Kinh tế Việt Nam giữ ‘ánh hào quang’. |
Chặng đường mới
Đi qua hơn nửa chặng đường của năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh với nhiều rủi ro, bất định, kinh tế Việt Nam kiên cường đối mặt với những thách thức không hề nhỏ của một nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với khó khăn nội tại.
Nỗ lực của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nắm bắt tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó, linh hoạt, kịp thời, cùng với sự năng động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới các kết quả tích cực qua từng tháng và trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu minh chứng mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ giữ vững ổn định vĩ mô, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là cơ sở thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế trong cả năm 2024. Bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hóa trong sáu tháng đầu năm có sắc màu tươi mới, với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước (20,6%), vượt hơn nhiều so với khu vực FDI (12,3%). Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế; các cân đối lớn được bảo đảm, tạo cơ sở và niềm tin thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2024 được Quốc hội thông qua…
Phân tích thực trạng kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Yun Liu, thuộc bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC đánh giá, không chỉ tăng trưởng đầy thuyết phục, xu hướng tăng trưởng bắt đầu có dấu hiệu lan rộng.
Tăng trưởng GDP Quý II/2024 của kinh tế Việt Nam tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như mức cao nhất trong hai năm trở lại. Cùng với điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của Quý I/2024, tăng trưởng sáu tháng đầu năm được đưa lên 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực gây ngạc nhiên nhất chính là sản xuất, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này được phản ánh qua xuất khẩu mạnh mẽ của Quý II, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, hiện tại, sự phục hồi chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, song các ngành hàng khác có dấu hiệu hồi phục.
Điều quan trọng là tâm lý các nhà sản xuất tốt lên thấy rõ. Chỉ số PMI tháng Sáu tăng mạnh lên 54,7 điểm, mức cao nhất trong hai năm qua. Tình hình việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng cao so với những tháng gần đây, là triển vọng tốt hơn của lĩnh vực sản xuất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ, thời gian tới, “công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng, không vùng cấm và ngoại lệ”. Ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ "đồng hành, hưởng ứng bằng trách nhiệm, trí tuệ". Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều thách thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “mong và tin tưởng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chủ động đổi mới, tái cấu trúc, nâng sức cạnh tranh, đầu tư công nghệ, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA". Điều này sẽ góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. |
Một trong những yếu tố quan trọng khác, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là tiêu dùng nội địa, theo TS. Peter Redhead, Trưởng Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) tại Diễn đàn “Đón đầu xu hướng”do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 22/8.
Không chỉ thương mại bắt đầu cất cánh, triển vọng FDI dài hạn luôn là điểm sáng, duy trì ổn định. Phần lớn vốn hướng về sản xuất, nhưng lĩnh vực bất động sản cũng đang nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm vào năm ngoái.
Kết quả này là minh chứng thực tế, với nhiều chính sách và lợi thế sẵn có, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đáng để đầu tư, được các quốc gia, tập đoàn toàn cầu tin tưởng lựa chọn. Việt Nam là địa chỉ mới trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp toàn cầu bổ sung lợi thế để các ngành kinh tế trong nước tham gia sâu, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng nhưng đến nay tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Đây chính là tiềm năng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo.
“Trong 10 năm qua (2013-2023), quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam tăng gấp đôi từ 213 tỷ USD lên 434 tỷ USD, vượt mức trung bình của khu vực và đà phát triển này được kỳ vọng tiếp tục trong những năm tới. Việt Nam mới chỉ đang ở điểm khởi đầu của quá trình tăng trưởng, còn nhiều dư địa để tiến tới. Vì vậy đừng nghĩ 10 năm tốt đẹp đã qua rồi!”, đó là quan điểm của vị chuyên gia trưởng HSC Peter Redhead.
Lấy lại vị trí số một
Trong báo cáo “Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang” phát hành tháng 7/2024, bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5%, so với 6% trước đó. Đồng thời, giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.
“Điều này đồng nghĩa Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024 - vị trí tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023”, HSBC nhận định.
Thận trọng hơn, dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 đạt khoảng 5,8% và năm 2025 là 6,5%, vượt trội hơn so với các nước trong khu vực như Philippines (6,2%) và Malaysia (4,4%).
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam (6/2024), chuyên gia Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của IMF đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, xử lý ngân hàng yếu kém và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng... IMF khẳng định, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao hơn các nước trong khu vực.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn FDI, tận dụng những cơ hội mới, khi nền kinh tế tự do hóa, với rất nhiều hiệp định thương mại (FTA); lợi thế về chi phí vận chuyển như kết nối đường biển, đường hàng không, hàng hải… Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nỗ lực bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Đặc biệt, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế gần đây đánh giá tích cực về sự quyết liệt của Đảng ta, giúp cải thiện đáng kể chỉ số tham nhũng của Việt Nam. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện về tính minh bạch và môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư dài hạn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% (so với cùng kỳ năm 2023). Trong khi đó, vốn FDI giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%. Như vậy, cả vốn đăng ký và vốn thực hiện đều tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt gần 5 tỷ USD, tăng 19,4%. |
Không thể chần chừ!
Giới doanh nghiệp dự Diễn đàn “Đón đầu xu hướng” ấn tượng với nhận định của đại diện Phú Thái Holding Group, rằng trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần “chần chừ một ngày là mất ba ngày cơ hội”. Theo đó, biết là thách thức ngày càng nhiều, nhưng chờ đợi không phải là lựa chọn tốt, mà doanh nghiệp muốn nắm bắt các cơ hội đầu tư, mở rộng, cần biết nhìn nhận yếu tố tích cực từ trong khó khăn.
Hay nói cụ thể hơn, dù nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, thách thức vẫn luôn tồn tại, thậm chí thách thức rất lớn, nhưng “Điều quan trọng là cần phải luôn hướng tới sự phát triển, tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh biến động. Thách thức không ngăn doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục tiến lên, mà đưa đến cơ hội tận dụng các xu hướng mới…”, TS. Peter Redhead lưu ý.
Trong xu hướng đó, tại cuộc gặp các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (22/8), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa kinh doanh thế giới; nói không với gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng.