Nga gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo, có hiệu lực đến ngày 30/6/2024. (Nguồn: Shutterstock) |
Kinh tế thế giới
Nhiệm vụ quan trọng của OPEC+ trong năm 2024
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 3/1 tái khẳng định cam kết vững chắc của khối đối với các mục tiêu chung nhằm tăng cường sự thống nhất và gắn kết ở cả trong khối và với các đồng minh ngoài OPEC.
Trong một tuyên bố, OPEC cho biết, những nỗ lực của OPEC và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, đã trợ giúp nền kinh tế toàn cầu vượt qua các thách thức trong những năm qua và đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng thế giới.
Trước đó, trong báo cáo hàng tháng thị trường dầu mỏ công bố hồi tháng 12/2023, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng trưởng vững trong năm 2024.
Theo tổ chức này, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024 lên mức trung bình 104,36 triệu thùng/ngày. OPEC cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng trưởng khởi sắc của nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục cải thiện.
Kinh tế Mỹ
* Theo mạng tin Bloomberg ngày 2/1, Mỹ đã vượt qua Australia và Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới năm 2023.
Theo đó, năm 2023, Mỹ xuất khẩu được 91,2 triệu tấn LNG. Hoạt động xuất khẩu khởi sắc sau khi cơ sở xuất khẩu hàng đầu là Freeport LNG nối lại hoạt động sau tám tháng bị dừng vì vụ hỏa hoạn hồi tháng 6/2022. Cùng lúc, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt, khí ngưng tụ từ Nga.
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 31/12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ củng cố và tăng cường xu hướng phục hồi kinh tế tích cực vào năm 2024, đồng thời duy trì phát triển kinh tế trong dài hạn với những cải cách sâu sắc hơn.
Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân dịp Năm mới 2024, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách để củng cố niềm tin vào nền kinh tế.
Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ quan ngại về những khó khăn mà hoạt động của một số doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như khó khăn mà người dân phải đối mặt trong công việc và cuộc sống hàng ngày, tác động của thiên tai như lũ lụt và động đất ở một số khu vực.
*Một cuộc khảo sát tư nhân hôm 1/1/2024 cho thấy, giá nhà mới của Trung Quốc đã tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 12/2023, nhờ một loạt biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
Theo đó, giá nhà mới xây tại Trung Quốc trong tháng 12 vừa qua tăng trung bình 0,1% so với tháng trước đó, sau khi tăng 0,05% trong tháng 11. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tâm lý của người mua nhà hiện vẫn đang quá yếu để các biện pháp này có tác động lâu dài.
Kinh tế châu Âu
*Chính phủ Nga ngày 30/12/2023 thông báo gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo và lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 30/6/2024.
Quyết định trên được đưa ra nhằm duy trì sự ổn định ở thị trường nội địa. Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu là Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, các khu vực Nam Ossetia và Abkhazia. Ngoài ra, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.
Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 29/7/2023 với thời hạn ban đầu đến ngày 31/12/2023. Quyết định được đưa ra chỉ một tuần sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu nông sản này để bình ổn giá trong nước.
* Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) thông báo sẽ cấp hơn 24 triệu Euro để khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng tại các khu vực của Ukraine.
Tháng 12/2023, chính phủ Đức đã cấp bổ sung 88,5 triệu Euro cho Quỹ hỗ trợ năng lượng Ukraine do Cộng đồng Năng lượng châu Âu thành lập để mua thiết bị khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine bị hư hại trong cuộc xung đột với Nga.
Như vậy, tổng số tiền đóng góp của Đức cho Quỹ đã lên tới 218 triệu Euro, trở thành nhà tài trợ lớn nhất trong tổng số quỹ thu được khoảng 400 triệu Euro kể từ tháng 2/2022.
* Số liệu thống kê của Cơ quan Việc làm Liên bang Đức (BA) công bố ngày 3/1 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 12/2023 tăng 0,1 điểm phần trăm so với tháng 11 lên 5,7%. Tuy nhiên, BA giải thích, sự gia tăng này là do yếu tố mùa vụ, vào lúc bắt đầu kỳ nghỉ Đông, chứ trên thực tế, thị trường việc làm vẫn đang phát triển tốt.
Số người thất nghiệp tại Đức tăng 31.000 người lên 2,637 triệu người trong tháng 12 so với tháng trước đó, vào tăng 183.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
* Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel ngày 1/1 bày tỏ ủng hộ việc sử dụng đồng Euro làm tiền tệ của quốc gia Trung Âu này và cho rằng thời điểm đã chín muồi để thực hiện các bước đi cụ thể.
Phát biểu trong thông điệp năm mới, Tổng thống Pavel tuyên bố: "Sau nhiều năm, đã đến lúc Cộng hòa Czech bắt đầu thực hiện các bước đi cụ thể để thực hiện cam kết sử dụng đồng Euro. Bất chấp những cuộc thảo luận bất tận về ưu, nhược điểm của đồng euro, đối với một quốc gia có nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu, nằm ở trung tâm châu Âu như Cộng hòa Czech, đồng tiền chung là tương lai hợp lý".
* Ngày 1/1, Ngân hàng HSBC (Anh) thông báo, công ty con HSBC Continental Europe (HBCE) tại châu Âu đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Pháp cho Crédit Commercial de France (CCF), một công ty con trực thuộc tập đoàn My Money.
Thương vụ này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của HSBC nhằm xoay trục khỏi các hoạt động không cốt lõi và tập trung vào các mảng kinh doanh có lợi nhuận cao nhất. Thông báo của HSBC cho biết tất cả các phê duyệt cần thiết theo quy định đã được thực hiện xong và giao dịch hoàn tất vào ngày 1/1/2024.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo một chuyên gia Kazakhstan phụ trách các vấn đề khu vực, Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ năng lượng và an ninh với các nước Trung Á trong bối cảnh khu vực giàu tài nguyên này đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối ngoại sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Giám đốc điều hành Aida Aidarkulova thuộc Central Asian Policy Studies Unlock, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Kazakhstan, cho biết, năng lượng hạt nhân và các công nghệ không phát thải carbon khác, an ninh mạng... nhằm theo đuổi một Trung Á tự do và cởi mở dựa trên luật pháp là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Nhật Bản và năm quốc gia gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Bà cũng đề cập vấn đề năng lượng hạt nhân và quản lý các nhà máy điện vì Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan đang xem xét xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
* Trong thông điệp được gửi đi từ khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã khẳng định quyết tâm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài, tạo đột phá mới về tăng trưởng kinh tế và cải thiện thu nhập của người dân.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, trong năm qua, các chỉ số về lương, đầu tư xây dựng cơ bản, giá cổ phiếu đều tăng cao nhất kể từ thời kỳ bong bóng kinh tế. Đây sẽ là tiền đề để Nhật Bản thoát khỏi xu hướng cắt giảm chi phí đang bao trùm lên nền kinh tế hiện nay.
* Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc ngày 3/1 cho biết, nước này sẽ gia hạn miễn thuế giá trị gia tăng đối với cà phê và cacao đến năm 2025 để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát liên tục duy trì ở mức cao.
Hàn Quốc đã áp dụng chính sách miễn thuế giá trị gia tăng 10% đối với cà phê và cacao nhập khẩu kể từ tháng 7/2022, có hiệu lực đến hết tháng 12/2023.
* Theo dữ liệu sơ bộ được chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 1/1, cán cân thương mại của nước này với Trung Quốc thâm hụt 18 tỷ USD trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong 31 năm Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đạt 124,8 tỷ USD, giảm 20% so với con số 155,7 tỷ USD của năm 2022, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 142,8 tỷ USD, giảm 8% so với mức 154,5 tỷ USD trong năm trước đó.
Xuất khẩu giảm mạnh đã khiến cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc thâm hụt so với mức thặng dư 1,2 tỷ USD của năm 2022.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Năm 2023 là một năm mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của thị trường bất động sản Australia, với mức độ tăng trưởng khác nhau giữa các thành phố và vùng nông thôn.
Giá bất động sản ở Australia vẫn đang tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn cho thấy những hạn chế về khả năng chi trả đang bắt đầu gây ảnh hưởng. Một số nhà kinh tế dự đoán sẽ có một đợt giảm giá khác đối với thị trường nhà trên toàn Australia trong năm 2024.
* Indonesia ngày 1/1/2024 chính thức áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điện tử, hay còn gọi là vape, nhằm kiểm soát số lượng tiêu thụ trên thị trường.
Quyết định đánh thuế thuốc lá điện tử nhấn mạnh nguyên tắc công bằng, có tính đến việc thuốc lá thông thường liên quan đến nông dân trồng thuốc lá và công nhân nhà máy đã nộp thuế thuốc lá kể từ năm 2014.
Doanh thu từ thuế thuốc lá điện tử vào năm 2023 lên tới 1.750 tỷ Rp (113,7 triệu USD), tương đương khoảng 1% tổng doanh thu từ thuốc lá đặc biệt hằng năm. Hơn 50% doanh thu từ thuế thuốc lá sẽ được hướng tới các dịch vụ y tế công cộng và thực thi pháp luật, hỗ trợ các dịch vụ công tốt hơn.
* Các công ty bán lẻ trực tuyến tại Malaysia đã bắt đầu thu thuế hàng hóa giá trị thấp (LVG) đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 108,64 USD (500 RM).
Một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn là Shopee đã chính thức thông báo áp dụng LVG bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Trong động thái liên quan, các nền tảng khác bao gồm Lazada và "gã khổng lồ" bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Trung Quốc Aliexpress cũng bắt đầu áp dụng mức thuế tương tự.
* Các chuyên gia đã tỏ ra lạc quan hơn đối với triển vọng kinh tế của Singapore trong năm 2024 sau khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2023, với lĩnh vực sản xuất cuối cùng đã tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, nền kinh tế Singapore trong quý cuối cùng của năm 2023 đã tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt xa mức dự báo 1,8% mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của hãng Bloomberg. Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa theo từng quý, nền kinh tế “đảo quốc sư tử” đã tăng trưởng 1,7% trong quý IV/2023, kéo dài mức tăng trưởng 1,3% trong quý III/2023.
Theo ước tính của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), trong cả năm 2023, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 1,2%, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 3,6% của năm 2022.
Trong thông điệp đầu Năm mới, Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc lại rằng nền kinh tế Singapore dự kiến sẽ tăng trưởng từ 1-3% trong năm 2024, nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào môi trường bên ngoài.