Hình ảnh vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ngoài khơi bờ biển đảo Bornholm của Đan Mạch, ngày 27/9. Các quốc gia phương Tây cho rằng, sự cố rò rỉ ở hai đường ống dẫn khí đốt của Nga, Nord Stream 1 và 2, có khả năng là kết quả của hành động phá hoại. (Nguồn: AP) |
Kinh tế thế giới
KPMG: 80% CEO dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm tới
Ngày 4/10, theo một cuộc khảo sát mới của công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới KPMG, 80% Giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu dự đoán sẽ xảy ra một cuộc suy thoái trong năm tới dù hầu hết các chuyên gia này tin rằng chu kỳ suy thoái trên sẽ "nhẹ và trong thời gian ngắn".
Cuộc thăm dò cho thấy, 14% CEO xem suy thoái kinh tế là một mối lo cấp bách, tăng so với mức 9% trong cuộc khảo sát hồi đầu năm nay.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về suy thoái, 71% những người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới, con số này đã tăng 11 điểm phần trăm so với đầu năm nay.
Đặc biệt, khoảng 85% số người được hỏi cho biết, họ tin tưởng vào sự phát triển của tổ chức mình trong ba năm tới.
Ông Bill Thomas, CEO của KPMG, cho biết, một loạt vấn đề - bao gồm đại dịch toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát và khó khăn tài chính - đã xảy ra liên tiếp và ảnh hưởng đến sự lạc quan của các CEO.
Đại diện KPMG nhấn mạnh rằng, không có gì ngạc nhiên khi môi trường kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng các CEO cũng thể hiện sự yên tâm khi cho thấy mức độ tin tưởng cao về công ty của họ và triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Dù vậy, 73% CEO tin rằng suy thoái kinh tế sẽ làm gián đoạn tăng trưởng dự kiến. Khoảng 76% số người được hỏi cho biết họ đã thực hiện các bước đề phòng trước suy thoái và 71% dự đoán điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của công ty lên đến 10%.
Cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.325 CEO từ ngày 12/7 - 24/8. Những người tham gia khảo sát đến từ các công ty có doanh thu hằng năm trên 500 triệu USD. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Theo Bloomberg ngày 2/10, cơn bão Ian được đánh giá là một trong 10 cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chưa tính các thiệt hại về người, bão Ian ước tính sẽ gây thiệt hại khoảng từ 70-120 tỷ USD cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia của Moody’s Analytics Ryan Sweet đánh giá, cơn bão chỉ làm giảm chưa đến 1% sản lượng kinh tế của Mỹ trong quý III/2022. (Reuters)
* Cục Phân tích kinh tế (BEA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/9 công bố các số liệu ước tính cuối cùng cho thấy, nền kinh tế nước này đã suy giảm 0,6% trong quý II/2022.
Mức giảm này "nhẹ nhàng" hơn con số 1,6% trong quý I/2022, nhờ xu hướng phục hồi xuất khẩu và tăng tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ công bố ước tính đầu tiên về tăng trưởng GDP quý III vào ngày 27/10. Con số này được dự báo là khoảng 0,3%, thấp hơn mức 2% được đưa ra hồi tháng trước. (AP)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo nhật báo lớn nhất Mexico El Universal, các thương hiệu đến từ Trung Quốc như BAIC, Changan, JMC, JAC và mới đây nhất là Chirey đang thúc đẩy doanh số nhờ có sẵn các mẫu xe, trong bối cảnh Bắc Kinh không bị thiếu hụt chất bán dẫn.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Mexico chủ yếu tập trung vào xuất khẩu, nhường lại thị trường trong nước cho các loại xe nhập khẩu. Theo phân tích của công ty tư vấn Urban Science có trụ sở tại Mỹ, ô tô xuất xứ từ Trung Quốc đã chiếm 16% thị phần ở Mexico.
Chuyên gia nhận định, tùy vào nhu cầu thị trường, thái độ của khách hàng và cạnh tranh từ các thương hiệu khác, tại Mexico, ô tô Trung Quốc có thể chiếm lĩnh 20% thị trường. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 4/10, tại hội nghị năng lượng Energy Intelligence Forum diễn ra ở London (Anh), ông Ben Luckock, đồng trưởng bộ phận kinh doanh dầu tại Trafigura, nhận định, châu Âu có thể tránh được một “thảm họa khí đốt” vào mùa Đông năm nay nhờ các dấu hiệu về nhu cầu giảm và lượng dự trữ ổn định. Nhưng sang mùa Đông năm sau, tình hình có thể tồi tệ hơn vì sự cân bằng trên thị trường khí đốt sẽ suy yếu.
Ông chỉ ra rằng nhu cầu công nghiệp giảm 25-30%, cộng với lượng dự trữ ổn định và nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mạnh có thể sẽ giúp châu Âu vượt qua mùa Đông 2022.
Sang những mùa lạnh tiếp theo, châu lục này sẽ lại cần một lượng khí khổng lồ để lấp đầy kho dự trữ trong khi đối mặt rủi ro từ việc Nga giảm mạnh nguồn cung và ngừng dòng khí đốt tới lục địa này. (Reuters)
* Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ngày 5/10 cho biết, các nước thành viên EU đã nhất trí về một gói trừng phạt khác đối với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trên tài khoản Twitter, Czech cho hay: "Các đại sứ đã đạt được một thỏa thuận chính trị về các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga - một phản ứng mạnh mẽ của EU đối với việc (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine". (Reuters)
* Ngày 4/10, Thủ tướng Anh Liz Truss xác nhận, London đang tìm kiếm tiềm năng nhập khẩu khí đốt từ các quốc gia khác nhau. Bà Truss cho rằng, điều quan trọng là phải duy trì an ninh năng lượng.
Anh đã thành lập một “lực lượng đặc nhiệm cung cấp năng lượng” để đàm đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt nhằm đạt thỏa thuận các hợp đồng dài hạn, và đã đàm phán với Qatar vào tháng 11/2021.
London cũng đang đàm phán chi tiết với Equinor, công ty năng lượng quốc doanh của Na Uy. Thủ tướng Truss nhấn mạnh, Anh sẽ tìm kiếm “giá trị đồng tiền” trong các cuộc đàm phán. (TTXVN)
* Ngày 5/10, Bộ Tài chính Nga ra thông báo cho biết đã thanh toán số trái phiếu Eurobond đáo hạn vào năm 2042 bằng đồng Ruble trị giá 4,9 tỷ Ruble, tương đương 84,4 triệu USD.
Bộ trên khẳng định, các nghĩa vụ đối với trái phiếu chính phủ của LB Nga đã được bộ này thực hiện đầy đủ. (TTXVN)
* Ngày 5/10, Nga cho rằng, nước này phải là một phần của cuộc điều tra về sự cố rò rỉ tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), sau khi Thụy Điển phong tỏa khu vực xung quanh đường ống này để phục vụ điều tra.
Các hãng tin Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Vershinin nhấn mạnh: "Thực sự cần phải tiến hành một cuộc điều tra. Đương nhiên phải có sự tham gia của Nga". (AFP)
* Ngày 3/10, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết, dòng khí đốt từ nước này chảy thẳng sang châu Âu qua biển Baltic vẫn có khả năng nối lại thông qua đường ống Nord Stream 2.
Cụ thể, theo Gazprom, tuyến B của Nord Stream 2 không bị hỏng sau vụ rò rỉ trên 2 đường ống xảy ra hồi đầu tuần trước. Trong khi đó, tuyến A và cả 2 tuyến của Nord Stream 1 đều đã gặp sự cố.
Thông báo của tập đoàn trên cho hay: "Gazprom đang giảm áp suất tuyến B của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Để làm được điều này, công ty đang bơm khí tự nhiên ra khỏi đường ống.
Điều này sẽ giúp kiểm tra tính an toàn của tuyến B và giảm rủi ro tiềm ẩn tới môi trường do rò rỉ khí có thể xảy ra. Nếu có quyết định cung cấp khí đốt qua tuyến B của Dòng chảy phương Bắc 2, khí đốt tự nhiên sẽ được bơm vào ống sau khi Nga hoàn tất kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống cũng như được cơ quan giám sát phê duyệt". (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 3/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết sẽ khôi phục lĩnh vực du lịch đón khách quốc tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời đặt ra mục tiêu mới là tăng tổng chi tiêu của khách nước ngoài lên hơn 5.000 tỷ Yen (35 tỷ USD) mỗi năm.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp Quốc hội bất thường ngày 3/10, Thủ tướng Kishida cũng cho biết, chính phủ sẽ tận dụng những cơ hội có được khi đồng Yen đang giảm giá nhanh, đồng thời cam kết tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới. (TTXVN)
Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc tăng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 9/2022. (Nguồn: Yonhap) |
* Số liệu mới nhất từ chính phủ Hàn Quốc cho thấy, lượng cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào quốc gia này trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022 đã tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự tăng trưởng vững chắc trong đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến như chip, sản xuất xe điện và pin xe.
Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, nền kinh tế này đã nhận được 21,52 tỷ USD cam kết FDI trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, so với 18,21 tỷ USD được ghi nhận cùng kỳ một năm trước đó.
Đây là lượng FDI cam kết cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn từ tháng 1-9, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc nhận được hơn 20 tỷ USD vốn FDI trong quý III. (Yonhap)
* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 5/10 cho biết, giá tiêu dùng tại nước này đã tăng chậm lại tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 9/2022 do giá dầu và sản phẩm nông nghiệp tăng chậm. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào khác cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh.
Theo đó, giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, trong tháng 9/2022 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với mức tăng 5,7% vào tháng 8/2022. Hồi tháng 7, chỉ số này tăng 6,3%, mức tăng nhanh nhất trong gần 24 năm. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 4/10, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã chính thức tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, chạm ngưỡng 2,6%, mức cao nhất kể từ năm 2013, đồng thời tăng lãi suất trên số dư thanh toán hối đoái thêm 25 điểm cơ bản lên 2,5%.
Thống đốc RBA Philip Lowes cho biết, việc tăng lãi suất là cần thiết, nhằm kiềm chế tốc độ lạm phát đang tăng nhanh nhất trong hơn 30 năm qua.
Đây là lần thứ năm liên tiếp RBA tăng lãi suất, từ ngưỡng thấp kỷ lục 0,1% vào tháng 5/2022. (TTXVN)
* Trong tuyên bố ngày 5/10, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho biết, chính phủ đã nhất trí phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trên đồng thời nhấn mạnh, Hiệp định này sẽ đặt Malaysia vào vị trí chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Đông Nam Á trên phạm vi toàn cầu.
MITI cho hay, báo cáo phân tích chi phí-lợi ích về CPTPP dự tính tổng kim ngạch thương mại của Malaysia sẽ tăng lên 655,9 tỷ USD vào năm 2030 thông qua hiệp định này. (TTXVN)
* Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan hiện đang thúc đẩy các đề xuất liên quan một dự án kích cầu du lịch trị giá 1 tỷ Baht (270 triệu USD), đồng thời kiến nghị cho phép các địa điểm giải trí được mở cửa tới 4h sáng.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng chính thức hạ cấp dịch Covid-19 từ "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm" xuống mức "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi" từ ngày 1/10, khiến cả Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 (CCSA) và Trung tâm điều phối tình hình kinh tế (CESA) tự động giải thể. (TTXVN)
* Từ đầu tháng 10, chính phủ Indonesia đã tăng hạn ngạch đối với nhiên liệu được trợ giá (xăng Pertalite và dầu diesel) nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đến cuối năm.
Theo đó, chính phủ đồng ý tăng hạn ngạch của Pertalite thêm 6,86 triệu kilolit (từ hạn ngạch ban đầu là 23,05 triệu kilolit). Hạn ngạch cho dầu diesel tăng thêm 2,73 triệu kilolit (từ hạn ngạch trước đó là 15,1 triệu kilolit) trong năm 2022.
Nhiên liệu được trợ giá nhằm phục vụ nhu cầu của các công dân có mức thu nhập trung bình trở xuống, do đó, những người có khả năng chi trả được khuyến khích mua các loại nhiên liệu không trợ giá. (TTXVN)