📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (19-25/3): Mỹ-Trung Quốc đã thảo luận 'rất thẳng thắn'; Tranh cãi tiếp diễn Anh-EU liên quan vaccine AstraZeneca

Chu Văn 09:00 | 25/03/2021
TGVN. Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc thảo luận "rất thẳng thắn", Tranh cãi tiếp diễn giữa Anh và EU liên quan đến vaccine AstraZeneca, Fed tiếp tục giữ mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0%, Số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy đà phục hồi của nước này, Moody’s nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn đầy hứa hẹn... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới tuần qua

UNCTAD dự báo kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng 4,7% năm 2021

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng 4,7% năm 2021, trong đó Mỹ dự báo tăng 4,5%, Trung Quốc 8,1%, khu vực đồng Euro 4,0%, Nhật Bản 2,1%. UNCTAD đánh giá phục hồi kinh tế toàn cầu đã bắt đầu từ quý 3/2020 và sẽ tiếp diễn trong năm 2021, tuy nhiên cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những hậu quả kinh tế kéo dài, đòi hỏi chính phủ các nước phải tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ kinh tế. (UNCTAD)

Nhu cầu dầu mỏ sẽ trở lại

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 17/3 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch trong hai năm và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026.

Báo cáo của IEA cho biết, triển vọng nhu cầu đã hạ thấp hơn khi đại dịch thay đổi hành vi của người dân, với nhiều người làm việc tại nhà và ít đi du lịch hơn. Trong khi đó, nhiều chính phủ cũng đang tập trung vào "đà phục hồi bền vững" và hướng tới một tương lai carbon thấp. Điều này làm tăng triển vọng nhu cầu dầu đạt đỉnh sớm hơn dự kiến trong trường hợp các chính phủ tuân thủ các chính sách mạnh mẽ để đẩy nhanh sự chuyển dịch sang năng lượng sạch. Châu Á dự kiến sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu với việc chiếm 90% mức tăng từ năm 2019 đến năm 2026. Ngược lại, IEA cho hay nhu cầu dầu ở nhiều nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng. (IEA)


Mỹ-Trung Quốc

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức một cuộc thảo luận "rất thẳng thắn" về một loạt các vấn đề, bao gồm cả thương mại và công nghệ, trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên ở Alaska.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Mỹ có sự ủng hộ rộng rãi toàn cầu đối với những nỗ lực đối đầu với các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả “sự ép buộc kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ”. Trong khi đó, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì khẳng định môi trường kinh doanh của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc là tốt và các công ty này thấy được lợi nhuận và cơ hội to lớn ở Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc cần tăng cường giao tiếp, quản lý những khác biệt và mở rộng hợp tác thay vì đối đầu trong hoàn cảnh mới. (TG&VN)


EU-Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành các thủ tục cuối cùng để cố gắng ký Hiệp định đầu tư Trung Quốc–EU sớm nhất có thể. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, năm 2020, kim ngạch thương mại Trung Quốc-EU đạt 649,5 tỷ USD, tăng 4,9% so với năm 2019. Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Trung Quốc - EU tăng 39,8% so với cùng kỳ 2020.

Theo thông báo của Ủy ban Châu Âu, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của EU, có thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng với 1,4 tỷ người tiêu dùng.Trong 20 năm qua, các công ty Châu Âu đã đầu tư 146 tỷ Euro vào Trung Quốc. Dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30% vào tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới. (People's Daily)


Anh-EU

Anh cảnh báo lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của EU "phản tác dụng". Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định "thế giới đang theo dõi" cách EU phản ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine từ hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển.

Bình luận của ông được đưa ra 1 ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen một lần nữa cảnh báo sẽ đưa ra lệnh cấm trừ phi AstraZeneca cung cấp hơn 90 triệu liều vaccine đã cam kết trong quý I/2021. Tranh cãi tiếp diễn giữa Anh và EU liên quan đến vaccine AstraZeneca diễn ra trong bối cảnh chương trình chủng ngừa của Anh đã đạt mức cao mới trong khi EU gặp nhiều vấn đề trong kế hoạch triển khai tiêm chủng, cũng như làn sóng dịch thứ ba đang khiến nhiều quốc gia thành viên phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế. (Reuters)


Kinh tế Mỹ

Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch tiếp tục trình Quốc hội một kế hoạch thúc đẩy kinh tế trị giá 3.000 tỷ USD sau khi Tổng thống vừa ban hành gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD. Đây là một kế hoạch dài hơi hơn, nhằm tạo đà tăng trưởng bền vững cho nước Mỹ. Theo Bloomberg, đề xuất sẽ được đệ trình Tổng thống Joe Biden trong tuần này, bao gồm các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo. Dự kiến kế hoạch sẽ được chia thành 2 gói nhỏ để đạt được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. (Bloomberg)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/3 công bố tiếp tục giữ mức lãi suất chủ chốt gần bằng 0%, và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023 cũng như cam kết duy trì biện pháp mua trái phiếu. Trong cuộc họp kéo dài hai ngày của FED, hầu hết các quan chức của cơ quan này cho biết họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023. Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu để duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng. (Reuters)

Số liệu Fed mới công bố cho thấy tổng tài sản các hộ gia đình ở Mỹ đạt mức kỷ lục 130,2 nghìn tỷ USD trong quý IV năm 2020 bất chấp những tác động kinh tế của đại dịch. Dữ liệu của Fed có thể không thể hiện rõ tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Các hộ gia đình giàu có có khả năng sở hữu cổ phiếu và bất động sản cao hơn nhiều so với các hộ gia đình ở các nhóm thu nhập khác. Số liệu của Fed cũng cho thấy khoản nợ hộ gia đình tăng 6,5% khi mọi người cần trả các khoản thế chấp và mua nhà mới. (TG&VN)


Kinh tế Trung Quốc

Số liệu kinh tế-xã hội Trung Quốc 2 tháng đầu năm thể hiện đà hồi phục ổn định tiếp tục từ quý 2/2020 đến nay. Ngành công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ 2020 là 35,1%, so với năm 2019 là 16,9%, là mức tăng tương đối cao trong mấy năm trở lại đây. Ngành dịch vụ duy trì đà tăng cao. Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành dịch vụ tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 6.973,7 tỷ NDT, tăng 33,8% so với cùng kỳ, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đầu tư tài sản cố định tăng 35% so với cùng kỳ. (China Morning Post)

Theo số liệu được Bộ Tài chính Trung Quốc công bố mới đây, trong hai tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách của Trung Quốc đạt 4,18 nghìn tỷ NDT, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 2,04 nghìn tỷ NDT, tăng 18,7%; thu ngân sách địa phương đạt 2,13 nghìn tỷ NDT, tăng 18,7%. Doanh thu từ thuế đạt 3,70 nghìn tỷ NDT, tăng 18,9%; doanh thu ngoài thuế là 474,1 tỷ NDT, tăng 16,8%.

Trong hai tháng đầu năm 2021, tổng chi ngân sách của Trung Quốc là 3,57 nghìn tỷ NDT, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi ngân sách trung ương 383,2 tỷ NDT, giảm 10,2%; chi ngân sách địa phương 3.19 nghìn tỷ NDT, tăng 13,6%. Xét theo mục đích chi ngân sách, chi cho khoa học và công nghệ tăng 27,6%; chi cho giáo dục tăng 16,2%; chi cho an sinh xã hội và việc làm tăng 10,5%; chi y tế tăng 13,2%. (Thời báo Hoàn Cầu)


Châu Âu

Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất thiết lập "chứng chỉ xanh kỹ thuật số", đưa ra cách tiếp cận thống nhất trên cấp độ Châu Âu, trong đó cho phép công dân EU và công dân nước thứ 3 sống trên lãnh thổ của EU có thể chứng nhận miễn dịch theo 3 cách khác nhau: được tiêm chủng, có kết quả âm tính bằng xét nghiệm PCR hoặc bằng xét nghiệm huyết thanh. Hệ thống này cũng sẽ được mở rộng sang Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.

Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ sẽ do các quốc gia thành viên quyết định, với các mức trần nhất định được xác định ở cấp độ EU (chứng chỉ huyết thanh học không được sử dụng quá 6 tháng). "Chứng chỉ xanh" có sẵn ở dạng kỹ thuật số và được xác thực bằng mã QR để tránh gian lận và sự phát triển của thị trường chợ đen. EC sẽ tạo ra cổng thông tin tập trung liên kết tất cả các cơ quan quản lý có liên quan của các quốc gia thành viên, các trung tâm tiêm chủng đến cơ quan hải quan. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, "chứng chỉ xanh" này có thể có hiệu lực vào mùa Hè tới. (TheGuardian)


Nhật Bản-Hàn Quốc

Nhật Bản: Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2021 đạt 6.380 tỷ Yen (58 tỷ USD), giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi khả quan khi tăng trưởng trong hai tháng liên tiếp là tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Tuy nhiên, với mức giảm trong tháng 2, giới chuyên gia dự báo Nhật Bản sẽ cần thêm một khoảng thời gian nhất định để có thể phục hồi toàn diện. (Nikkei)

Hàn Quốc: Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết, "sức khỏe tài chính" của các ngân hàng nước này có sự cải thiện trong năm 2020 khi các tổ chức tài chính này ghi nhận lợi nhuận và nguồn huy động vốn cao hơn, giữa bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19. Theo FSS, tỷ lệ an toàn vốn của 19 ngân hàng thương mại và quốc doanh Hàn Quốc tính đến hết năm 2020 ở mức 15%, tăng 1,08 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Tỷ lệ an toàn vốn là thước đo quan trọng về sự lành mạnh tài chính giữa tỷ trọng vốn của ngân hàng so với tài sản rủi ro nắm giữ. (Yonhap)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên tích cực, đồng thời giữ nguyên bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn và nợ cao cấp không được đảm bảo ở mức “Ba3”. Moody’s cho biết, giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khoá và nợ đầy thuyết phục và vững chắc. Moody’s cũng đề cập tới các yếu tố môi trường, xã hội, ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học… là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm. (TG&VN)

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2020, Malaysia tiếp tục dẫn đầu năm thứ 8 liên tiếp trong bảng xếp hạng Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu. Báo cáo nhận định lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) Hồi giáo tiếp tục nhận được hỗ trợ từ chính phủ cùng sự thúc đẩy liên tục của Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) trong nỗ lực mở rộng số hóa nền kinh tế, định hình hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển. Chính phủ Malaysia xác định rõ tài chính Hồi giáo và kinh tế số Hồi giáo là những hoạt động tăng trưởng kinh tế chủ chốt nhằm đạt được cũng như duy trì vị thế trung tâm FinTech Hồi giáo toàn cầu. Cùng với đó, Malaysia cũng là nhà phát hành trái phiếu Hồi giáo Sukuk lớn nhất thế giới song song với hệ thống tiêu chuẩn Halal tốt nhất toàn cầu. (The Star)

Chính phủ Thái Lan ngày 17/3 đã phát động chiến dịch mới nhằm thúc đẩy sử dụng các sản phẩm sản xuất nội địa trong các dự án của nhà nước với hy vọng tạo ra giá trị kinh tế nội địa vào khoảng 1.770 tỷ baht (57,5 tỷ USD). Kế hoạch có tên gọi là “Sản xuất tại Thái Lan” (Made in Thailand), được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thông qua các dự án mua sắm nhà nước. Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết các nhà máy và công nhân cũng sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit, có tới 60.000 nhà máy đã đăng ký với Bộ Công nghiệp và có khoảng 5 triệu công nhân được tuyển dụng trong các nhà máy và các doanh nghiệp SME. (Bangkok Post).

Báo cáo do Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào công bố ngày 17/3 cho biết, chuối tiếp tục là mặt hàng mang lại nguồn thu cao nhất trong tất cả các sản phẩm nông nghiệp của nước này. Tổng giá trị xuất khẩu loại nông sản trên trong năm 2020 đã đạt gần 1 tỷ USD bất chấp các hạn chế thương mại do đại dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu chuối từ Lào sang các nước láng giềng, chủ yếu là Trung Quốc và Thái Lan, đã tăng lên khoảng 227,4 triệu USD trong năm 2020. Trước đó vào năm 2018, Lào thu được khoản 112 triệu USD từ xuất khẩu chuối, con số trên tiếp tục tăng lên 197,8 triệu USD vào năm 2019. (Vientianetimes)

Singapore đã chính thức phê chuẩn ngân sách với tổng giá trí 107 tỷ SDG (75 tỷ USD) cho tài khóa 2021, trong đó 11 tỷ SDG sẽ được huy động từ nguồn dự trữ quốc gia. Đây là lần đầu tiên ngân sách của quốc gia Đông Nam Á này phải rút từ nguồn dự trữ quốc gia trong năm tài chính thứ hai liên tiếp. Khoản kinh phí 11 tỷ SDG bao gồm các biện pháp hỗ trợ y tế công và mở cửa trở lại như chương trình tiêm chủng vắc-xin trên toàn quốc, tiếp tục hỗ trợ các công ty và người lao động, hỗ trợ có mục tiêu đối với các lĩnh vực bị tác động nặng nề như hàng không. (Strait Times)