Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV. |
Cùng với Luật Điều ước quốc tếđã được ban hành và thực thi từ năm 2016, Luật Thỏa thuận quốc tế được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, thay thế cho Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Luật đã làm rõ khái niệm “thỏa thuận quốc tế” để phân biệt với điều ước quốc tế và các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư với nước ngoài.
Luật đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức). Luật cũng đã quy định trình tự, thủ tục rút gọn để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương xây dựng Nghị định của Chính phủ về vấn đề này, trình Chính phủ ban hành để thực hiện cùng thời điểm với ngày Luật Thỏa thuận quốc tế bắt đầu có hiệu lực, đồng thời tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn trình tự ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế phục vụ nhu cầu của các cơ quan, tổ chức trong cả nước, nhất là các cơ quan, tổ chức lần đầu tiên được Luật cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế.