Hẳn nhiều người sẽ rất tự hào và kỳ vọng là hình ảnh Việt Nam sẽ đến với khán giả khắp thế giới mà không cần đổ tiền vào bất kỳ chí phí quảng cáo khổng lồ nào.
Những cảnh sắc tuyệt đẹp của Việt Nam sẽ được nhiều người trên thế giới biết đến nhờ hiệu ứng của bộ phim. |
Chúng ta mừng vì một đạo diễn tiếng tăm ở Hollywood vì tình yêu với Việt Nam đã tình nguyện đến Việt Nam sinh sống và trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam. Chúng ta cũng vui khi nghe thấy những con số thống kê về lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh ngay sau thời gian bộ phim được trình chiếu trên khắp thế giới... Tuy nhiên, cũng nên thấy thật may là ý tưởng ghi công khỉ Kong bằng cách xây dựng tượng 3D với kích cỡ lớn bên cạnh Hồ Gươm đã không trở thành hiện thực...
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng lớn của khỉ Kong tại Việt Nam, nhưng dường như đang có sự thái quá trong quan niệm dùng hình ảnh này để quảng bá hình ảnh đất nước. Chẳng lẽ, đằng sau slogan “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”, ngành du lịch đang hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thành phim trường của thế giới?
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng thẳng thắn: “Việt Nam không phải đảo đầu lâu. Việc khai thác những yếu tố có lợi của bộ phim nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam là điều nên làm, nhưng phải đúng với những giá trị thực của nó bằng những hoạt động chuyên nghiệp của ngành du lịch”. Trong buổi họp báo công bố chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn kêu gọi: “Đừng biến Kong trở thành biểu tượng của Quảng Bình”, “đừng biến Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành đảo đầu lâu”.
Mới đây, tôi đã nghe được cuộc phỏng vấn chị Bregman Jo. Sarah - Thạc sĩ Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam - Hàn Quốc của một kênh truyền hình trong nước. Chị nói: “Không thể chấp nhận được việc người ta liên tục xây dựng hình ảnh Việt Nam như một đất nước của bom đạn và chiến tranh. Tôi nghĩ, cần phải thay đổi hình ảnh của Việt Nam dựa trên văn hóa bản địa, truyền thống và phong cách sống hàng ngày của người Việt”.
Chị Bregman cho rằng, nếu mục đích của bộ phim này là để quảng bá hình ảnh Việt Nam thì thật kỳ cục. Bởi trên thực tế, bộ phim tái tạo hình ảnh Việt Nam đã cũ và nguy hiểm, khắp nơi là lũ quái vật với những biểu tượng khiến người ta liên tưởng về cuộc chiến. Theo chị, để phát triển du lịch thì tốt nhất phải thay đổi hình dung của khách du lịch về Việt Nam theo hướng tích cực hơn.
Quan niệm của của chị Bregman cũng giống như của Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard. Mới đây, khi nói chuyện với sinh viên và giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, bà Drew Gilpin Faust nhấn mạnh: “Cần nhắn gửi khách du lịch rằng Việt Nam là đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh. Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của những xung đột mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp lịch sử sống động và triển vọng của nó”.
Tôi cũng đã xem Kong: Skull Island dù không phải ở lúc cao điểm nhất của bộ phim nhưng đủ cảm nhận được những thú vị nào đó khi nhìn thấy phong cảnh, con người Việt Nam được xuất hiện trên phim lớn của Hollywood. Tuy nhiên, liệu bộ phim này có thực sự là ý tưởng tốt để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam của ngày hôm nay?