📞

Kinh tế thế giới nổi bật: Nga-Iran thắt chặt hợp tác tài chính, quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi khi vào BRICS, châu Âu cạn khí đốt

Hải An 13:36 | 09/01/2025
Dự báo toàn cầu tăng trưởng tích cực, thẻ thanh toán Mir của Nga sắp được sử dụng tại Iran, BRICS mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia, doanh số xe điện Mỹ cao kỷ lục tại Trung Quốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.
Năm 2025 sẽ là năm giải quyết các vấn đề tài chính và tiền tệ trong quan hệ giữa Nga-Iran. (Nguồn: Shutterstock)

Kinh tế thế giới

Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2025

Trong báo cáo về tình hình kinh tế thế giới công bố ngày 6/1, Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc vào năm 2025 nhờ lực đẩy từ các chính sách nới lỏng tiền tệ, khả năng phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ cũng như sự phục hồi của các kinh tế châu Âu và Trung Quốc, đồng thời cho rằng các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ những tác động lan tỏa tích cực này.

QNB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 3,2% trong năm 2025, cao hơn mức dự báo 3,1% của Bloomberg. Theo QNB, các nền kinh tế lớn sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, nhờ lạm phát được kiểm soát, những hạn chế tài chính được giảm bớt cũng như các điều chỉnh chính sách của các ngân hàng trung ương. QNB cho rằng các thị trường mới nổi, đặc biệt là các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sẽ được hưởng lợi từ những tiến bộ này.

QNB dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2025, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất 150 điểm cơ bản. Báo cáo của QNB khẳng định điều này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng, giữa lúc tín dụng trở nên rẻ hơn, các cơ hội đầu tư mới trở nên hấp dẫn hơn và các chi phí cơ hội giảm.

Kinh tế Mỹ

* Mới đây, hãng hàng không United Airlines (Mỹ) cho biết sẽ bắt đầu sử dụng dịch vụ Wi-Fi do vệ tinh Starlink của công ty khai phá không gian SpaceX cung cấp, trong các chuyến bay nội địa vào mùa Xuân tới, sớm hơn so với dự kiến. Dịch vụ Wi-Fi sẽ được áp dụng miễn phí cho các khách hàng thân thiết của hãng, thay vì toàn bộ hành khách như kế hoạch ban đầu. Chuyến bay đầu tiên có dịch vụ này là của máy bay phản lực Embraer SA E175, trong khi việc triển khai dịch vụ trên máy bay chở khách sẽ bắt đầu trước cuối năm 2025.

* Tesla, nhà sản xuất xe điện (EV) của Mỹ, vừa cho biết, doanh số bán xe tại Trung Quốc của hãng đã tăng 8,8% lên 657.000 xe trong năm 2024 và là mức cao kỷ lục.

Theo số liệu từ Tesla China, doanh số bán xe của Tesla tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới này trong tháng 12/2024 cũng tăng 12,8% so với tháng trước đó lên mức cao kỷ lục là 83.000 xe.

Số liệu bán hàng cũng cho thấy, trong năm 2024 Tesla đã giao 36,7% số xe của mình cho khách hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của hãng.

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 8/1, các quan chức cao cấp của Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch huy động vốn để hỗ trợ các chương trình thu cũ đổi mới hàng tiêu dùng và nâng cấp thiết bị quy mô lớn năm 2025 bằng cách bán trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn.

Con số cụ thể dự kiến sẽ được công bố tại kỳ họp Lưỡng hội vào tháng Ba tới. Các quan chức lưu ý rằng theo hai chương trình này, Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi hàng hóa đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ năm 2025.

* Số liệu thống kê mới nhất do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố ngày 7/1 cho thấy tính đến cuối tháng 12/2024, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.202,4 tỷ USD, giảm 63,5 tỷ USD so với cuối tháng 11, mức giảm tương ứng 1,94%. So với cùng kỳ năm 2023, quy mô dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 giảm 35,6 tỷ USD.

Sự suy giảm quy mô dự trữ ngoại hối chủ yếu là do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như kỳ vọng về chính sách tiền tệ của những nền kinh tế lớn và dữ liệu kinh tế vĩ mô, chỉ số đồng USD tăng và giá tài sản tài chính toàn cầu nhìn chung giảm.

Kinh tế châu Âu

* Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trong tháng 12/2024, củng cố kế hoạch giảm lãi suất từ từ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), nhưng không làm chệch hướng hoàn toàn kế hoạch này.

Giá tiêu dùng ở Eurozone trong tháng 12/2024 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn so với mức tăng 2,2% của tháng 11/2024 và khớp với ước tính trung bình trong một cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg. Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), mức tăng này chủ yếu do chi phí năng lượng tăng, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2024.

* Dự trữ khí đốt của châu Âu đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm qua do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá kéo dài.

Theo số liệu mới nhất, dự trữ khí đốt tại châu Âu hiện chỉ đạt 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm 2024. Mặc dù tình trạng thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng việc tái bổ sung nguồn dự trữ sau mùa Đông dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây biến động giá khí đốt trong ngắn hạn.

* Một cuộc khảo sát mới đây của ngân hàng Deutsche Bank cho thấy, có tới 98% người được hỏi tin rằng chính sách "phanh nợ" của Đức cần được cải cách.

Chính sách "phanh nợ" giới hạn thâm hụt ngân sách cấu trúc của Đức ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong điều kiện bình thường. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chính trị gia thuộc các phe phái khác nhau đều đặt câu hỏi về tính bền vững của chính sách này. Họ cho rằng nó hạn chế chi tiêu công cần thiết để giải quyết các khó khăn kinh tế.

* Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Moscow Kazem Jalali ngày 8/1 cho hay, giai đoạn tích hợp thứ hai giữa hệ thống thanh toán của Nga và Iran, trong đó thẻ thanh toán Mir của Nga sẽ có thể được sử dụng trên lãnh thổ Iran để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Theo nhà ngoại giao này, “năm 2025 sẽ là năm giải quyết các vấn đề tài chính và tiền tệ trong quan hệ giữa Tehran và Moscow”. Ông lưu ý các cuộc đàm phán giữa ngân hàng trung ương hai nước đang tiến triển thành công.

* Ngày 5/1, Đại sứ Cuba tại Nga Julio Antonio Garmendía cho biết Moscow sẽ cấp cho Havana khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD để mua nhiên liệu.

Các thỏa thuận tương ứng đã được ký kết và hai nước dự kiến sẽ chính thức ký hợp đồng trong vài ngày tới để giải ngân khoản tín dụng nêu trên.

Cùng với khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD, Nga còn viện trợ cho Cuba 2 triệu USD để mua các thiết bị cần thiết nhằm phục hồi hệ thống năng lượng điện quốc gia, bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nhiên liệu và cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Năng suất lao động của Nhật Bản năm 2023 là 56,8 USD/giờ, xếp thứ 29 trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo so sánh năng suất theo từng quốc gia trong năm do Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC) công bố.

Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, Nhật Bản đã tăng thứ hạng sau xu hướng giảm kéo dài, trong đó quốc gia này đạt vị trí thấp nhất từ trước đến nay là thứ 31 vào năm 2022. Năng suất lao động là chỉ số cho biết lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà một công nhân đã tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định.

* Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc ngày 7/1 cho biết đã tiến hành điều tra làm rõ liệu quá trình thu thập dữ liệu âm thanh từ trợ lý ảo Siri được tích hợp trên các thiết bị của hãng Apple (Mỹ) có vi phạm Luật bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc hay không.

Một quan chức của ủy ban trên cho biết sẽ khởi động điều tra chính thức nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Quyết định này được đưa ra sau khi hãng Apple đề xuất khoản tiền lớn để thỏa thuận trong vụ kiện tập thể liên quan đến rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng Siri tại Mỹ.

* Năm 2024, số lượng người nước ngoài mua bất động sản tại Hàn Quốc tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Thống kê đăng ký chuyển quyền sở hữu tại Tòa án công bố ngày 8/1 cho biết số lượng người nước ngoài nộp đơn đăng ký chuyển quyền sở hữu sau khi mua bất động sản (bao gồm các tòa nhà phức hợp, đất đai và nhà ở riêng) ở Hàn Quốc trong năm 2024 tổng cộng là 17.000 người, tăng 11,9% so với năm 2023.

Tính chung, tỷ lệ người nước sở hữu bất động sản chiếm 1,1% trong tổng số giao dịch mua bất động sản ở Hàn Quốc năm 2024, mức cao nhất kể từ năm 2019 (1,6%).

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Với tư cách thành viên BRICS, Indonesia có thể đạt được những lợi ích tiềm năng, đặc biệt trong việc giảm thâm hụt cán cân thương mại trong lĩnh vực dầu khí.

Chuyên gia kinh tế và chính sách công tại Đại học Phát triển Quốc gia (UPN) Jakarta, ông Achmad Nur Hidayat, cho rằng, việc Indonesia trở thành thành viên chính thức của BRICS có thể mở ra cơ hội tiếp cận dầu thô của Nga với giá rẻ hơn.

Theo ông Achmad, ưu điểm chính của việc mua bán dầu với Nga là tiềm năng giá rẻ hơn so với giá thị trường quốc tế. Lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga đã khuyến khích nước này cung cấp dầu của mình cho các thị trường ngoài phương Tây với mức chiết khấu đáng kể.

* Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Chang Lih Kang cho biết, theo phân tích của chính phủ, hơn 30% công việc ở nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trong 10 năm tới, và các lĩnh vực chính như sản xuất, dịch vụ và công nghệ thông tin được dự đoán sẽ trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể.

Số liệu thống kê cho thấy hơn 600.000 lao động phải được đào tạo lại kỹ năng nghề trong vòng 3-5 năm tới để phù hợp với thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh. Ông nhấn mạnh, dự kiến đến năm 2030, Malaysia sẽ cần thêm 500.000 lao động lành nghề để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ và kỹ thuật. Những con số này nêu bật nhu cầu cấp thiết phải phát triển một hệ sinh thái đào tạo và cấp chứng chỉ hiệu quả.

* Ngày 3/1, Cơ quan thị trường năng lượng (EMA) của Singapore đã công bố việc trao hợp đồng cho PacificLight Power để xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên tương thích với hydro trên đảo Jurong, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2029. PacificLight Power cho biết dự án này sẽ là cơ sở tua-bin khí chu trình hỗn hợp lớn nhất và hiệu quả nhất tại Singapore.

Theo PacificLight Power, nhà máy sẽ có công suất ít nhất 600 MW, đủ để cung cấp điện cho khoảng 864.000 căn hộ bốn phòng trong một năm. Khi bắt đầu hoạt động, nhà máy có thể đốt ít nhất 30% hydro- một loại nhiên liệu sạch hơn - với phần còn lại là khí đốt tự nhiên để tạo ra điện. Trong tương lai, nhà máy sẽ có thể đốt 100% hydro khi ngành điện hướng tới mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0.

Singapore có kế hoạch xây dựng ít nhất 9 nhà máy điện chạy bằng hydro vào năm 2030. PacificLight cho biết nhà máy mới công bố của họ sẽ là nhà máy lớn nhất trong số này. Đây cũng sẽ là nhà máy đầu tiên được ghép nối với hệ thống lưu trữ năng lượng pin quy mô lớn, lưu trữ điện trong thời gian thấp điểm.