📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (8-15/4): Mỹ, EU đồng loạt 'tấn công' Trung Quốc; Bắc Kinh tiết lộ kế hoạch hàng không vũ trụ vì hòa bình

Chu Văn 15:00 | 15/04/2021
Thêm 7 công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ cho vào Danh sách thực thể, Nhôm cán nguội từ nước này bị EU áp mức thuế 19,3-46,7%, Bắc Kinh tiết lộ kế hoạch hàng không vũ trụ vì mục đích hòa bình, kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn bước ngoặt.... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới tuần qua 8-15/4

Ý tưởng xóa nợ cho các nước nghèo đổi lấy “đầu tư xanh”

Ý tưởng xóa nợ cho các nước nghèo để đổi lấy các dự án “đầu tư xanh” đã được đưa ra tại Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần qua.

Những đề xuất cụ thể dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay tại thành phố Glasgow, Anh. Tổng Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhận định các nước có thu nhập thấp hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép - vừa chịu áp lực trả nợ, vừa phải đương đầu với các vấn đề môi trường. (TG&VN)

Giá dầu lại đối mặt với nguy lao dốc

Giá dầu thế giới biến động không đáng kể trong bối cảnh đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán khởi sắc đã bù đắp cho đà giảm mạnh của giá dầu do dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch

Trong khi, Nga đưa ra dự báo, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đối với việc tiêu thụ dầu toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023-2024, trong khi sản lượng dầu thô có khả năng sẽ tăng. Tuần trước, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã đồng ý đưa sản lượng trở lại khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới. Iran và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc khác về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân, vốn ngăn chặn phần lớn sản lượng dầu của Iran đưa ra thị trường. Điều này làm hồi sinh hy vọng Tehran có thể được Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và bổ sung vào nguồn cung dầu toàn cầu. (Reuters)


Mỹ-Trung Quốc

Ngày 8/4, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung vào Danh sách thực thể (Entity list) 7 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như siêu máy tính, mạch tích hợp… do các công ty này có liên quan tới các hoạt động quân sự của chính phủ.

Công bố của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra ngay sau khi có tin công ty Phytium sử dụng phần mềm ứng dụng của Mỹ nhằm thiết kế chip cho các siêu máy tính được Quân đội Trung Quốc sử dụng để nghiên cứu vũ khí siêu thanh. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo tuyên bố, sẽ sử dụng toàn bộ quyền hạn của mình để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng các công nghệ của Mỹ, nhằm thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội và có thể gây mất ổn định tình hình khu vực. (Inside Trade)


Trung Quốc-EU

Ngày 12/4, một số sản phẩm nhôm cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị Liên minh Châu Âu (EU) áp mức thuế 19,3-46,7%. Đây là mức thuế được áp tạm thời sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất nhôm của châu Âu (European Aluminium) nộp đơn kiện cho rằng, nhôm giá rẻ từ Trung Quốc đang khiến họ điêu đứng. EU sẽ tiếp tục điều tra trước khi xác định mức thuế tạm thời nào sẽ được duy trì trong 5 năm.

Tổng giám đốc European Aluminium, Gerd Goetz, tuyên bố sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất nhôm trước hành vi cạnh tranh không công bằng. Trung Quốc bị cáo buộc đã tiếp tục sản xuất vượt công suất trong lĩnh vực nhôm và thép, dẫn đến nhiều quyết định áp thuế đáp trả được đưa ra trong thập kỷ qua. (Bloomberg)


Kinh tế Mỹ

Ngày 11/4, trả lời phỏng vấn kênh CBS, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED) Jerome Powell nhận định, nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn bước ngoặt (inflection point) với kỳ vọng về tăng tốc tăng trưởng kinh tế và tuyển dụng việc làm trong những tháng tới, song lo ngại về các rủi ro do tới nay đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Tuy nhiên, ngay cả khi có sự gia tăng lớn về việc làm vào tháng 3 thì thị trường lao động hiện vẫn thiếu 8,4 triệu việc làm so với thời điểm tháng 2/2020 và mức hồi phục cũng không diễn ra đồng đều giữa các cộng đồng người Mỹ gốc Phi, Mỹ Latinh và giữa các nhóm người có trình độ học vấn khác nhau. Đây là lý do mà Fed nhiều lần cam kết sẽ không loại bỏ bất kỳ sự hỗ trợ nào đang sử dụng cho nền kinh tế như duy trì lãi suất gần bằng 0 và 120 tỷ USD cho việc mua trái phiếu mỗi tháng. (Reuters)

Trao đổi trực tuyến với Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago ngày 5/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bảo vệ đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu nhằm có thêm nguồn kinh phí cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của Chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông Biden cũng đã đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đồng thời áp mức thuế tối thiểu 21% với nguồn doanh thu từ nước ngoài của các công ty Mỹ. Các chuyên gia nhận định các nỗ lực tăng thuế của Chính quyền Biden sẽ phải đối mặt thách thức từ phía Quốc hội vốn đang chia rẽ sâu sắc. (WSJ)


Kinh tế Trung Quốc

Ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch niêm yết trên các thị trường kiểu như Nasdaq tại Trung Quốc mà hướng tới việc bán cổ phiếu trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc), giữa bối cảnh Bắc Kinh tăng cường siết chặt việc nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi ngừng vụ IPO của công ty Ant Group với trị giá 37 tỷ USD.

Việc tranh giành để rút lại đơn đăng ký IPO đặt ra câu hỏi về chất lượng của các đợt IPO ở Trung Quốc và mức độ nghiêm túc trong việc thực hiện công tác thẩm định của các nhà bảo lãnh phát hành. Xu hướng rút lại kế hoạch IPO trên, nếu tiếp tục diễn ra, sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tham vọng của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với những địa điểm niêm yết khác trên toàn cầu, như Hong Kong và New York, vào thời điểm Bắc Kinh đang xem xét thành lập một thị trường mới để thu hút các công ty niêm yết ở nước ngoài. (TG&VN)

Ngày 12/4, Cục trưởng Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) Trương Khắc Kiệm cho biết, CNSA đang xây dựng chương trình phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025.

Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh những dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên trong lĩnh vực không gian vũ trụ, bao gồm chương trình thám hiểm Mặt Trăng giai đoạn 4, khám phá các hành tinh cũng như thăm dò các hành tinh nhỏ, phát triển tên lửa đẩy hạng nặng và các hệ thống vận tải vũ trụ có thể tái sử dụng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng không gian dành cho hoạt động thông tin liên lạc, định hướng và cảm biến từ xa bao trùm toàn cầu, qua đó đóng góp nhiều hơn vào hoạt động sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình của nhân loại. Trong năm 2021, Trung Quốc sẽ công bố Sách Trắng mới về các hoạt động không gian vũ trụ của nước này. (THX)


Kinh tế châu Âu

Ngày 8/4, Cơ quan thống kê Liên bang Đức cho biết, các đơn đặt hàng công nghiệp của nước này đã tăng 1,2% trong tháng 2 so với tháng trước đó, là tháng tăng thứ 2 liên tiếp do nhu cầu trong nước hồi phục mặc dù đơn đặt hàng từ nước ngoài lại giảm nhẹ 0,5%. So với tháng 2/2020, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng đến 5,6%. Bất chấp các biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19 đang diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, nhu cầu trong nước đã tăng 4,0%. Chỉ số chính cho hoạt động kinh tế của cường quốc chế tạo này tăng lên mở ra triển vọng hồi phục trong tương lai. (TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu Christine Lagarde cho biết, nền kinh tế khu vực châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay mặc dù nhiều nơi của khu vực này đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi một làn sóng Covid-19 mới và phải tiếp tục các lệnh hạn chế đóng cửa. Theo dự báo mới nhất của IMF, nền kinh tế khu vực EU sẽ tăng trưởng 4,4% năm 2021, tương đương với dự báo trung bình của các nền kinh tế phát triển nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 6,4% của Mỹ. (CNBC)

Viện Thống kê Quốc gia Italy ngày 9/4 công bố báo cáo cho thấy, doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng 2/2021 đã tăng 6,6% về giá trị so với tháng trước đó, đây là dấu hiệu lạc quan mới cho nền kinh tế đã suy giảm tới 8,9% trong năm 2020. Theo đó, doanh số bán hàng phi thực phẩm đã tăng 14,8% về giá trị và 15,4% về khối lượng, điện thoại tăng 12%, các sản phẩm gia dụng, đài phát thanh, sản phẩm truyền hình tăng 8,9%; trong khi đó doanh số bán giày dép, đồ da và đồ du lịch giảm 12,7%, dược phẩm giảm 12,3%. Những số liệu này kết hợp với mức tăng khiêm tốn của chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp khởi sắc và tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tăng có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế Italy sau đại dịch. (THX)

Ngày 11/4, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune nhận định, EU sẽ phải tìm kiếm một kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch tham vọng hơn so với gói kích thích 750 tỷ Euro. Theo đó, EU cần củng cố đà phục hồi kinh tế bằng các biện pháp đầu tư, sử dụng 5G, công nghệ xanh và kỹ thuật số… 27 quốc gia thành viên EU sẽ phê chuẩn gói kích thích kinh tế vào tháng 5 năm nay để kịp phân bổ kinh phí từ mùa Hè. Hiện nay, các chính phủ EU vẫn đang đệ trình các kế hoạch chi tiêu chi tiết của mình, trong khi tiến độ giải ngân chậm đang tạo ra sự thất vọng gia tăng tại nhiều quốc gia. (Reuters)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, giá bán buôn trong nước tháng 3/2021 đã tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng đầu tiên trong 13 tháng, phản ánh tác động của giá dầu thô cao hơn và sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Theo mặt hàng, giá dầu và các sản phẩm than tăng 9,8% sau khi điều chỉnh giảm 6,0% trong tháng trước. Ngân hàng trung ương cho biết, giá kim loại màu tăng 28,7% do nhu cầu mạnh của Trung Quốc, giá sắt vụn tăng 63,9% do nhu cầu nước ngoài tăng mạnh. (Japan Times)

Xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 18,1% so với năm trước lên mức kỷ lục mới nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục, theo dự báo của Viện nghiên cứu Hyundai. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của nước này năm nay dự kiến sẽ đạt 605,3 tỷ USD, vượt mức kỷ lục 604,9 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cản trở xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. (Yonhap)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và WB, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế.

Tổ chức này khuyến nghị, các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm nay nhằm bảo đảm phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Tỷ lệ thất nghiệp ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% so với năm 2021, sau đó tiếp tục giảm 2,4% năm 2022. IMF cho rằng, các chính phủ nên tiếp tục tập trung vào việc thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 bằng cách cung cấp hỗ trợ tài khóa ở giai đoạn 2, hạn chế thiệt hại kinh tế dài hạn và gia tăng đầu tư công.

Nền kinh tế Thái Lan có thể mở cửa ít hơn dự kiến trong năm nay, sau tác động của làn sóng dịch bệnh thứ 3 và lo ngại về sự xuất hiện của biến thể virus lây lan nhanh hơn. Theo một quan chức của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, dự báo nền kinh tế hiện tại còn nhiều bất ổn, nguy cơ tăng trưởng có thể thấp hơn mức dự báo 3,0%. Dự báo kinh tế hiện tại đã bị hạ xuống so với tháng trước và chưa bao gồm tác động của đợt bùng phát mới.

Tỷ lệ thất nghiệp của Singapore tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 2 khi nền kinh tế nước này phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh vào tháng 9, 10 năm ngoái và giảm dần kể từ tháng 11. Theo báo cáo của Bộ Nhân lực Singapore, tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã giảm xuống 3,0% trong tháng 2, sau mức giảm 3,2% trong tháng 1.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) dự báo, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021 nhờ sự cải thiện của các chỉ số sản xuất, bán lẻ, tiêu thụ xi măng, tiêu thụ điện, nhập khẩu nguyên liệu và tư liệu sản xuất. Kadin đánh giá cao các chính sách "đúng hướng" của chính phủ và sự đồng lòng của giới doanh nghiệp chung tay phát triển kinh tế. Chính phủ Indonesia dự báo tăng trưởng có thể trở lại mức 4,3-5,5% trong năm nay, tích cực hơn nhiều so với sụt giảm 2% năm 2020.