Tăng trưởng GDP và lạm phát tại nền kinh tế Nga tích cực một cách đáng ngạc nhiên. (Nguồn: Bloomberg) |
Kinh tế thế giới
Thị trường tài chính toàn cầu 6 tháng đầu năm 2023 nhiều biến động
Thị trường tài chính 6 tháng đầu năm 2023 đã diễn ra sôi động, đánh dấu bằng bước nhảy vọt của nhóm cổ phiếu công nghệ nhờ sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), dòng chảy đầu tư của thị trường hàng hóa và sự trở lại của tiền điện tử, bên cạnh đó là một loạt vụ sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng nghiêm trọng nhất kể từ vụ phá sản vào năm 2008 của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ).
Tin liên quan |
Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Chiêu củ cà rốt và cây gậy cũng ‘bó tay’, những tranh cãi gieo rắc sự chia rẽ vẫn rất ‘nóng’ |
Xuyên suốt các sự kiện này là sự gia tăng không ngừng của lãi suất gây tác động đến thị trường, kéo dài từ năm 2022. Kết quả là giá trị của chứng khoán thế giới đã tăng 12%, tương đương 6.000 tỷ USD.
Các nhà phân tích cho biết, phần lớn giá trị cổ phiếu tăng nhờ ChatGPT, thúc đẩy những gã khổng lồ công nghệ “tận hưởng” mức tăng giá trị cổ phiếu lên đến 70%, trong đó Apple, Microsoft, Alphabet - công ty mẹ của Google, Amazon và Netflix đã kiếm được từ 35% -50%.
Tương tự, cổ phiếu của Meta – công ty mẹ của Facebook và Twitter - và Tesla đã tăng hơn gấp đôi, trong khi nhu cầu về chip bán dẫn AI đã giúp cổ phiếu Nvidia tăng cao hơn 180%, nhanh chóng đưa công ty này lọt vào nhóm câu lạc bộ ưu tú của các công ty Mỹ có giá trị thị trường đạt 1.000 tỷ USD.
Trevor Greetham, nhà quản lý thuộc Quỹ Royal London Asset Management, lưu ý sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu công nghệ có thể là một bong bóng. Giá trị cổ phiếu của các công ty công nghệ hiện đang cao hơn khoảng 40% so với doanh thu thực tế mà các công ty này kiếm được.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei trung bình đã ghi nhận thành tích xuất sắc trong năm nay khi tăng 16% tính theo đồng USD hoặc 26% tính theo đồng Yen, thiết lập mức tăng trưởng tốt nhất trong một thập niên.
Trái phiếu ở El Salvador, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ, đã mang lại mức lợi nhuận khổng lồ 58%. Trái phiếu Sri Lanka đem lại lợi nhuận 34%, Zambia với 24%. Đặc biệt, Ukraine, Pakistan và Argentina vỡ nợ hàng loạt, nhưng trái phiếu vẫn đem lại lợi nhuận 19%. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Các dữ liệu mới công bố ngày 29/6 cho thấy, nền kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan bất chấp lãi suất vẫn đang ở mức cao.
Trong ngày 28/6, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố tăng trưởng GDP quý I/2023 (số liệu lần 3) là 2%, tăng so với mức 1,3% công bố hồi tháng 5/2023 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các hãng phân tích.
Chi tiêu tiêu dùng tăng được cho là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu quý I/2023 cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã tăng 4,2%, mức tăng cao nhất kể từ mùa Hè năm 2021. (TTXVN)
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có chuyến công du tới Trung Quốc từ ngày 6-9/7, để thảo luận với các quan chức cao cấp của Trung Quốc về một loạt vấn đề, trong đó có thương mại, đầu tư...
Theo hãng tin Reuters, một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chuyến đi của bà Yellen là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm tăng cường liên lạc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiến tới ổn định mối quan hệ và giảm thiểu rủi ro nảy sinh bất đồng ý kiến giữa hai bên. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo một cuộc khảo sát của China Index Academy, giá nhà mới ở Trung Quốc trong tháng 6/2023 đã giảm so với tháng trước đó, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp giảm và doanh số bán nhà có khả năng tiếp tục yếu trong mùa Hè khi nhu cầu thường ở mức thấp.
Giá nhà mới trung bình ở 100 thành phố của Trung Quốc đã giảm 0,01% trong tháng 6/2023, tương đương với mức giảm trong tháng 5/2023. Trong nửa đầu năm nay, giá nhà trung bình đã tăng 0,01% so với cùng kỳ năm trước.
China Index Academy cho biết: "Nếu việc hỗ trợ chính sách bị hạn chế, niềm tin của người mua nhà sẽ khó được cải thiện". (Reuters)
* Các nguồn tin thân cận cho hay, các ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đã hạ lãi suất tiền gửi bằng đồng USD lần thứ hai trong vòng một tháng, trong bối cảnh nước này tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự trượt giá của đồng NDT.
Theo đó, các ngân hàng nằm trong nhóm "Big Five", gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông, đã đưa ra mức lãi suất trần 2,8% cho các khoản tiền gửi bằng đồng USD, so với mức 4,3% trước đây.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, (PBoC, ngân hàng trung ương) không bình luận về thông tin trên. Các ngân hàng “Big Five cũng không phản hồi gì. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Hãng Bloomberg dẫn số liệu của sàn giao dịch Epex Spot SE, hoạt động ở một số quốc gia châu Âu, cho biết giá điện ở khu vực này trong phiên giao dịch 4/7 đã giảm xuống dưới 0 do hiệu suất cao của các nhà máy điện Mặt trời.
Ví dụ, tại Đức, thị trường điện lớn nhất ở châu Âu, giá đạt mức âm trong khoảng thời gian từ 13-15h ngày 4/7. Ngày 5/7, giá điện sẽ giảm xuống dưới 0 tại các phiên giao dịch ở Đức, Đan Mạch và Hà Lan.
Bloomberg lưu ý rằng giá điện âm đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tích cực xây dựng các trang trại năng lượng Mặt trời để giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch không bền vững. (TTXVN)
* Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 30/6, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về thuế đánh vào lợi nhuận từ các tài sản của Nga bị đóng băng ở châu Âu. Theo ông De Croo, loại thuế này sẽ thu được khoảng 3 tỷ Euro mỗi năm nhằm sử dụng để tái thiết Ukraine.
Thủ tướng Bỉ cho biết, hiện đã có một sự đồng thuận chính trị trong liên minh và hiện nay cần giải quyết về mặt kỹ thuật. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, trong số 200 tỷ tài sản bị đóng băng, ý tưởng sẽ là thu giữ tất cả khoản lãi khoảng 3% mỗi năm từ 100 tỷ tiền mặt mà EU đang nắm giữ.
Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết sẽ đề xuất đánh thuế đối với tài sản cố định của Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra rất thận trọng về khả năng thành công của ý tưởng này bởi cần sự đồng thuận của 27 nước thành viên. (TTXVN)
* Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt hơn dự kiến sau khi Thủ tướng Mikhail Mishustin báo cáo với ông rằng tăng trưởng GDP và lạm phát tích cực một cách đáng ngạc nhiên.
Tăng trưởng GDP của Nga có thể vượt 2% trong năm nay và lạm phát giá tiêu dùng có thể không tăng trên 5%/năm, Thủ tướng Mishustin nói với Tổng thống Putin tại một cuộc họp ở Điện Kremlin. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga tăng trưởng 0,7% trong năm nay.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Anh Reuters thực hiện vào cuối tháng 6/2023 dự báo rằng tăng trưởng GDP của Nga ước đạt 1,2% và lạm phát ở mức 5,7% trong năm 2023. (Reuters)
* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/7 cho biết, đỉnh điểm của cuộc bạo loạn tại nước này đã qua đi, nhưng cộng đồng những người kinh doanh ở Pháp đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Parisien mới đây, ông Geoffroy Roux de Bezieux, người đứng đầu tổ chức giới chủ Medef ước tính thiệt hại kinh tế của cuộc bạo loạn lần này đã lên đến “hơn 1 tỷ Euro, chưa kể thiệt hại với ngành du lịch”. Ông cho biết tình hình này còn làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp, và cảnh báo các nhà đầu tư nước ngoài có thể hủy các dự án đầu tư tại nước này. (AFP)
Đức đang lên dự toán về khoản nợ ròng mới trị giá 16,6 tỷ Euro (18,06 tỷ USD) cho ngân sách liên bang năm 2024. (Nguồn: Shutterstock/esfera) |
* Các nguồn tin của Bộ Tài chính Đức cho biết, Bộ trưởng bộ này Christian Lindner đang lên dự toán về khoản nợ ròng mới trị giá 16,6 tỷ Euro (18,06 tỷ USD) cho ngân sách liên bang năm 2024, bao gồm chi tiêu kỷ lục cho quốc phòng. Kế hoạch tài chính đến năm 2027 cho thấy khoản vay mới sẽ giảm xuống 15 tỷ Euro vào năm 2027.
Chi tiêu cho năm tới được lên kế hoạch ở mức 445,7 tỷ Euro, sau khi ước chi 476,3 tỷ Euro cho năm 2023. Năm nay, chính sách "phanh nợ" đã được thực thi trở lại. Năm 2024 sẽ là năm thứ hai liên tiếp sau đại dịch Đức thực hiện "phanh nợ", hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Giá điện tăng đang gây ra áp lực tăng giá hàng hóa tại Nhật Bản kể từ tháng 6/2023. Nếu lĩnh vực chi tiêu dùng giảm sút, khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng.
Theo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2023 tại trung tâm Tokyo, do Bộ Nội vụ, Thông tin và truyền thông Nhật Bản công bố ngày 30/6, tiền điện tại khu vực này đã tăng 6,9% so với tháng trước. Mặc dù mức trợ giá của chính phủ đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, song chỉ số giá điện vẫn ở mức cao là 109,2 điểm (năm 2020 được tính ở mức 100 điểm). (TTXVN)
* Ngày 3/7, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc cho biết, lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ tỉnh Fukushima của Nhật Bản sẽ được áp dụng vô thời hạn cho đến khi người dân không còn lo ngại. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Theo hãng tin Yonhap, thông tin trên được Hạ nghị sĩ Yun Jae-ok đưa ra sau cuộc họp với các quan chức cấp cao của chính phủ trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự kiến sớm công bố báo cáo đánh giá mức độ an toàn của kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. (Yonhap)
* Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 4/7 công bố báo cáo cho biết, lạm phát của nước này đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% trong tháng 6/2023. Đây là lần đầu tiên sau 21 tháng Hàn Quốc kiềm chế được tỷ lệ lạm phát ở mức dưới 3% và nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh.
Theo báo cáo về "Xu hướng giá tiêu dùng tháng 6/2023", chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hàn Quốc trong tháng 6/2023 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ lạm phát của quốc gia Đông Bắc Á này giảm xuống dưới 3% kể từ mức 2,4% của tháng 9/2021. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 5/7, phát biểu sau khi tham gia buổi lễ ký kết kế hoạch hành động thực hiện biên bản ghi nhớ giữa chính quyền bang Tây Australia và Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia (KADIN), Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, Indonesia và Australia có thể hợp tác với tư cách là những bên tham gia chính trong ngành công nghiệp pin xe điện (EV) để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
Theo ông Airlangga, việc ký kết kế hoạch hành động là điều cần thiết để nắm bắt cơ hội và tập hợp tất cả các bên tham gia lĩnh vực khoáng sản thiết yếu, trong đó có nguyên liệu sản xuất pin. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác nguồn khoáng sản thiết yếu đã được giới chức hai nước ký kết tại Perth ngày 21/2/2023. (TTXVN)
* Bộ Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, hoạt động thương mại của Malaysia tiếp tục cải thiện nhờ các khoản đầu tư khác nhau, bao gồm đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phát biểu trước báo giới sau khi có bài phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo mạng lưới Australia ngày 2/7, Bộ trưởng MITI Zafrul Abdul Aziz khẳng định, kết quả tốt này không chỉ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà còn từ nhiều loại hiệp định như hiệp định đa phương, hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tổng cộng có 18 FTA đã được ký kết cho đến nay, điều này cho thấy thương mại tiếp tục tăng và các hiệp định thương mại này giúp các nhà xuất khẩu Malaysia tiếp cận thị trường quốc tế. (TTXVN)
* Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cho biết, nền kinh tế nước này trong tháng 5/2023 tiếp tục cải thiện so với tháng trước, nhờ du lịch tăng trưởng mạnh và tiêu dùng cá nhân tăng, trong khi xuất khẩu vẫn yếu.
Trong thông báo ngày 30/6, BoT dự kiến tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ ở mức 3,6% trong năm nay và 3,8% trong năm tới, với ngành du lịch là động lực thúc đẩy chính. (TTXVN)
| Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Chiêu củ cà rốt và cây gậy cũng ‘bó tay’, những tranh cãi gieo rắc sự chia rẽ vẫn rất ‘nóng’ Sự hoài nghi lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc về một loạt vấn đề kinh tế và an ninh đã bùng phát trong những ... |
| Giá tiêu hôm nay 4/7/2023, thị trường giằng co, tiêu Việt trước nguy cơ bị cạnh tranh khốc liệt tại Trung Quốc Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 66.500 – 70.000 đồng/kg. |
| Giá tiêu hôm nay 5/7/2023, lý do giá hồ tiêu nội địa giảm mạnh, vì sao Trung Quốc giảm đơn đặt hàng? Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 66.500 – 69.500 đồng/kg. |
| Bất động sản mới nhất: Thị trường trong trận kéo co; khách có nhu cầu chỉ quan sát; người Việt vẫn ‘ấp ủ’ mong muốn sở hữu đất nền Giao dịch ảm đạm, thị trường giằng co; thanh khoản kém; nguồn cung và lực cầu đều đang đối diện nhiều thách thức… là những ... |
| Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Rút khỏi ‘công xưởng thế giới’ - nói luôn dễ hơn làm, ngụ ý của Bắc Kinh khi ban hành luật mới về đối ngoại Luật mới về chính sách đối ngoại cho phép Trung Quốc đáp trả các hành động của Mỹ một cách mạnh mẽ hơn. Sẽ có ... |