Lạm phát tại Nga đang cao hơn nhiều so với dự báo Ngân hàng trung ương nước này đưa ra hồi tháng 7/2024. (Nguồn: Moskva News Agency) |
Kinh tế thế giới
IMF nâng dự báo tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Vừa qua, tại buổi họp báo về triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá nền kinh tế khu vực vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới và nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2024 và năm 2025.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của IMF, đánh giá châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp đến 60% cho tăng trưởng toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế châu Á đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến và IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực lên 4,6% trong năm 2024 và 4,4% cho năm 2025.
Trong tương lai, IMF kỳ vọng nhu cầu nội địa ở khu vực châu Á sẽ gia tăng trước các khu vực khác, sau những tác động của các đợt thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ vẫn vững chắc, mặc dù hai nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại phần nào vào năm 2025. Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và rộng khắp.
Kinh tế Mỹ
* Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng tại Mỹ đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm do nhu cầu gia tăng, trong khi dự trữ dầu thô cũng ghi nhận sự sụt giảm bất ngờ khi lượng nhập khẩu giảm.
Tuần trước, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Saudi Arabia đã giảm xuống 13.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, so với mức 150.000 thùng/ngày trong tuần trước đó. Theo EIA, lượng dầu nhập khẩu từ Canada, Iraq, Colombia và Brazil cũng giảm trong tuần qua.
* Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 7/11 tới, theo dự báo của toàn bộ 111 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters. Hơn 90% trong số họ tiếp tục dự báo về một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12.
Theo ước tính trung bình của các chuyên gia tham gia khảo sát, Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất tổng cộng 50 điểm cơ bản trong hai quý đầu năm 2025 và thêm 25 điểm cơ bản trong quý cuối cùng của năm, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống khoảng 3,00-3,25% vào cuối năm 2025, thấp hơn một chút so với biểu đồ "dot-plot" của thể chế nước Mỹ.
Hiện tại, lạm phát dường như đang được kiểm soát, nhưng việc tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng mạnh mẽ có thể làm tái khởi động áp lực về giá trong tương lai.
Kinh tế Trung Quốc
* Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong 3 quý đầu năm 2024, tổng doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đạt 10.900 tỷ Nhân dân tệ (1.528,9 tỷ USD), tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh số bán lẻ trực tuyến của hàng hóa thực vật đạt 9.100 tỷ Nhân dân tệ (1.276,2 tỷ USD) tăng 7,9%.
* Ngày 30/10, Trung Quốc ban hành hướng dẫn để thúc đẩy thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống bằng các nguồn năng lượng tái tạo, tập trung vào việc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực chính, thúc đẩy các công nghệ sáng tạo liên quan để tạo ra các mô hình mới thay thế.
Hướng dẫn đặt mục tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo trong nước đạt hơn 1,1 tỷ tấn than tiêu chuẩn vào năm 2025 và hơn 1,5 tỷ tấn than tiêu chuẩn vào năm 2030 để hỗ trợ mạnh mẽ cho mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030.
Hướng dẫn 17 điểm do 6 bộ ngành phối hợp ban hành, bao trùm nhiều khía cạnh bao gồm nâng cao độ an toàn và độ tin cậy của việc thay thế năng lượng tái tạo, đẩy nhanh việc thay thế trong các lĩnh vực chính như công nghiệp và giao thông vận tải, tích cực tiến hành thử nghiệm đổi mới và tăng cường bảo đảm.
* Ngày 30/10, Trung Quốc đã phản ứng mạnh sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thông báo kết quả cuối cùng của cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã nhiều lần chỉ ra rằng cuộc điều tra do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành có nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”.
Trước đó, ngày 29/10, EU nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt tình trạng bế tắc. Quyết định được công bố trên công báo chính thức của EU vào ngày 29/10 và sẽ có hiệu lực một ngày sau đó.
Trong quyết định cuối cùng được công bố, EC xác nhận EU sẽ áp mức thuế mới cao nhất lên tới 35,3%, ngoài mức thuế 10% hiện hành đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kinh tế châu Âu
* Ngân hàng trung ương Nga ngày 25/10 đã nâng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm, lên mức cao kỷ lục 21%, nhằm kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Trong một thông báo, Ngân hàng trung ương Nga cho biết "tăng trưởng nhu cầu trong nước vẫn vượt xa khả năng gia tăng cung hàng hóa và dịch vụ". Thông báo cho hay, lạm phát đang cao hơn nhiều so với dự báo Ngân hàng trung ương Nga đưa ra hồi tháng 7, và các dự báo về lạm phát vẫn tiếp tục tăng lên. Ngân hàng này cũng đưa ra khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 12 tới.
Mức lãi suất mới nói trên là mức cao nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 2/2022, khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất lên 20% nhằm hỗ trợ đồng Ruble trước những lệnh trừng phạt sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
* Đức đã tránh được một cuộc suy thoái trong gang tấc, bất chấp những dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể tiếp tục sụt giảm trong quý III/2024.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis), kinh tế Đức đã tăng trưởng nhẹ 0,2% trong quý III/2024. Thông tin trên khiến các chuyên gia ngạc nhiên do kết quả đảo chiều so với dự báo nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Destatis, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu được thúc đẩy nhờ chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình tăng lên.
* Ngân hàng HSBC Holding vừa công bố lợi nhuận trong quý III/2024 tăng 10%, vượt dự kiến của các nhà phân tích do mảng tài sản và hoạt động ngân hàng bán buôn được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến.
Ngân hàng lớn nhất châu Âu này đã công bố lợi nhuận trước thuế đạt 8,5 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2024, tăng so với mức 7,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trước đó, các chuyên gia dự đoán lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 7,6 tỷ USD.
Doanh thu của HSBC trong quý III/2024 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước lên 17 tỷ USD.
* Ngày 25/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp từ "ổn định" sang "tiêu cực" do lo ngại về tình hình tài chính của quốc gia này.
Moody's nêu rõ, sự thay đổi trên phản ánh "rủi ro ngày càng tăng rằng chính phủ Pháp khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hơn dự kiến và khả năng chi trả nợ xấu đi". Cơ quan này hiện vẫn xếp hạng tín nhiệm của Pháp ở mức Aa2, do "nền kinh tế lớn, giàu có và đa dạng" của nước này.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, mức tăng lương trung bình hàng tháng tại các doanh nghiệp Nhật Bản đã cao hơn 2.524 yen (16 USD) so với năm ngoái, đạt con số kỷ lục là 11.961 yen. Đây là lần đầu tiên mức tăng lương vượt qua mốc 10.000 Yen, diễn ra trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao.
Con số này, đại diện cho mức tăng 4,1% so với năm ngoái, xuất hiện khi các nhà quản lý và công đoàn lao động đã đồng ý về mức tăng lương lịch sử trong các cuộc đàm phán về lương vào mùa Xuân năm nay. Mức tăng lương tối thiểu cũng góp phần vào mức tăng này, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
* Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hàn Quốc sẽ thấp hơn dự đoán 2,4% được đưa ra hồi tháng 8 do xuất khẩu suy giảm. Tuy nhiên, Thống đốc Rhee bác bỏ những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế xuất phát từ việc sụt giảm tăng trưởng và cho rằng không cần thiết phải thực hiện gói kích thích kinh tế toàn diện do có thế gây ra những tác dụng phụ với nền kinh tế.
Theo Thống đốc Rhee, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Hàn Quốc sẽ giảm xuống mức 2,2-2,3%. .
* Ngày 29/10, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu trong nước không tăng giá xăng dầu quá mức trong bối cảnh biến động giá năng lượng gia tăng và bất ổn leo thang ở Trung Đông.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi tuần trước, Hàn Quốc quyết định gia hạn cắt giảm thuế nhiên liệu thêm hai tháng với một số điều chỉnh. Theo đó, mức giảm thuế đối với xăng sẽ là 15%, còn dầu diesel và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) là 23%. Trước đó, nước này đã áp dụng mức giảm thuế 20% đối với xăng và 30% đối với dầu diesel và LPG, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng này.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ngày 29/10 đã triệu tập cuộc họp hẹp với một số bộ trưởng để thảo luận về tình hình ngành dệt may Indonesia, đặc biệt tập trung tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ tập đoàn dệt may đầu ngành Sri Rejeki Isman (Sritex).
Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết Tổng thống Prabowo Subianto muốn tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn của ngành dệt may, trong đó yêu cầu triển khai các biện pháp hỗ trợ duy trì ngành dệt may.
* Chính phủ Indonesia đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế dài hạn thông qua an ninh năng lượng, số hóa và công nghiệp hóa tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Thomas Djiwandono cho biết: "Ba chủ đề này đóng vai trò là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn và đó là lúc chúng ta cần xem xét các động lực tăng trưởng".
Ông Thomas nói thêm rằng Tổng thống Prabowo sẽ mở rộng trọng tâm kinh tế sang các lĩnh vực khác để duy trì sức hấp dẫn của Indonesia đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Bộ Tài chính đang tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau như là nguồn tăng trưởng tiềm năng mới, bao gồm cơ sở hạ tầng, du lịch và số hóa.
* Chính phủ Malaysia đã tăng ngân sách cho Quỹ chuyển đổi năng lượng quốc gia từ mức 100 triệu Ringgit (22,93 triệu USD) trong năm 2024 lên hơn 300 triệu Ringgit (68,80 triệu USD) trong năm 2025. Giới chuyên gia tại Malaysia đánh giá, đây là động thái kịp thời nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án năng lượng xanh.
* Cục Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ thô do sản lượng cọ giảm bởi hạn hán và bệnh cây trồng.
Cục phó Cục Nội thương Goranij Nonejuie cho biết, các hạn chế này dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12/2024 nhằm ổn định giá cả trong nước và đảm bảo mức dự trữ đầy đủ. Ông Goranij xác nhận rằng giá dầu cọ thô hiện đang ở mức khả quan là 8-9 Baht/kg, nhưng nhấn mạnh cần phải theo dõi chặt chẽ giá dầu cọ đóng chai.