📞

Kinh tế Việt Nam 2021: Không thể lãng phí một cuộc khủng hoảng

Khánh An 17:57 | 18/02/2021
TGVN. Khủng hoảng và các cú sốc được nhắc đến như một phần của sức sáng tạo và khả năng xoay chuyển của người Việt.
Việt Nam có mức tăng trưởng dịch vụ tài chính số ấn tượng nhất khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Trong rất nhiều lý do để nói rằng, đây là thời điểm nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam “ghi bàn”, khủng hoảng và các cú sốc được nhắc đến như một phần của sức sáng tạo và khả năng xoay chuyển của người Việt.

Đi tuần tự như trước, còn lâu mới đến lượt Việt Nam

Hơn 2 giờ sáng ngày 21/4/2020, như thông lệ, TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam mở máy tính theo dõi hoạt động của các thị trường trên thế giới.

“Dấu âm (-) nhấp nháy trên màn hình giao dịch giá dầu thô giao tháng 5, tháng 6/2020 khiến tôi không tin vào mắt mình. Chưa bao giờ chuyện này xảy ra. Lúc đó, tôi hiểu Covid-19 sẽ làm đảo lộn mọi thứ”, ông Sang kể.

Gần một năm sau, tháng 1/2021, khi trực tiếp báo cáo về Tình hình kinh tế Việt Nam 2020 tại Viện Kinh tế Việt Nam trong buổi công bố Báo cáo, ông Sang lại hào hứng kể về một start-up trong lĩnh vực chữa bệnh từ xa (telehealth).

“Tôi là mentor (người cố vấn - PV) của start-up này. Họ vừa nhận được khoản đầu tư khá lớn, tốc độ tăng trưởng vượt các dự tính trước đó. Rồi học trực tuyến, nói bao năm chưa làm được mấy, chỉ 1 năm vừa qua đã thay đổi vượt bậc. Tương tự, thanh toán không dùng tiền mặt dường như đã là lựa chọn tất yếu của người tiêu dùng... Nhờ Covid-19 cả”, ông Sang nói vui, nhưng hàm ý khá rõ về sự trỗi dậy mạnh mẽ và không thể ngờ của các ngành liên quan đến thương mại điện tử và số hóa.

Riêng dịch vụ tài chính số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam hiện có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực.

Tất nhiên, những ngành gặp khó khăn vẫn chiếm số đông trong bảng đánh giá các ngành chịu tác động bất lợi của ông Sang và cộng sự, song thực trạng này cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa cuộc khủng hoảng do đại dịch và khủng hoảng tài chính những năm 2008 - 2009, khi mà hầu hết các ngành bị ảnh hưởng.

"Nếu đi tuần tự như hàng trăm, hàng chục năm trước, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có lúc lớn mạnh, nhưng chắc sẽ phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt" - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Doanh nghiệp Việt Nam.

Trong nghiên cứu này, khủng hoảng kinh tế - tài chính thường xuất hiện do những yếu kém mang tính nội sinh, đó là những yếu kém trầm trọng của cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chính. Điều này khiến việc hồi phục cần có sự cứu trợ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Nhưng khủng hoảng Covid-19 là khủng hoảng y tế, tác động lên nền kinh tế vốn đang bình thường, “khỏe mạnh” hoặc “không đến nỗi tồi”. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm cầu là do các chính phủ, doanh nghiệp tự làm đứt, thay vì thị trường. Nếu dịch bệnh không gây trầm trọng, không kéo dài, thì khả năng tự hồi phục cao, một vài lĩnh vực thậm chí không cần sự can thiệp của nhà nước.

Covid-19 đang tác động trầm trọng. Nhiều hành vi của chính người dân, doanh nghiệp thay đổi, thậm chí thay đổi vĩnh viễn khi nền kinh tế tiếp xúc chứa đựng nhiều rủi ro.

Song chính điều này lại tạo nên cú hích quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải chọn, chứ không phải theo xu thế, hay vì những mục đích quảng bá đơn thuần.

Đặc biệt, chưa bao giờ tham vọng về việc tạo dấu ấn của Việt Nam trên thị trường nghiên cứu và phát triển lại rõ nét như bây giờ. Tin tốt liên tục xuất hiện, như việc VNPT phủ sóng 5G, VinFast bắt đầu nhận đặt hàng ô tô điện tự lái hay Navetco nghiên cứu thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi...

Khi nhắc đến những thương hiệu Việt trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rất hào hứng.

“Nếu đi tuần tự như hàng trăm, hàng chục năm trước, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có lúc lớn mạnh, nhưng chắc sẽ phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt. Nhưng Covid-19 là cuộc thử nghiệm vĩ đại cho cách tiếp cận thị trường thời đại số, phương thức kinh doanh thời đại số và cả cách thức quản trị thời đại số của cả thế giới. Nhiều doanh nghiệp lớn đã bứt phá, đúng nghĩa đen là... một bước... lên mây, vì trước cú sốc, nếu không thay đổi là chết”, ông Lộc lý giải.

Không thể bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng

Tuy nhiên, vị Chủ tịch VCCI cũng đang lo ngại, khi Covid-19 đi qua, sự hào hứng hay nỗ lực chuyển đổi số liệu có chùng xuống.

“Người Việt nào cũng có niềm kiêu hãnh trong người, thành bại vô cùng quan trọng, nên có cơ hội là sẽ vượt lên rất nhanh. Lúc này cũng vậy, có hệ sinh thái tốt, có thể chế tốt, doanh nghiệp sẽ đổ tiền vào nghiên cứu, phát triển, vào giáo dục, đào tạo. Chỉ nhìn vào số lượng học sinh trở về Việt Nam qua các chuyến bay giải cứu công dân của Chính phủ, sẽ thấy người Việt đầu tư cho giáo dục lớn thế nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực còn yếu”, ông Lộc bày tỏ.

Việt Nam vẫn rất thiếu lực lượng đẳng cấp cao để tiếp cận được cơ hội thực sự từ các hiệp định thương mại tự do đẳng cấp cao. (Nguồn: VTV)

Trong lý thuyết về cơ hội sau đại dịch mà Viện Kinh tế Việt Nam nghiên cứu, các chuyên gia đã nhắc đến tác động tích cực đối với tăng trưởng cả về lượng và chất của một số ngành hàng, thông qua thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu một số ngành theo hướng đẩy mạnh tăng trưởng các ngành kinh tế phi tiếp xúc; đặc biệt là chuyển đổi số, buộc tái cơ cấu, cắt giảm chi phí đối với các ngành kinh tế tiếp xúc, nhất là các ngành dịch vụ (như du lịch, nhà hàng...) cũng như ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, thiếu kỹ năng...

Song, việc duy trì xu hướng chuyển dịch này lại phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi của Chính phủ trong thể chế, cách thức quản lý, giám sát, đặc biệt là cách can thiệp vào nền kinh tế nhằm ứng phó dịch bệnh và giảm nhẹ tổn hại về kinh tế, nhân lực và ổn định xã hội.

Năm 2020, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương, nhưng về cơ bản, Việt Nam vẫn theo quán tính của mô hình kinh tế dựa trên sự gia tăng của các yếu tố đầu vào.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng lo lắng về thực trạng này. Trong con mắt của ông, kinh tế Việt Nam như người chạy trên máy chạy, tốc độ có thể nhanh, nhưng vẫn ở nguyên chỗ đó, nên rất thiếu lực lượng đẳng cấp cao để tiếp cận được cơ hội thực sự từ các hiệp định thương mại tự do đẳng cấp cao mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán, ký kết.

“Chúng ta cần phải chạy ra ngoài căn phòng đó, phải nâng đẳng cấp của mình lên. Tăng trưởng hay tái cơ cấu nền kinh tế phải theo nghĩa này, thì mới có doanh nghiệp đẳng cấp được. Tôi nhìn thấy cơ hội này từ cuộc khủng hoảng mà Covid-19 đang gây ra”, ông Thiên nói.

Du lịch là ngành ông Thiên lấy làm ví dụ để chứng minh. Cho tới thời điểm này, đây là ngành bị tác động nặng nề nhất, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, số còn lại thiệt hại vô cùng lớn.

Ông kể, ông vừa hỏi các “thủ phủ” du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng rồi Vân Đồn... tính thế nào. Các kịch bản được đưa ra để vừa chọn khách đông nhằm khôi phục nhanh, nhưng về lâu dài sẽ chọn khách chất lượng.

“Như vậy, chúng ta phải có thể chế để bán tiềm năng, lợi thế du lịch xứ nóng, du lịch biển với giá cao, đẳng cấp cao, để không có chỗ cho du lịch 0 đồng. Tương tự, cấu trúc công nghiệp cũng phải khác, theo chuỗi, theo mạng, nhưng là chuỗi mới chứ không phải cứ duy trì quá lâu giá trị xuất khẩu cao, nhưng giá trị gia tăng thấp...”, ông Thiên phân tích.

Thậm chí, ông Thiên đã nhắc đến các loại robot đơn giản mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã làm được trong giai đoạn Covid-19, như robot phục vụ người bệnh, các loại máy rửa tay tự động, rồi cả ATM gạo... để nói về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp, người dân.

“Doanh nghiệp sáng tạo cần có cấu trúc thể chế khác, vì nguồn lực lúc này ở trí tuệ, là dữ liệu, chứ không còn là vốn, đất đai, tài nguyên. Lúc này, cần có hệ thống thiết kế chính sách cho bình thường mới, để không bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng, như bà Victoria Kwakwa đã nói”, ông Thiên nhấn mạnh.

Câu nói đầy đủ này là: “Không nên lãng phí một cuộc khủng hoảng ở cấp toàn cầu, cấp quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có thể hiện thực hóa cơ hội khi quốc gia sẵn sàng và thực hiện cải cách cần thiết”.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới - WB), khi đó đang ở đại bản doanh của WB tại Washington DC (Mỹ) tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2020 qua kênh trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn có nhiều diễn giả không có mặt trực tiếp tại sự kiện.

Trong quan điểm của bà Victoria Kwakwa, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hình thành liên minh kinh tế mới đang là cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam.

Nhưng, thách thức rất lớn, khi Việt Nam mới đứng thứ 55 trên thế giới trong chuỗi giá trị, với quy mô tham gia là 20,4 tỷ USD. Mức này chưa bằng 1/4 so với các quốc gia tiếp theo trong ASEAN là Philippines (80 tỷ USD, đứng thứ 34 trên thế giới). Nếu tăng thêm 1% tỷ trọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ làm thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng thêm hơn 1%, cao hơn 2 lần so với giá trị mà thương mại truyền thống đem lại.

Mặt khác, điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất lao động, tạo thu nhập cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây có phải là lúc kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tiếp theo của cải cách, vẫn là cải cách bên trong, nhưng là để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, để bước lên nấc thang cao hơn của quá trình phát triển?

(theo Báo Đầu tư)