📞

Ký đình chiến giai đoạn 1, Lãnh đạo Mỹ - Trung vội vàng vì sốt ruột

08:56 | 08/11/2019
TGVN. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sốt ruột ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Ký đình chiến giai đoạn 1, Lãnh đạo Mỹ - Trung vội vàng vì sốt ruột. (Nguồn: FT)

Kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung đã đổ vỡ do Chile hủy bỏ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sốt ruột ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Không thể không sốt ruột

Đối với ông Tập, cho dù thông cáo của Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 kết thúc ngày 31/10 vừa qua không có dòng nào đề cập tới tình hình khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Hội nghị Trung ương 4 không thảo luận vấn đề kinh tế, cũng như không đồng nghĩa rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc chẳng hề lưu tâm trước thực trạng của nền kinh tế.

Tờ South China Morning Post ngày 2/11 dẫn số liệu chính thức cho thấy, trong số 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Trung Quốc có tới 28 tỉnh, thành tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 3,1% trong năm nay. Thực tế này không thể không khiến dư luận lo ngại, bởi cùng thời kỳ này năm ngoái, tốc độ tăng trưởng là 7,8%.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm ở Trung Quốc cũng đang leo thang mạnh, trở thành vấn đề mang tính toàn quốc. Cơn bão dịch tả lợn châu Phi lan tới các tỉnh, thành khiến giá thịt lợn, thịt bò, thịt dê tăng mạnh. Củ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn thông qua việc đạt được thỏa thuận sơ bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ, nhập khẩu một lượng lớn thị lợn, đậu tương và các loại thực phẩm khác ở Mỹ để ngăn chặn đà tăng của vật giá, phòng ngừa những bất ổn trong xã hội.

Ngược lại, Tổng thống Mỹ Trump cũng không thể không sốt ruột đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.

Bởi cuộc điều tra luận tội Tổng thống do đảng Dân chủ phát động đã bắt đầu đi vào quỹ đạo. Những ngày gần đây, bất chấp sự ngăn cản của Nhà Trắng, nhiều nhà ngoại giao, nhân viên tình báo đương nhiệm, cũng như một số đồng nghiệp đã rời vị trí đến Quốc hội Mỹ điều trần, khiến ông Trump không khỏi bất an. Cho nên, ông chủ Nhà Trắng cần có một thỏa thuận thương mại với “thành công lớn” để chuyển hướng dư luận trong nước.

Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài gần 2 năm và kinh tế Mỹ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục phát đi cảnh báo về rủi ro của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, mỗi lần chiến tranh thương mại leo thang đều tác động tiêu cực tới các thị trường chứng khoán Mỹ. Tổng thống Trump luôn coi biểu hiện của thị trường chứng khoán là phong vũ biểu phản ánh thành tích chính trị của mình khi làm Tổng thống, mong muốn thông qua việc đình chiến thương mại có giới hạn với Trung Quốc để bơm liều thuốc trợ lực cho nền kinh tế.

Một lý do nữa là cùng với cuộc bầu cử Tổng thống tới gần, đảng Dân chủ đang tập trung để giành sự ủng hộ tại các bang nông nghiệp quan trọng như Michigan, Iowa, Ohio… Những người nông dân vốn là lực lượng cốt cán từng ủng hộ ông Trump nay lại bị thiệt hại lớn nhất, trong khi chính ông là người phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngày càng có nhiều người kêu gọi đình chiến. Bở vậy, ông Trump sốt ruột muón đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để các mặt hàng như thịt lợn, đậu tương, ngô… rộng đường sang Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Mỹ, làm lợi cho nông dân để họ không thay đổi quan điểm và sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Chủ tịch Trung Quốc sẽ đi Mỹ?

Việc ông Trump đề xuất ký thỏa thuận thương mại ở bang Iowa dường như xuất phát từ cân nhắc tranh thủ phiếu bầu. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump giành được 51% số phiếu ủng hộ ở bang Iowa. Do đó, việc Mỹ - Trung ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một ở bang Iowa, trong đó bao gồm cả nội dung Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản Mỹ, có ý nghĩa quan trọng đối với ông Trump.

Bang Iowa cũng là nơi ông Tập Cận Bình từng tới thăm khi còn là Bí thư huyện ủy và năm 2012 khi đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập cũng đã quay lại thăm nơi này. Tuy nhiên, nếu ký kết thỏa thuận thương mại ở Mỹ, dư luận Trung Quốc có thể nhìn nhận ông Tập buộc phải nhượng bộ dưới sức ép của ông Trump. Đặc biệt, nếu ký kết thỏa thuận thương mại ở bang Iowa, việc này chẳng khác nào trợ giúp ông Trump tranh cử, cho nên, vấn đề đặt ra là ông Tập có dám mạo hiểm "làm mếch lòng" đảng Dân chủ?

Khi đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã tới thăm bang Iowa, tháng 2/2012. (Nguồn: TTX)

Trung Quốc rõ ràng mong muốn ký kết thỏa thuận thương mại ngoài lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã bày tỏ mong muốn ký kết thỏa thuận thương mại ở Mỹ, cơ bản đã loại bỏ khả năng ký kết ngoài lãnh thổ Mỹ. Và khi được hỏi ông Tập có mong muốn điều đó không, ông Trump cũng cho biết rằng “ông ấy cũng mong muốn”.

Theo cá tính của ông Tập, khả năng đi thẳng tới bang Iowa để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ là không lớn. Phía Trung Quốc có thể mong muốn ông Trump sẽ sắp xếp một chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ và hai bên sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong dịp này. Bởi vì sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc năm 2017 của ông Trump, ông Tập vẫn chưa nhận được lời mời đáp lễ từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ vì một thỏa thuận nửa vời, ông Trump có phải nể mặt ông Tập đến vậy hay không, đây cũng là vấn đề lớn. Nếu Tổng thống Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc một chuyến thăm cấp nhà nước trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung như hiện nay, có thể việc này sẽ trở thành điểm yếu để đảng Dân chủ tấn công. Hơn nữa, trong thời gian ngắn, việc vội vàng tổ chức một chuyến thăm cấp nhà nước cũng không thực tế, trừ phi ông Trump đẩy lùi thời gian ký kết thỏa thuận thương mại.

Cần chỉ rõ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một dù ký kết ở đâu và ký kết khi nào đều đi ngược lại với tuyên bố của ông Trump rằng “không đạt được thỏa thuận toàn diện thì không ký còn hơn”.

Do thỏa thuận thương mại giai đoạn một không thỏa mãn yêu cầu của phía Mỹ về việc Trung Quốc phải tiến hành cải cách kết cấu như, bỏ trợ cấp ngành nghề và trợ cấp đối với doanh nghiệp nhà nước và phải có cơ chế giám sát thi hành, cho nên, nếu thỏa thuận thực chất chỉ bao gồm việc Trung Quốc mua sắm nông sản Mỹ để chiến tranh thương mại kết thúc, dư luận rốt cuộc sẽ đặt câu hỏi: Tại sao ông Trump lại phải lao tâm khổ tứ tiến hành chiến tranh thương mại với Trung Quốc đến vậy?

Sau khi Mỹ - Trung ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, liệu có còn thỏa thuận thương mại giai đoạn hai, giai đoạn ba?

(theo TTXVN, World News, SCMP)