Kinh tế thế giới
Lạm phát của Đức giảm mạnh trong tháng 8/2024, xuống 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: AP) |
Du lịch sẽ đóng góp kỷ lục vào GDP toàn cầu
Theo báo cáo thường niên của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), thì cứ 10 USD chi tiêu trên toàn cầu trong năm 2024, sẽ có 1 USD dành cho du lịch khi mọi người nhanh chóng đặt phòng khách sạn, du thuyền và các chuyến bay. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch đang tăng mạnh.
Đóng góp của ngành du lịch và lữ hành đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dự kiến sẽ lên mức cao mới khi người tiêu dùng ngày càng coi du lịch là một phần thiết yếu trong ngân sách của họ.
WTTC ước tính, đóng góp của ngành này vào GDP toàn cầu trong năm 2024 sẽ tăng 12,1% so với năm trước lên 11.100 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Con số này tăng khoảng 7,5% so với kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2019.
Giám đốc điều hành (CEO) Julia Simpson của tổ chức phi lợi nhuận WTTC cho biết: "Mặc dù năm ngoái vẫn còn nhiều lo ngại về việc chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái toàn cầu và lạm phát cao, nhưng năm nay chúng ta đang hướng đến mục tiêu đưa du lịch và lữ hành trở thành động lực kinh tế thực sự trên toàn cầu".
Chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP. Ngành này dự kiến sẽ hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024, tăng 13,6 triệu việc làm so với năm 2019, kỷ lục trước đại dịch. Ngành vẫn đang tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển nhanh chóng.
Mỹ
* Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 7/2024, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng vững vào đầu quý III/2024. Điều này được cho là có thể làm giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng tới.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 30/8, chi tiêu tiêu dùng đã tăng 0,5% trong tháng 7, sau khi tăng 0,3% trong tháng 6. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo hoạt động chi tiêu chi tiêu sẽ tăng tốc với mức tăng 0,5%.
Điều này cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn duy trì phần lớn động lực từ quý II; đây là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 3%, sau khi tăng 1,4% trong quý đầu tiên.
* Ngày 30/8, ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden giảm hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng ống thép dẫn dầu (OCTG) từ Hàn Quốc, lưu ý điều này có tác động đến các công ty hoạt động tại bang Ohio và Pennsylvania.
Các thượng nghị sỹ, Sherrod Brown của bang Ohio, Bob Casey và John Fetterman của bang Pennsylvania, lưu ý rằng thị trường dành cho các sản phẩm OCTG, được sử dụng trong hoạt động khoan thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên, đã suy giảm và dẫn đến tình trạng sa thải lao động tại các công ty hoạt động tại Mỹ.
Các thượng nghị sỹ nhấn mạnh nhu cầu giảm và hạn ngạch có tác động đến các công ty như Tenaris, có hoạt động tại Ohio và Pennsylvania, hay Vallourec, hoạt động tại Ohio.
Trung Quốc
* Hai công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc ngày 2/9 thông báo đang chuẩn bị cho một vụ sáp nhập, động thái có thể chấm dứt sự cạnh tranh giữa họ đồng thời giải quyết tình trạng thiếu tàu trên toàn cầu.
Trong các hồ sơ riêng biệt nhưng gần như giống hệt nhau gửi đến Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào đêm 2/9, China CSSC Holdings và China Shipbuilding Industry (CSICL) cho biết đã ký một thỏa thuận về ý định sáp nhập trước đó cùng ngày. Giao dịch cổ phiếu của hai công ty này đã bị đình chỉ vào ngày 3/9 để tránh những biến động bất thường trong khi họ sắp xếp thỏa thuận, với thời gian tạm dừng dự kiến sẽ không quá 10 ngày giao dịch.
Theo tiết lộ, kế hoạch sẽ chứng kiến CSICL được CSSC Holdings tiếp quản thông qua một đợt hoán đổi cổ phiếu. Dựa trên giá cổ phiếu mới nhất, vốn hóa thị trường của CSSC Holdings là 156,08 tỷ NDT (22 tỷ USD) trong khi vốn hóa thị trường của CSICL là 113,55 tỷ NDT (16 tỷ USD).
* Ngày 3/9, Trung Quốc thông báo sẽ khởi động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với dầu canola (dầu hạt cải) nhập khẩu từ Canada, sau khi nước này áp thuế đối với xe điện Trung Quốc. Động thái khiến giá hợp đồng kỳ hạn của dầu hạt cải tăng vọt lên mức cao nhất trong một tháng qua.
Canada đã “nối gót” Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuần trước, Canada thông báo áp thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong một thông cáo báo chí, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này phản đối mạnh mẽ các biện pháp hạn chế đơn phương và phân biệt đối xử mà Canada áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ nhiều bên.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng sẽ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Canada. Hơn một nửa sản lượng dầu hạt cải của Canada được xuất khẩu sang Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hạt lớn nhất thế giới.
Châu Âu
* Báo cáo về thương mại nông sản thực phẩm do Ủy ban châu Âu công bố ngày 3/9 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của EU từ tháng 1-5/2024 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước lên 97,4 tỷ euro (107,5 tỷ USD).
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của EU đạt 19,7 tỷ Euro trong tháng 5/2024 và tổng thặng dư thương mại nông sản thực phẩm vẫn ổn định ở mức 5 tỷ Euro.
Vương quốc Anh là điểm đến xuất khẩu nông sản thực phẩm hàng đầu của EU, tiếp theo là Mỹ tăng 9% do giá dầu ô liu tăng.
* Thủ tướng CH Czech Petr Fiala ngày 1/9 tuyên bố trong dự thảo ngân sách năm 2024, chính phủ nước này dành một nguồn tiền lớn nhất trong lịch sử cho đầu tư, tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, nghiên cứu, đổi mới, giáo dục và quốc phòng.
Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura cho biết dự thảo ngân sách năm 2024 tôn trọng các ưu tiên do chính phủ đề ra, trong đó sẽ bố trí nguồn tiền đầu tư kỷ lục là 250 tỷ CZK (11 tỷ USD). Trong ngân sách năm 2023, chính phủ Czech dành 185 tỷ CZK cho đầu tư.
* Lạm phát của Đức đã giảm mạnh trong tháng 8/2024, xuống 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua và vượt kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế.
Số liệu sơ bộ do Cục Thống kê Liên bang công bố ngày 29/8 cho thấy người tiêu dùng Đức đã giảm bớt một phần áp lực lên “ví tiền” trong tháng 8, khi lạm phát giảm xuống chỉ còn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với mức 2,3% ghi nhận trong tháng 7/2024. Cùng với lạm phát giảm, giá cả thậm chí giảm thêm 0,1% so với tháng trước.
Với mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua, lạm phát của Đức đã giảm xuống dưới mục tiêu lạm phát chung là 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra cho khu vực đồng euro (Eurozone). Số liệu thống kê mới nhất này có thể thúc đẩy ECB cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới.
* TotalEnergies - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Pháp - sẽ thành lập một liên doanh mới với công ty năng lượng Adani Green Energy của Ấn Độ trong một thỏa thuận mà Total sẽ đầu tư 444 triệu USD vốn chủ sở hữu.
Theo thỏa thuận mới, trong đó TotalEnergies sẽ đầu tư nhiều tiền hơn, mỗi bên sẽ nắm giữ 50% cổ phần của một danh mục mới gồm 1,15 GW các dự án điện Mặt trời, bao gồm cả những dự án đã vận hành và đang trong quá trình xây dựng.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch bắt buộc tái chế tấm pin Mặt trời. Đây là một nỗ lực nhằm chuẩn bị cho việc số lượng lớn tấm pin Mặt trời sẽ hết hạn vào năm 2030 gây ảnh hưởng đến môi trường.
Mặc dù số lượng tấm pin Mặt Trời ở Nhật Bản bắt đầu tăng vào cuối những năm 2010, nhưng nhiều tấm pin trong số đó sẽ hết hạn sử dụng vào những năm 2030, điều này có thể dẫn đến việc thải bỏ hàng loạt.
* Ngày 3/9, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản công bố, lượng gạo xuất khẩu của Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 7 đạt mức cao nhất là 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng gạo xuất khẩu cao nhất, 7.163 tấn, đã được xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc); Mỹ đứng thứ hai với 4.638 tấn, tiếp theo là Singapore với 3.554 tấn. Tổng giá trị xuất khẩu cũng đạt mức cao nhất là 6,4 tỷ Yen (44,14 triệu USD), tăng 29%.
* Hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu chất bán dẫn và ô tô, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước lớn trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong nửa đầu năm nay. Về giá trị xuất khẩu, Hàn Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách với Nhật Bản, nước đứng thứ 6 và được kỳ vọng trở thành 1 trong 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Theo số liệu mới nhất của WTO, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024 đạt 9,1%, đứng đầu trong số 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc nửa đầu năm đạt 335 tỷ USD, đứng thứ 7 nhưng khoảng cách với các nước dẫn đầu đã thu hẹp đáng kể. Xếp theo giá trị xuất khẩu, Trung Quốc đứng thứ nhất với kim ngạch 2.017,8 tỷ USD; Mỹ USD) đứng thứ hai với 1.026,4 tỷ USD; tiếp theo là Đức, Hà Lan, Italy, Nhật Bản và Hàn Quốc.
* Bắt đầu từ ngày 1/9, các ngân hàng tại Hàn Quốc đã thắt chặt các biện pháp hạn chế cho vay thế chấp trong bối cảnh lo ngại về giá nhà ở Seoul và nợ hộ gia đình tăng cao.
Động thái này diễn ra khi Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc yêu cầu các ngân hàng thắt chặt khâu sàng lọc đối với người vay thế chấp mới và cho phép họ vay các khoản vay nhỏ hơn trước nhưng theo các tiêu chí chặt chẽ hơn.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Văn phòng báo chí thuộc Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 30/8 cho biết, các thành viên thuộc khối BRICS đã thông qua khuôn khổ phát triển bền vững về khí hậu, qua đó giúp xác định các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của quốc gia. Ngoài ra, các bên cũng ký Bản ghi nhớ (MoU) về quan hệ đối tác trong thị trường carbon.
Khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững của khối BRICS bao gồm tất cả các khía cạnh chính liên quan đến hành động vì khí hậu như chuyển đổi công bằng, thích ứng, thị trường carbon, tài chính, khoa học và sự tham gia của các doanh nghiệp.
* Ngày 1/9, Bộ Tài chính Algeria xác nhận nước này đã được chấp thuận làm thành viên của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Quyết định kết nạp Algeria làm thành viên thứ 9 được công bố sau cuộc họp thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng NDB diễn ra hôm 31/8 tại Cape Town (Nam Phi).
Thông cáo của Bộ Tài chính Algeria nêu rõ, với việc gia nhập NDB, quốc gia Bắc Phi này đã thực hiện một bước quan trọng trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Thông cáo báo chí cho biết thêm, tư cách thành viên trong NDB hiện mang lại cho Algeria những triển vọng mới để hỗ trợ và tăng cường tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.
* Ngày 3/9, Diễn đàn Indonesia-châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên (HLF MSP) đã khép lại tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Bali, Indonesia.
Trong khuôn khổ các hoạt động kết nối kinh doanh tại hai Diễn đàn, Indonesia và các nước châu Phi đã đạt được tổng giá trị cam kết là 3,5 tỷ USD, tăng gấp hơn 6 lần so với kết quả tại Diễn đàn đầu tiên được tổ chức năm 2018 (chỉ đạt 568 triệu USD).
Theo đó, các cam kết này liên quan đến các lĩnh vực y tế, dược phẩm, vaccine (khoảng 94.2 triệu USD); năng lượng, cơ sở hạ tầng điện, khai thác khí đốt (1,4 tỷ USD) và lương thực, sản xuất phân bón (1,2 tỷ USD)…
* Bộ Nông nghiệp Philippines ngày 31/8 thông báo nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các loài chim hoang dã và thuần hóa, trong đó có các sản phẩm gia cầm, từ các bang California và South Dakota của Mỹ.
Thông báo nêu rõ, hai bang California và South Dakota không ghi nhận bất kỳ đợt bùng phát cúm gia cầm mới nào kể từ đầu tháng Sáu vừa qua.
* Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), các điều kiện kinh tế và tiền tệ của nước này đã ghi nhận sự cải thiện trong tháng 7/2024, chủ yếu nhờ xuất khẩu và du lịch.
Trong tháng 7, Thái Lan đón 3,1 triệu lượt du khách quốc tế, cao hơn khoảng 400.000 khách so với tháng trước đó nhờ lượng du khách đến từ Malaysia, Trung Quốc, Nga và châu Âu, mặc dù số lượng khách du lịch từ Trung Đông và Ấn Độ giảm. Doanh thu du lịch sau khi điều chỉnh theo mùa tăng nhờ mức chi tiêu bình quân trên mỗi du khách cao hơn, đặc biệt là của khách du lịch đến từ Nga và Đức.