Các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga sẽ chuyển trọng tâm sang những thị trường trọng điểm ở Trung Đông và Bắc Phi. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
WB nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024
Ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng ổn định ở Mỹ, nhưng cảnh báo rằng sức tăng trưởng vẫn yếu so với các mức từng ghi nhận trong lịch sử.
Trong các dự báo cập nhật, WB hiện dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2024.
Dự báo của WB cho tăng trưởng toàn cầu năm 2025 vẫn không thay đổi ở mức 2,7% - thấp hơn mức trung bình 3,1% được ghi nhận trong một thập kỷ trước đại dịch Covid-19. Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước năm 2020.
Chuyên gia này nói thêm rằng triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới "còn đáng lo ngại hơn", khi phải đối mặt với các mức nợ cao ngất ngưởng, khả năng thương mại bị hạn chế và các hiện tượng khí hậu gây thiệt hại nặng nề. Theo ông, các nước này cần phải tìm cách thu hút đầu tư tư nhân mới và giảm nợ công.
WB hiện dự đoán các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 1/2024 nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.
Tin liên quan |
Khí đốt Nga vẫn có quyền lực quá lớn ở châu Âu, một cú sốc nhẹ về nguồn cung cũng khiến thị trường EU ‘lệch sóng’ |
WB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 cho các nền kinh tế phát triển lên 1,5% - tăng 0,3 điểm phần trăm – chủ yếu do dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng mạnh.
Theo dự đoán của WB, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2024, phần lớn nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu chính phủ mạnh mẽ, cũng như việc giảm nhập khẩu.
WB nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nhưng cho biết ngân hàng này vẫn dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm tốc trong năm nay trước sự sụt giảm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, kinh tế Trung Quốc được dự đoán tăng trưởng 4,8% trong năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2024.
Mỹ
* Ngày 12/6, sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25-5,50%. Ngân hàng trung ương này đồng thời hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một lần duy nhất trong năm nay thay vì 3 lần như dự báo trước đó đưa ra vào tháng 3/2024.
Viễn cảnh nói trên có thể sẽ làm thất vọng các thị trường, vốn cho rằng Fed sẽ thực hiện ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất sau khi một báo cáo đáng khích lệ công bố ngay trước đó cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến.
* Theo insidetrade.com, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) quyết định tiếp tục điều tra việc nhập khẩu pin năng lượng Mặt trời từ các nước Đông Nam Á. Trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần qua, ITC đã đưa ra kết luận sơ bộ rằng pin và tấm pin Mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia ở Đông Nam Á đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ.
ITC và Bộ Thương mại đang điều tra việc nhập khẩu các pin và tấm pin Mặt Trời tinh thể silicon từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan sau khi nhận đơn kiến nghị của Ủy ban Thương mại sản xuất năng lượng Mặt trời, đại diện cho 7 nhà sản xuất của Mỹ.
Trung Quốc
* Theo số liệu chính thức được công bố vào ngày 12/6, giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng nhẹ vào tháng 5/2024, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo rằng nước này cần phải có thêm nhiều nỗ lực để thúc đẩy nhu cầu trong nước nhằm khôi phục tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 vừa qua tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, không đổi so với mức tăng được ghi nhận vào tháng 4/2024 và là tháng thứ tư liên tiếp tăng trưởng dương. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với mức dự báo 0,4% được đưa ra sau cuộc khảo sát các nhà phân tích do Bloomberg thực hiện.
* Xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 5/2024 nhưng nhập khẩu lại chậm lại.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 5/2024 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái - cao hơn nhiều so với mức tăng 1,5% của tháng 4/2024 và cũng vượt mức dự báo tăng 5,7% trong một cuộc khảo sát các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg.
Tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5/2024 đã tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 8,4% được ghi nhận trong tháng 4/2024.
Châu Âu
* Ngày 11/6, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo cuộc bầu cử quốc hội sớm ở Pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xếp hạng tín nhiệm của nước này.
Trong thông báo đưa ra cuối ngày 10/6, Moody's đánh giá cuộc bầu cử sớm này sẽ làm gia tăng rủi ro cho quá trình củng cố tài khóa, gọi đây là "điểm trừ" khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Pháp, hiện đang ở mức Aa2. So với Fitch và S&P Global, Moody's đang duy trì thang điểm tín nhiệm của Pháp cao hơn 1 bậc.
* Chính phủ Thụy Sỹ ngày 8/6 đã đồng ý cung cấp Ukraine gói hỗ trợ trị giá 58,7 triệu Franc (65,5 triệu USD) để số hóa nền hành chính công của nước này. Số tiền sẽ được sử dụng cho các dự án về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và rà phá bom mìn.
Hiện Hội đồng Liên bang của Thụy Sỹ đang tìm cách chuyển hướng nguồn vốn từ ngân sách hợp tác quốc tế. Chính phủ Thụy Sỹ giải thích khoản tài trợ này để thúc đẩy cải cách dân chủ ở Ukraine thông qua số hóa, đồng thời để tăng tính minh bạch của các dịch vụ nhà nước.
* Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, các nhà xuất khẩu ngũ cốc của nước này sẽ chuyển trọng tâm sang những thị trường trọng điểm ở Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong cuộc họp do Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Oksana Lut chủ trì các nhà xuất khẩu ngũ cốc đã nhất trí rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng nhập khẩu lúa mì từ ngày 21/6 đến 15/10 sẽ không ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của Nga. Trong niên vụ sắp tới, bắt đầu từ ngày 1/7, Nga có kế hoạch giảm nguồn cung ngũ cốc ra thị trường toàn cầu xuống còn 60 triệu tấn.
* CNN đưa tin, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn chưa đạt được đồng thuận về cách sử dụng khoản lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để đảm bảo khoản vay khoảng 50 tỷ USD cho Ukraine.
CNN dẫn các nguồn thạo tin cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy các đồng minh trong G7 nhất trí với một kế hoạch mà Washington kỳ vọng sẽ công bố như một phần của thông cáo chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy, dự kiến diễn ra từ ngày 13-15/6.
* Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 11/6 đã vận động các công ty tư nhân đầu tư tiền vào tái thiết Ukraine, kêu gọi huy động sự hỗ trợ quốc tế cho thời kỳ hậu xung đột tại Ukraine.
Ông Scholz cho biết, các công ty phải được trao cơ hội kinh doanh để đầu tư và chính phủ phải đưa ra những chính sách cho thấy tiềm năng của Ukraine trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cả năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và dược phẩm… Theo ước tính của WB, Ukraine có thể cần 500 USD tỷ USD trong hơn một thập niên tới.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* Trong bối cảnh Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm hải sản của Nhật Bản, Tokyo phải đa dạng hóa các kênh xuất khẩu sang các thị trường khác, đáng chú ý nhất là Đông Nam Á và Mỹ.
Nằm trong các nỗ lực đa dạng hóa, Nhật Bản gần đây đã công bố mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sò điệp, một mặt hàng hàng đầu trong ngành xuất khẩu hải sản của nước này, sang Thái Lan lên 2,4 tỷ Yen (15 triệu USD) trong năm 2024 so với năm trước đó.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng gấp ba lần, sang Thái Lan tăng 2,3 lần và sang Mỹ tăng 1,7 lần trong 5 tháng tính đến tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.
* Công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research Ltd cho biết, số vụ phá sản của các doanh nghiệp tại Nhật Bản trong tháng 5/2024 đã tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước lên 1.009 vụ. Đây là lần đầu tiên trong khoảng 11 năm con số tính trên cơ sở hằng tháng đã vượt mốc 1.000 vụ, trong bối cảnh nhiều công ty mắc nợ đang phải chật vật để phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao, thiếu hụt lao động và phải hoàn trả nợ trong thời kỳ đại dịch. Theo Tokyo Shoko Research Ltd, số vụ phá sản doanh nghiệp trong năm nay có nguy cơ vượt 10.000 vụ lần đầu tiên kể từ năm 2013.
Cuộc khảo sát cho thấy, trong tháng 5/2024, các vụ phá sản do giá cả tăng cao là 87 vụ, đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
* Viện Nghiên cứu Kinh tế thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) trong báo cáo công bố ngày 10/6 cho biết, nền kinh tế nước này sau 10 năm nữa có thể sẽ bắt đầu tăng trưởng âm nếu cơ cấu dân số và năng suất của doanh nghiệp không được cải thiện.
Báo cáo cho biết nguyên nhân lớn nhất khiến tăng trường kinh tế sụt giảm là suy giảm dân số. Tổng số dân Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ mức đỉnh điểm 51,84 triệu người năm 2020 xuống còn 50,06 triệu người vào năm 2040, và 37,18 triệu người vào năm 2070.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng những đổi mới kinh tế tổng thể của Hàn Quốc hiện vẫn chưa đủ để chống lại sự sụt giảm liên tục của nhân khẩu học.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 11/6, Malaysia đã kêu gọi các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục đẩy mạnh xây dựng liên kết hệ thống đường sắt, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận chuyển hàng hóa.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết, kết nối đường sắt, đặc biệt là kết nối từ Bán đảo Malaysia tới Thái Lan, Lào và Trung Quốc là tầm nhìn dài hạn của ASEAN.
* Công ty điện lực nhà nước Indonesia (PLN) cho biết, để xây dựng mạng lưới truyền tải kết nối các nguồn năng lượng tái tạo trên khắp Indonesia, hay còn gọi là siêu lưới điện xanh, sẽ cần khoản đầu tư 25 tỷ USD. Dự án sẽ tạo ra một mạng lưới truyền tải dài 50.000 km kết nối nhiều khu vực trên khắp nước này.
Theo Giám đốc PLN Darmawan Prasodjo, lưới điện sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để Indonesia chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
* WB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm 2024 xuống 2,4% và trong năm 2025 còn 2,9%, giảm so với dự báo được đưa ra vào tháng 4 lần lượt là 2,8% và 3%.
Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) dự kiến sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay nhờ sự cải thiện trong thương mại toàn cầu, tác động tích cực đến lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu.
WB cho biết, động lực từ EAP sẽ giúp bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, trong đó các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Thái Lan và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.
* Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Singapore sẵn sàng trở thành trung tâm vàng hàng đầu thế giới, khi các giao dịch chuyển sang phía Đông.
Theo người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu của WGC, Shaokai Fan, nguyên nhân chính là mức tiêu thụ vàng ở các nền kinh tế mới nổi lớn đang gia tăng, và đa số các thị trường này tập trung ở châu Á. Một yếu tố khác là sự gần gũi của Singapore đối với các ngân hàng trung ương đang tích cực mua vàng.
Thêm vào đó, Singapore ở vị trí gần với khoảng 25% các trung tâm cung ứng vàng của thế giới như Trung Quốc, Australia, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea và Lào.
Kể từ tháng 12/2012, Singapore đã miễn thuế hàng hóa và dịch vụ đối với các kim loại quý thuộc diện đầu tư.
| Khí đốt Nga vẫn có quyền lực quá lớn ở châu Âu, một cú sốc nhẹ về nguồn cung cũng khiến thị trường EU ‘lệch sóng’ Sự cố ngừng hoạt động tại một nhà máy khí đốt ở Na Uy gần đây đã cho thấy thị trường khí đốt châu Âu ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/5): EU tăng mua 3 mặt hàng này của Nga, Moscow không hạn chế bán dầu cho Belarus, 3 chủ nợ lớn nhất toàn cầu Nga tăng xuất khẩu dầu sang Belarus, Mỹ duy trì đà tăng trưởng dù rủi ro suy thoái vẫn còn, nhập khẩu khí đốt tự ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (31/5-6/6): Ngân hàng Nga lãi khủng, tăng trưởng Mỹ đang ‘nguội’, Trung Quốc hút FDI, Đức quyết ‘dứt tình’ nhiệt điện than Kim cương đang giảm sức hấp dẫn, lợi nhuận của các ngân hàng Nga tăng vọt, nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về thị ... |
| Giá tiêu hôm nay 13/6/2024, lý giải hiện tượng giá tăng phi mã, liên tục thiết lập các kỷ lục, người trồng rục rịch bán ra Giá tiêu hôm nay 13/6/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục tăng rất mạnh ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ ... |
| Tổng cục Hải quan thông tin về việc triển khai Chiến dịch Con rồng Mekong 6 Chuỗi chiến dịch Con rồng Mekong do các lực lượng Hải quan Việt Nam, Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018. |