Mỹ nhận định, giá dầu thế giới có thể tăng 40% lên khoảng 140 USD/thùng nếu đề xuất giới hạn giá đối với dầu của Nga cùng với việc miễn trừ trừng phạt cho các lô hàng dưới mức giá đó không được thông qua. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
IMF dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Ngày 13/7, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã xấu đi đáng kể và có thể sẽ còn tiếp tục u ám hơn, do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và lạm phát tăng nhanh, gây nguy cơ đói nghèo lan rộng.
Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2022 và 2023.
Trong bài đăng trên blog cá nhân trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali (Indonesia) trong hai ngày 15-16/7, bà Kristalina Georgieva cho biết, IMF dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 và 2023.
Bà cho rằng, năm 2022 có thể sẽ là năm khó khăn với kinh tế toàn cầu và nhiều khả năng năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn khi nguy cơ suy thoái tăng.
IMF sẽ công bố bản cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới trong tháng 7/2022, trong đó bà Kristalina Georgieva cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp hơn 3,6% đã được nêu trong báo cáo công bố hồi tháng 4/2022.
Tổng giám đốc IMF kêu gọi G20 thúc đẩy hợp tác quốc tế, trong đó các nước giàu hơn cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các nước nghèo hơn. (TTXVN)
Quan chức Mỹ khuyến cáo về nguy cơ giá dầu thế giới tăng mạnh
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/7 cho biết, giá dầu thế giới có thể tăng 40% lên khoảng 140 USD/thùng nếu đề xuất giới hạn giá đối với dầu của Nga cùng với việc miễn trừ trừng phạt cho các lô hàng dưới mức giá đó không được thông qua.
Quan chức này cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thảo luận về việc thực hiện đề xuất trên cùng các diễn biến kinh tế toàn cầu với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khi hai bên gặp nhau vào cuối ngày 12/7.
Theo quan chức này, mục tiêu của đề xuất là xác định mức giá phù hợp với chi phí biên của Nga đủ để nước này có thể tiếp tục xuất khẩu dầu, nhưng không đủ cao để có thể tài trợ cho cuộc xung đột với Ukraine.
Phía Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về việc giới hạn giá bị đặt quá thấp, nhưng không bác bỏ hoàn toàn phạm vi giá tiềm năng từ 40-60 USD/thùng.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga và cấm bảo hiểm hàng hải đối với bất kỳ tàu nào chở dầu có xuất xứ từ nước này, Bộ trưởng Yellen coi giới hạn giá là một cách để duy trì dòng cung dầu và ngăn chặn một đợt giá tăng đột biến có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Phía Mỹ cũng đề xuất một "ngoại lệ về giá": Hủy bỏ lệnh cấm bảo hiểm hàng hải đối với các đơn đặt hàng dưới mức giá đã thỏa thuận. Đề xuất nhằm ngăn chặn nguồn cung dầu hàng triệu thùng mỗi ngày của Nga gặp khó khăn trong việc luân chuyển do thiếu bảo hiểm.
Mỹ và Nhóm các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng Sáu đã đồng ý tìm cách áp đặt một giới hạn về giá để giảm doanh thu và làm cạn kiệt nguồn tài chính phục vụ cho chiến dịch tại Ukraine của Nga. Song các nội dung chi tiết vẫn đang được nghiên cứu xây dựng. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 13/7, trong một báo cáo được công bố mới nhất, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America (BoA) dự đoán, nước Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay. Xu hướng đáng lo ngại nhất là đà chi tiêu cho lĩnh vực dịch vụ đang chậm lại.
Phân tích này được đưa ra khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo trong ngày 13/7 rằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9,1% so với tháng 6/2021, mức tăng cao nhất trong bốn thập niên. (TTXVN)
* Ngày 12/7, Nhà Trắng cho biết kinh tế Mỹ dường như đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng và tạo việc làm chậm hơn song số liệu kinh tế dự kiến công bố ngày 13/7 chưa cho thấy tín hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế trong quý I hoặc quý II của năm nay.
Trước đó, kênh truyền hình CNBC cho biết khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm tới là hơn 50%.
Ông Richard Kelly, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của công ty chứng khoán TD Securities, nhận định, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái về lý thuyết (tức 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp) ngay sau quý II của năm nay. (CNBC)
Kinh tế Trung Quốc
* Dữ liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho thấy, hoạt động ngoại thương hàng hóa của nước này trong nửa đầu năm nay đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19.800 tỷ NDT (khoảng 2.940 tỷ USD).
Theo GAC, xuất khẩu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021, lên 11.140 tỷ NDT, trong khi nhập khẩu tăng 4,8% so với một năm trước đó, lên 8.660 tỷ NDT. (THX)
* Dữ liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho thấy, tính theo khối lượng phát hành, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ vỡ nợ ở nước ngoài chiếm 85% các vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc, cao nhất từ trước đến nay.
Ngược lại, tình hình nợ dây dưa trong nước vốn chiếm vị trí thống trị cho đến năm ngoái lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu thống kê từ năm 2018 đến nay.
Quy mô vỡ nợ ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc năm 2022 đạt 26,2 tỷ USD, dường như toàn bộ đều là các doanh nghiệp bất động sản. (Bloomberg)
Kinh tế châu Âu
* Các dòng khí đốt của Nga vào Slovakia từ Ukraine qua điểm biên giới Velke Kapusany vẫn ổn định vào ngày 13/7 trong khi dòng chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vẫn bị đóng do bảo trì.
Dữ liệu từ nhà điều hành hệ thống truyền dẫn Ukraine cho thấy, lượng khí đốt ở mức 36,9 triệu m3 mỗi ngày, không thay đổi so với ngày hôm trước.
Nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của họ tới châu Âu qua Ukraine thông qua cửa khẩu Sudzha dự kiến ở mức 41,3 triệu m3 vào ngày 13/7, không thay đổi so với một ngày trước đó.
Tương tự, các dòng khí đốt hướng Đông qua đường ống Yamal-Europe đến Ba Lan từ Đức vẫn ổn định vào sáng 13/7. (Reuters)
Công nhân làm việc tại một trạm nén khí thuộc đường ống Yamal-Europe gần Nesvizh, cách Minsk (Belarus) khoảng 130 km về phía Tây Nam. (Nguồn: Reuters) |
* “Gã khổng lồ” năng lượng Gazprom của Nga bắt đầu đợt bảo trì định kỳ 10 ngày đối với đường ống Nord Stream 1 vào ngày 11/7. Điều này khiến Đức và các nước châu Âu khác thận trọng theo dõi xem liệu dòng khí đốt có hoạt động trở lại hay không.
Việc bảo trì hằng năm đối với hai đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 thường được lên kế hoạch trước từ rất lâu. Tuy nhiên, với quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm vì cuộc xung đột tại Ukraine, Gazprom có thể tận dụng cơ hội này để “khóa” dòng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, ngay cả khi việc bảo trì đường ống kết thúc. (TTXVN)
* Công ty phân tích chuyến bay toàn cầu Citrium cho biết, các hãng hàng không đã buộc phải thông báo hủy 25.378 chuyến bay trong lịch trình tháng 8/2022, trong đó có 15.788 chuyến ở châu Âu do tình trạng thiếu nhân viên và đình công.
Turkish Airlines có số lượng chuyến bay bị hủy lớn nhất ở châu Âu với 4.408 chuyến, tiếp đó là British Airways (3.600 chuyến), easyJet (2.045 chuyến), Lufthansa (1.888 chuyến) và Wizz Air (1.256 chuyến). (TTXVN)
* Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu (EU) Didier Reynders ngày 12/7 cho biết, EU đã "đóng băng" khối tài sản của Nga trị giá 13,8 tỷ USD kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thông báo vào giữa tháng Sáu nước này đã đóng băng khối tài sản trị giá 4,48 tỷ Euro của Nga.
Cho đến nay, EU đã thông qua 6 vòng trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm đối với phần lớn dầu nhập khẩu từ nước này đã được thông qua vào đầu tháng Sáu.
Tài sản của tổng cộng 98 doanh nghiệp và 1.158 cá nhân Nga đã bị “đóng băng”. (AFP)
* Ngày 13/7, tỷ giá đồng Euro so với USD lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 kể từ cuối năm 2002, chủ yếu do ảnh hưởng từ triển vọng ảm đạm bao trùm nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khả năng Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho khu vực này.
Theo đó, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng Euro bị giảm giá trị xuống mức 1 Euro đổi được 0,9998 USD sau khi các dữ liệu kinh tế mới phản ánh lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Sáu.
Điều này càng làm dấy lên những dự đoán rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. (Reuters)
* Nền kinh tế Anh đã quay trở lại đà tăng trưởng vào tháng 5/2022 sau khi giảm vào tháng Tư, với mức tăng cao hơn dự kiến của các nhà kinh tế.
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 13/7, sản lượng kinh tế của nước này trong tháng Năm đã tăng 0,5% so với tháng trước đó. Điều này cho thấy đã có sự cải thiện về hoạt động kinh tế và vượt kỳ vọng của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 12/7 cho biết, ông sẽ yêu cầu Mỹ và Australia một lần nữa tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đảm bảo nguồn cung ổn định cho “xứ Phù tang” khi ông gặp những người đồng cấp tại Sydney trong tuần này.
Theo kế hoạch, ông Hagiuda sẽ đến Sydney để tham dự cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng của nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Trước đó, ông Hagiuda từng yêu cầu các Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và Australia bổ sung nguồn cung nhiên liệu thay thế sau cuộc khủng hoảng Ukraine. (Reuters)
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 13/7 đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,25% nhằm ứng phó trước sức ép lạm phát gia tăng nhanh trong thời gian gần đây do giá cả hàng hóa và năng lượng tăng vọt.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 của BoK kể từ tháng 8/2021 và cũng là lần điều chỉnh lãi suất với "bước nhảy" lớn nhất chưa từng có của ngân hàng này. (Yonhap)
Hàn Quốc quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 2,25% nhằm ứng phó trước sức ép lạm phát gia tăng. (Nguồn: Getty Images) |
* Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc ngày 12/7 cam kết sẽ cung cấp cho các công ty trong lĩnh vực điện hạt nhân dự án trị giá 130 tỷ Won (99,04 triệu USD) trong năm nay nhằm vực dậy ngành này và mở rộng hoạt động sản xuất điện hạt nhân.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực từ nay đến năm 2030 tạo ra hơn 100.000 việc làm chất lượng cao trong lĩnh vực tài nguyên năng lượng trong tương lai và năng lượng tái tạo bằng cách hỗ trợ 5.000 công ty trong lĩnh vực này và bồi dưỡng cho 10 công ty “kỳ lân” trong đổi mới công nghệ.
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng lên 1.000 tỷ won trong năm nay. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Năng lượng tái tạo vẫn là những nguồn năng lượng giá rẻ nhất để phát điện của Australia. Đây là kết luận trong báo cáo thường niên GenCost năm 2021-2022 do nhóm các nhà khoa học cấp cao của nước này là Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO) và Cơ quan Quản lý thị trường năng lượng Australia (AEMO) thực hiện.
Theo đó, gió và Mặt trời là các nguồn phát điện rẻ nhất, ngay cả khi tính gộp các chi phí liên quan như lưu trữ và truyền phát điện.
Cũng theo báo cáo, hầu hết các công nghệ trong năm 2021-2022 đều có giá rẻ hơn so với năm trước. Các nhà khoa học dự báo sau khi chu kỳ lạm phát hiện nay chấm dứt, các công nghệ năng lượng Mặt trời, gió và pin sẽ tiếp tục rẻ hơn. (TTXVN)
* Ngày 13/7, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy, Brazil và Chile là những quốc gia Mỹ Latinh có khả năng huy động đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng thông qua quan hệ đối tác công-tư lớn nhất.
Báo cáo do BID ủy quyền và thực hiện hai năm một lần cùng với Economist Impact, đơn vị phân tích của tập đoàn The Economist, nhấn mạnh rằng các nước Mỹ Latinh và Caribbean đã thực hiện "những bước quan trọng" trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển “hiệu quả và bền vững” của hợp tác công tư trong cơ sở hạ tầng. (TTXVN)
* Chính phủ Thái Lan ngày 12/7 nhất trí gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel ở mức 5 baht/lít (14 xu Mỹ/lít) thêm hai tháng (từ ngày 21/7-20/9) để giảm thiểu tác động của việc giá năng lượng tăng cao.
Quyết định trên dự kiến sẽ khiến chính phủ mất khoảng 20 tỷ Baht (551 triệu USD) tiền thuế. Trong khi đó, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel 1 Baht/lít ước tính khiến chính phủ mất khoảng 1,9 tỷ Baht (52 triệu USD) mỗi tháng. (TTXVN)
* Ngày 13/7, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif cho biết, nước này - nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới - có thể tăng sản lượng để giúp đáp ứng nhu cầu từ các nước mất nguồn cung từ Nga.
Theo ông Tasrif, một số quốc gia đã đề nghị Indonesia cung cấp than sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Trong năm nay, Indonesia đặt mục tiêu khai thác 663 triệu tấn than đá. (TTXVN)