Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bất chấp những thách thức lớn phải kể đến như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút dần chương trình mua trái phiếu và tình hình căng thẳng leo thang tại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách khẳng định mục tiêu của họ là xây dựng một nền kinh tế cân bằng, bền vững và năng động hơn, với tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay và 3,9% trong năm tới, nhờ đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích dự kiến tốc độ tăng trưởng mạnh hơn của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp bù đắp tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi lớn khác như Trung Quốc, dù các nền kinh tế này vẫn đang tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng không "lờ đi" những mối đe dọa đối với kinh tế giới từ sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, trước thông tin Fed từng bước rút dần và chấm dứt chương trình mua trái phiếu, cho đến mối lo ngại về quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine.
Các bộ trưởng tài chính đã tán thành gói cứu trợ từ 14-18 tỷ USD của IMF dành cho Ukraine để tránh nguy cơ vỡ nợ. Ngoài ra, tuyên bố của IMF cho biết các quan chức tỏ ra rất "thất vọng" về sự trì hoãn của Mỹ trong việc mở rộng khoản vay để IMF trợ giúp các quốc gia gặp khó khăn. Theo IMF, nếu Quốc hội Mỹ thất bại trong việc thông qua đề xuất này, IMF sẽ đưa ra những giải pháp khác, có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với kinh tế toàn cầu và dẫn tới một thế giới bị phân cực hơn.
IMF đã tán thành mục tiêu nâng GDP toàn cầu thêm 2.000 tỷ USD trong năm năm tới của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Song, thể chế tài chính này lưu ý rằng để hoàn thành mục tiêu trên, các chính phủ cần tiến hành các chính sách một cách đúng hướng và cẩn trọng đối với những tác động từ sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed./.
Theo TTXVN/Vietnam+