📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (21-27/5): Trung Quốc tạo thuận lợi cho hàng xuất nhập khẩu; Mỹ đề xuất dự luật chống gian lận thương mại

Hoàng Nam 13:46 | 27/05/2021
Trung Quốc rút ngắn thời gian thông quan với hàng hóa xuất nhập khẩu; Mỹ đề xuất dự luật chống lại gian lận thương mại của Trung Quốc, Hội nghị Tương lai châu Á… là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (21-27/5): Trung Quốc tạo thuận lợi cho hàng xuất nhập khẩu; Mỹ đề xuất dự luật chống gian lận thương mại.

IMF đề xuất kế hoạch 50 tỷ USD để ứng phó với Covid-19

Ngày 21/5, tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra tại Rome (Italy), bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm tiêm vaccine Covid-19 cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và 60% cho năm 2022, chấm dứt đại dịch Covid-19.

Để đạt được điều này, IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các khoản hỗ trợ cho COVAX - chương trình phân phối vaccine toàn cầu, nhằm hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận với vaccine. Theo IMF, khoản 50 tỷ USD mà tổ chức này đưa ra bao gồm 35 tỷ USD viện trợ cùng với nguồn lực từ các chính phủ và nguồn tài trợ khác.

Cũng tại hội nghị, ba công ty sản xuất vaccine lớn đã cam kết cung cấp 3,5 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp trong năm 2021-2022. (AFP).

Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về "Tương lai châu Á”

Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về “Tương lai châu Á” (FOA 2021) với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid-19: Vai trò của châu Á trong quá trình hồi phục toàn cầu” đã diễn ra trong hai ngày 20-21/5 tại Tokyo, Nhật Bản theo hình thức trực tuyến sau một năm gián đoạn vì dịch Covid-19.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và các học giả đã thảo luận về các chủ đề như: “Châu Á và chính quyền mới ở Mỹ”, “Tăng trưởng bền vững và sự chuyển đổi ở châu Á”, “Kết nối khu vực thông qua giao lưu văn hóa”, hay “Các mặt trận mới cho đổi mới trong kỷ nguyên Covid-19”.

FOA là diễn đàn quốc tế có uy tín do hãng Nikkei Inc. tổ chức gần như thường niên từ năm 1995 (ngoại trừ năm 2020 vì dịch Covid-19). Đây là nơi để các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và học giả từ khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương trao đổi, thảo luận về các vấn đề khu vực và vai trò của châu Á trên thế giới. (TG&VN)

Kinh tế Mỹ

Nhằm đẩy nhanh các cuộc điều tra về cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại nhập khẩu, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã khởi động một chương trình thử nghiệm để cải tiến các cuộc điều tra theo Mục 337 của Đạo luật thuế quan năm 1930, liên quan đến các khiếu nại về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ khác cũng như chiếm đoạt bí mật thương mại.

Theo đó, Đạo luật cho phép các thẩm phán về luật hành chính được đưa ra các quyết định ban đầu tạm thời về một số vấn đề trước khi cuộc điều tra rộng lớn hơn kết thúc.

Chương trình thử nghiệm sẽ áp dụng cho tất cả các cuộc điều tra được tiến hành và có thể áp dụng cho các vụ án trước đó theo quyết định của thẩm phán về luật hành chính chủ tọa phiên tòa từ ngày 12/5 và dự kiến sẽ kéo dài trong hai năm. (TG&VN)

Ngày 19/5, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã đưa ra dự luật “chống lại gian lận thương mại của Trung Quốc và các quốc gia đối thủ khác”.

Dự luật sẽ cho phép Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có “công cụ” mới để “giải quyết các hoạt động thương mại kỹ thuật số chống cạnh tranh và các biện pháp kiểm duyệt như Tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc” và sẽ gắn với báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia hằng năm để xác định các đối tác thương mại “tham gia vào các hành vi, chính sách hoặc thực tiễn làm gián đoạn các hoạt động thương mại kỹ thuật số”. (TG&VN)

Kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đang tăng cường cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia khi tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc thăm dò và sản xuất quặng trong nước - động thái được cho là sẽ tiếp tục đẩy cao căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) khuyến nghị các công ty Trung Quốc tăng cường thăm dò nguồn nguyên liệu sản xuất thép trong nước, tìm kiếm nguồn quặng ở nước ngoài, và mở rộng nguồn nhập khẩu.

Công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie nhận định, việc Trung Quốc đưa quặng sắt, nguồn xuất khẩu lớn nhất của Australia, vào danh mục các mặt hàng đang chịu trừng phạt là động thái rủi ro trong bối cảnh giá quặng sắt đã gần chạm trần và Trung Quốc phụ thuộc nguồn quặng chất lượng cao từ Australia cho khoảng 2/3 lượng hàng nhập khẩu của nước này. (TG&VN)

Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) chuẩn bị ban hành hàng loạt các biện pháp, trong đó có rút ngắn thời gian thông quan tổng thể đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng nằm trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm triển khai hiệu quả các điều khoản của RCEP.

Chính phủ cũng sẽ tích cực hỗ trợ phát triển đổi mới các cảng nội địa, thành lập các cảng hàng không dành cho hàng hóa trong nội địa với điều kiện thích hợp hoặc tăng cường mở cửa, mở rộng các tuyến hành khách và hàng hóa quốc tế tại các cảng hiện có.

Bên cạnh đó, với nỗ lực chung của GAC và các Bộ, ngành liên quan, quy trình xuất nhập khẩu đã được tinh giản đáng kể, giúp đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh và nộp hồ sơ, giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề trong xuất nhập khẩu. (China Daily)

Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này sẽ không ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp điện tử trong nước bởi chuỗi sản xuất hiện nay đã được tự động hóa phần lớn, các doanh nghiệp đều đã có kịch bản ứng phó với mọi cấp độ bùng phát dịch Covid-19.

Ngoài ra, những nơi tập trung nhà máy sản xuất điện tử như Tân Trúc, Đào Viên thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng dịch. (TG&VN)

Châu Âu

Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/5 đã đạt được thỏa thuận về chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu - công cụ hứa hẹn giúp người dân EU sớm khôi phục cuộc sống bình thường sau dịch Covid-19.

Nội dung thỏa thuận quy định các quốc gia thành viên “không áp đặt các hạn chế đi lại bổ sung” như bắt buộc xét nghiệm hoặc cách ly đối với người nhập cảnh, trừ những trường hợp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chứng chỉ gồm 3 nội dung là chứng nhận tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc Covid-19, cho thấy người sở hữu chứng chỉ này không gây lây lan dịch bệnh. (TTXVN)

Sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 22/5 cho biết, châu Âu phải cùng với những nước khác nhất trí các quy định và tiêu chuẩn chung về cách thức giảm lượng khí thải CO2. Theo ông Scholz, các biện pháp bảo vệ môi trường này sẽ có tác động đến sức cạnh tranh của các công ty Đức và châu Âu, nhất là những công ty trong các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.

Phó Thủ tướng Đức cho rằng EU cần thảo luận cách thức có thể giúp khối tránh được những khó khăn trong cạnh tranh sau đó trên thị trường toàn cầu và nên tiếp cận các nước khác như Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc để thảo luận về vấn đề này để có thể tiến tới sự nhất trí về các biện pháp và nguyên tắc giống nhau. (TTXVN)

Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU, gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đưa 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP) từ ngày 12/10/2021 theo Quyết định số 17 ngày 5/3/2021 của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu.

Sau khi Hiệp định Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực vào ngày 5/10/2016, EAEU đã quyết định cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm và đến tháng 10/2021 sẽ hết hiệu lực. Cùng loại khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan GSP lần này còn có các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Singapore, Brunei… . (VnEconomy)

Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, ngày 21/5, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của nước này giảm 0,1% trong tháng 4 do phí điện thoại di động giảm kỷ lục mặc dù giá năng lượng tăng. Phí điện thoại di động giảm 26,5% so với một năm trước đó, mức cao kỷ lục trong khi các nhà mạng lớn cắt giảm phí sử dụng dữ liệu trước áp lực gia tăng từ chính phủ. (Japan Times)

Ngày 20/5, Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho biết thu nhập hộ gia đình quý I/2021 tại nước này đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,38 triệu Won (khoảng 3.860 USD). Mặc dù, thu nhập từ tiền lương giảm 1,3%, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh giảm 1,6%, nhưng thu nhập gián tiếp, bao gồm cả hỗ trợ của Chính phủ đã tăng đến 16,5%. (Yonhap News)

Bốn doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc bao gồm Samsung, SK, LG và Hyundai thông báo kế hoạch đầu tư 39,4 tỷ USD tại Mỹ nhân hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các khoản đầu tư này tập trung vào các dự án xây dựng nhà máy đúc, sản xuất pin, phương tiện chạy điện, nghiên cứu và phát triển. (Korea Herald)

ASEAN

Tổ Nghiên cứu Phục hồi sau Covid-19 của Singapore (Emerging Stronger Task force - EST) ngày 17/5 ra Báo cáo nêu 6 thay đổi về kinh tế, chính trị quốc tế thời Covid-19, gồm: Trật tự toàn cầu; quá trình hợp nhất các doanh nghiệp tăng tốc trên phạm vi toàn cầu; chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu đang định hình lại, cân bằng giữa tính hiệu quả và khả năng “chịu sốc”; quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được đẩy nhanh; Sở thích của người tiêu dùng đã thay đổi; nhu cầu phát triển bền vững gia tăng.

Báo cáo cũng đưa ra 5 đề xuất đối với chính phủ Singapore: Tận dụng cơ hội tăng cường số hóa trên nhiều tiền tuyến; tìm kiếm cơ hội tăng trưởng từ tư duy bền vững; hướng tới phát triển ở cấp toàn cầu với Singapore là hạt nhân; thể chế hóa các mối quan hệ đối tác công-tư thông qua các Liên minh Hành động (AfAs); Củng cố quan hệ đối tác quốc tế, đặc biệt ở Đông Nam Á. (TG&VN)

Ủy ban thường trực hỗn hợp về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng Thái Lan (JSCCIB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Thái Lan xuống 0,5-2% (từ mức 1,5-3% trước đó) do tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ ba, bất chấp triển vọng xuất khẩu sáng sủa.

Ngay cả kế hoạch mở cửa trở lại Thái Lan thông qua chương trình Phuket Toursim Sandbox có thể cũng không đủ để khôi phục nền kinh tế trong nước. JSCCIB điều chỉnh tăng triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lên 5-7% so với mức 4-6% dự báo trước đó; giữ nguyên dự báo tỷ lệ lạm phát là 1-2%.

JSCCIB khuyến nghị chính phủ thúc đẩy chi tiêu theo kế hoạch vay thêm 700 tỷ Baht để phục hồi nền kinh tế; điều chỉnh các gói kích thích kinh tế. (Bangkok Post)