📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (11-17/12): Giá Bitcoin phá mọi đỉnh cao lịch sử, Mỹ vẫn 'chăm' nhập hàng Trung Quốc, Tiếp tục đàm phán Brexit

Chu Văn 13:45 | 17/12/2020
TGVN. 'Cơn khát' Bitcoin của giới đầu tư đẩy giá đồng tiền điện tử này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 USD; Mỹ vẫn tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc bất chấp thuế quan; Giá dầu năm 2021 sẽ chỉ còn 45 USD... là tin kinh tế thế giới nổi bật trong tuần qua.

Kinh tế thế giới

OPEC+ đứng trước năm 2021 đầy thử thách

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước liên minh (OPEC+), đầu tháng 12/2020 cho biết, tổ chức này đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, song không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn trong thời gian còn lại của năm tới.

Làn sóng Covid-19 thứ hai và các lệnh tái phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã giảm nhu cầu dầu mỏ. Dù các kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng dược phẩm đáng khích lệ, việc phân phối trên toàn cầu cần có thời gian và hiệu quả sẽ chưa thấy rõ trong nửa đầu năm tới. Các hoạt động kinh tế sụt giảm đã làm thay đổi cung cầu về năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức dự báo trung bình 43 USD/thùng trong quý IV/2020. Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống 45 USD/thùng vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng vẫn sẽ thấp cho đến nửa cuối năm sau. (TG&VN)


Bitcoin tăng 170% giá trị, lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 USD

Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin ngày 16/12 đã đạt mức giá kỷ lục 20.440 USD/1 Bitcoin. Với mức giá này, giá trị đồng Bitcoin trong 1 năm qua đã tăng 170% mà nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao của giới đầu tư đối với đồng tiền này vì xuất phát từ tiềm năng thu lợi nhuận nhanh chóng, chống lạm phát, vàng giảm giá những tháng gần đây và kỳ vọng xu hướng đồng tiền này sẽ trở thành phương thức thanh toán chủ đạo.

Chính "cơn khát" Bitcoin của giới đầu tư Mỹ đã làm bùng nổ nhu cầu đối với đồng tiền này, từ đó dẫn đến một dòng tiền khổng lồ từ Đông Á cho đến Bắc Mỹ đổ vào. Kể từ khi ra đời vào năm 2008, đồng Bitcoin đã có những đợt tăng và giảm giá ở mức "chóng mặt" và việc đồng tiền này phục hồi giá ở thời điểm hiện nay đi ngược với xu thế của giá vàng trên thị trường gần đây.

Đồng Bitcoin có xu hướng tăng giá sau khi công ty thanh toán trực tuyến PayPal của Mỹ ngày 21/10 cho phép khách hàng sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán. Trong khoảng 5.660 loại tiền kỹ thuật số đang được giao dịch trên thị trường, Bitcoin là loại tiền kỹ thuật số phổ biến nhất và lớn nhất thế giới, chiếm đến 66% tổng vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số, với giá trị ước đạt hơn 168 tỷ USD. (TTXVN)


Mỹ-Trung Quốc

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc vẫn đang gia tăng giữa lúc năm 2020 đang dần khép lại, bất chấp các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và tác động của đại dịch Covid-19.

Theo số liệu của Hải quan Mỹ do IHS Markit tổng hợp, trong 10 tháng kể từ đầu năm 2020, nhập khẩu hàng điện tử tiêu dùng, khẩu trang và thiết bị bảo vệ cá nhân khác của Mỹ từ Trung Quốc đã tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Riêng trong tháng 11/2020, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ tăng 46,1% so với cùng kỳ năm trước, lên mức kỷ lục 51,98 tỷ USD.

Báo cáo trên cho hay, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ đã gia tăng, cho dù các chính trị gia lưỡng đảng ở Mỹ hồi đầu năm nay dự đoán đại dịch Covid-19 sẽ là "cơ hội" để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, và cuối cùng đưa các nhà máy trở lại Mỹ. Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang quay trở lại Mỹ, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế lên lượng hàng nhập khẩu trị giá hơn 360 tỷ USD của Trung Quốc. (TG&VN)


Anh-EU

Tại họp báo chiều 13/12, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố đàm phán Brexit vẫn tiếp tục dù hạn chót đã qua. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, cả Anh và EU đều đồng ý hai bên vẫn còn xa nhau về một số điểm, nhưng sẽ tiếp tục đàm phán; đồng thời kêu gọi người Anh chuẩn bị cho việc nước này rời EU từ 1/1 tới mà không có thỏa thuận.

Các chuyên gia cho rằng, một Brexit cứng có thể đồng nghĩa với việc thiếu hàng giao đến Anh, có thể là thiếu lương thực. Các nhà chức trách và doanh nghiệp Anh bày tỏ lo ngại, người Anh sẽ tích trữ lương thực trong hoảng loạn nếu có một Brexit cứng. Một số nguồn tin báo chí cho biết, Chính phủ Anh đang chuẩn bị hỗ trợ khủng hoảng lên tới 10 tỷ Bảng, trong số các đối tượng thụ hưởng có những người nuôi cừu, ngư dân, nhà sản xuất ô tô và công ty hóa chất. (TG&VN)


Kinh tế Mỹ

Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tăng vọt hơn 137.000 người, cao hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế, tăng lên lo ngại về đợt suy thoái kinh tế mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh tại nước này.

Trong khi đó, theo báo cáo ngày 4/12 của Bộ Lao động Mỹ, chỉ 245.000 việc làm được tạo thêm trong tháng 11/2020, mức tăng thấp nhất kể từ khi thị trường lao động Mỹ bắt đầu hồi phục trong tháng 5/2020. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi nền kinh tế Mỹ bị chững lại do số ca mắc bệnh Covid-19 gia tăng khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. (AFP).

Các nhà kinh tế Mỹ nhận định mặc dù đã có vaccine, nền kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn trước khi tăng trưởng trở lại. Việc nới lỏng phong tỏa đã cho phép hàng triệu người trở lại làm việc và bắt đầu chi tiêu trở lại, nhưng không có sự nới lỏng nào có thể so sánh được đối với các hạn chế do đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc lặp lại mức tăng trưởng GDP 7,4% hàng quý so với cùng kỳ tháng 7 đến tháng 9 là không thực tế đối với Mỹ.

Một lý do khác khiến nền kinh tế phục hồi nhanh chóng vào mùa Hè là sự hào phóng của các gói kích thích được Quốc hội thông qua vào mùa Xuân, trị giá khoảng 14% GDP. Tuy nhiên, Quốc hội cho đến nay vẫn chưa đồng ý với một gói kích thích khác, mặc dù các nhà dự báo lạc quan nhất vẫn cho rằng, cần phải có một gói trị giá hơn 500 tỷ USD để giúp nền kinh tế trở lại bình thường. Một chính sách do Tổng thống Donald Trump triển khai để tăng khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp thêm 300 USD/tuần, giúp tăng tổng thu nhập của hộ gia đình lên 1,5%, đã bị chấm dứt vào tháng 10, khiến cho nền kinh tế Mỹ khó có thể tăng trưởng trở lại ngay kể cả khi 40% dân số nước này được tiêm vaccine. (The Economist).

Theo số liệu khảo sát về người tiêu dùng của Đại học Michigan đưa ra ngày 11/12, sau chiến thắng của ông Joe Biden, tâm lý người tiêu dùng đã hồi phục mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên - điều này làm giảm bớt nỗi lo lắng về đại dịch covid. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng 12 đạt 81,4 điểm, tăng từ mức 76,9 điểm trong tháng 11. Các nhà kinh tế đã dự đoán rằng, chỉ số này sẽ thấp hơn một chút trong tháng cuối cùng của năm. Trước đại dịch, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đứng ở mức 101 điểm, mức cao nhất trong hai năm qua. Kết quả bầu cử đã vượt qua những lo lắng về việc nền kinh tế sẽ phát triển thế nào trong những tháng mùa Đông do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. (TG&VN)


Kinh tế Trung Quốc

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng lên 3.178 tỷ USD trong tháng 11, từ mức 3.128 tỷ USD trong tháng 10 và là mức cao nhất kể từ 8/2016. Dự trữ vàng giảm xuống 110,41 tỷ USD từ 117,89 tỷ USD. Phó Cục trưởng, Người Phát ngôn Cục Quản lý Ngoại hối nhà nước Trung Quốc Vương Xuân Anh cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan trên toàn cầu, tính không ổn định, không xác định của kinh tế thế giới tăng mạnh, rủi ro và thách thức của thị trường tài chính quốc tế tăng rõ rệt. Dự báo thị trường ngoại hối Trung Quốc thời gian tới sẽ thể hiện bố cục cơ bản ổn định, dao động hai chiều. (CRI)

Ngày 8/12, phát biểu tại Tọa đàm do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tổ chức tại Bắc Kinh, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Zhu Min xác định rủi ro địa chính trị, chuyển đổi cơ cấu và dân số già đi là các thách thức chủ chốt của Trung Quốc trong 30 năm tới.

Về thách thức chuyển đổi cơ cấu, Trung Quốc đang vươn lên trở thành quốc gia thu nhập cao với việc lần đầu tiên thu nhập bình quân đầu người đạt mức 10,000 USD trong năm nay, tiến gần đến ngưỡng được Ngân hàng Thế giới xác định là quốc gia thu nhập cao là 12,535 USD. Tuy nhiên, chặng đường từ 10,000 USD lên quốc gia thu nhập cao là vô cùng thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong đó nhiều quốc gia đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những chuyển đổi cơ cấu lớn đang diễn ra ở Trung Quốc với việc nền kinh tế dịch chuyển dần khỏi lĩnh vực chế tạo sang lĩnh vực dịch vụ; lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2013 và lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. (CGTN)


Châu Âu

Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels đã kết thúc và nhất trí về một thỏa thuận ngân sách dài hạn 2021-2027 và gói hỗ trợ đối phó Covid-19. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đánh giá EU có thể bắt đầu thực hiện và xây dựng lại nền kinh tế của mình và gói phục hồi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh.

Tuy nhiên, vẫn có chỉ trích cho rằng thỏa thuận đạt được là sự nhượng bộ Hungary và Ba Lan, hai nước luôn đe dọa phủ quyết thỏa thuận, vì yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và dân chủ. Sự thỏa hiệp dưới vai trò dàn xếp Chủ tịch EU của Đức đã được tất cả các nước thành viên chấp nhận. Đánh giá về thỏa thuận, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven bày tỏ hài lòng và nhận định đây lần đầu tiên kể từ khi EU được thành lập, đã tạo ra được mối liên kết giữa pháp quyền và việc thanh toán tiền, là một thành công lịch sử và bước phát triển quan trọng của EU và cũng là thành công lớn đối với Thụy Điển khi đã thúc đẩy điều này trong vài năm. Tuy nhiên, Thỏa hiệp sẽ chỉ đạt được khi có được tuyên bố của Tòa án Công lý châu Âu trước khi nguyên tắc pháp quyền có hiệu lực và có được ủng hộ của Nghị viện châu Âu. (ĐSQVN tại Thụy Điển)

Ủy ban Châu Âu sẽ đưa Bulgaria và Hy Lạp ra Tòa án Công lý của EU sau khi cả hai nước vi phạm giới hạn ô nhiễm không khí vì đã vượt quá giới đối với các chất dạng hạt từ năm 2015-2019. Đây là hai trường hợp mới nhất bị EU xử lý liên quan đến chất lượng không khí kém (trước đó có Pháp, Italy và Romania) trong nỗ lực ngăn chặn các vi phạm đe dọa sức khỏe con người và các mục tiêu ô nhiễm của khối. Luật của EU đã yêu cầu các quốc gia hạn chế ô nhiễm vật chất hạt từ năm 2005. Tuy nhiên, hầu hết 27 thành viên của khối đều không đạt mục tiêu trong năm nay để giải quyết không khí bẩn. (Daily Greece)

Đức đã đã thông qua ngân sách 2021 với 361 phiếu thuận, trong đó đồng ý 179,8 tỷ Euro nợ mới và gần 500 tỷ Euro chi tiêu công. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ vay 300 tỷ Euro (364 tỷ USD) năm 2020 và 2021 cộng lại sau khi cam kết hơn 1.000 tỷ Euro cho các gói cứu trợ, bao gồm kế hoạch việc làm ngắn hạn và hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Điều này đồng nghĩa Đức sẽ tiếp tục bỏ “phanh nợ”, vốn cấm chính phủ vay hơn 0,35% GDP. Theo thông báo của ngân hàng trung ương, tỷ lệ nợ/GDP của Đức sẽ tăng lên tới 70% vào năm nay. (DW)


Nhật Bản, Hàn Quốc

Ngày 10/12, liên minh cầm quyền ở Nhật Bản do đảng Dân chủ Tự do (LDP) lãnh đạo đã thông qua gói cải cách thuế trong tài khóa 2021 nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, trong đó đáng chú ý có các chính sách giảm thuế cho những người mua nhà và ôtô, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và số hóa khi sửa đổi một số quy định liên quan tới thuế công ty. Mặt khác, nhằm đưa Nhật Bản trở thành trung tâm tài chính quốc tế quan trọng, các biện pháp khuyến khích về thuế đối với những người nước ngoài cư trú dài hạn cũng sẽ được thực hiện. Các dự luật liên quan tới gói cải cách thuế này dự kiến được đệ trình lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên vào đầu năm 2021. Nếu được triển khai, gói cải cách thuế này sẽ khiến nguồn thu từ thuế của Nhật Bản giảm từ 50.000 đến 60.000 tỷ Yen (1 Yen = 0.0096 USD). (TTXVN)

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa điều chỉnh tăng nhẹ tỷ lệ tăng trưởng GDP Hàn Quốc năm nay lên -0,9%, cao hơn 0,1% so với dự đoán hồi tháng 9. Theo ADB, Hàn Quốc tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mảng công nghệ thông tin, tiêu dùng tư nhân phục hồi, Chính phủ Seoul liên tục đưa ra các gói hỗ trợ tài chính và chính sách tiền tệ, thị trường xuất khẩu chính cải thiện là những lý do quyết định góp phần làm tăng nhẹ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay. ADB giữ nguyên dự báo như hồi tháng 9 với Hàn Quốc về tỷ lệ tăng giá tiêu dùng là 0,5% và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 3,3%. (KBS world)


ASEAN và Các nền kinh tế mới nổi

Trong báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2020 (ADO), ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực ASEAN năm 2020 từ mức âm 3,8% xuống âm 4,4%, năm 2021 từ mức 5,5% đưa ra hồi tháng 9/2020 xuống còn 5,2%.

Tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á vẫn chịu áp lực khi những đợt bùng phát Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines. (ADB)

Ngày 11/12, Việt Nam và Anh đã ký bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh (UKVFTA). Theo Thỏa thuận hai bên sẽ hủy bỏ 99% thuế quan giữa hai nước trong vòng 7 năm tới. Trong Tuyên bố chung của Bộ trưởng Thương mại hai nước, khi thỏa thuận được thực thi toàn diện, Việt Nam sẽ được giảm thuế xuất khẩu khoảng 114 triệu Bảng Anh (151 triệu USD), Anh sẽ tiết kiệm được 36 triệu Bảng Anh đối với xuất khẩu. Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-Anh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, ngay sau khi Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu (ngày 31/12/2020) và không nằm trong Hiệp định tự do Thương mại Việt Nam-EU. Hiệp định cũng sẽ bảo đảm tính liên tục để quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng và sôi động giữa hai bên. (BBC)

ADB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm tới sẽ rơi vào khoảng 4%. Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á, sẽ tăng trưởng âm 7,8% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,4% hồi năm 2019. Dự báo của ADB khá tương đồng với dự báo trước đó được đưa ra bởi phía Thái Lan. Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom, suy thoái của nền kinh tế nước này đã chạm đáy nhưng sẽ chưa thể phục hồi nhanh được khi ngành du lịch, vốn chiếm tới 12% GDP và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như đang có tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng. Dự báo của phía Thái Lan cho rằng, có thể sẽ phải tới năm 2022 thì nền kinh tế Thái Lan mới có thể quay trở lại mức độ như trước đại dịch. (VOV)

Bộ Thương mại Myanmar ngày 12/12 thông báo mục tiêu xuất khẩu 2 triệu tấn gạo trong tài khóa 2020-2021 (bắt đầy từ tháng 10/2020). Giám đốc Cục xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại Myanmar Myo Thu cho biết xuất khẩu gạo phụ thuộc vào giá thị trường trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Myanmar đã xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo trong các tài khóa trước. Liên đoàn gạo Myanmar (MRF) cho biết Myanmar đã xuất khẩu vượt mục tiêu 2,5 triệu tấn gạo đề ra cho tài khóa 2019-2020. (TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Ấn Độ dự kiến ​​sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán cho hiệp định thương mại tự do với Mỹ sau khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden đi vào hoạt động. Phát biểu tại cuộc họp chung thường niên của Liên đoàn Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ ở New Delhi ngày 12/12, Ông Jaishankar hy vọng hai bên sẽ có các cuộc thảo luận nghiêm túc; Ấn Độ rất coi trọng vấn đề này và bản thỏa thuận đã nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Thương mại. Ấn Độ đã nỗ lực củng cố quan hệ chiến lược và thương mại với Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi từ lâu đã thúc đẩy một thỏa thuận với đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ khi cả hai nước đều tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây là Hiệp ước có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Ấn Độ trị giá 2.800 tỷ USD sau khi nước này rút khỏi RCEP, một thỏa thuận lớn trong đó có Trung Quốc hồi năm ngoái. (Bloomberg)