📞

Kinh tế Trung Quốc sẽ 'hạ cánh cứng'?

Hồng Châu 22:00 | 02/04/2024
Nhận định trên tờ Sydney Morning Herald, nhà báo, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz nhận định phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước tình hình khó khăn của lĩnh vực bất động sản là mở rộng đáng kể lĩnh vực sản xuất.

Trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu nội địa chưa đạt mức dự kiến, động thái này của Bắc Kinh có khả năng sẽ tạo ra một làn sóng xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, gây tác động lớn đến cấu trúc sản xuất và hàng hóa thế giới trong dài hạn.

Đây cũng sẽ là thử thách đối với Trung Quốc, nước đang hy vọng sẽ chuyển trọng tâm từ lĩnh vực bất động sản (đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế) sang sản xuất, cho phép nền kinh tế lớn nhất châu Á tạo ra đủ doanh thu để đạt được mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5% trong năm nay, như tuyên bố mà Thủ tướng Lý Cường mới đưa ra gần đây.

Phản ứng của chính phủ Trung Quốc trước tình hình khó khăn của lĩnh vực bất động sản là mở rộng đáng kể lĩnh vực sản xuất. (Nguồn: Reuters)

Sự thay đổi trọng tâm kinh tế

Một báo cáo nghiên cứu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York phát hành trong tuần này đã lập mô hình thay đổi trọng tâm kinh tế của Trung Quốc trong vài năm qua – kể từ khi lĩnh vực bất động sản của nước này bắt đầu suy yếu vào cuối năm 2020 – để đưa ra dự báo triển vọng kinh tế của nước này và những tác động tiềm tàng của sự chuyển dịch đó đối với nền kinh tế thế giới.

Báo cáo cho biết, mặc dù tổng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ở Trung Quốc vẫn tương đối ổn định, nhưng đã chuyển hướng từ việc cho vay mua tài sản sang cho vay để phục vụ hoạt động sản xuất. Cụ thể, hoạt động cho vay liên quan tới tài sản gần như không đổi, trong khi tốc độ cho vay công nghiệp mới đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2022. Các khoản vay “xanh” mới, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, thậm chí còn tăng mạnh hơn.

Sử dụng dữ liệu từ 50 ngân hàng đã niêm yết của Trung Quốc, báo cáo nhận định tốc độ tăng trưởng cho vay của các ngân hàng dành cho lĩnh vực sản xuất đã tăng 18% trong năm 2022 và ước tính chiếm khoảng 1/3 tổng mức cho vay của năm 2023.

Các nhà nghiên cứu của Fed chi nhánh New York đã nghiên cứu về những tác động nếu trọng tâm hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất (như hiện tại) và thành công trong việc nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Các chuyên gia ước tính tăng trưởng GDP có thể tăng lên 6% trong hai năm tới, mặc dù vậy trong trung hạn, con số có thể thay đổi.

Do nhu cầu và niềm tin tiêu dùng nội địa giảm, việc Bắc Kinh hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực sản xuất sẽ dẫn đến một kết quả tất yếu là làn sóng xuất khẩu hàng hóa giá rẻ xuất hiện. Rất có thể làn sóng này sẽ hình thành một chu kỳ xuất khẩu giảm phát sang phần còn lại của thế giới và giúp giảm lãi suất ở các nước phát triển.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và 2/2024 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thép tăng hơn 33% do nhu cầu của lĩnh vực bất động sản giảm khiến các nhà máy Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường xuất khẩu.

Báo cáo của Fed chi nhánh New York nhấn mạnh, trái ngược với những suy luận thông thường cho rằng khi nguồn cung tăng sẽ dẫn đến xu hướng làm giảm giá thành hàng hóa sản xuất, trong trường hợp của Trung Quốc hiện nay, cung hàng hóa tăng sẽ làm tăng đáng kể áp lực đối với giá hàng hóa và hàng hóa trung gian toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu rộng hơn. Và điều này sẽ làm tăng khối lượng thương mại toàn cầu và dẫn đến lạm phát giá sản xuất cao hơn ở Mỹ, cũng như ở các nền kinh tế khác.

Phản ứng từ phương Tây

Trung Quốc đã có sự hiện diện lớn trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, chiếm khoảng 30% sản lượng sản xuất và 20% xuất khẩu toàn cầu. Nhưng, theo tác giả bài viết, gần như không thể tránh khỏi – thực tế là nó đã xảy ra – rằng chiến lược tăng trưởng dựa vào sản xuất của Trung Quốc sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các cường quốc khác, làm hạn chế khả năng của nước này và có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp phải tình trạng công suất dư thừa gây ra nhiều tác động bất lợi.

Một trong những phản ứng rõ nét nhất là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã ban hành một số hạn chế nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu công nghệ cao của Trung Quốc. EU đang lên kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc dựa trên luật chống trợ cấp, xem xét đưa ra các lệnh hạn chế nhập khẩu đối với các tấm pin Mặt Trời và tourbin gió sản xuất tại Trung Quốc.

Mỹ đã tuyên bố sẽ loại các dòng xe sử dụng pin do Trung Quốc chế tạo ra khỏi chính sách trợ cấp xe điện. Ngoài ra, Mỹ áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc và tăng cường áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ thời của cựu Tổng thống Donald Trump.

Các công ty Trung Quốc đã cố gắng lách thuế quan của Mỹ bằng cách xây dựng các nhà máy sản xuất tại các quốc gia không phải chịu thuế, thể hiện qua sự hiện diện ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Mexico, cho phép họ tận dụng những ưu đãi và thuận lợi từ hiệp định thương mại tự do mà quốc gia Bắc Mỹ này đã ký với Mỹ.

Hiệp định này (có sự tham gia của Canada) sẽ được xem xét lại vào năm 2026, trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng lo ngại nguy cơ các nước bên ngoài hiệp định này “lách luật”. Do đó, gần như không thể tránh khỏi việc “cánh cửa hậu” của Mexico vào thị trường Mỹ sẽ bị đóng lại.

Chiến lược kinh tế của Trung Quốc dự tính sẽ đạt được sự dẫn đầu toàn cầu trong một số lĩnh vực sản xuất tiên tiến mang tính chiến lược cao mà phương Tây cũng chú trọng phát triển.

Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ký các hiệp định thương mại đa phương và song phương với khoảng 28 quốc gia trong khu vực và các nước Nam Toàn cầu, sử dụng chương trình Vành đai và Con đường làm đòn bẩy. Những thị trường này chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc. Do đó, chiến lược sản xuất dựa vào xuất khẩu sẽ không thành công nếu hai thị trường lớn này không cho phép tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe điện là một minh chứng mới nhất. Trong tháng 1 và 2/2024, lượng nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào châu Âu đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước – thậm chí trước cả khi chính sách thuế quan được xem xét. Hiện EU chiếm khoảng 30% doanh số bán xe điện của Trung Quốc, nhưng tính theo số lượng thì ba năm trước con số này là hơn 50%.

Tương tự, việc gạt các loại xe có liên quan đến nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc ra khỏi chính sách trợ cấp xe điện của Washington có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ hiện diện tối thiểu trên thị trường xe điện của nước này.

Nếu lĩnh vực bất động sản tiếp tục xấu đi?

Báo cáo của Fed chi nhánh New York kết luận rằng “cú hích” từ sự chuyển hướng tăng trưởng nhờ sản xuất sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, với mục tiêu chính là duy trì một hệ sinh thái sản xuất “hoàn chỉnh” cho Trung Quốc, nhưng nó cũng dẫn đến cam kết trợ cấp lợi nhuận thấp, sử dụng nhiều lao động ở những ngành không còn duy trì được lợi thế cạnh tranh nữa.

Tác giả viết: “Rủi ro đối với Trung Quốc là việc tập trung lâu dài vào sản xuất sẽ dẫn đến lợi nhuận thấp và một chu kỳ nợ xấu mới”. Trên thực tế, việc khuyến khích bong bóng bất động sản và kết thúc là hàng loạt nhà phát triển khổng lồ phá sản đã cho thấy Trung Quốc có thể đang tiến vào lối đi cũ khi dành sự khuyến khích quá mức để tăng cường sản xuất.

Trong một báo cáo tiếp theo được phát hành ngày 26/3, các nhà nghiên cứu của Fed chi nhánh New York đã đặt câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục xấu đi? Khi lĩnh vực này tiếp tục chịu căng thẳng lớn hơn sẽ làm tăng áp lực tài chính hiện tại đối với các chính quyền địa phương, vốn có truyền thống phụ thuộc vào thu nhập từ việc bán bất động sản và làm suy yếu khả năng hỗ trợ các nhà phát triển và nhà sản xuất địa phương.

Vai trò quá lớn của lĩnh vực bất động sản đồng nghĩa với rắc rối nội tại của lĩnh vực này là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và làm cho nền kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng".

Trong kịch bản lĩnh vực bất động sản sụp đổ, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 0 trong năm nay và tăng 2% vào năm 2025.

Kịch bản thứ hai, là khi nền kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng" và nhu cầu nội địa sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối tác của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, tác động tiêu cực không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Mặc dù cả hai kịch bản mà Fed chi nhánh New York đưa ra đều phản ánh chiến lược kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của Trung Quốc sẽ dẫn tới tình trạng nước này có vị thế dẫn đầu trong những lĩnh vực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, những hành động của Mỹ và EU cho thấy sẽ rất khó để phương Tây để cho điều này xảy ra.

(theo Sydney Morning Herald)