📞

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, nhiều điểm sáng

Gia Thành 18:58 | 29/10/2022
Chiều 29/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Các đại biểu chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10. (Ảnh: Nhật Bắc)

Họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra cùng ngày.

Nhiều điểm sáng

Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Các cân đối lớn được bảo đảm.

Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so cùng kỳ và 10 tháng tăng 9%; 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, trong đó đã thực hiện tốt công tác phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; các nghị định về tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ các bộ, ngành tiếp tục được tập trung hoàn thiện, ban hành với tinh thần giảm đầu mối, giảm khâu trung gian. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh.

Nhiều dự án, vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý quyết liệt, giải quyết phù hợp, hiệu quả.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022 và 2023, trong đó dự báo về tăng trưởng GDP năm 2022 hầu hết ở mức từ 7,5-8,2%.

Trang Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 (đứng thứ 8 thế giới).

Còn không ít khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhận thấy, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sức ép về lạm phát, điều hành tỷ giá; hoạt động của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ chưa thật hiệu quả.

Song song với đó, việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tễ-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…

Để khắc phục những khó khăn trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành đó là: càng khó khăn, càng có nhiều thách thức thì càng phải đoàn kết thống nhất, chia sẻ với nhau.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine khoa học, kịp thời, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, góp phần để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, lương thực, năng lượng; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tăng cường quản lý, kiểm soát giá, xây dựng kịch bản điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và đời sống, nhất là các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng trong dịp cuối năm. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động các nguồn, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin: "Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn về bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19 trong môi trường học đường, thúc đẩy tiêm chủng vaccine cho học sinh, sinh viên.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tập trung vào triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Nâng cao hiệu quả quản lý báo chí; chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch; xử lý nghiêm các vi phạm".