khổng lồ đổ về tham dự Thế vận hội Paris, khai mạc vào ngày 26/7 tới. Đây là cuộc đình công lớn thứ hai của nhân viên kiểm soát không lưu trong một tháng qua. Cuộc đình công trước đó đã khiến hàng nghìn chuyến bay trên khắp châu Âu bị hủy.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 28/5 cho biết, tài sản ròng bên ngoài của Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 471.300 tỷ Yen (3.000 tỷ USD) trong năm 2023. Đây là năm tăng thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh đồng Yen yếu và các thương vụ mua bán tài sản của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài đã thúc đẩy giá trị tài sản ngoại hối của nước này gia tăng.
Nhờ đó, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị trí là chủ nợ hàng đầu thế giới, tiếp theo là Đức với 454.800 tỷ Yen và Trung Quốc với 412.700 tỷ Yen tài sản ròng bên ngoài tính đến cuối năm 2023.
* Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên đánh giá nền kinh tế nước này đang phục hồi vừa phải mặc dù vẫn còn một số khó khăn, đồng thời đưa ra quan điểm lạc quan hơn về lĩnh vực sản xuất.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn tiếp tục ở mức vừa phải, nhưng cảnh báo về tác động tiêu cực của lạm phát, xung đột ở Trung Đông và những diễn biến về tiền tệ cũng như các thị trường vốn khác.
Báo cáo kinh tế hằng tháng cho thấy sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi gần đây, mặc dù trước đó bị sụt giảm do ảnh hưởng của một số nhà sản xuất ô tô dừng sản xuất và xuất khẩu.
* Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên theo từng quốc gia của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 28/5 cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 của Hàn Quốc là 1,3%, cao thứ ba trong số các nước thành viên.
Trong số 29 quốc gia thành viên công bố tốc độ tăng trưởng quý I, Israel đứng đầu bảng với mức tăng trưởng 3,3%, đứng thứ hai là Chile với 1,9%.
Tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của Hàn Quốc cao hơn đáng kể không chỉ so với các nước thành viên OECD mà còn của cả Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 27/5 công bố báo cáo "Giá cả tăng cao và tiêu dùng", trong đó cho biết, giá tiêu dùng đã tăng lũy kế 12,8% kể từ sau năm 2021 cho tới gần đây. Mức tăng này cao gấp đôi so với mức tăng 5,5% cùng giai đoạn những năm 2010.
Theo BoK, trong năm 2021 và 2022, giá cả tăng cao đã làm giảm khoảng 4% tốc độ tiêu dùng. Kể từ cuối năm 2023, mặc dù giá tiêu dùng đã tăng chậm lại, nhưng nhìn chung lạm phát vẫn cao và đây là yếu tố chính khiến nhu cầu tiêu dùng giảm. Lạm phát tăng khiến giá trị tài sản thực tế giảm, tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng và khả năng sở hữu tải sản.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Hiệp hội công nghiệp khai thác mỏ quốc gia (IMA) của Indonesia cho biết, các nhà sản xuất trong nước có thể không đạt được mục tiêu sản lượng than năm nay với tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu đang diễn ra.
Sản lượng than trong quý I năm nay kém hơn so với các năm trước, cùng với việc dư cung toàn cầu và nhu cầu xuất khẩu thấp hơn, dẫn đến giá than giảm so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà sản xuất than trong nước còn dự đoán sản lượng có thể giảm liên tiếp trong hai năm tới, với dự kiến sản lượng đạt 917,16 triệu tấn vào năm 2025 và 902,97 triệu tấn vào năm 2026.
Indonesia đã sản xuất 138 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm 2024, thấp hơn khoảng 24% so với mức 183 triệu tấn mà nước này sản xuất cùng kỳ năm ngoái.
* Nhu cầu về chất bán dẫn trên toàn cầu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 và Malaysia đang nỗ lực tham gia vào thị trường này, với mục tiêu trở thành trung tâm của ngành bán dẫn ở châu Á.
Tại Triển lãm Semicon Đông Nam Á 2024 dành cho ngành công nghiệp điện tử trong khu vực, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Datuk Seri Zafrul Tengku Abdul Aziz phát biểu, xuất khẩu chất bán dẫn hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, qua đó giúp Malaysia trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 6 trong lĩnh vực này.
Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành bán dẫn trong 50 năm qua, Malaysia sẽ tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò trong ngành bán dẫn thông qua ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo (AI).
* Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan đã kêu gọi chính phủ nước này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển hướng sang các ngành công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đang bị tụt lại về tốc độ tăng trưởng cũng như sức hấp dẫn đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với các nước trong khu vực.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế quý I/2024 công bố tuần này, NESDC ghi nhận GDP của Thái Lan tăng 1,5% trong 3 tháng đầu năm, mức thấp nhất trong số các nước thành viên ASEAN.
NESDC cũng lưu ý Thái Lan đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách dòng vốn FDI đổ vào ASEAN năm 2023 với 2,96 tỷ USD. Ba quốc gia đứng đầu danh sách này là Indonesia 21,7 tỷ USD, Malaysia 18,5 tỷ USD và Việt Nam 8,25 tỷ USD.