Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao xác định đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các cam kết về giảm phát thải là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh” do Bộ Ngoại giao phối hợp Ngân hàng Standard Chartered vừa tổ chức là một trong những nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu khai mạc Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh” ngày 18/2. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Mắt xích quan trọng
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 dự kiến đạt 4%, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế thế giới đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ đẩy mạnh tiêm chủng vaccine Covid-19 và các gói kích thích mạnh của các chính phủ.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ còn ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi của kinh tế thế giới trong năm nay.
Đối với Việt Nam, Standard Chartered đánh giá rất tích cực và triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Dự báo, nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023.
Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp quốc tế lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Lý giải cho những nhận định trên, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee cho rằng, “kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang thực sự sống chung với dịch Covid-19”.
Kết quả cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, có tới 60% người được hỏi tin tưởng, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế có thể xảy ra những gián đoạn cung ứng hậu cần trong ngắn hạn, nhưng sau dịch Covid-19, vai trò của Việt Nam sẽ sớm được khẳng định.
Nỗ lực và hành động
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức để phục hồi hậu dịch Covid-19.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là một lựa chọn đúng đắn.
Trên thực tế, các tổ chức và nhiều đối tác quốc tế cũng khẳng định tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được xác định sẽ huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính, các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững và cam kết chuyển đổi xanh đã đề ra.
Từ đó, các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất.
Việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là một lựa chọn đúng đắn. |
Cơ hội vẫn nổi trội
Từ các phân tích toàn diện và sâu sắc trong Báo cáo của Standard Chartered về Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận định, “cơ hội và thách thức đan xen, song cơ hội vẫn nổi trội”.
Theo đó, đây là một thời điểm rất quan trọng, khi các quốc gia trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước những lựa chọn chính sách có tính bước ngoặt, tác động không chỉ đến triển vọng kinh tế trước mắt mà còn quyết định khả năng phục hồi, phát triển bền vững trong dài hạn.
Từ đánh giá của các tổ chức quốc tế và báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered, với cái nhìn đa chiều về chiều hướng điều hành chính sách của các quốc gia lớn; triển vọng tăng trưởng, thu hút FDI, xuất nhập khẩu của các nước ASEAN và Việt Nam; các phân tích về rủi ro, thách thức trong trung và dài hạn mà Việt Nam phải đối mặt thời gian tới…
Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, chúng ta có cơ sở để lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo đó, Việt Nam đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, thuộc nhóm sáu nước hàng đầu thế giới. Nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc mạnh mẽ trên cơ sở các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo tiền đề để bứt phá trong năm 2022.
Việt Nam cũng đã bắt nhịp nhanh và kịp thời vào dòng chảy của các xu hướng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhằm tranh thủ cơ hội “trăm năm có một” để tạo đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh hợp tác, thu hút các nguồn lực bên ngoài, kết hợp với các nguồn lực trong nước phục vụ phục hồi và phát triển.
Tuy vậy, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng chỉ ra những thách thức lớn. Đó là những rủi ro của kinh tế thế giới, như lạm phát, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh. Đó là những rủi ro có thể phát sinh đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách phục hồi kinh tế như nợ xấu, lạm phát, sự quản trị, thay đổi để thích ứng không theo kịp tình hình. Đó là khả năng “bắt nhịp” nhưng không “bứt phá” trong quá trình phục hồi và tận dụng các xu thế mới.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, Chính phủ đang quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, Chương trình không chỉ bao gồm những giải pháp khôi phục kinh tế ngắn hạn mà tập trung vào nhiều giải pháp dài hạn nhằm tạo lập các động lực tăng trưởng bền vững, nhất là tăng trưởng xanh.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải vào năm 2050 trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, đồng thời ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác cho các biện pháp phục hồi kinh tế - xã hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam.
| Thủ tướng mong doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam Tham dự và phát biểu tại Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) ngày 21/2, trước cộng đồng nhà đầu ... |
| 15 năm gia nhập WTO: Tạo cơ hội trước mắt, mở ra cơ hội lâu dài và bền vững Sau 15 năm gia nhập WTO, ai cũng thấy vui, thấy được nhiều hơn mất. Gia nhập WTO đã mang lại cho đất nước ta ... |