📞

Kinh tế Trung Quốc suy giảm tác động xấu đến triển vọng tăng trưởng châu Á?

22:34 | 19/03/2019
Theo nhận định của tờ SCMP, trong khi cuộc đàm phán thương mại với Mỹ chưa đạt được thỏa thuận, thách thức của Trung Quốc là phải đỡ nền kinh tế của nước này tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Bởi mối đe dọa của sự suy giảm kinh tế "mạnh hơn dự kiến" ​​ở Trung Quốc rất có thể sẽ làm hỏng triển vọng tăng trưởng của châu Á.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại

Theo dữ liệu mới nhất của Trung Quốc về ngoại thương, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước và chỉ số sức mua của các nhà quản lý cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này sẽ tiếp tục chậm lại, ít nhất là trong tháng 4 tới.

Một “cú sốc” bất ngờ đối với kinh tế Trung Quốc sẽ làm tăng thêm những thách thức cho nước bắt nguồn từ tình trạng bảo hộ đang gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương - khu vực phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu. Hệ quả là các công ty và nhà sản xuất sẽ chuyển chuỗi cung ứng sang các nước có chi phí thấp hơn, điều đó có thể khiến những thị trường phụ thuộc nhiều nhất vào nhu cầu của Trung Quốc nhậy cảm hơn với một nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Trung Quốc đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu và khoảng 2/3 tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP)

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương Mahamoud Islam, “Tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý đầu tiên năm nay sẽ chậm lại vì những bất ổn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hầu hết các công ty sẽ trì hoãn đầu tư khi họ lo lắng về tương lai”.

Theo ông Mahamoud Islam, thực tế, việc trì hoãn đầu tư sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về hàng hóa và thương mại toàn cầu. Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba tăng trưởng toàn cầu và khoảng hai phần ba tăng trưởng châu Á - Thái Bình Dương. Nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng, các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại sẽ rất dễ bị “tổn thương”, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và chất bán dẫn. 

"Đối mặt" với sóng gió

Trước bối cảnh đó, các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore sẽ chuẩn bị phải "đối mặt" với nhiều sóng gió.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Singapore, kinh tế của nước này đã tăng 1,9% trong quý IV/2018. Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing nhận đinh, kinh tế Trung Quốc suy giảm "mạnh hơn dự kiến" có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của khu vực do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm.

"Đặc biệt, các nền kinh tế khu vực liên kết chặt chẽ với Trung Quốc thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ liên quan đến thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Singapore năm 2019 dự kiến ​​sẽ chậm lại”, ông Chan Chun Sing nói.

Các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn chuẩn bị phải "đối mặt" với nhiều sóng gió. (Nguồn: SCMP)

Còn tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản, theo thống kê sơ bộ, tăng 0,3% trong quý IV trong khi nhu cầu bên ngoài đóng góp vào GDP lại giảm 0,3%.

Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Merrill Lynch Nhật Bản, Izumi Devalier cho biết, đà xuất khẩu của Nhật Bản vẫn còn yếu do sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

"Theo số liệu thống kê thương mại thực tế của Ngân hàng Nhật Bản, xuất khẩu chậm lại tập trung vào các chuyến hàng đến châu Á. Sự suy giảm trong tổng cầu của Trung Quốc đang làm giảm khối lượng xuất khẩu trong khu vực", ông Izumi Devalier nói.

Dữ liệu từ Philippines cho thấy, xuất khẩu của nước này đã giảm12,3%, xuống còn 4,72 tỷ USD, tháng thứ hai giảm liên tiếp. Nếu doanh số từ các sản phẩm điện tử - mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của đất nước này tăng 15,2%; xuất khẩu giảm 53,1% đối với máy móc và thiết bị vận tải.

Theo công ty Trading Economics, xuất khẩu của Indonesia liên tiếp sụt giảm do giá hàng hóa cũng như nhu cầu toàn cầu giảm. Xuất khẩu của nước này đã giảm 4,7%; xuống còn 13,87 tỷ USD và đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Nền kinh tế Malaysia tăng 4,7% so với cùng kỳ trong quý IV. Đó là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2018, do nhu cầu bên ngoài ròng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP.

“Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Malaysia nên xem xét các rủi ro kinh tế giữa tăng trưởng và lạm phát bởi điều này sẽ khiến chính sách tiền tệ bị trì hoãn trong suốt năm 2019”, chuyên gia kinh tế châu Á tại ING Bank ông Prakash Sakpal nói.

(theo SCMP)