📞

Kinh tế Trung Quốc đang đạt đến 'điểm ngọt ngào', sẵn sàng trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu

Thanh Dung 13:58 | 01/04/2023
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3/2023, nổi bật là tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đã đạt mức cao nhất trong 12 năm qua. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "đi đúng hướng" sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid và chính thức mở cửa trở lại.
Chỉ số PMI đã cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Nền kinh tế đang đi đúng hướng

Theo Cục Thống kê quốc gia (NBS) ngày 31/3, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) đã vượt kỳ vọng, giảm nhẹ xuống 51,9 trong tháng Ba, từ mức 52,6 trong tháng Hai.

Tuy nhiên, chỉ số PMI phi sản xuất chính thức, chỉ số đo lường hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 58,2 trong tháng Ba từ 56,3 trong tháng Hai. Sau khi mở rộng trong tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số PMI phi sản xuất đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2011, trong đó cả hai chỉ số phụ là ngành dịch vụ và xây dựng cũng đạt mức cao kỷ lục.

“Chỉ số PMI đã cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế đang đi đúng hướng. Việc mở rộng các hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ khi chỉ số PMI của lĩnh vực dịch vụ tăng vọt lên mức cao nhất trong thập kỷ qua", ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết.

“Động lực mạnh mẽ có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tới, khi chỉ số đơn đặt hàng mới cho lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng", ông dự báo.

Theo Julian Evans-Pritchard và Sheana Yue, các nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, sự gia tăng của chỉ số PMI phi sản xuất chính thức phần lớn phản ánh sự gia tăng trong hoạt động trực tiếp sau khi dỡ bỏ các hạn chế để phòng dịch và tình trạng lây nhiễm giảm dần.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào giữa tháng Ba cũng như động thái khuyến khích và thúc đẩy đầu tư tư nhân từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những lý do chính giúp niềm tin kinh doanh tăng vọt

Chỉ số PMI tổng hợp chính thức, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã tăng lên 57 vào tháng Ba, tăng từ 56,4 vào tháng Hai.

“Các chỉ số PMI chính thức cho thấy quá trình phục hồi mở cửa nhanh chóng của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ trong tháng này. Hai chuyên gia cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động đã ảnh hưởng nặng nề lên khối ngành sản xuất, nhưng khối ngành dịch vụ tiếp tục được hưởng lợi từ sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động xây dựng được thúc đẩy nhờ hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không được duy trì vô thời hạn, khi những chính sách hỗ trợ trở nên ít hơn, sự phục hồi có thể sẽ giảm nhẹ trong những tháng tới".

Các nhà phân tích của Nomura chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang đạt đến “điểm ngọt ngào” sau khi Bắc Kinh gỡ bỏ chính sách Zero Covid, nhưng cảnh báo rằng “điều này có thể không kéo dài” do “căng thẳng địa chính trị và những lo ngại về tài chính bên ngoài đang xấu đi nhanh chóng”.

Ngày 30/3, phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã khẳng định với thế giới rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và nội các của ông đang giải quyết những rủi ro về hệ thống – “đặc biệt là để đảm bảo thị trường tài chính ổn định” – sau sự cố tại Ngân hàng Thung lũng Silicon và Credit Suisse đã gây ra những làn sóng chấn động thông qua thị trường tài chính toàn cầu.

"Động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất mạnh. Tháng Ba thậm chí còn tốt hơn 2 tháng đầu năm. Đáng chú ý, kỳ vọng của thị trường đã được cải thiện rõ rệt khi các chỉ số như tiêu dùng và đầu tư trở nên tốt hơn, trong khi thị trường việc làm và giá tiêu dùng vẫn ổn định", ông nhấn mạnh

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2023, mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ vượt qua 6% trong năm nay.

“Vẫn còn nhiều triển vọng cho sự tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới và chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng, tăng trưởng GDP sẽ dễ dàng vượt qua mục tiêu tăng trưởng của chính phủ trong năm nay”, chuyên gia Julian Evans-Pritchard cho hay.

Nỗ lực kết nối kinh tế Trung Quốc với thế giới

Cũng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao - nơi được mệnh danh là Davos của châu Á, Thủ tướng Lý Cường cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại sự tách rời và phân mảnh thương mại, đồng thời hứa hẹn những nỗ lực mới để kết nối lại nền kinh tế đang phục hồi của quốc gia với thế giới.

Theo đó, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng muốn tối ưu hóa môi trường kinh doanh trong nước, tiếp tục mở cửa và đóng vai trò ổn định trong thương mại toàn cầu, vốn đang bị sa lầy bởi căng thẳng địa chính trị và khủng hoảng tài chính.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao hôm 30/3, tại Hải Nam, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

“Chúng ta sẽ chung tay xây dựng một trung tâm tăng trưởng năng động hơn và mang lại sự chắc chắn hơn cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu", Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh trước hàng trăm đại biểu tham dự, bao gồm nhiều nhà lãnh đạo, các cựu quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp của Singapore và Malaysia.

“Chúng tôi phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tách rời chuỗi cung ứng, đồng thời muốn đảm bảo chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu hoạt động trơn tru. Chúng tôi phản đối việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn” ông nói, đề cập các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao là một trong những nền tảng nổi bật nhất của Trung Quốc nhằm truyền đạt các chính sách kinh tế và ngoại giao với các bên liên quan bên ngoài – một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh niềm tin kinh doanh nước ngoài đang suy giảm.

“Cho dù bối cảnh thế giới thay đổi như thế nào, chúng tôi sẽ luôn tuân thủ cải cách và mở cửa, được thúc đẩy bởi sự đổi mới. Điều này không chỉ tạo động lực và sức sống mới cho sự phát triển kinh tế toàn cầu, mà còn cho phép các nước chia sẻ cơ hội phát triển của Trung Quốc", Thủ tướng Lý Cường nói.

Theo người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các lĩnh vực như kinh tế xanh và kỹ thuật số, cũng như hướng tới đàm phán thêm nhiều hiệp định thương mại tự do.

(theo SCMP)