📞

Kinh tế thế giới nổi bật (4-10/2): Thương mại Nga-Ukraine tăng sốc, châu Âu bấn loạn vì khí đốt, Jordan mua tên lửa Mỹ; Trung Quốc-Ba Lan hợp tác

Hải An 13:50 | 10/02/2022
GDP của Nga tăng trưởng tích cực, Kiev vẫn mua rất nhiều hàng hóa của Moscow, Mỹ chấp thuận bán tên lửa cho Jordan, Trung Quốc muốn xây dựng Trung tâm kho vận tại Ba Lan… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Ngày 9/2, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã thu hồi hơn 94.000 bitcoin bị đánh cắp năm 2016, hiện tại trị giá 3,6 tỷ USD. (Nguồn: Getty)

Giá lương thực toàn cầu tăng trong tháng 1/2022

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 3/2 thông báo, chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 135,7 điểm trong tháng 1/2022, cao hơn 1,1% so với tháng 12/2021 do những hạn chế từ phía nguồn cung đối với dầu thực vật và sữa.

Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng đáng kể trong tháng Giêng, trong đó giá dầu thực vật cán mốc lịch sử.

Giá dầu thực vật đã dẫn đầu đà phục hồi trong tháng 1, tăng 4,2% so với tháng trước và đảo ngược đà giảm trong tháng 12.

Giá cả của tất cả các loại dầu thực vật đều tăng do giá dầu thô tăng, trong đó giá dầu cọ gia tăng cách biệt do xuất phát từ những lo ngại về năng lực xuất khẩu giảm từ Indonesia, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, giá dầu đậu nành tăng được hỗ trợ bởi lượng nhập khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là từ Ấn Độ, còn giá hạt cải dầu đã được đẩy lên do nguồn cung bị thắt chặt kéo dài. Giá dầu hạt hướng dương cũng bị ảnh hưởng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng cao.

Boubaker Ben-Belhassen, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của FAO cho biết: “Năng lực xuất khẩu giảm do những hạn chế khác nhau từ phía nguồn cung, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động và thời tiết không thuận lợi, đã đẩy giá dầu thực vật lên cao nhất mọi thời đại. Điều này dẫn đến lo ngại rằng tác động của những ràng buộc này sẽ không sớm giảm bớt". (TTXVN)

IMF kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây đã kêu gọi các nước nhanh nhạy hơn về chính sách và tăng cường hợp tác toàn cầu để điều hướng “con tàu kinh tế” vượt qua những chướng ngại vật trong năm thứ ba của đại dịch Covid-19.

Trong một cuộc họp trực tuyến, bà Georgieva nhấn mạnh, mặc dù đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục, song đã mất đi một số động lực, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình thiếu chắc chắn phía trước.

Theo bà Georgieva, có "ba trở ngại chính" trên con đường phục hồi toàn cầu là đại dịch Covid-19, đà tăng của lạm phát và mức nợ cao.

Đề cập năm Nhâm Dần 2022 theo văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia châu Á, bà Georgieva cho rằng các quốc gia cần hành động nhanh nhạy như một "chú hổ" trong năm nay để đối phó với những thách thức phức tạp phía trước, và điều quan trọng hàng đầu là sự nhạy bén trong chính sách.

Người đứng đầu IMF cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19. (THX)

Kinh tế Mỹ

* Bộ Tư pháp Mỹ ngày 9/2 thông báo đã thu hồi hơn 94.000 bitcoin bị đánh cắp năm 2016, hiện tại trị giá 3,6 tỷ USD. Đây là vụ thu giữ số tiền kỹ thuật số có giá trị kỷ lục.

Cụ thể, hai đối tượng bị bắt giữ là một cặp vợ chồng, bị cáo buộc tìm cách "rửa tiền" 119.754 bitcoin đánh cắp được trong một vụ tấn công mạng năm 2016 nhằm vào sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bitfinex. Thời điểm đó, số bitcoin này trị giá 65 triệu USD. (AP)

* Ngày 8/2, Lầu Năm Góc thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ tiềm năng bán cho Jordan các hệ thống tên lửa phóng loạt có điều khiển (GMLRS) và thiết bị liên quan ước tính trị giá 70 triệu USD.

Trong một thông cáo, Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc cho hay, Jordan đã đề nghị mua 114 tên lửa M31 GMLRS-U và 114 tên lửa tầm bắn giảm dùng cho huấn luyện (RRPR). Nhà thầu chính của thương vụ này là tập đoàn Lockheed Martin. (Reuters)

* Ngày 8/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời thứ ba trong chưa đầy 5 tháng để chính phủ nước này duy trì hoạt động và tránh tổn thất do chính phủ phải đóng cửa.

Thỏa thuận về chi tiêu hiện tại sẽ kết thúc ngày 18/2 tới và nếu không có hành động nào được đưa ra, hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ có nguy cơ phải về nhà mà không được trả lương khi các cơ quan liên bang đóng cửa.

Trên thực tế, việc chính phủ đóng cửa chưa bao giờ thực sự xảy ra, khi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng với một thỏa thuận tạm thời khác. Cuối cùng, 51 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu "đồng ý" với đảng Dân chủ tại Hạ viện. (AFP)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Moody’s Investors Service, các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ khiến các nhà phát triển bất động sản của nước này khó tiếp cận thị trường nợ của Mỹ hơn.

Bà Annalisa Di Chiara, Phó Chủ tịch cấp cao của Moody’s, cho biết, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang có khoảng 35 tỷ USD nợ bằng đồng USD sẽ đến hạn trong năm nay.

Theo bà, trong điều kiện tín dụng thắt chặt như hiện nay, việc tiếp cận thị trường trái phiếu bằng đồng USD vẫn là một thách thức đối với nhiều nhà phát hành. (CNBC)

* Ngày 7/2, hãng thông tấn Ba Lan (PAP) dẫn lời ông Andrzej Dera, Trợ lý Tổng thống nước này cho biết, Trung Quốc muốn xây dựng Trung tâm kho vận tại Ba Lan và coi đây là một phần của Con đường Tơ lụa mới.

Theo ông Dera, Ba Lan rất quan tâm tới dự án này bởi nó sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho Warsaw khi việc phân phối các sản phẩm của Trung Quốc sẽ được thực hiện tại Ba Lan. (TTXVN)

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/2 nói, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) để đẩy nhanh cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Tập Cận Bình cho rằng điều này sẽ tiếp thêm sức sống mới cho hai bên cũng như nền kinh tế thế giới. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Tập đoàn độc quyền khí đốt Gazprom của Nga ngày 5/2 cho biết, người tiêu dùng châu Âu đã sử dụng hết 85% lượng khí đốt tự nhiên được cung cấp cho các cơ sở lưu trữ trong mùa Hè, với tổng lượng khí đốt tiêu thụ là 40,5 tỷ m3.

Tính đến ngày 3/2, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với mức cùng kỳ năm trước (13,4 tỷ m3).

Công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraine cũng ở mức thấp nhất khi chỉ còn còn 11,2 tỷ m3, thấp hơn 46,5% so với năm ngoái.

Theo Gazprom, xu hướng lượng khí đốt tự nhiên lưu trữ ở châu Âu sụt giảm nhanh chóng tiếp tục diễn ra kể từ ngày 11/1, đưa khối lượng dự trữ xuống mức thấp nhất trong lịch sử. (TTXVN)

* Cơ quan Thống kê quốc gia Liên bang Nga (Rosstat) ngày 9/2 cho biết, ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này từ tháng 1 đến tháng 9/2021 ở mức 4,6%, tương đương với khối lượng 91,535 nghìn tỷ Ruble (1,22 nghìn tỷ USD). Trong quý III/2021, con số này là 4,3%.

Cũng theo Rosstat, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2021, tăng trưởng sản xuất được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước.

Theo Gazprom, xu hướng lượng khí đốt tự nhiên lưu trữ ở châu Âu sụt giảm nhanh chóng tiếp tục diễn ra kể từ ngày 11/1, đưa khối lượng dự trữ xuống mức thấp nhất trong lịch sử. (Nguồn: Ukrinform)

* Theo thống kê của Hải quan Nga, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ukraine tăng 22,8%, đạt hơn 12,2 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu của Nga sang Ukraine tăng 28,8%, đạt 8,13 tỷ USD, xuất khẩu của của Ukraine sang Nga cũng tăng 12,5%, đạt 4,15 tỷ USD. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 10 tỷ USD. (TTXVN)

* Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 9/2 cho biết, xuất khẩu hàng hóa của nước này trong năm 2021 đã tăng 14% so với năm trước đó lên 1.380 tỷ Euro (1.580 tỷ USD) và tăng 3,6% so với năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức, với giá trị xuất khẩu trong năm 2021 tăng 18% so với năm trước đó lên 122,1 tỷ Euro. Trung Quốc đứng thứ hai, với tổng kim ngạch đạt 103,6 tỷ Euro, tăng 8,1% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) Joachim Lang, cảnh báo, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí logistics cao vẫn đang đè nặng lên hoạt động ngoại thương và ảnh hưởng đến sản xuất. (THX)

* Gần hai tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, chính phủ Pháp đón nhận những thông tin tốt lành: Số người tìm việc đang ở mức thấp nhất, trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2021 lại đạt kỷ lục.

Kinh tế Pháp đã ghi nhận mức tăng trưởng ngoài mong đợi trong năm 2021. Sau khi giảm 8% vào năm 2020, GDP của nước này tăng 7% trong năm 2021, là mức tăng kỷ lục kể từ 50 năm trở lại đây.

Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire đã hoan nghênh các kết quả tích cực của nền kinh tế và cho rằng “sự phục hồi ngoạn mục này đã xóa đi những nỗi lo về khủng hoảng”. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 9/2 cho biết, nước này đang có kế hoạch cung cấp một phần dự trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của mình cho châu Âu do căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine làm suy yếu an ninh năng lượng trong khu vực.

Các nguồn tin cũng cho biết, Nhật Bản, một nhà nhập khẩu LNG lớn, sẽ đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước trước khi hỗ trợ các nước châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga. (Kyodo)

* Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 8/2 thông báo tài khoản vãng lai của nước này ghi nhận thâm hụt 370,8 tỷ Yen (3,2 tỷ USD) trong tháng 12/2021 và là lần thâm hụt đầu tiên trong 18 tháng, do chi phí nhập khẩu năng lượng cao.

Theo bộ trên, cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản chuyển sang thâm hụt từ mức thặng dư 1.100 tỷ Yen của cùng kỳ năm trước đó, và là lần thâm hụt đầu tiên kể từ mức thâm hụt 14,3 tỷ Yen trong tháng 6/2020. (TTXVN)

* Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 8/2 ra phán quyết gần như đứng về phía Hàn Quốc trong tranh cãi kéo dài nhiều năm mới Mỹ về thuế đánh vào máy giặt nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Hàn Quốc đệ đơn kiện Mỹ vào năm 2018, sau khi chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump thực thi các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với máy giặt dân dụng lớn từ Hàn Quốc.

WTO đã đồng tình với quan điểm của Hàn Quốc rằng Mỹ đã không chứng minh được rằng lượng nhập khẩu máy giặt các thương hiệu của Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics thực sự tăng.

Ban chuyên gia cũng cho rằng việc Mỹ đã đưa các công ty sản xuất linh kiện trong nước không cạnh tranh với các nhà sản xuất của Hàn Quốc vào danh sách các lĩnh vực bị ảnh hưởng là không phù hợp. (AFP)

* Nền kinh tế Hàn Quốc đang trên đà phục hồi, nhưng tình hình bất ổn kinh tế bên ngoài vẫn ở mức cao trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi chính sách tiền tệ.

Trong một báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng công bố ngày 9/2, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết, ngành công nghiệp sản xuất của nước này đã tăng trưởng vững chắc và sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 mới dường như chỉ có tác động hạn chế đến lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng giá nguyên liệu thô tiếp tục tăng và thị trường tài chính không ổn định cho thấy sự bất ổn kinh tế vẫn ở mức cao.

Năm 2021, GDP Hàn Quốc tăng 4%, nhanh nhất trong 11 năm. (Yonhap)

Người dân mua hàng tại một cửa hàng ở Mexico City, Mexico. (Nguồn: AFP)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico ngày 9/2 cho biết, trong tháng 1/2022, tỷ lệ lạm phát của nước này là 7,07%, mức thấp nhất trong 3 tháng gần đây. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản lên tới 6,21%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2001.

Bà Gabriela Siller, Giám đốc phân tích của ngân hàng Banco Base, nhấn mạnh lạm phát cơ bản đã tăng 14 tháng liên tiếp, điều chưa từng xảy ra kể từ tháng 11/1994 đến tháng 12/1995. Theo bà Siller, điều này cho thấy Mexico vẫn đối mặt áp lực lạm phát cao.

Năm 2021 Mexico ghi nhận tỷ lệ lạm phát tới 7,36%, mức cao nhất trong 21 năm trở lại đây, do giá thực phẩm và nhiên liệu liên tục leo thang. (TTXVN)

* Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 7/2 dự báo tăng trưởng GDP của Brazil trong năm 2022 ở mức 0,6%, cao hơn so với triển vọng tăng trưởng 0,3% do các tổ chức phân tích tài chính tại quốc gia Nam Mỹ này vừa công bố.

Moody’s nhận định, thâm hụt ngân sách ban đầu (trước khi trả nợ) của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này trong năm nay sẽ ở mức tương đương 1,6% GDP, trái ngược với mức thặng dư ngân sách đạt 0,75% GDP ghi nhận vào năm ngoái.

Thặng dư ngân sách trong năm 2021 đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu gánh nặng nợ quốc gia của Brazil, từ 88% GDP trong năm 2020 xuống còn 80% GDP.

Cùng với đó, Moody's dự báo thâm hụt tài khóa (bao gồm các khoản thanh toán nợ đến hạn) của Brazil sẽ ở mức tương đương 5,9% GDP cho năm 2022, tăng mạnh so với mức 4,42% GDP trong năm 2021. (TTXVN)

* Người đứng đầu Cơ quan chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính Indonesia Febrio cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này dự báo đạt 5,2% trong năm 2022 nhờ tăng cường đầu tư, xuất khẩu và chi tiêu công.

Trong một tuyên bố chính thức ngày 7/2, ông Febrio nhấn mạnh rằng kết quả trên còn phụ thuộc vào các nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19, trong đó có việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. (TTXVN)

* Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 1,8 triệu xe trong năm nay, trong đó có 1 triệu xe dành cho xuất khẩu, do nhu cầu thị trường tiếp tục được cải thiện.

Theo Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI), sản lượng ô tô tăng 18% vào năm 2021 so với năm trước, đạt 1.685.706 xe, trong khi xuất khẩu tăng 30%.

Tháng 12/2021 chứng kiến xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng là 101.307 xe, tăng 2,5% so với tháng 11 và 48% so với cùng kỳ năm trước. FTI dự báo tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2022, với việc Thái Lan sản xuất 1 triệu chiếc xe cho thị trường nước ngoài và 800.000 chiếc xe bán trong nước. (TTXVN)