📞

Kinh tế Việt Nam: Thời khắc mong đợi đã tới, giữ vững '3 chân kiềng kinh tế', lấy lại hào quang

Gia Thành 08:33 | 05/08/2024
Ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC viết: “Lâu rồi, nền kinh tế Việt Nam chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới”.
Việt Nam khép lại quý II/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng kinh tế vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%. (Ảnh: Việt An)

Báo cáo của HSBC có tựa đề “Lấy lại hào quang” đã chỉ rõ, trong quý II/2024, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

Việt Nam khép lại quý II/2024 bằng một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%. Cộng thêm điều chỉnh tăng nhẹ về tăng trưởng của quý I/2024, kết quả này đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm lên 6,4% so với cùng kỳ.

Bước sang tháng 7, tình hình kinh tế - xã hội vẫn duy trì được xu hướng tích cực khi một số lĩnh vực quan trọng như xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng tốt.

FDI: Không chỉ là điểm sáng của nền kinh tế

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).

Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% trong 7 tháng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%).

Song song với đó, thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút và giải ngân vốn FDI tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, thu hút FDI không chỉ là điểm sáng với riêng nội tại nền kinh tế, mà còn là điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư toàn cầu.

Cùng thời điểm, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là gần 139.500 doanh nghiệp, trong khi có 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một tháng là hơn 17.900 doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng

Nhận định về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều có niềm tin về triển vọng dài hạn tích cực.

Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng.

Đơn cử như Ngân hàng United Oversea - UOB 1 (Singapore) dự báo, tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 6%. Điều này được phản ánh qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký nửa đầu năm 2024 đạt 15,2 tỷ USD - tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Tập đoàn Standard Chartered thì nhận thấy, kinh tế Việt Nam sẽ hoạt động tốt hơn trong năm 2024 và đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 6%. Tập đoàn này cho rằng, so với hầu hết các nền kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng 6% là khá ấn tượng, gần gấp đôi tốc độ toàn cầu và cao hơn các thị trường mới nổi.

“Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu trên toàn cầu”, Standard Chartered khẳng định.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN của Ngân hàng HSBC thì nhận thấy: “Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024, nếu tình hình phục hồi tiếp tục lan rộng. Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay lên 6,5% (trước đây là 6%)”.

Theo bà, đất nước hình chữ S sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024 - một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.

Nếu có thêm các chính sách, giải pháp và sản phẩm du lịch mới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thân thiện cho khách du lịch quốc tế, giúp cải thiện doanh thu cho các ngành, dịch vụ du lịch. (Ảnh: Kim Liên)

Những động lực quan trọng

Những tín hiệu tích cực nói trên cho thấy, nền kinh tế đã phục hồi tích cực và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, loạt khó khăn vẫn đang “gõ cửa” nền kinh tế.

Trong các nhận định gần đây về kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều nhấn mạnh vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro. Áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Ngoài ra, sức mua thấp cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Trong 7 tháng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dù vẫn tăng 8,7% so với năm trước, nhưng nếu trừ đi yếu tố giá cả thì chỉ tăng 5,2% - thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm trước.

Áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp...

Dù vậy, đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 trong buổi trò chuyện mới đây với phóng viên TG&VN, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, vẫn có những động lực quan trọng.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thể duy trì đà tăng trưởng, khi một số thị trường chủ chốt giảm lãi suất điều hành và giúp thúc đẩy chi tiêu dùng, trong đó có chi cho nhập khẩu.

Đồng thời, nếu có thêm các chính sách, giải pháp và sản phẩm du lịch mới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến thân thiện cho khách du lịch quốc tế, giúp cải thiện doanh thu cho các ngành, dịch vụ du lịch.

Thêm vào đó, đầu tư công có thể giải ngân mạnh mẽ hơn, nếu quyết liệt tháo gỡ các khó khăn cho đầu tư công, chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, và tạo được sức lan tỏa tích cực từ các dự án có tính liên vùng, hoặc kết nối giữa các địa phương trong vùng.

“Ngoài ra, tiêu dùng trong nước có thể trở thành một động lực quan trọng hơn, nếu có giải pháp chính sách để thúc đẩy tiêu dùng của người dân, trong đó, có việc tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử và trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt”, bà Minh nói.

Phó Viện trưởng CIEM TS. Đặng Đức Anh cũng đánh giá cao đóng góp quan trọng của “3 chân kiềng kinh tế” là: Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2024.

TS. Đặng Đức Anh cho hay, trong nửa đầu năm, xuất khẩu đã tăng tới 14,5% so cùng kỳ 2023 (khu vực trong nước với một số mặt hàng nông - thủy sản xuất khẩu tăng tới 19%). Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc… được phục hồi, nhờ đó nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu tăng trưởng, kéo theo sản xuất công nghiệp trong nước lấy lại đà phục hồi.

Để “3 chân kiềng kinh tế” tiếp tục phục hồi và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, TS. Đặng Đức Anh nhận thấy, cần làm rõ các điểm yếu để bồi đắp cho phù hợp.

Phó Viện trưởng CIEM chỉ rõ: “Với xuất khẩu, chúng ta cần lưu ý tỷ trọng đang nghiêng về khối FDI với gần 72% trong tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm. Vì vậy, làm sao để tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là vấn đề đặt ra. Cùng với đó, chúng ta cần sớm nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh để góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Hiện nay, khu vực đầu tư công chỉ chiếm khoảng 25 - 26% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; lớn nhất là khu vực đầu tư tư nhân 58%. Do đó chúng ta cần phải có những giải pháp để thúc đẩy đầu tư tư nhân”.

Tin tưởng rằng, nhờ bước khởi đầu suôn sẻ trong tháng đầu tiên của quý III/2024 cùng sự nỗ lực của Chính phủ, người dân và cộng động doanh nghiệp, nền kinh tế những tháng cuối năm sẽ duy trì đà phục hồi tích cực và sớm “lấy lại hào quang” - như tựa đề báo cáo của Ngân hàng HSBC công bố mới đây.