Nền kinh tế Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Lạm phát ở Ukraine dự kiến sẽ đạt 30% và có thể tăng nếu quốc gia này tiếp tục in tiền. (Nguồn: DPA) |
Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ 7, Kiev đang mắc kẹt giữa một tảng đá tài chính - vấn đề khó khăn khi nước này tìm cách trụ vững trước Moscow.
Nguồn thu của Ukraine từ thuế đã giảm mạnh do nền kinh tế rơi tự do, trong khi đó, chi tiêu quân sự tăng vọt khiến chính phủ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách 5 tỷ USD (5,02 tỷ Euro) mỗi tháng.
Để bù đắp cho việc thiếu tiền mặt, Ngân hàng trung ương nước này đã tăng in tiền, mua trái phiếu chính phủ với giá trị 7,7 tỷ USD trong 6 tháng qua.
Tờ Financial Times thông tin, Ukraine đã in 3,6 tỷ USD chỉ trong tháng 6/2022.
Phần còn lại của nền kinh tế có thể bị phá hủy
Với việc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga có thể sẽ kéo dài vô thời hạn, Ukraine phải đối mặt với viễn cảnh lạm phát tăng cao và thậm chí có thể trở thành siêu lạm phát.
Điều đó sẽ càng làm xói mòn giá trị của đồng nội tệ Hryvnia, vốn đã giảm khoảng một phần ba kể từ tháng 2. Các chuyên gia dự đoán, lạm phát lên tới 20% và tất nhiên sẽ đạt 30% vào cuối năm nay.
Đầu tháng này, một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) có trụ sở tại London (Anh) kêu gọi Kiev giảm bớt sự phụ thuộc vào việc in tiền, hay còn gọi là tiền lưu trữ. Trung tâm này cảnh báo rằng, Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với lạm phát cao hơn nhiều, khủng hoảng tiền tệ và thậm chí là khủng hoảng ngân hàng.
Nhà kinh tế Yuriy Gorodnichenko, Đại học California (Mỹ) nhận định: "Việc in tiền xảy ra trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều hỗn loạn và cần huy động tiền rất nhanh. Nhưng đó không phải là một giải pháp bền vững. Nếu Ukraine tiếp tục làm điều này, phần còn lại của nền kinh tế có thể bị phá hủy".
Ký ức đau buồn về siêu lạm phát
Năm 1992, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Ukraine lên tới 2.000%, đưa quốc gia Đông Âu trở thành nước đầu tiên trên thế giới chứng kiến lạm phát tăng đột biến như vậy mà không phải do xung đột. Lạm phát cũng tăng vọt lên 50% vào năm 2014.
Báo cáo của CEPR khuyến nghị chính phủ Ukraine tăng thuế và tìm kiếm thêm viện trợ từ nước ngoài, đồng thời hạn chế chi tiêu phi quân sự - một chính sách mà Kiev đã thực hiện ngay từ đầu khi nổ ra xung đột.
CEPR cũng kêu gọi Kiev kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, hạn chế nhập khẩu và linh hoạt hơn trong tỷ giá hối đoái.
Nguồn thu từ thuế đã giảm xuống còn khoảng 1/5 mức trước xung đột và hiện chiếm khoảng 1/3 chi tiêu của chính phủ. Việc in tiền hiện hỗ trợ 1/3, trong khi các khoản vay nước ngoài, viện trợ không hoàn lại và phát hành trái phiếu địa phương giúp đáp ứng phần còn lại của chi tiêu chính phủ.
Siêu lạm phát là một hiện tượng mà người Ukraine biết quá rõ bởi quốc gia này từng chứng kiến lạm phát lên tới 50%. |
Doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề
Đối mặt với viễn cảnh thuế nhập khẩu vốn đã cao còn có khả năng cao hơn nữa, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang phải chịu một áp lực rất lớn.
Các công ty bị buộc phải đóng cửa tại khu vực xảy ra xung đột và việc nhập ngũ của nam giới đã gây ra tình trạng chảy máu chất xám, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 35%.
Bên cạnh đó, những người trong vùng chiến sự di dời đến các địa điểm khác trong nước hoặc đột ngột bị thất nghiệp cũng cần được hỗ trợ tài chính.
Triển vọng về một nền kinh tế ngày càng suy yếu, cùng với tình trạng thiếu nhiên liệu, cắt điện hoặc cắt hệ thống sưởi trong mùa Đông này có thể buộc nhiều công ty phải ngừng kinh doanh.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, 55% dân số Ukraine sẽ sống trong cảnh nghèo đói vào cuối năm 2023, so với mức 2,5% trước khi xảy ra xung đột.
Chính phủ có thể phải lựa chọn 'đau đớn'
Nhà kinh tế Gorodnichenko thừa nhận, thực hiện các khuyến nghị từ CEPR sẽ "rất đau đớn", nhưng sẽ tốt hơn là Ukraine phải đối mặt với một chiến dịch quân sự kéo dài, tạo ra lạm phát cao "phi mã" hoặc thậm chí là siêu lạm phát.
Báo cáo của CEPR cho biết, sự hỗ trợ từ các đồng minh của Ukraine vẫn rất quan trọng, không chỉ đối với sự tồn vong của đất nước mà còn đối với tương lai của trật tự và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả.
Trang Financial Times dẫn lời Bộ Tài chính Ukraine cho hay, có khoảng 38 tỷ USD hỗ trợ tài chính được cam kết bởi các chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong 6 tháng qua.
Một công cụ theo dõi riêng của Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức (IfW-Kiel) cho thấy, khoảng 84,2 tỷ Euro (84,9 tỷ USD) viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đã được khoảng 40 quốc gia hứa hẹn sẽ hỗ trợ Kiev.
Riêng Mỹ đã cam kết viện trợ nhân đạo và tài chính hơn 8,5 tỷ Euro, trong khi các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) cam kết gửi 12,3 tỷ Euro. Nhưng các khoản thanh toán thực tế đến chậm.
Theo IfW-Kiel, chỉ 1/4 cam kết viện trợ của EU đã đến Ukraine. Truyền thông châu Âu cho hay, sự chậm trễ này là do các cuộc thảo luận về việc liệu khoản viện trợ nên dưới hình thức viện trợ không hoàn lại hay cho vay.
Nhà kinh tế Gorodnichenko nhấn mạnh: "EU lo lắng rằng, Ukraine sẽ không thể trả khoản vay, đó là một mối quan tâm chính đáng. Thứ Kiev cần là một khoản trợ cấp".
Huy động từ người dân
Khi Ukraine đàm phán một chương trình cho vay mới trị giá 15-20 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chính phủ cũng đang huy động tiền từ người dân thông qua "trái phiếu chiến sự" (chứng khoán nợ do chính phủ phát hành để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong thời gian xung đột).
Theo ông Gorodnichenko, người Ukraine đã quyên góp khoảng 1 tỷ USD từ một hoạt động gây quỹ mà không có lãi suất hoặc bất kỳ động cơ nào khác.
Nhà kinh tế này nói: "Mặc dù rất khó để biết có bao nhiêu tiền, nhưng tôi tưởng tượng đó là một số tiền đáng kể và về nguyên tắc, mọi người có thể sẵn sàng rút tiền để giúp chính phủ trang trải cho chiến dịch quân sự với Nga".