Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 7 tháng liên tiếp. (Nguồn: AFP) |
Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 1/3, tháng 2/2016 là tháng thứ 7 liên tiếp sản xuất công nghiệp của nước này giảm, với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm từ 49,4 điểm trong tháng 1 xuống 49 điểm tháng 2/2016, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012. Chỉ số PMI tính trên thang điểm 100 điểm, thể hiện hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công xưởng, được xem là một thước đo "sức khỏe" nền kinh tế. Chỉ số PMI trên 50 điểm thể hiện tăng trưởng, dưới 50 điểm là giảm sút.
Một dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, là chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Chỉ số lĩnh vực dịch vụ trong tháng 2/2016 giảm xuống 52,7 điểm từ mức 53,5 điểm của tháng Một. Các chỉ số về số đơn hàng mới (giảm 0,9 điểm xuống 48,6 điểm), giá bán, việc làm (giảm 0,2 điểm xuống 47,6 điểm) và tồn kho đều thấp hơn 50 điểm - ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.
Ngày 29/2, trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang ì ạch và duy trì đà tăng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoB) tiếp tục tung thêm biện pháp cứu nền kinh tế là phá giá Nhân dân tệ, đồng thời cắt giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng. Trên website chính thức, PBoB cho biết sẽ cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc tương đương 17% đối với tất cả các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/3.
Chuyên gia kinh tế He Fan thuộc Tập đoàn truyền thông Caixin (Trung Quốc) nhận định, tất cả những số liệu quan trọng trên cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, con đường phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn nhiều khó khăn. Ông này cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên triển khai các chính sách kích thích vừa phải và hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế nhằm ngăn ngừa tình trạng lao dốc.
Còn chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Larry Hu của Tập đoàn tài chính Macquarie Securities Hong Kong dự báo, chính sách kích thích kinh tế sẽ tiếp tục được mở rộng và tâm điểm sẽ chuyển từ tiền tệ và cải cách nguồn cung sang kích thích nhu cầu.