📞
Lao động nữ chuyển mình "mở cửa" kỷ nguyên số:

Kỳ 2: Bình đẳng giới trong phân công lao động - Chìa khóa đến từ người trong cuộc

Nguyệt Anh 07:06 | 22/10/2024
Để có bình đẳng giới thực chất và tạo cơ hội cho lao động nữ phát triển bản thân vẫn còn khá nhiều việc phải làm nhưng quan trọng nhất là tác động vào nhận thức của những người trong cuộc.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định, phải tạo cơ hội và tác động vào nhận thức để lao động nữ thay đổi và tỏa sáng. (Ảnh: NVCC)

Theo ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần thiết phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ cả hai phía và phải bắt đầu từ trong gia đình. Từ đó, tạo cơ hội để lao động nữ phát triển bản thân và tỏa sáng.

Thu hẹp khoảng cách giới

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng khoảng cách về thu nhập và cơ hội nghề nghiệp giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại. Bà có kiến nghị gì để thu hẹp khoảng cách này và bảo đảm bình đẳng giới trong thị trường lao động hiện nay trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh?

Tại Việt Nam, dù thời gian qua chúng ta đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu nhưng vấn đề bình đẳng giới tồn tại không ít thách thức. Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 25 năm qua. Một trong những điểm đặc biệt của việc xoá bỏ định kiến giới ở Việt Nam là hoàn thiện khung luật pháp, chính sách bình đẳng giới.

Theo tôi, những khó khăn, thách thức trong vấn đề bình đẳng giới ở nước ta hiện nay là việc khoảng cách giới vẫn tồn tại khá lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Dù đã được cải thiện nhiều nhưng sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị còn rất hạn chế. Tỷ lệ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý rất thấp so với các vị trí lãnh đạo, quản lý nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ hằng năm.

Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội tiếp cận việc làm có thu nhập cao của nữ giới kém hơn nam giới. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ còn chưa được cải thiện nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi... Đồng thời, nhận thức về bình đẳng giới còn mơ hồ, thậm chí nhiều khi không được tiếp cận những tài liệu đúng đắn.

Trên thực tế, việc bất bình đẳng về giới vẫn tồn tại trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, biểu hiện ở từng khu vực, tùy từng lĩnh vực có khác nhau. Ví dụ, ở vùng nông thôn và một số vùng đồng bào dân tộc khó khăn, việc bất bình đẳng giới có khoảng cách lớn hơn so với các thành phố; ở ngành nghề này với khu vực ngành nghề kia có sự chênh lệch.

Trong thời gian tới, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Có thể nói, bình đẳng giới xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau và bắt nguồn từ mỗi gia đình. Chừng nào quan niệm của con người về việc sinh con trai hay sinh con gái vẫn còn đè nặng thì bất bình đẳng về giới vẫn tồn tại.

Tại các thành phố lớn, vấn đề này xuất hiện cả ở các gia đình mà bố mẹ có học thức và nhận thức cao. Việc sinh con theo ý muốn bằng cách sử dụng các phương pháp khoa học đang diễn ra khá phổ biến. Ban đầu, các biện pháp khoa học kỹ thuật này ra đời nhằm hỗ trợ sinh sản cho những người không may mắn khi chức năng sinh sản có vấn đề. Tuy vậy, chúng ta đang quá lạm dụng việc hỗ trợ sinh sản để can thiệp vào quá trình sinh con trai hay con gái theo ý muốn. Gia đình nào cũng muốn có ít nhất một con trai là tư tưởng khá phổ biến.

Ở một khía cạnh khác, trong gia đình, người chồng được coi là trụ cột gia đình, luôn được ưu tiên hơn, nhưng khi cần hy sinh sức lực, dành thời gian cho con cái lại là người vợ. Điều này diễn ra rất tự nhiên mà bản thân người phụ nữ vẫn vui vẻ chấp nhận và coi đó là thiên chức của mình.

Tiếp tục có những giải pháp tổng thể lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

Chúng ta đừng nhầm lẫn thiên chức với việc bất bình đẳng giới. Người phụ nữ có những thiên chức rất riêng như làm mẹ, duy trì mái ấm gia đình và hôn nhân hạnh phúc. Tuy vậy, không phải cứ là phụ nữ thì buộc phải hy sinh tất cả những thứ thuộc về mình cho chồng, cho con.

Có một thực tế, khi đứa con cần người đồng hành trong rất nhiều việc thì bao giờ cũng là người vợ. Chỉ khi nào xét thấy người vợ không đáp ứng được việc đó thì mới đến người chồng. Tôi đã từng đồng hành với rất nhiều mẹ đi chữa bệnh cho con, đặc biệt là đối với những bệnh phải chữa trị dài ngày như bệnh tự kỷ.

Tôi tiếp xúc với nhiều chị, khi bác sĩ yêu cầu cần một người đồng hành cùng con trong suốt quá trình chữa bệnh, người hy sinh sự nghiệp thường là người vợ. Đây cũng là biểu hiện không bình đẳng về giới nhưng không được nhìn ra. Ngay cả người trong cuộc cũng không thừa nhận mà chỉ nhìn nhận ở góc độ trách nhiệm đương nhiên của người vợ, người mẹ.

Vẫn trong bệnh viện, tôi thấy đa phần đi chăm sóc các ông chồng nằm viện là những bà vợ. Nhưng bên cạnh những người vợ nằm viện là con gái, chị em gái hoặc mẹ đẻ của họ. Hiếm hoi lắm mới có ông chồng đồng hành thì được ca ngợi hết lời như hiện tượng lạ và “của hiếm”. Đấy có phải là bất bình đẳng giới hay không? Chưa kể, tuy chúng ta yêu cầu tất cả các bộ luật được thông qua Quốc hội đều phải đánh giá tác động về giới, nhưng có một thực tế là nếu cùng tham gia thi, xét tuyển vào các cơ sở lao động, lao động nữ có ít cơ hội trúng tuyển hơn lao động nam.

Mặc dù các quy định về tuyển dụng không đề ra các tiêu chí về giới, nhưng khả năng trúng tuyển của nữ trên thực tế thường ít hơn nam, đặc biệt là lao động nữ trẻ. Vì họ kéo theo một loạt các quyền lợi khác mà công ty phải chi trả như thời gian nghỉ thai sản, thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Tất cả những điều này đều được bảo đảm trong bộ luật Lao động và các luật khác có liên quan để bảo đảm cho bà mẹ và trẻ em.

Về phía người sử dụng lao động, họ sẽ thích nhận lao động nam hơn. Đó là còn chưa kể đặc tính sinh học tự nhiên, lao động nam về sức vóc tốt hơn lao động nữ. Chính vì thế, lao động nữ vẫn bị phân biệt đối xử.

Về các cơ hội thăng tiến, phải đề ra trong cơ cấu có bao nhiêu phần trăm là nữ lãnh đạo. Đó cũng là sự thừa nhận rằng, vẫn cần nỗ lực nhiều để có bình đẳng giới thực chất. Ngay trong quan niệm của phụ nữ, nhiều khi bình đẳng giới vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ và đúng mức. Bởi vì, có những việc chính bản thân phụ nữ nghĩ rằng đó là thiên chức, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Nhiều khi, chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa bình đẳng giới với việc đấu tranh nam nữ như nhau. Bình đẳng giới có nghĩa là không bao giờ bị phân biệt đối xử vì lý do giới. Mỗi một giới có đặc điểm thể chất, tinh thần khác nhau, kể cả trong ứng xử, hành vi.

Câu chuyện bình đẳng giới, cho đến nay, vẫn còn nhiều việc cần làm, nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để tác động vào nhận thức của những người trong cuộc.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, cần thiết phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ cả hai phía. (Ảnh: NVCC)

Lao động nữ phải "chuyển mình"

Theo bà, cần có những chính sách nào để hỗ trợ phụ nữ vừa bảo đảm công việc, vừa chăm sóc gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai và các tình huống bất ngờ khác?

Hiện nay, phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình, với khối lượng những công việc không được trả lương rất lớn. Thời gian dành cho gia đình của người phụ nữ nhiều khi tương đương với thời gian dành cho xã hội. Lo toan cho chồng, cho con, trực tiếp làm việc nhà, chăm sóc bố mẹ, thậm chí đối nội đối ngoại… hầu hết đổ lên vai người phụ nữ.

Họ vừa phải lo việc gia đình, vừa phải kiếm tiền để đóng góp chung trong chi tiêu cho gia đình. Phụ nữ mặc định được coi là những người thực hiện chính nhiều công việc cho nên, áp lực đối với họ rất lớn. Cùng là lao động mà mặc nhiên bị coi đó là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của phụ nữ và buộc phải thực hiện.

Theo tôi, thứ nhất là nhận thức về việc nhà. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm vun vén cho tổ ấm, phải có sự phân công lao động rõ ràng từ trong gia đình để giải phóng người phụ nữ. Chúng ta phải tác động vào nhận thức của người chồng trong gia đình, rằng việc xây dựng tổ ấm là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Vì vậy, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ cả hai phía phải bắt đầu từ gia đình.

Thứ hai, hiện nay các chế độ để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ khá đầy đủ. Ví dụ, trong lao động, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khá đầy đủ.

Việt Nam đã có nhiều luật khác nhau liên quan đến bình đẳng giới, đặc biệt là luật phòng chống bạo lực gia đình. Nước ta cũng đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm sao thực hiện tốt nhất việc bình đẳng giới. Dù vậy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, thay đổi nhận thức và phải quyết liệt trong thực hiện, lấy nhân tố gốc là các gia đình để nỗ lực thay đổi vấn đề bình đẳng giới.

Vậy cần chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội thế nào để tạo ra cơ hội cho lao động nữ phát triển và khẳng định bản thân?

Trước tiên là vấn đề bảo hiểm xã hội. Nước ta đã rất quan tâm đến việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của nữ giới so với nam giới do những đặc thù về giới; quan tâm đến chế độ nghỉ thai sản, ốm đau cho phụ nữ, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, chế độ thai sản chưa bao phủ được cơ bản đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ do có một lực lượng lớn lao động nữ nằm ở khu vực nông thôn, khu vực lao động phi chính thức nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhân văn này. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tới nguồn nhân lực bền vững của đất nước.

Hiện tại, chính sách phúc lợi dành riêng cho phụ nữ chưa nhiều và thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên sâu cho phụ nữ, trẻ em gái. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp tổng thể lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình an sinh xã hội. Như vậy, chúng ta mới có được nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Xin cảm ơn bà!

Điều 13 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về bình đẳng giới trong lao động. Theo đó, nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm: Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong lao động, bình đẳng giới được áp dụng ở độ tuổi khi tuyển dụng, nơi làm việc, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, tiêu chuẩn và độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm khi giữ chức danh cũng phải được đối xử bình đẳng về giới. Pháp luật quy định những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong việc tuyển dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng và điều kiện vệ sinh an toàn lao động trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Căn cứ vào Điều 135 Bộ luật Lao động 2019, chính sách Nhà nước đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được quy định cụ thể như sau: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp phát huy hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Ngoài ra, Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Theo đó, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ...