Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Áo vào ngày 16/11 do vấn đề liên quan đến thanh toán, nhưng vẫn cung cấp khối lượng ổn định đến châu Âu qua Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế thế giới
Doanh nghiệp toàn cầu tăng tuyển dụng
Theo khảo sát được công bố ngày 19/11, các công ty lớn trên toàn cầu đã đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự chuyên môn trong quý cuối năm 2024, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, công nghệ và y tế. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng trong ngành dịch vụ tài chính đang chậm lại.
Chỉ số tuyển dụng của Robert Walters cho thấy số lượng việc làm chuyên môn toàn cầu đã tăng gần 9% trong tháng 10/2024, trái ngược với mức giảm 5% trong tháng 9/2024.
Giám đốc điều hành Robert Walters, Toby Fowlston, cho biết những con số mới nhất trên là một tín hiệu tích cực cho thấy chu kỳ tuyển dụng truyền thống đang quay trở lại, theo đó tháng 10 và quý cuối cùng thường là thời điểm bận rộn khi các công ty tăng cường tuyển dụng nhân sự thời vụ hoặc tìm cách chi tiêu ngân sách tuyển dụng còn lại trước khi kết thúc năm.
Số lượng việc làm tại Mỹ và Anh tăng lần lượt 11% và 4% so với tháng trước, nhưng mức tăng tại Canada và Mexico lần lượt là 18% và 22%. Ông Fowlston cho rằng điều đó là do các doanh nghiệp mong muốn đặt trụ sở gần hơn với các khách hàng Mỹ của mình.
Ông Fowlston cho biết thêm hoạt động tuyển dụng có thể tăng hơn nữa trong quý tới do những thay đổi địa chính trị gần đây và các cuộc đàm phán hoặc thỏa thuận thương mại. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đang xem xét áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu.
Tin liên quan |
Dưới áp lực trừng phạt từ Mỹ và sự bá quyền của đồng USD, đây là cách Nga-Trung Quốc, BRICS mạnh mẽ lựa chọn |
Kinh tế Mỹ
* Trong phát biểu ngày 14/11, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng tăng trưởng kinh tế được duy trì, thị trường việc làm vững chắc và lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2% có nghĩa Fed không cần vội vàng trong việc hạ lãi suất.
Chủ tịch Fed Powell khẳng định, ông và các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn cho rằng lạm phát đang giảm ổn định về mức 2%, cho phép Fed dần chuyển hướng chính sách tiền tệ sang một môi trường trung lập hơn mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nhưng lãi suất trung lập ở mức nào trong môi trường hiện tại và Fed có thể nỗ lực nhanh đến đâu trong việc đạt được điều này vẫn chưa rõ ràng.
* Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Morgan Stanley, Seth Carpenter, cho rằng các mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào năm 2026.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp mức thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, cùng với các mức thuế bổ sung từ 60% đến 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu các mức thuế này được thực thi đồng loạt, ông Carpenter cảnh báo chúng có thể gây ra một cú sốc tiêu cực lớn đối với nền kinh tế, sẽ làm gia tăng lạm phát.
Chuyên gia này cảnh báo, đến năm 2026, tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh ở do các mức áp thuế và một số chính sách khác.
Kinh tế Trung Quốc
* Các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đang phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng ở nước ngoài để giải quyết tình trạng dư thừa do khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, họ đang vấp phải những cáo buộc bán phá giá từ các nhà nhập khẩu và chính sách bảo hộ từ ông Donald Trump, người sắp trở lại Nhà Trắng.
Nếu Trung Quốc không thay đổi chiến lược hiện tại và quyết định tái bơm tiền vào thị trường nhà đất hoặc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, mức tiêu thụ thép ở Trung Quốc sẽ suy giảm trong dài hạn. Tuy nhiên, các nhà máy hầu như không cắt giảm sản lượng để phù hợp với thực tế đó. Kết quả là lượng xuất khẩu gần đạt mức kỷ lục. Hơn 11 triệu tấn đã được xuất xưởng trong tháng 10/2024, mức cao nhất trong 9 năm.
* Ngày 19/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản khi Bắc Kinh đang xem xét tác động từ những biện pháp kích thích kinh tế mới.
Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm giữ ở mức 3,1%, lãi suất kỳ hạn 5 năm ở mức 3,6%. Quyết định này phù hợp với dự báo của thị trường, theo khảo sát của hãng tin Reuters.
Kinh tế châu Âu
* Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được "đồng thuận kỹ thuật" trong các cuộc đàm phán nhằm giảm hoặc đảo ngược các mức thuế mà EU áp dụng đối với xe điện (EV) sản xuất tại Trung Quốc.
Hai bên đang tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế cam kết giá để tránh bị áp thuế. Dẫn lời các nguồn tin không công bố danh tính, CCTV cho biết: “Đồng thuận về cam kết giá đề cập một số thỏa thuận nhất định mà hai bên đạt được trong vòng đàm phán vừa qua. Điều này cũng cho thấy cả Trung Quốc và EU sẵn sàng tập trung nguồn lực để đàm phán các lợi ích cốt lõi và hướng đến mục tiêu chung”.
* Kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg cho thấy các nhà kinh tế đã từ bỏ hy vọng rằng Đức sẽ tránh được tình trạng giảm tăng trưởng trong năm thứ hai liên tiếp.
Theo kết quả khảo sát, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đầu tàu kinh tế châu Âu ước giảm 0,1% trong năm 2024, sau khi suy giảm 0,3% vào năm 2023. Kết quả này tương tự với dự báo mà khảo sát thu thập được vào tháng trước.
Đối với năm 2025, các nhà kinh tế đã điều chỉnh dự báo cả năm xuống còn 0,7% từ mức 0,8%. Năm 2026, họ kỳ vọng tăng trưởng đạt 1,3% - không thay đổi so với vòng khảo sát trước.
* Vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 nhờ vào những khoản đầu tư khổng lồ vào những công ty mới nổi trong mảng chatbot và xe tự hành. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng một phần tư so với Mỹ.
Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, các công ty AI ở châu Âu đã huy động được 10,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2024, tăng 52% so với năm 2023. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp AI tại Mỹ đã thu hút được 47,2 tỷ USD đầu tư trong năm nay.
* Nga đã dừng cung cấp khí đốt cho Áo vào ngày 16/11 do vấn đề liên quan đến thanh toán, nhưng vẫn cung cấp khối lượng ổn định đến châu Âu qua Ukraine sau khi những khách hàng còn lại vẫn có nhu cầu muốn mua.
Trước đó, ngày 15/11, Áo cho biết Moscow thông báo rằng nguồn cung cấp khí đốt sẽ bị dừng sau phán quyết trọng tài có lợi cho OMV, nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Áo, về việc Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga không cung cấp đủ cho chi nhánh tại Đức của OMV.
Hôm 16/11, Cơ quan quản lý năng lượng của Áo E-Control cho biết, việc Gazprom giao hàng cho OMV đã dừng lại lúc 6h (5h GMT), đồng thời cho biết thêm rằng giá cả và nguồn cung cấp cho khách hàng Áo vẫn ổn định.
* Xung đột giữa Nga vào Ukraine đã bước sang ngày thứ 1.000, gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp của quốc gia Đông Âu.
Theo tính toán của Trường Kinh tế Kyiv (KSE), Ukraine đã mất quyền kiểm soát 60.000 km2, tương đương 18% diện tích đất canh tác. Diện tích gieo trồng của nước này đã giảm 25% trong năm 2023 xuống còn 21,8 triệu ha, so với 28,6 triệu ha vào năm 2021. Diện tích gieo trồng năm 2024 không thay đổi.
Tổng sản lượng ngũ cốc đạt 84 triệu tấn vào năm 2021, nhưng giảm xuống còn 53,9 triệu tấn vào năm 2022, 59,8 triệu tấn vào năm 2023 và có thể đạt tổng cộng 54 triệu tấn vào năm 2024.
Số liệu thương mại cho thấy kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc giảm từ mức 12,3 tỷ USD vào năm 2021 xuống 8,3 tỷ USD vào năm 2023 và 7,1 tỷ USD trong 9 tháng 1-9/2024. Ước tính sản lượng ngũ cốc của Ukraine giảm 48,6 triệu tấn và hạt hướng dương giảm 8,7 triệu tấn trong giai đoạn 2022-2023.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10/2024 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất 43 tháng trong tháng trước đó.
Mức tăng nêu trên vượt xa dự đoán tăng 2,2% từ các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters, đồng thời đảo ngược mạnh mẽ xu hướng giảm 1,7% của tháng 9.
Số liệu chính phủ cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh nhất sang khu vực Trung Đông, với mức tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu vào nền kinh tế lớn thứ hai châu Á tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,4%, trái ngược so với dự đoán giảm 0,3% từ cuộc thăm dò của Reuters.
* Số lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng vượt bậc trong những tháng gần đây và đang trên đà phá kỷ lục hằng năm.
Theo dữ liệu được Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) công bố ngày 20/11, tính từ đầu năm nay đến tháng 10 vừa qua, nước này đã đón hơn 30 triệu lượt khách quốc tế. Sự tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có đồng Yen yếu và việc mở rộng các tuyến bay quốc tế đến đất nước Mặt trời mọc.
* Các nhà đầu tư dự đoán ngành tài chính Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi dưới thời Tổng thống Donald Trump với các quy định được nới lỏng và lãi suất cao hơn.
Theo ông Lee Hyo Seob, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Thị trường Vốn Hàn Quốc, các ngân hàng Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ chính sách của ông Trump, đặc biệt là việc nới lỏng các quy định tài chính toàn cầu. Dù các ngân hàng Mỹ được hưởng lợi đầu tiên, các ngân hàng Hàn Quốc vẫn sẽ tham gia vào xu thế này nhờ sự kết nối chặt chẽ trong hệ thống tài chính quốc tế.
* Tập đoàn POSCO - nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc, hôm 19/11 cho biết đã đóng cửa một nhà máy thép dây tại thành phố Pohang, cách thủ đô Seoul 273 km về phía Dông Nam, sau hơn 45 năm hoạt động do nguồn cung dư thừa.
Việc đóng cửa nhà máy này diễn ra 3 tháng sau khi Tập đoàn POSCO ngừng hoạt động một trong ba nhà máy thép tại Pohang, giữa lúc nhà sản xuất thép này đang phải vật lộn để tăng lợi nhuận.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bày tỏ lạc quan rằng nước này có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050, sớm hơn một thập kỷ so với mục tiêu trước đó.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Prabowo cho biết sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện chạy bằng than và nhiên liệu hóa thạch trong vòng 15 năm tới, so với mục tiêu trước đó là năm 2056.
* Các nhà kinh tế nhận định, với nguồn vốn đầu tư cùng nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu tăng, Malaysia đang có định hướng đúng đắn nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững trong cả năm.
Tiến sỹ Aidil Rizal Shahrin, giảng viên tại Đại học Malaya dự báo, nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 5-6% trong năm 2024, vượt so với mức dự báo trước đây là 4-5% và cao hơn so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,2%.
* Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan dự báo nền kinh tế nước này sẽ đạt tăng trưởng từ 2,3-3,3% vào năm 2025 bất chấp rủi ro ngày càng tăng.
Theo Tổng thư ký NESDC Danucha Pichayanan, các động lực chính của tăng trưởng bao gồm tăng tiêu dùng và đầu tư của chính phủ, nhu cầu tư nhân trong nước mạnh mẽ, sự phục hồi liên tục của ngành du lịch và sự mở rộng bền vững trong xuất khẩu.
Ông Danucha cho biết, các ưu tiên quản lý chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng cho năm tới bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng liên tục trong lĩnh vực xuất khẩu và chuẩn bị sẵn sàng giải pháp cho các rào cản thương mại tiềm ẩn mà các chính sách mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể gây ra.
| Dưới áp lực trừng phạt từ Mỹ và sự bá quyền của đồng USD, đây là cách Nga-Trung Quốc, BRICS mạnh mẽ lựa chọn Nhóm BRICS, trong đó Nga-Trung Quốc là thành viên, được thành lập với mục tiêu cơ bản là thúc đẩy hội nhập kinh tế toàn ... |
| Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây kém hiệu quả, Nga-Trung Quốc ngày càng quyền lực, BRICS chớp thời cơ ‘nổi dậy’, tương lai nằm ở vàng? Những nỗ lực của Nga đã củng cố vị thế của nước này, cùng với Trung Quốc, trở thành đối thủ địa chính trị chính ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (8-14/11): Nga-Iran bắt tay đối phó trừng phạt, Mỹ gây khó châu Âu, Trung Quốc lần đầu phát hành nợ bằng USD Nga-Iran chính thức kết nối mạng lưới liên ngân hàng, Mỹ sẽ gây bất lợi cho châu Âu, Trung Quốc lần đầu phát hành nợ ... |
| APEC giữ vững ‘ngọn cờ’ tự do hóa thương mại Nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi một định hình mới và tiến trình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC - khu ... |
| Giá tiêu hôm nay 21/11/2024: Thị trường kém sôi động, công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận tiêu chuẩn của thế giới Giá tiêu hôm nay 21/11/2024 tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 138.500 – 140.000 ... |