📞

Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/8): Du khách đến Nga tăng vọt, Ukraine không trả hết nợ trong 10 năm, Mỹ-Trung nỗ lực ‘hàn gắn sứt mẻ’

Hải An 13:36 | 31/08/2023
Top 3 công ty trả cổ tức cao nhất thế giới, khách du lịch tới Nga tăng mạnh, nợ công của Ukraine ở mức 80% GDP, Nhật Bản hỗ trợ ngành thủy sản trong nước, Mỹ-Trung Quốc nỗ lực giảm leo thang… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Khối lượng xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển hiện đạt mức 3,4 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức tối đa kể từ cuối tháng 6/2023. Trong ảnh, nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu mỏ Lukoil, Nga. (Nguồn: Lukoil)

Kinh tế thế giới

Mức chi trả cổ tức toàn cầu tăng cao kỷ lục

Báo cáo của công ty quản lý tài sản Janus Henderson cho biết, cổ tức được trả bởi các công ty niêm yết lớn nhất thế giới đã tăng vọt lên mức kỷ lục 568,1 tỷ USD trong quý II/2023. Không những vậy, mức chi trả lợi nhuận dành cho các cổ đông dự kiến tăng hơn nữa, bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Báo cáo nêu rõ, các khoản thanh toán của 1.200 công ty đại chúng lớn nhất thế giới trong quý II/2023 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự kiến của các nhà kinh tế và các công ty.

Trong số 1.200 công ty này, số lượng các ngân hàng chiếm một nửa tăng trưởng cổ tức toàn cầu, nhờ tỷ suất lợi nhuận đạt được khi lãi suất tăng. Đáng chú ý, các nhà sản xuất ô tô chiếm 1/7 mức tăng trưởng cổ tức này.

Xét về khu vực địa lý, các công ty ở châu Âu, ngoại trừ Anh, dẫn đầu các khoản thanh toán cổ tức, với mức tăng trưởng 9,7% lên 184,5 tỷ USD. Các công ty ở Bắc Mỹ chi 165,3 tỷ USD để trả cổ tức, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Gã khổng lồ” thực phẩm Thụy Sỹ, Nestle, là công ty trả cổ tức cao nhất toàn cầu. Tiếp theo là ngân hàng HSBC của Anh và nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz.

Tuy nhiên, trái với sự vui mừng của các cổ đông, ông Ben Lofthouse - người đứng đầu bộ phận thu nhập vốn cổ phần toàn cầu tại công ty Janus Henderson - nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang “chậm lại”, khi lãi suất tăng.

Ông nói, các thị trường kỳ vọng lợi nhuận toàn cầu sẽ không thay đổi trong năm nay, sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhưng các công ty trên khắp thế giới đang thận trọng hơn về triển vọng.

Các ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới đã liên tục tăng lãi suất, để chống lại lạm phát cao. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính tăng lãi suất cho vay và thu được thêm lợi nhuận hoạt động.

Ông Lofthouse lý giải mặc dù nền kinh tế yếu hơn thường gây bất lợi cho các ngân hàng, nhưng tỷ suất lợi nhuận tăng lên đã thúc đẩy các ngân hàng chi trả cổ tức cao hơn. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại thủ đô Bắc Kinh ngày 29/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định, Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà Raimondo cũng nhấn mạnh Mỹ muốn duy trì mối quan hệ thương mại trị giá 700 tỷ USD với Trung Quốc và khẳng định quan hệ thương mại có thể giúp mang lại sự ổn định cho mối quan hệ tổng thể.

Đáp lại, Thủ tướng Lý Cường cho biết quan hệ kinh tế và hợp tác thương mại lành mạnh không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ và Trung Quốc, mà cho toàn thế giới. (Reuters)

* Số lượng việc làm của Mỹ trong tháng 7/2023 đã trở về mức trước đại dịch Covid-19, mở ra dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm nước này đang hạ nhiệt, đồng thời đem lại hy vọng cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc có thể hạ thấp lạm phát mà không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Dự báo về Khảo sát cơ hội việc làm và tỷ lệ luân chuyển lao động (JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra rằng, 2,3% số người lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã nghỉ việc trong tháng Bảy. Đây là con số thấp nhất kể từ tháng 1/2021, giai đoạn bùng phát làn sóng nghỉ việc do đại dịch gây ra. Trong khi, tỷ lệ tuyển dụng của cùng tháng đạt mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Kết hợp hai dữ liệu này, các nhà phân tích đánh giá, nhu cầu lao động tại cường quốc lớn nhất thế giới đang giảm đi và các điều kiện tuyển dụng được nới lỏng, củng cố điều kiện cần thiết để Fed có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Bộ Tài chính Trung Quốc, ngày 29/8, cho biết sẽ gia hạn chính sách ưu đãi thuế cho các công dân nước ngoài làm việc tại nước này đến hết năm 2027, nhằm hỗ trợ các công ty nước ngoài đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài thời hậu Covid-19.

Trước đó, theo kế hoạch, chính phủ Trung Quốc sẽ loại bỏ các khoản phụ cấp không chịu thuế của lao động nước ngoài trong năm 2022, nhưng quyết định sẽ kéo dài chương trình này trên cơ sở xem xét gia hạn đến cuối năm nay. (Reuters)

* Trung Quốc hiện có các nhà máy nhiệt điện sử dụng than có tổng công suất 243 GW, đã được phê duyệt hoặc đang trong quá trình xây dựng trong khi các chính quyền địa phương vẫn lo ngại về việc bảo đảm nguồn cung điện. Trung Quốc bắt đầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than với tổng công suất 37 GW trong nửa đầu năm nay và phê duyệt các dự án mới với tổng công suất 52 GW.

Bên cạnh đó, các nhà máy có công suất 149 GW đã được thông báo nhưng chưa chính thức cấp phép. Tổng công suất điện sử dụng than có thể tăng 23-33% so với mức của năm 2022, nếu tất cả các dự án được phê chuẩn.

Trung Quốc cam kết cắt giảm mức tiêu thụ than từ năm 2026, nhằm đưa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đạt mức đỉnh trước năm 2030, trong khi những quan ngại về an ninh năng lượng gia tăng đang đưa đến việc phê duyệt các dự án mới. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo Bộ Tài chính Ukraine, chỉ tính riêng trong tháng Bảy năm nay, nợ công của Ukraine đã tăng thêm 4 tỷ USD, đạt mức kỷ lục gần 133 tỷ USD. Phần lớn nhất của khoản nợ này là nợ của nhà nước. Quy mô dự kiến của GDP Ukraine năm 2023 là 169 tỷ USD.

Như vậy, tổng nợ của Ukraine đang tiến gần mức 80% GDP. Trong điều kiện hiện nay, Ukraine sẽ không đủ khả năng trả hết nợ trong 10 năm. Điều này có nghĩa là Kiev đang phải trông đợi vào các khoản vay mới từ các đối tác phương Tây. Đây sẽ là gánh nặng lớn trên vai thế hệ trẻ và nhiều thế hệ tiếp theo. (Reuters)

* Sau khi áp dụng chế độ thị thực điện tử, khách du lịch nước ngoài đến nước Nga ngày càng nhiều hơn. Số lượng đặt phòng khách sạn của người nước ngoài trong tháng 8/2023 đã tăng 25% so với tháng 7/2023 và tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết khách du lịch đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia, Việt Nam, Singapore, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan. Thông thường, du khách nước ngoài đặt khách sạn ở Moscow, Kazan, Vladivostok, Irkutsk, St. Petersburg, Sochi, Kaliningrad, Yekaterinburg và Novosibirsk. (TTXVN)

* Khối lượng xuất khẩu dầu của Nga bằng đường biển hiện đạt mức 3,4 triệu thùng/ngày, tiệm cận mức tối đa kể từ cuối tháng 6/2023.

Theo chuyên gia kinh tế Julian Lee của Bloomberg, trong khoảng thời gian từ 20-26/8, các nhà sản xuất Nga đã xuất khẩu trung bình 800.000 thùng dầu/ngày, cao hơn mức một tuần trước đó. Do đó doanh thu của các nhà xuất khẩu đã tăng trung bình 35% lên 47 triệu USD/ngày trong 4 tuần. (TASS)

* Theo thống kê của Viện nghiên cứu thị trường (GfK), niềm tin của người tiêu dùng Đức có thể sẽ giảm trong tháng 9/2023.

Cụ thể, niềm tin người tiêu dùng sẽ giảm 0,9 điểm xuống âm 25,5 điểm trong tháng 9, sau khi ghi nhận mức tăng nhẹ trong tháng 8 so với tháng 7/2023.

Nhà nghiên cứu Rolf Burkl thuộc GfK nhận định: “Cơ hội để tâm trạng người tiêu dùng có thể phục hồi bền vững trong năm nay đang ngày càng thu hẹp lại”. Tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu, càng khẳng định rằng niềm tin của người tiêu dùng không được cải thiện vào thời điểm hiện tại.

Cuộc khảo sát của GfK cũng cho thấy dự báo về lương của người dân và kỳ vọng của họ đối với tăng trưởng kinh tế tổng thể đang giảm xuống. (TTXVN)

* Theo dự báo của công ty bất động sản Zoopla, số lượng mua nhà ở Vương quốc Anh trong năm nay có khả năng giảm 21% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, do chi phí đi vay tăng.

Doanh số bán nhà ở Anh trong năm 2023 sẽ đạt 1 triệu căn, giảm so với mức 1,26 triệu căn vào năm ngoái, và đạt mức cao nhất trong 14 năm là 1,48 triệu căn trong năm 2021, khi lãi suất cực thấp và ưu đãi thuế trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu.

Mặc dù giá nhà ở Anh tăng 0,1% so với năm trước, nhưng số lượng giao dịch mua nhà bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chi phí đi vay tăng, đặc biệt là đối với những người mua phụ thuộc vào thế chấp. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Báo Nikkei ngày 31/8 đưa tin, Nhật Bản sẽ sử dụng kinh phí bổ sung để hỗ trợ ngành đánh bắt cá, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ mặt hàng hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản để đáp lại quyết định của nước này trong việc cho xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

Chính phủ Nhật Bản thiết lập hai quỹ trị giá 80 tỷ Yen (547,9 triệu USD) để giúp phát triển các kênh bán hàng mới và duy trì hoạt động đông lạnh cá đến khi nhu cầu phục hồi để có thể bán ra, cùng với các biện pháp khác. Trước đó, giới chức nước này đã phủ nhận khả năng có thêm các biện pháp tài khóa để hỗ trợ cho ngành đánh bắt cá. (Reuters/Nikkei)

Chính phủ Nhật Bản thiết lập hai quỹ trị giá 80 tỷ Yen (547,9 triệu USD) để giúp phát triển các kênh bán hàng mới và duy trì hoạt động đông lạnh cá đến khi nhu cầu phục hồi để có thể bán ra, cùng với các biện pháp khác. (Nguồn: Getty)

* Trong báo cáo kinh tế hằng tháng công bố ngày 28/8, Nhật Bản vẫn giữ quan điểm rằng nền kinh tế nước này đang phục hồi vừa phải trong tháng 8/2023 và có vẻ lạc quan hơn về xuất khẩu. Tuy vậy, Tokyo cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro sụt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản.

Cũng trong báo cáo trên, chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp quan điểm về xuất khẩu lần đầu tiên sau ba tháng, với lưu ý có “dấu hiệu tăng trưởng” trong lĩnh vực này. Bản báo cáo sửa đổi cho thấy xuất khẩu ô tô tăng mạnh sau khi tình trạng thiếu chip giảm bớt và du lịch trong nước hồi sinh. (Kyodo)

* Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ mua 400.000 tấn gạo từ vụ thu hoạch năm nay để đưa vào kho dự trữ. Quá trình thu mua bắt đầu từ ngày 30/8 đến cuối năm nay.

Chính phủ sẽ thu mua gạo theo giá thị trường ước tính trung bình từ tháng 10 đến tháng 11/2023. Bộ cho biết, ban đầu nông dân sẽ nhận được 30.000 Won (22,7 USD) cho mỗi bao 40 kg, số tiền còn lại sẽ được thanh toán vào cuối năm nay. (Yonhap)

* Chính phủ Hàn Quốc ngày 29/8 đã triệu tập cuộc họp Nội các và đưa ra dự thảo ngân sách cho năm 2024 với quy mô 656.900 tỷ Won (496,22 tỷ USD), tăng 2,8% so với năm 2023. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê vào năm 2005.

Nội các Hàn Quốc cùng ngày đã thông qua dự thảo ngân sách và sẽ trình lên Quốc hội để phê duyệt vào ngày 1/9. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan ngày 30/8 cho biết, nước này đang tập trung tăng cường thương mại, đặc biệt thực hiện chính sách xuất khẩu vào ASEAN, thị trường trọng tâm ưu tiên hàng đầu với hơn 600 triệu dân.

Theo ông Hasan, “Sau này, định hướng thương mại của ASEAN sẽ giống Liên minh châu Âu (EU). Các mặt hàng xuất khẩu sẽ miễn thuế; các thủ tục hải quan sẽ sử dụng phương tiện điện tử, tất cả dữ liệu có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật số”. (TTXVN)

* Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia (MSIA) cho rằng, nước này dự kiến nhận được nhiều khoản đầu tư hơn trong tương lai, dựa trên niềm tin của các nhà đầu tư vào khuôn khổ nền kinh tế Madani và từ các khoản đầu tư hiện có.

Thủ tướng Anwar Ibrahim đang nỗ lực rất lớn để thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ, thậm chí với cả Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn xe điện Tesla Elon Musk.

Bên cạnh đó, cũng có những thông báo đầu tư khác từ các công ty sản xuất chất bán dẫn châu Âu. Các nhà đầu tư sẽ xem xét các khoản đầu tư được phê duyệt này một cách tích cực. (TTXVN)

* Ngày 28/8, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã ký ban hành luật tăng lương tối thiểu cho người lao động lên 1.320 Real (269,7 USD). Đây cũng là mức cơ sở để điều chỉnh lương tối thiểu dựa trên lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này kể từ năm 2024.

Theo chính phủ Brazil, bắt đầu từ năm tới, việc tăng lương tối thiểu sẽ dựa trên mức cơ sở này và hai chỉ số kinh tế quan trọng, đó là mức lạm phát hàng năm và mức tăng trung bình của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 năm trước đó. (TTXVN)