Kinh tế thế giới
Về triển vọng năm 2022, dù đại dịch vẫn chưa kết thúc, một số công ty du lịch lạc quan về sự phục hồi của lĩnh vực này. (Nguồn: Reuters) |
Du lịch thế giới trước triển vọng lạc quan trong năm 2022
Sau một năm thua lỗ nặng, ngành du lịch đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi, ngay cả khi sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến một số nước tăng cường kiểm soát biên giới trở lại.
Tỷ lệ tiêm chủng gia tăng, nhu cầu bị dồn nén và tiền tiết kiệm nhiều hơn đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch toàn cầu trong năm qua, khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và các nước rút lại các biện pháp kiểm soát biên giới.
Tuy nhiên, theo phân tích của hãng nghiên cứu và cung cấp tin tức về du lịch Skift, đà phục hồi của ngành du lịch vẫn không đồng đều giữa các khu vực.
Dựa trên chỉ số bao gồm trên 50 số liệu, phân tích này đo lường mức độ phục hồi của các khu vực so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các số liệu này bao gồm các tra cứu về du lịch cũng như tỷ lệ đặt phòng khách sạn, doanh thu mỗi đêm và tỷ lệ hủy đặt chỗ.
Theo nhà phân tích của Skift Wouter Geerts, có sự liên quan mật thiết giữa số ca mắc mới Covid-19 và sự phục hồi của ngành du lịch. Khi số ca mắc tăng, các biên giới có xu hướng bị đóng lại, các biện pháp phong tỏa có hiệu lực và hoạt động đi lại giảm mạnh và gần như là ngay lập tức.
Các nước Bắc Mỹ như Mỹ và Mexico vẫn mở cửa hơn và điều này có lợi cho ngành du lịch. Ngược lại, chính sách “zero Covid” trên khắp châu Á đã cản trở du lịch.
Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, các hãng hàng không đã báo cáo lỗ ròng trong năm 2020 và xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục trong năm 2021, nhưng với mức thấp hơn.
Theo IATA, số km mà hành khách đã đi trên toàn cầu (RPK) được cho là sẽ tăng trong năm nay, nhưng chỉ đạt khoảng 40% mức trước đại dịch.
Fitch Ratings đã hạ dự báo về RPK toàn cầu năm 2021 và 2022, do hoạt động vận tải quốc tế phục hồi chậm hơn dự kiến và các chuyến công tác bị hạn chế.
Về triển vọng năm 2022, dù đại dịch vẫn chưa kết thúc, một số công ty du lịch lạc quan về sự phục hồi của lĩnh vực này.
Giám đốc phụ trách châu Á của cổng du lịch trực tuyến Expedia Choo Pin Ang cho rằng, các chính phủ đã có những giải pháp nhằm phục hồi ngành du lịch, chẳng hạn như Thái Lan và Malaysia. Theo ông, triển vọng năm 2022 tích cực hơn nhiều. (CNBC)
IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu do biến thể Omicron
Ngày 14/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo biến thể Omicron sẽ khiến đà phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu giảm tốc trong năm 2021 và 2022.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất, IEA đánh giá sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021 đã gây ra một đợt bán tháo mạnh trên thị trường dầu mỏ, song tâm lý bi quan ban đầu giờ đã nhường chỗ cho phản ứng có tính toán hơn.
Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 sẽ có tác động âm thầm hơn đối với nền kinh tế so với trước đây khi các nước tiến hành chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
IEA đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trung bình 100.000 thùng mỗi ngày cho cả năm nay và năm sau do những hạn chế mới đối với du lịch quốc tế.
Theo đó, IEA cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022, thời điểm nhu cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch là 99,5 triệu thùng/ngày.
Trước IEA, ngày 13/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý I/2022 ở mức trung bình 99,13 triệu thùng/ngày, tăng 1,11 triệu thùng/ngày so với dự báo hồi tháng trước. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Giá hàng tạp hóa cao hơn đang gây áp lực lên ngân sách mua hàng tạp hóa của nhiều người Mỹ và buộc họ phải thay đổi cách mua sắm thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.
Trong tháng 11/2021, giá thịt xông khói đã tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng tháng, giá hàng tạp hóa tăng 6,4% so với một năm trước, ghi dấu tốc độ lạm phát thực phẩm nhanh nhất trong hơn một thập niên. Một số người tiêu dùng đang phản ứng bằng cách cắt giảm số lượng sản phẩm mua tại cửa hàng và chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn. (CNN)
* Sau những nỗ lực vượt bậc trong hơn 10 năm qua, giá trị vốn hóa thị trường của Apple Inc đã tiến sát mốc 3.000 tỷ USD, đưa Apple trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu của Apple đã đảo ngược đà tăng trước đó và giảm hơn 2%, xuống còn 175,74 USD, gần mức 182,86 USD – mức giá cần thiết để đưa giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này vượt mốc 3.000 tỷ USD. (AP)
Kinh tế Trung Quốc
* Doanh thu phòng vé của Trung Quốc từ đầu năm 2021 đến nay đã vượt 45 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7,07 tỷ USD), tiếp tục dẫn đầu thị trường toàn cầu.
Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là kết thúc năm 2021, năm nay, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giữ vững vị trí hàng đầu thế giới về doanh thu phòng vé trong năm thứ hai liên tiếp. Hệ thống bán vé trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Maoyan cho biết, 8/10 tác phẩm kiếm được nhiều tiền nhất tại các phòng vé ở nước này trong năm nay là phim nội địa. (THX)
* Giá cổ phiếu của công ty bất động sản Trung Quốc Shimao Group phiên 14/12 giảm xuống mức thấp nhất trong một thập niên, gây thêm lo ngại về lĩnh vực bất động sản của nước này.
Tuần trước, tập đoàn bất động sản Evergrande đã vỡ nợ số trái phiếu trị giá trên 1,2 tỷ USD, trong khi công ty nhỏ hơn là Kaisa cũng vỡ nợ số trái phiếu trị giá 400 triệu USD.
Shimao là công ty bất động sản mới nhất gây lo ngại, khi giá cổ phiếu giảm gần 34% trong 5 ngày qua. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) họp Hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 16/12 tại thủ đô Brussels (Bỉ), là kỳ họp cuối cùng trong năm 2021 của EU, khép lại một năm đầy biến động.
Trong thư mời gửi tới các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, dịch Covid-19 sẽ vẫn là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo 27 quốc gia EU sẽ xem xét sự gia tăng giá năng lượng và tác động của nó đối với người dân và doanh nghiệp châu Âu. (TTXVN)
* Theo số liệu của sàn giao dịch chứng khoán London ICE, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 14/12 đã lần đầu tiên kể từ tháng 10 vượt mốc 1.450 USD/1.000 m3, và đã có lúc leo lên mức 1.500 USD/1.000 m3.
Giá năng lượng tăng mạnh đã khiến chính phủ các nước phải dùng biện pháp trợ cấp và miễn giảm thuế để bảo vệ người tiêu dùng, và nhiều nước đã kêu gọi thiết lập một hệ thống mua chung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). (TTXVN)
* Trên Facebook, người đứng đầu công ty Moldovagaz của Moldova Vadim Ceban, ngày 14/12 cho biết doanh nghiệp này đã thanh toán đầy đủ cho tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tiền mua lượng khí đốt mà họ nhận được trong tháng 11/2021.
Người đứng đầu Moldovagaz lưu ý rằng công ty hiện đang thu tiền tạm ứng để thanh toán cho nửa đầu tháng 12/2021, đồng thời kêu gọi tất cả những người tiêu dùng khí đốt trong nước thanh toán hóa đơn đúng hạn.
* Trong năm 2021 tính đến ngày 15/12, tập đoàn độc quyền khí đốt Gazprom của Nga đã vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, qua đó đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với nước này trong năm 2021.
Thông cáo của Gazprom cho biết: “Hôm nay, công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận vận chuyển với Ukraine. Kể từ đầu năm 2021, 40 tỷ m3 khí đốt Nga đã được vận chuyển qua lãnh thổ của họ, tương ứng với khối lượng quy định trong thỏa thuận vận chuyển cho toàn bộ năm 2021”.
Gazprom cho biết thêm sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu qua nhiều tuyến đường ống khác nhau, kể cả qua Ukraine. (TTXVN)
Tập đoàn độc quyền khí đốt Gazprom của Nga đã vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, qua đó đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với nước này trong năm 2021. (Nguồn: Getty Images) |
* Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS ngày 13/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết lạm phát của Nga cả năm 2021 sẽ vào khoảng 8% và đến cuối năm 2022 sẽ trở lại mục tiêu 4%.
Ông Siluanov khẳng định Ngân hàng Trung ương Nga hoàn toàn có khả năng ứng phó với tình trạng lạm phát ở Nga và đưa chỉ số này quay trở lại mục tiêu.
Theo Cơ quan thống kê Liên bang (Rosstat), lạm phát hằng năm ở Nga đã tăng lên mức 8,4% vào tháng 11/2021 so với mức 8,13% vào tháng 10. (TTXVN)
* Viện nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo) ngày 14/12 dự báo tăng trưởng kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể sẽ chậm hơn so với dự kiến trong năm tới do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và ảnh hưởng của làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Ifo đã hạ dự báo tăng trưởng của Đức trong năm 2022 xuống 3,7% so với ước tính 5,1% trước đó. Kết quả dự báo thấp này là một vấn đề đau đầu đối với chính phủ mới vừa lên nắm quyền vào tuần trước. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm 14/12 cho biết còn quá sớm để bình luận về khả năng Hàn Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho đến khi nước này chứng minh rõ ràng rằng có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của Hiệp định.
Ông Hirokazu Matsuno cho hay Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến liên quan tới các nền kinh tế đã bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP. Chính phủ sẽ đưa ra phản ứng sau khi cân nhắc đến quan điểm chiến lược và sự hiểu biết của công chúng về vấn đề này. (Kyodo)
* Tại cuộc họp chính sách sắp tới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ xem xét lại gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ bao gồm các biện pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản vay không lãi và không có tài sản đảm bảo cho các doanh nghiệp nhỏ, tăng khối lượng mua thương phiếu và trái phiếu công ty bằng các nghiệp vụ thị trường. (TTXVN)
* Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc ngày 14/12 công bố số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của nước này đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 11/2021, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt hàng chip và màn hình trên toàn thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ICT của Hàn Quốc đã tăng 30% trong tháng 11/2021 so với cùng kỳ năm ngoái lên 21,49 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng đánh dấu tháng thứ 18 gia tăng liên tiếp kể từ tháng 6/2020. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Chính phủ Indonesia thúc giục Hạ viện nước này nhanh chóng thông qua 3 hiệp định thương mại gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Hàn Quốc (IK-CEPA) và Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) nhằm góp phần hiệu quả vào chính sách thương mại và phục hồi kinh tế quốc gia.
Phản ứng trước lời kêu gọi từ chính phủ, Chủ tịch Ủy ban VI của Hạ viện Faisol Reza cho biết: “Không có trở ngại nào trong quá trình xem xét phê chuẩn, tuy nhiên Hạ viện đang tập trung vào việc hỗ trợ chính phủ đối phó với đại dịch”. (TTXVN)
* Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 14/12 công bố báo cáo cho biết kinh tế Thái Lan năm 2021 dự kiến sẽ tăng 1% trong năm nay và tăng 3,9% trong năm 2022.
Hoạt động kinh tế của đất nước này dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2022 do chính phủ đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng và khách du lịch phục hồi trở lại. WB dự kiến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ tăng tốc lên 4,3% vào năm 2023, nhờ vào sự phục hồi của hoạt động khu vực dịch vụ. (THX)
* Nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để mở cửa trở lại đất nước vào đầu năm 2022, Bộ Y tế Lào đã chỉ đạo triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân tại các vùng xanh du lịch hoặc địa phương dọc theo tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc.
Theo Bộ Y tế Lào, người dân ở 5 tỉnh Bắc và Trung Lào có tuyến đường sắt đi qua sẽ được tiêm mũi vaccine bổ sung trước khi hoạt động du lịch của nước này được mở lại. Astra Zeneca là loại vaccine chính trong chương trình tiêm chủng bổ sung của Lào. (TTXVN)
* Chính phủ Australia ngày 14/12, công bố thành lập một cơ sở chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI), để giúp các doanh nghiệp khai phá tiềm năng của lĩnh vực công nghệ này.
Cơ sở mới có tên gọi là Trung tâm AI quốc gia, là một bộ phận trực thuộc của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Australia CSIRO, do chuyên gia Stela Solar, cựu Giám đốc toàn cầu về giải pháp AI của công ty Microsoft, sẽ từ Mỹ trở về Australia làm lãnh đạo. (TTXVN)